Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Cố ý gây thương tích cho người khác

03/03/2023
Do gia đình nhà ông B xây tường bao lấp kín miền cống thoát nước gây nên tình trạng nhập úng, nên tôi có sử dụng phần đất của nhà mình sắp tạo thành bờ chắn nước ngăn không cho nước ngập vào nhà, vì cho rằng tôi đắp đất lên tường bao nhà mình, ông b đã sang nhà tôi dùng xẻng của nhà tôi đánh tôi bị thương tích nặng, sự việc của tôi đã được công an huyện thụ lý, nhưng đã hơn nửa tháng mà tôi vẫn chưa nhận được Thông báo của cong an huyện hoặc toà án nhân dân huyện để giải quyết, luật sư tư vấn giúp tôi,tôi muốn làm đơn lên công an tỉnh có được không và nếu được thì mẫu đơn tôi nên viết như thế nào. Rất mong luật sư giúp đỡ tôi đòi lại công bằng. 
 
Vụ việc theo thông tin của bạn có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích, vì vậy bạn làm đơn trình báo gửi tới công a huyện nơi sự việc xảy ra là đúng thủ tục, công an huyện thụ lý, giải quyết là đúng thẩm quyền. Vụ việc sẽ được xem xét theo thủ tục giải quyết tin báo, tố giác tội phạm quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, có hiệu lực từ 01/1/2018.

Theo quy định của pháp luật thì thời hạn xác minh, giải quyết tin báo tố giác tội phạm là 20 ngày, vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn nhưng không quá 2 tháng. Vụ việc của gia đình bạn mới xảy ra 2 tuần nên chưa hết thời hạn giải quyết. Trong thời điểm này bạn cần chờ kết quả giải quyết của công an huyện, nếu hết thời hạn luật định mà không được giải quyết hoặc không đồng ý với kết quả giải quyết thì bạn có thể gửi đơn tới cơ quan công an cấp trên hoặc viện kiểm sát cùng cấp để được giải quyết.

Trong giai đoạn này, bạn cần làm bản tự khai, tường trình..để trình bày rõ hành vi của mình và của đối tượng đã hành hung bạn, cung cấp thông tin, chỉ ra dấu vết, vật chứng để công an thu thập, làm căn cứ giải quyết. Bạn cần tới bệnh viện để khám, điều trị.

Để có căn cứ kết luận về hậu quả thì cơ quan công an sẽ tiến hành trưng cầu giám định tỷ lệ thương tích của bạn . Căn cứ vào các thương tích trên cơ thể, giấy chứng thương và hồ sơ bệnh án thì cơ quan giám định sẽ xác định tỷ lệ thương tích của bạn. Nếu thương tích của bạn từ 11 % trở lên hoặc dưới 11% nhưng cơ quan công an xác định đối tượng đã dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho bạn thì đối tượng trên sẽ bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích. Bạn tham khảo về tội danh và hình phạt được Bộ luật hình sự quy định như sau:
 
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
 
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
 
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 02 người trở lên;
 
b) Dùng a-xít sunfuric (H2SO4) hoặc hóa chất nguy hiểm khác gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
 
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
 
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
 
đ) Phạm tội đối với 02 người trở lên;
 
e) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
 
g) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng mình, thầy giáo, cô giáo của mình;
 
h) Có tổ chức;
 
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
 
k) Phạm tội trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc;
 
l) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe do được thuê;
 
m) Có tính chất côn đồ;
 
n) Tái phạm nguy hiểm;
 
o) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
 
2. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
 
3. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 04 năm đến 07 năm.
 
4. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
 
5. Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 6 Điều này hoặc dẫn đến chết người, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
 
6. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
 
a) Làm chết 02 người trở lên;
 
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
 
c) Gây thương tích vào vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
 
7. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
 
Còn đối với thủ tục giải quyết, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định như sau:
 
Điều 146. Thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
 
1. Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 145 của Bộ luật này phải lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận; có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận.
 
Trường hợp tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gửi qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận.
 
2. Trường hợp phát hiện tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
 
Viện kiểm sát có trách nhiệm chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố kèm theo tài liệu có liên quan đã tiếp nhận cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
 
Trường hợp quy định tại điểm c khoản 3 Điều 145 của Bộ luật này thì trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát có yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đó phải chuyển hồ sơ có liên quan cho Viện kiểm sát để xem xét, giải quyết.
 
3. Công an phường, thị trấn, Đồn Công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
 
Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
 
4. Các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.
 
Trường hợp khẩn cấp thì có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho Cơ quan điều tra nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.
 
5. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận đó cho Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền.
 
Điều 147. Thời hạn, thủ tục giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
 
1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:
 
a) Quyết định khởi tố vụ án hình sự;
 
b) Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;
 
c) Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
 
2. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.
 
Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.
 
3. Khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, cơ quan có thẩm quyền có quyền tiến hành các hoạt động:
 
a) Thu thập thông tin, tài liệu, đồ vật từ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm tra, xác minh nguồn tin;
 
b) Khám nghiệm hiện trường;
 
c) Khám nghiệm tử thi;
 
d) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản.
 
4. Trình tự, thủ tục, thời hạn Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được thực hiện theo quy định tại Điều này.
Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896