Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Phơi thóc lúa, rơm rạ trên đường giao thông dẫn đến tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự ?
03/10/2023
icon-zalo

Phơi thóc lúa, rơm rạ trên đường giao thông dẫn đến tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể bị xử lý hình sự ?

Mới đây, trên mạng xã hội xôn xao về clip ghi lại hình ảnh 2 em học sinh đang điều khiển xe đạp điện lưu thông trên đường. Khi đi qua khu vực phơi thóc của người dân không may bị mất lái, ngã nhào ra đường.

Lúc này, một chiếc xe máy di chuyển từ phía sau đi tới đã tông trúng khiến 2 em học sinh văng ra đường. Hậu quả 1 em bị thương nhẹ, 1 em tử vong vào sáng 2/10. 

Được biết sự việc trên xảy ra tại xã Tế Thắng (Nông Cống, Thanh Hóa). Theo lãnh đạo địa phương cho hay, khu vực 2 nữ sinh gặp nạn, người dân có phơi thóc ra ngoài, nhưng ở trong hành lang của rãnh thoát nước trên Quốc lộ 45. 

Trước thời điểm 2 nữ sinh gặp nạn, có 6 xe máy di chuyển qua đây nhưng không bị sao. Sau sự việc xảy ra, chính quyền cũng nhắc nhở người dân không phơi thóc, lúa, rơm, rạ,… ra đường.


Người dân chiếm dụng lòng, lề đường để phơi thóc gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông

Hành vi phơi nông sản trên đường giao thông diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Để làm sáng tỏ vấn đề này về khía cạnh pháp lý, phóng viên đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội:

Pv: Việc người dân phơi rơm rạ, thóc lúa trên đường giao thông đã trở thành thói quen, tập quán ở nhiều địa phương, tuy nhiên hành vi này luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, hậu quả có thể rất nghiêm trọng. Luật sư có bình luận gì đối với hiện tượng này, phải chăng những người nông dân không biết rằng hành vi này là vi phạm pháp luật ?

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Việc người nông dân phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản trên đường giao thông là thói quen, tập quán sinh hoạt có từ lâu đời. Nếu không có hoạt động tuyên truyền pháp luật tích cực, có hiệu quả thì có thể nhiều người nông dân sẽ  hành động theo thói quen không biết được hành vi của mình là vi phạm pháp luật và có thể tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông như thế nào. 


Đường thành sân phơi dị động của nhiều hộ dân

Nếu như trước đây các phương tiện giao thông chủ yếu là xe đạp, xe thô sơ di chuyển trên các đường giao thông nông thôn thì việc phơi rơm rạ, thóc lúa, nông sản trên đường giao thông không xảy ra nhiều nguy hiểm. Tuy nhiên xã hội phát triển, các đường giao thông rộng hơn, đẹp hơn, tốc độ di chuyển cho phép lớn hơn thì những hành vi phơi thóc lúa, rơm rạ, nông sản trên đường giao thông là rất nguy hiểm. 

Thực tiễn cho thấy những năm qua không ít trường hợp xe ô tô bị cuốn rơm vào gầm xe dẫn đến cháy xe, rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra với xe mô tô, xe gắn máy do bị trơn trượt trên được phơi rơm, rạ, thóc, lúa hậu quả rất thương tâm. Chính vì vậy Luật giao thông đường bộ 2008 đã quy định cấm "phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ". Hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật mà gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Phơi thóc lúa, rơm rạ trên đường giao thông: Ẩn họa nhiều nguy cơ tai nạn - Ảnh 1
 Người dân phơi thóc trên đường thị trấn Đại Nghĩa, Mỹ Đức.

Pv: Dưới góc độ pháp lý thì hành vi phơi thóc, lúa... dưới lòng đường, lề đường thì người vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào, trường hợp gây tai nạn giao thông thì trách nhiệm pháp lý hình sự có thể đặt ra hay không ?

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Luật giao thông đường bộ quy định lòng đường bộ, làn đường là nơi các phương tiện tham gia giao thông di chuyển, việc phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông sản trên lòng đường bộ là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (khi hậu quả là nghiêm trọng).

Điều 3. Luật giao thông đường bộ quy định: "6. Phần đường xe chạy là phần của đường bộ được sử dụng cho phương tiện giao thông qua lại. 

  1. Làn đường là một phần của phần đường xe chạy được chia theo chiều dọc của đường, có bề rộng đủ cho xe chạy an toàn.".

Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định nghiêm cấm các hành vi: "2. Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.

