Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Vụ án Tân Hoàng Minh: Khi nào thì người bị hại được nhận lại tài sản của mình ?
20/03/2024
icon-zalo

Vụ án Tân Hoàng Minh: Khi nào thì người bị hại được nhận lại tài sản của mình ? 

Ngày 20/3, phiên xét xử 15 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan tập đoàn Tân Hoàng Minh bước sang ngày thứ hai. Tòa nghỉ sớm vào buổi sáng để các bị hại tiếp tục cập nhật, đăng ký thông tin với cán bộ tòa án.

So với hơn 1.000 bị hại đến hôm qua, tại cả hai hội trường xét xử và khu vực rạp đều đã giảm hẳn "sức nóng", chỉ còn khoảng 100 người, đa số cao tuổi.

Trình bày nguyện vọng trong phiên tòa chiều nay, các bị hại đều ghi nhận sự "tự nguyện, chân thành" của Tân Hoàng Minh khi nộp lại tiền khắc phục hậu quả của vụ án. Họ xin giảm nhẹ hình phạt cho cha con ông Dũng nói riêng và các bị cáo nói chung.

Bị cáo Đỗ Anh Dũng rời tòa sau phiên xét xử. Ảnh: Ngọc Thành

Bị hại Cao Minh Hằng nói không biết gì về đầu tư trái phiếu nhưng thấy Tân Hoàng Minh là công ty lớn, có tên tuổi nhiều năm nên cùng người nhà mua 3 hợp đồng trái phiếu, tổng trị giá 500 triệu đồng. Bà cho hay đã được trả lãi nhiều lần, đúng cam kết, "chưa chậm một ngày".

"Tôi ghi nhận tấm lòng của ông Đỗ Anh Dũng phát biểu hôm qua, ông ấy nói rằng chưa bao giờ có ý định lừa đảo. Tôi công nhận Tân Hoàng Minh sai với nhà nước, sai về luật, bây giờ phải chịu phạt, nhưng xét về tinh thần, tình cảm...", bà bị chủ tọa ngắt lời và yêu cầu trình bày ngắn gọn trọng tâm.

Tiếp lời, bị hại này cho rằng vụ án là "điều không may xảy ra". Bà mong muốn các bị cáo được khoan hồng để tiếp tục sản xuất kinh doanh thực hiện nốt cam kết với các nhà đầu tư, tức là trả lãi đầy đủ. "Tôi biết trong thời gian ngắn mà Tân Hoàng Minh khắc phục đủ số tiền đó là không đơn giản nên chỉ mong nhận hết gốc, lãi tính sau", bà nói.

Trái ngược quan điểm, một bị hại khác cho rằng số tiền Tân Hoàng Minh khắc phục và số tiền cơ quan điều tra tịch thu trong quá trình điều tra đã được nộp lại. "Tiền nộp về kho bạc suốt thời gian đó cũng sinh lãi, vậy lãi đó để làm gì?", bà hỏi với tông giọng cao và được chủ tọa nhắc nhở bình tĩnh, tiết chế.

Các bị cáo bị bắt khi bà sắp đến kỳ lấy lãi, do đó bà cùng nhiều người đồng quan điểm đề nghị được bồi thường cả lãi và gốc. Theo bà, 100-200 triệu đồng có thể không lớn, nhưng để lãi "ngày này qua tháng khác" là số tiền không nhỏ và có ý nghĩa rất lớn với nhiều người.

Theo dõi vụ án, tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng: Trong quá trình tố tụng, nếu bị cáo hoặc người thân thích của bị cáo tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cho người bị hại thì người bị hại được nhận tài sản ngay trong quá trình tố tụng. Còn trường hợp bị cáo không bồi thường trực tiếp cho người bị hại mà lại nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng thì phải chờ đến bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan thi hành án mới có quyền căn cứ vào nội dung của bản án để thi hành đối với phần dân sự trong bản án hình sự theo quy định của luật thi hành án dân sự.

Đối với vụ án Tân hoàng Minh, diễn biến phiên tòa cho thấy có rất nhiều bị hại được xác định là bị các bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đồng thời các bị cáo cũng đã nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho những người bị hại, ngoài ra cơ quan tiến hành tố tụng cũng áp dụng các biện pháp ngăn chặn để kê biên, phong tỏa các tài sản của các bị cáo và tài sản liên quan đến tội phạm. 

