Công chúng hãy là “người phán xử” livestream sốc, nhảm
Công chúng, người dùng mạng xã hội (MXH) là nguồn sống chính của những buổi phát sóng trực tiếp (livestream) xoay quanh nội dung sốc, nhảm từ đời tư của người này, người kia đến chuyện dọa dẫm bóc phốt, đấu tố nhau trên MXH thời gian vừa qua. Nhưng bằng sự nghiêm khắc của mình, chính công chúng sẽ là “người phán xử”, góp phần hiệu quả dẹp “rác mạng”.
4,8 triệu lượt xem, 1,5 triệu người theo dõi trực tiếp và rất nhiều người trả tiền bằng cách tặng quà, đăng ký thành viên để được đặt câu hỏi và hy vọng nhân vật chính trong buổi livestream về tình ái, đời tư trả lời mình... Những thống kê đó khiến tôi thực sự ngạc nhiên trước sự quan tâm, tò mò của công chúng với những câu chuyện chưa rõ thực hư về tình ái, những hành vi, lối sống buông thả, thiếu chuẩn mực đạo đức xã hội, thậm chí là bới móc, đe dọa “tung bằng chứng”, đưa thông tin bí mật đời tư cá nhân lên MXH... thời gian qua.
 |
Một buổi livestream xoay quanh chuyện đời tư thu hút nhiều sự chú ý trong thời gian gần đây. Ảnh chụp màn hình
|
Người theo dõi có thêm thông tin, kiến thức, bài học bổ ích gì từ những câu chuyện này hay chỉ giúp nhân vật trong các buổi livestream ngày càng nổi tiếng và kiếm được nhiều tiền hơn? Nguy hiểm hơn, người xem đã vô tình tiếp tay, cổ xúy cho lối sống, văn hóa lệch lạc, kiếm tiền bất chấp bằng những câu chuyện mập mờ (có thể đã được dàn dựng có chủ đích để kiếm tiền từ sự hiếu kỳ của người xem), bằng việc đánh ghen, bới móc, đấu tố nhau trên MXH; trở thành mảnh đất màu mỡ để người khác trục lợi. Nó cũng tác động xấu đến tâm lý, nhận thức và hành vi của người xem khi tạo ra một “xu hướng mới” cho thấy sự tò mò, quan tâm một cách thái quá của người dùng MXH tới những bê bối, rùm beng (drama, scandal) quanh đời sống cá nhân của người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên MXH...
Trước đây, người nổi tiếng thường là những người có trình độ học thức, chuyên môn cao hay năng khiếu về một lĩnh vực nào đó, có nhiều đóng góp vượt trội trong cộng đồng và sống có chuẩn mực, đạo đức, được xã hội ghi nhận, nhiều người yêu mến. Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ, MXH, nhiều người trở nên nổi tiếng nhờ các thuật toán, thậm chí là từ những phát ngôn, hành động dung tục, phản cảm hay lối sống lệch lạc, thiếu văn hóa, không giống ai.
“Nổi tiếng” quá nhanh nhờ sự tung hô hão huyền song lại thiếu kiến thức, kỹ năng sống nền tảng cơ bản khiến các “ngôi sao MXH” có những hành vi thiếu chuẩn mực, xem nhẹ giá trị đạo đức, văn hóa của dân tộc và không ít người đã bị xử lý bằng chế tài hình sự. Nhưng để được nhiều người theo dõi, tương tác và kiếm tiền dễ dàng, nhiều streamer (người livestream) vẫn bất chấp hậu quả và sa đà vào các chiêu trò để cạnh tranh với nhau. Và thế là phong trào công kích, xúc phạm, bới móc đời tư nhau ra đời, ngày càng quyết liệt, bằng các hình thức, thủ đoạn tinh vi hơn.
Ở góc độ pháp lý, người thực hiện hoạt động livestream trên MXH phải tuân thủ các quy tắc cộng đồng và tuân thủ các quy định pháp luật, trong đó có Luật An ninh mạng. Những hành vi lợi dụng việc sử dụng MXH để đăng tải thông tin, hình ảnh, phát trực tiếp lên không gian mạng những thông tin về bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư, những thông tin không phù hợp với đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục, cổ xúy cho lối sống dâm ô, đồi trụy... là những hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Luật An ninh mạng. Tùy thuộc tính chất, mức độ, hậu quả mà người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, trường hợp hành vi được xác định là gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gây ra dư luận xã hội tiêu cực thì người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự hiện hành, hình phạt có thể đến 7 năm tù. Tuy nhiên, qua những buổi livestream ồn ào thời gian vừa qua cho thấy, nước ta hiện vẫn thiếu những công cụ quản lý người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên MXH bằng thuật toán nên vẫn có nhiều trường hợp vi phạm, tiếp tay cho hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực hiện các hoạt động gian lận thương mại gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và tác động xấu đến đạo đức lối sống, thuần phong mỹ tục. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét việc “tặng quà” trong các phiên livestream.
Nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật thì bản chất của “tặng quà” là tặng, cho tài sản trên cơ sở tự nguyện của người có tài sản và người nhận tài sản, pháp luật không hạn chế và cũng không can thiệp vào việc giao dịch trong tình huống này. Tuy nhiên, nếu số lượng quà tặng lớn thì người được hưởng quà tặng có nghĩa vụ phải kê khai nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật. Trường hợp các buổi phát trực tiếp đó đưa thông tin gian dối để người khác tin tưởng rồi chuyển tiền thì trong một số tình huống được xác định là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trước những diễn biến phức tạp của hoạt động livestream vừa qua, về lâu dài, chúng ta cần phải có những quy chuẩn, quy định, biện pháp cứng rắn từ phía các cơ quan chức năng để kịp thời chấn chỉnh các hành vi, cá nhân vi phạm; quản lý những người có sức ảnh hưởng trên MXH, phát huy mặt tích cực của họ, hạn chế những tác động tiêu cực của những người này đối với xã hội. Ở một chiều hướng khác, quan điểm, thái độ của công chúng, người dùng MXH chính là chế tài nghiêm khắc nhất nhằm “phán xử” các tổ chức, cá nhân có những chiêu trò, nội dung livestream nhảm nhí, lệch lạc.
Cần thấy rằng, người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên MXH sống nhờ vào sự ủng hộ của công chúng và vì thế, cùng với các quy định của pháp luật thì thái độ của công chúng đòi hỏi họ phải có hành xử đúng mực, trách nhiệm với xã hội. Muốn thế, người dùng MXH cần tỉnh táo để không dễ dàng bị cuốn vào chiêu trò tầm phào của người nổi tiếng; không để mình rơi vào thái cực hâm mộ, thần tượng một chiều là người nổi tiếng nói gì cũng đúng, làm gì cũng hay mà cần biết hoài nghi, phản biện, thậm chí phản đối, tẩy chay, nghiêm khắc với họ chứ không thể dễ dàng xí xóa, tha thứ cho các hành vi sai trái chỉ bằng một lời xin lỗi của họ.
Tiến sĩ, luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Nguồn: Công chúng hãy là “người phán xử” livestream sốc, nhảm