  1. Sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.".

Điểm d, khoản 2, Điều 35 luật giao thông đường bộ cũng quy định tổ chức cá nhân không được thực hiện các hành vi sau đây: Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ; Tụ tập đông người trái phép trên đường bộ;Thả rông súc vật trên đường bộ; "d) Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ;".

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi sử dụng trái phép lòng đường, lề đường, hè phố, phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành vi cản trở giao thông đường bộ, tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Phơi thóc lúa trên đường giao thông có bị xử phạt hay không?

Trường hợp hành vi lấn chiếm, sử dụng trái phép lòng đường, lề đường để phơi rơm rạ, thóc, lúa, nông sản mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, (chưa có vụ tai nạn giao thông xảy ra) thì người vi phạm sẽ bị phạt xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt có thể tới 400.000 đồng theo quy định tại Điều 12, Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể như sau:

"Điều 12. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ

1.Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này;

b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ."

Ngoài mức xử phạt vi phạm hành chính đến 400.000 đồng thì người vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm a khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: "buộc phải thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ".

Hành vi lấn chiếm lòng đường, lề đường để rơm, rạ, thóc, lúa, nông sản hoặc đặt các chướng ngại vật lên lòng đường, lề đường là hành vi cản trở giao thông được bộ. Vì vậy trong trường hợp hành vi lấn chiếm lòng đường, lề đường để phơi rơm rạ, thóc, lúa, nông sản mà gây ra hậu quả tai nạn giao thông thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cản trở giao thông được bộ theo quy định tại Điều 261 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: 

Điều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ 

1.Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;

b) Làm chết 02 người;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. 

3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4.Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.

Học sinh quay video nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp có vi phạm? - 2

Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, VPLS Chính Pháp

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì hành vi cản trở giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng mà tai nạn chết người thì người thực hiện hành vi cản trở giao thông đường bộ có thể sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. 

Trường hợp hành vi cản trở giao thông đường bộ gây ra hậu quả tai nạn giao thông làm chết từ 03 người trở lên hoặc gây thương tích tổn hại sức khỏe của ba người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 201 % trở lên hoặc gây thiệt hại tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Bởi vậy, trong vụ việc nêu trên cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ số thóc phơi ngoài đường kia là của ai, nhận thức của người này về hành vi sử dụng trái phép lòng đường bộ như thế nào, đánh giá nguyên nhân vụ tai nạn để xác định nguyên nhân sự việc, đánh giá hậu quả của vụ tai nạn để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Rất có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra về tội cản trở giao thông được bộ nhằm xử lý đối với người vi phạm theo Điều 261 bộ luật hình sự nêu trên. 

Trong vụ việc nêu trên, hai nữ sinh bị ngã ra đường và chiếc xe máy cán qua nhưng rất có thể người điều khiển chiếc xe máy này đã bị động, bị bất ngờ trong tình huống này. Bởi vậy nếu trong trường hợp người điều khiển chiếc xe máy này đi đúng tốc độ, đúng phần đường và việc hai nữ sinh ngã ra là sự kiện bất ngờ thì người điều khiển chiếc xe máy này "vô can", họ không phải chịu trách nhiệm pháp lý hình sự. 

Trường hợp người đi xe mô tô đi quá tốc độ cho phép, không làm chủ tốc độ, thiếu chú ý quan sát dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng thì người này mới phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 bộ luật hình sự.


Việc tuốt lúa, phơi rơm rạ trên các tuyến đường không chỉ gây cản trở giao thông, mất ATGT mà tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Pháp luật quy định người không có lỗi nhưng sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác vẫn có thể phải bồi thường thiệt hại dân sự, bởi vậy trong trường hợp này trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự của người điều khiển xe mô tô có thể được đặt ra (có thể sẽ phải bồi thường một phần đối với thiệt hại của các nạn nhân). 

Còn người phơi thóc dưới lòng đường sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về hành vi cản trở giao thông đường bộ, trong đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại đối với các nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền bồi thường tổn thất về tinh thần, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút của nạn nhân. Đối với nạn nhân tử vong thì còn phải bồi thường tiền chi phí mai táng và tiền cấp dưỡng đối với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật. 