Theo quy định của pháp luật thì những tài sản thực hiện hành vi phạm tội, tài sản do phạm tội mà có, công cụ phương tiện phạm tội và các vật chứng của vụ án. Việc giải quyết vụ án hình sự ngoài việc quyết định tội danh và hình phạt thì tòa án còn giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật. 

Điều 89, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự được thực hiện theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau: "Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản."

Vật chứng được xử lý như sau: Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó; Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án; Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy; Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

1

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường

Như vậy, thẩm quyền xử lý vật chứng trong vụ án hình sự thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Những vật chứng phải "trả lại ngay" cho chủ sở hữu tài sản phải cho người quản lý bao gồm: "Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;", "Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;", "Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;". 

Bởi vậy, những tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng kê biên, niêm phong, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử được xác định là do phạm tội mà có hoặc những số tiền của bị cáo, của doanh nghiệp của bị cáo nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tiến hành tố tụng thì không thuộc trường hợp "phải trả lại ngay" theo quy định của pháp luật. 

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật thì đến khi bản án có hiệu lực pháp luật kết tội bị cáo thì khi đó bị cáo mới được xác định là người phạm tội, đồng thời mới có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật được ghi nhận trong bản án hình sự. 

Quá trình giải quyết vụ án hình sự thì việc đầu tiên là phải xác định bị cáo có tội hay không, hiến pháp và pháp luật quy định một người chỉ được coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án theo trình tự thủ tục luật định. Mặc dù bị cáo nhận tội nhưng khi vụ án chưa kết thúc thì bị cáo vẫn được coi là không có tội. Khi bị cáo có tội thì mới kèm theo các nghĩa vụ phải thực hiện của người bị buộc tội, trong đó có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.

Bởi vậy, quá trình giải quyết vụ án thì tòa án sẽ xác định bị cáo có tội hay không, nếu có tội thì có gây ra thiệt hại cho người bị hại hay không ? nếu có kết gây thiệt hại thì mức thiệt hại là bao nhiêu ? Trong vụ án hình sự có đồng phạm thì sẽ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của từng bị cáo đối với người bị hại như thế nào ?

Chỉ khi nào xác định được bị cáo phạm tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật, xác định bị cáo có gây thiệt hại cho người bị hại, xác định rõ phần trách nhiệm của từng bị cáo và xác định mức thiệt hại của từng người bị hại thì khi đó mới có căn cứ để thi hành bản án, buộc người phạm tội phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho các nạn nhân. 

Nếu quá trình giải quyết vụ án mà bị cáo tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả tại phiên tòa, việc nộp tiền khắc phục hậu quả là tự nguyện, số tiền là hợp pháp, việc bồi thường không trái pháp luật đạo đức xã hội thì tòa án sẽ ghi nhận vào trong bản án. Đến khi bản án có hiệu lực pháp luật thì người bị hại được quyền căn cứ vào nội dung bản án đó để yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;

Trường hợp bị cáo hoặc người thân thích của bị cáo tự nguyện trả tài sản trực tiếp cho người bị hại, có biên bản giao nhận, có xác nhận của cơ quan tổ chức, chính quyền địa phương thì có thể xuất trình tại phiên tòa để tòa án ghi nhận nội dung thỏa thuận đó và thừa nhận việc chuyển giao tài sản như vậy là hợp pháp để bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả. Còn trường hợp bị cáo không chuyển giao tài sản trực tiếp cho người bị hại mà lại nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng hoặc bị cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ thì phải chờ kết quả giải quyết vụ án hình sự, người bị hại mới được nhận lại theo thủ tục thi hành án. 

Trường hợp các bên không thỏa thuận với nhau được về bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết. Người bị hại có quyền đưa ra mức yêu cầu bồi thường thiệt hại, tuy nhiên việc chấp nhận mức yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với từng người bị hại hay không sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật trên cơ sở đánh giá chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại của từng người bị hại.

Yêu cầu tính lãi suất trong vụ án hình sự căn cứ vào đâu ?

