Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Vụ án Nguyễn Phương Hằng: Pháp luật quy định thế nào về gia hạn tạm giam?
06/05/2023
icon-zalo

Ngày 5/5, TAND TP.HCM đã ra quyết định tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương) thêm 60 ngày để chờ ngày xét xử.

Trước đó, sau khi tiếp nhận hồ sơ từ Viện KSND cùng cấp, TAND TP.HCM đã phân công Thẩm phán Bùi Đức Nam (Toà Hình sự) thụ lý, giải quyết vụ án. Hiện TAND TP.HCM đang lên kế hoạch xét xử vụ án.

Bị can Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm bị truy tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Các đồng phạm của Nguyễn Phương Hằng, gồm: Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty CP Ðại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Ðại Nam), Đặng Anh Quân (nguyên giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM).

Như vậy, từ khi bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra vào ngày 24/3/2022, đến ngày 5/5/2023, đã gia hạn tạm giam bà Hằng 6 lần, tổng cộng 15 tháng, để tiếp tục điều tra.

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật Chính pháp cho rằng, việc tòa án cấp sơ thẩm gia hạn tạm giam với các bị can trong vụ án này thời hạn 60 ngày là phù hợp với quy định của pháp luật.

Luật sư Cường dẫn quy định của pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam cho thấy, vụ án hình sự thông thường sẽ trải qua ba giai đoạn là điều tra, truy tố và xét xử. Theo đó, cả ba giai đoạn này, ba cơ quan tố tụng là Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát và Tòa án đều có thẩm quyền quyết định tạm giam bị can để phục vụ cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Theo đó, tạm giam đuợc áp dụng đối với bị can, bị cáo trong các giai đoạn khác nhau của tố tụng hình sự. Mục đích chính của biện pháp ngăn chặn tạm giam là để ngăn chặn bị can bỏ trốn, tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội hoặc gây cản trở, khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án.

Việc tạm giam áp dụng thường xuyên, phổ biến và có nhiều hiệu quả ở giai đoạn điều tra, tuy nhiên giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử, thậm chí sau khi xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể áp dụng biện pháp tạm giam để truy tố, để xét xử và để đảm bảo thi hành án theo quy định của pháp luật.

“Pháp luật về tố tụng hình sự Việt Nam quy định rất cụ thể trường hợp nào tạm giam, trường hợp nào không áp dụng biện pháp tạm giam, quy định cụ thể về thủ tục, về thẩm quyền, về thời hạn tạm giam đối với từng loại tội khác nhau. Theo đó, thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”- luật sư Cường phân tích.

Cũng theo luật sư Cường, trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị viện kiểm sát gia hạn tạm giam.

Việc gia hạn tạm giam được quy định như sau: Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng; Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 02 tháng; Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 03 tháng; Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng.

Theo luật sư Cường, trong vụ án nêu trên bị can Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm bị truy tố về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân theo quy định tại khoản 2, Điều 331 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt là phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Đây là tội phạm nghiêm trọng theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 9 Bộ Luật hình sự nên theo các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành thì thời hạn tạm giam để điều tra sẽ không quá 05 tháng nhưng không tính thời hạn điều tra bổ sung khi viện kiểm sát hoặc tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

“Khi hồ sơ chuyển sang Viện Kiểm sát thì Bộ Luật tố tụng Hình sự cũng quy định thẩm quyền tạm giam để truy tố theo thời hạn truy tố mà Bộ Luật tố tụng Hình sự đã quy định cho viện kiểm sát. Về thẩm quyền giải quyết quyết định tạm giam được quy định đối với những người được liệt kê tại điều 113 Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2015 như sau: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự các cấp;  Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử”- luật sư Cường phân tích.

Luật sư Cường cho biết, giai đoạn chuẩn bị xét xử đối với vụ án nghiêm trọng như vụ án này thì thời hạn để xét xử cho đến khi mở phiên tòa sơ thẩm không quá 75 ngày, trong thời hạn này tòa án có quyền gia hạn tạm giam để phục vụ cho việc xét xử và đảm bảo thi hành án.

Bộ Luật tố tụng Hình sự năm 2015 quy định thời hạn tạm giam để toà án chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử quy định tại khoản 1 Điều 277 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đối với bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì Hội đồng xét xử ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa./.

 

Nguồn: https://vov.vn/phap-luat/vu-an-nguyen-phuong-hang-phap-luat-quy-dinh-the-nao-ve-gia-han-tam-giam-post1018342.vov?

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896