Đã có nhiều tai nạn xảy ra khi người tham gia giao thông đi qua những con đường bị bà con nông dân chiếm

Thời gian gần đây liên tục các vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi người dân phơi rơm rạ, thóc lúa trên đường bộ. Bởi vậy ngoài việc tích cực vận động tuyên truyền để người dân không thực hiện hành vi nguy hiểm, cản trở giao thông đường bộ thì cũng cần phải xử lý các trường hợp vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. 

Pv: Về nguyên tắc thì người cản trở giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, vậy chính quyền địa phương nơi để xảy ra sự việc có phải chịu trách nhiệm pháp lý gì hay không?

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Về nguyên tắc thì người nào thực hiện hành vi vi phạm của pháp luật, có lỗi, gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự và phải bồi thường thiệt hại dân sự theo quy định pháp luật. Bởi vậy, với những người thực hiện hành vi cản trở giao thông đường bộ, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

Đối với chính quyền địa phương thì trách nhiệm chung của chính quyền địa phương là quản lý hành chính, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Bởi vậy chính quyền địa phương có trách nhiệm trong việc tuyên truyền vận động để người dân hiểu biết, tuân thủ, chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ. Trường hợp phát hiện ra hành vi lấn chiếm lòng đường, lề đường, hè phố, cản trở giao thông đường bộ thì lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có trách nhiệm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. 

Ngoài ra, người phơi rơm, lúa ra đường còn bị buộc phải thu dọn các vật cản, thu dọn những vật liệu, đồ vật chiếm dụng mặt đường và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Trường hợp địa phương buông lỏng quản lý, để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật, lấn chiếm lòng đường, lề đường, cản trở giao thông đường bộ mà không kịp thời nhắc nhở, xử lý vi phạm dẫn đến những vụ tai nạn giao thông xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng phải xem xét trách nhiệm của lực lượng chức năng, của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trong đó cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, có thể xem xét xử lý kỷ luật, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và uy tín của cán bộ lãnh đạo địa phương khi để xảy ra vụ việc. Nếu hành vi là thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng thì người có chức trách nhiệm vụ nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ được giao gây ra hậu quả tai nạn giao thông nghiêm trọng thì người có chức vụ quyền hạn này cũng có thể bị xem xét xử lý hình sự theo điều 360 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. 

"Điều 360. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

1.Người nào có chức vụ, quyền hạn vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều 179, 308 và 376 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng...".

 

Pv: Với những vụ tai nạn giao thông thương tâm do người dân phơi thóc lúa, nông sản trên lòng đường như vậy thì theo Luật sư để giảm thiểu những vụ tai nạn như thế này thì chúng ta cần phải có biện pháp như thế nào ?

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Do thói quen sinh hoạt, tập quán sản xuất nông nghiệp nên nhiều người dân vẫn có thói quen phơi rơm rạ, thóc lúa, nông sản trên đường giao thông. Trong bối cảnh xã hội hiện nay thì hành vi này là rất nguy hiểm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây mất an toàn khi các phương tiện cơ giới tham gia giao thông. Bởi vậy, đã đến lúc cần tích cực thực hiện các giải pháp tuyên truyền pháp luật và áp dụng mạnh tay các biện pháp hành chính để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, làm thay đổi thói quen của người nông dân đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp sao cho đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Thực tiễn cho thấy ở nơi nào chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính thì những hành vi lấn chiếm lòng đường, lề đường ít khi xảy ra. Còn ở nơi nào chính quyền buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không kịp thời nhắc nhở chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm thì ở đó hiện tượng vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ, Trong đó có hành vi sử dụng trái phép lòng đường, lề đường để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp diễn ra phổ biến. 

Bởi vậy để giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thì việc đầu tiên là cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi phơi nông sản trên lòng đường, lề đường. Kiên quyết xử lý vi phạm bằng các biện pháp hành chính, chế tài hành chính đối với các trường hợp vi phạm để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Trường hợp cơ quan chức năng phát hiện trường hợp vi phạm mà không xử lý kịp thời thì cần truy trách nhiệm người đứng đầu, nếu để tai nạn giao thông xảy ra thì không chỉ xử lý đối với người dân lấn chiếm lòng đường, lề đường mà còn phải xử lý đối với các cán bộ có thẩm quyền trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông ở địa phương, xử lý người đứng đầu địa phương để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, để nâng cao ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông, lập lại trật tự an toàn giao thông ở từng địa phương. 

Xin cảm ơn Luật sư

_____________________________________

Ts. Ls. Đặng Văn Cường

Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.

Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.

Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407

Website: https://luatchinhphap.com/

 

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896