Đối với các giao dịch dân sự, kinh tế mà được xác định là vô hiệu, có gian dối khiến cho một bên bị xử lý hình sự thì quyền và nghĩa vụ trong các giao dịch đó bị hủy bỏ, người phạm tội trong trường hợp này phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Thiệt hại của người bị hại trong vụ án hình sự có thể là số tiền đã nhận của nạn nhân và thiệt hại khác phát sinh (nếu có). Chỉ có những quan hệ dân sự hợp pháp thì quyền và nghĩa vụ của các bên mới được thực hiện theo nội dung đã thỏa thuận trước đó. Với những hợp đồng vay tài sản hoặc hợp đồng đầu tư mà hợp pháp thì lãi suất và lợi nhuận mới được pháp luật thừa nhận và bên có nghĩa vụ phải thanh toán theo thỏa thuận. 

Còn nếu thông qua hợp đồng vay tài sản hoặc hợp đồng đầu tư để một bên gian dối chiếm đoạt tài sản của bên kia thì bị cáo (người chiếm đoạt tài sản) phải chịu hình phạt và phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt, ngoài số tiền đã chiếm đoạt nếu người bị hại có căn cứ chứng minh còn có những thiệt hại khác phát sinh thì xuất trình chứng cứ để tòa án xem xét. Nếu người bị hại bị lừa do bị cáo đưa ra lãi suất cao để vay tiền, đưa ra lợi nhuận không tưởng để đầu tư thì đây là thủ đoạn gian dối, không phải là căn cứ để yêu cầu thanh toán số tiền "bánh vẽ" này, bởi những thông tin này là phương thức thủ đoạn phạm tội chứ không phải là thỏa thuận dân sự hợp pháp. 

Bồi thường thiệt hại bao nhiêu, bồi thường cho ai, trách nhiệm của từng bị cáo thế nào thì phải chờ phán quyết của hội đồng xét xử ?

Trong vụ án phức tạp như thế này, có nhiều bị hại, có nhiều bị cáo, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn thì việc xác định thiệt hại là bao nhiêu, tài sản nào là của bị cáo để có thể sử dụng bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả, tài sản nào là của doanh nghiệp. Trách nhiệm của bị cáo đến đâu, trách nhiệm của doanh nghiệp, của những người khác đến đâu, mức bồi thường cho từng người bị hại đối với từng bị cáo như thế nào ??? là vấn đề tương đối phức tạp mà tòa án phải xem xét kỹ lưỡng để quyết định trong bản án hình sự. Căn cứ và nội dung về phần dân sự trong bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật thì người bị hại mới có quyền yêu cầu thi hành án để thu hồi tài sản hợp pháp chính đáng của mình trong vụ án này.

Trong vụ án này, để bảo vệ quyền lợi của mình thì người bị hại cần xuất trình các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu bồi thường thiệt hại của mình, chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo (thủ đoạn gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản), có quyền đề xuất mức hình phạt đối với bị cáo và đề nghị về bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. 

Người bị hại có quyền tham dự phiên tòa và trình bày ý kiến của mình trong phần trình bày, phần tranh luận và khi hội đồng xét xử cho phép. Được quyền đưa ra chứng cứ tài liệu đồ vật, được quyền đối đáp theo quy định của pháp luật. 

Nếu bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị hại thì người bị hại có quyền kháng cáo để đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem lại phần dân sự có liên quan đến mình trong bản án hình sự của vụ án này. 

Khi bản án có hiệu lực pháp luật thì căn cứ vào bản án đó, người bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường thiệt hại, nếu bị cáo không bồi thường hoặc đã nộp tiền vào tài khoản tạm giữ, vào cơ quan thi hành án hoặc có tài sản được niêm phong kê biên để đảm bảo thi hành án thì người bị hại, người được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án căn cứ vào luật thi hành án để thi hành đối với phần quyền lợi của mình. Căn cứ vào bản án có hiệu lực pháp luật xác định tổng giá trị tài sản đang niêm phong, kê biên, phong tỏa, thu giữ; căn cứ vào tổng số người bị hại, tổng số tiền phải bồi thường khắc phục hậu quả thì cơ quan thi hành án sẽ tính toán để bồi thường cho ai, bồi thường cái gì, bồi thường bao nhiêu theo quy định của pháp luật về thi hành án, đảm bảo công bằng, công khai và đúng pháp luật.

Ts. Đặng Văn Cường - Giảng viên Luật hình sự,  Trường Đại học Thủy. Lợi.

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896