Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Cán bộ nhận quà rồi vướng vào vòng lao lý: Biến tướng của những nét văn hóa truyền thống, mặt trái của cơ chế thị trường hay tha hóa đạo đức cán bộ ?
06/10/2024
icon-zalo

Cán bộ nhận quà rồi vướng vào vòng lao lý: Biến tướng của những nét văn hóa truyền thống, mặt trái của cơ chế thị trường hay tha hóa đạo đức cán bộ ?

Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua cho thấy rất nhiều cán bộ, đảng viên, những người giữ chức vụ lãnh đạo bị xử lý hình sự thì đa số bị áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần, phạm tội có tổ chức, có sự cấu kết giữa quan chức và doanh nghiệp. Điều đáng chú ý là tình tiết trong các vụ án hình sự cho thấy không ít những trường hợp cán bộ nhận quà từ năm này qua năm khác, lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình cấu kết với các cá nhân, doanh nghiệp để trục lợi, gây thất thoát tài sản của nhà nước, thành các nhóm lợi ích gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trước thực trạng này, dư luận đặt ra câu hỏi vì sao những người có chức vụ quyền hạn, có học hành, hiểu biết mà lại cố tình vi phạm pháp luật, chẳng lẽ họ không sợ chế tài của pháp luật hay còn nguyên nhân nào khác khiến nhiều cán bộ vướng vào vòng lao lý ?

Luật sư: Phạt đến 10 triệu đồng nếu chủ nhà trọ thu tiền điện giá cao

Ts - Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp Hà Nội).

Đánh giá về vấn đề này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, giảng viên Luật hình sự Trường Đại học Thuỷ Lợi cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cán bộ “ngã ngựa”, vướng vào vòng lao lý, trong đó có thể kể đến chất lượng cán bộ, công tác quản lý cán bộ, cơ chế quản lý kinh tế, những cám dỗ của cuộc sống và mặt trái của cơ chế thị trường... Những vụ án kinh tế tham nhũng gần đây cho thấy rất nhiều cán bộ tham ô, nhận hối lộ, chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Nhiều người ở trong lâu đài, biệt thự, đi xe sang, sở hữu hàng chục lô đất có giá trị cao, tài sản mà họ nắm giữ vô cùng lớn nhưng họ vẫn tiếp tục tham ô, nhận hối lộ nên cũng không thể nói rằng cán bộ vì nghèo khó, vì lương thấp mà tham nhũng, vi phạm pháp luật. Phần lớn các bị cáo đều là người có thành tích xuất sắc trong quá trình học tập, công tác, lý lịch gia đình rất cơ bản, thậm chí lý lịch tốt điều kiện cuộc sống giàu có, khá giả nhưng vẫn sa ngã, vi phạm pháp luật. Nhiều người vì thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội tham nhũng mà đánh đổi cả tương lai, sự nghiệp, danh dự hạnh phúc gia đình… khi bị phát hiện, bị xử lý mời ăn năn hối lỗi. Vậy, nguyên nhân nào khiến cho nhiều cán bộ giữ chức vụ quản lý sa ngã, vướng vào vòng lao lý là vấn đề mà nhiều nhà khoa học pháp lý trăn trở.

img

Năm 2022 nhiều đại án kinh tế, tham nhũng đã được phanh phui khiến dư luận rúng động


Qua nghiên cứu về tình hình tội phạm tham nhũng và chức vụ, qua các số liệu, các vụ việc trong Báo cáo tổng kết về đấu tranh phòng chống tham nhũng những năm qua của các cơ quan tiến hành tố tụng trước Quốc hội hàng năm, chúng tôi thấy rằng kết quả đấu tranh với loại tội phạm này đã phơi bày những góc khuất, mặt trái của xã hội, của cơ chế thị trường và những lỗ hổng trong công tác cán bộ. Thời gian qua trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, cơ quan chức năng phát hiện rất nhiều cán bộ, người có chức vụ quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để tham nhũng, tiêu cực, vun vén cho lợi ích cá nhân dẫn đến bản thân vướng vào vòng lao lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội... mỗi vụ án lại có thể có những động cơ khác nhau, nguyên nhân điều kiện phạm tội khác nhau, phương thức thủ đoạn phạm tội khác nhau tuy nhiên đều có những “mẫu số chung” đó là sự sa ngã, suy thoái, cám dỗ và lợi ích nhóm nên họ đã bất chấp pháp luật, đến khi bị phát hiện mới thấy ân hận, hối lỗi.

Qua tổng kết thực tiễn kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, qua những tình tiết trong những vụ án kinh tế và tham nhũng thời gian qua cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ sa ngã, vướng vào vòng lao lý, trong đó có thể kể đến như: Sự suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống của một số cán bộ; Do sự tác động mặt trái của cơ chế thị trường; những nét văn hóa truyền thống bị biến tướng; công tác cán bộ còn có những điểm chưa hợp lý... 

Vụ tố cáo cú lừa thế kỷ: Luật sư phân tích hai tình huống - 1

Ts. Luật sư Đặng Văn Cường. (Ảnh: Hải Nam)


1. Nguyên nhân từ suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một số cán bộ

Khi đã là công chức nhà nước, đặc biệt là khi được giao những chức vụ quyền hạn trong bộ máy nhà nước để phục vụ nhà nước thì những việc cán bộ này phải vì nước quên thân, vì dân phục vụ, cần, kiệm, liêm, chính, tận tụy với công việc, trong sạch, liêm khiết để phục vụ nhân dân. Phần lớn những người có chức vụ quyền hạn, đặc biệt là giữ các chức vụ cao, chủ chốt thì đều là cán bộ, đảng viên. Những người này ngoài đạo đức công vụ thì còn bị trói buộc bởi những quy định của điều lệ của đảng, đạo đức của người đảng viên. Chính vì vậy việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức lối sống, phấn đấu vì lý tưởng cách mạng, hy sinh về sự nghiệp đổi mới của đất nước là điều phải luôn canh cánh trong lòng. Những cán bộ lãnh đạo có chức vụ cao thường ở trình độ cao cấp lý luận chính trị, được rèn luyện, trải nghiệm qua nhiều cương vị công tác, được sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân và cán bộ nhân viên cùng cơ quan đơn vị, phải nói rằng họ là những con người tiêu biểu. Rất nhiều người được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý, nhiều huân chương, bằng khen, giấy khen và rất tiêu biểu cho đến khi bị khởi tố... Có những người “ngã ngựa” khiến dư luận hết sức bàng hoàng, cũng có những người đã được dự báo từ trước. Điều này cho thấy, bản thân các bị can bị cáo trong các vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng là những người có năng lực, có phẩm chất nhưng trong quá trình công tác đã thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức, không làm chủ được bản thân trước những cám dỗ của lợi ích vật chất. Khi đã có chức, có quyền thì suy thoái về tư tưởng đạo đức, tha hóa, lợi dụng chức vụ quyền hạn để vun vén cho lợi ích cá nhân. Chính vì thế mà nhiều cán bộ khi bị khởi tố, khi khám nhà, kê biên tài sản thì phát hiện ra có rất nhiều tài sản, tài sản giá trị đặc biệt lớn mà nhiều người cả đời công chức cũng không dám mơ tới...

Số cán bộ cao cấp, thậm chí là ủy viên trung ương, các cán bộ giữ các chức vụ lãnh đạo ở các tỉnh, địa phương (chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, bí thư huyện uỷ) rồi có cả không ít các bộ trưởng... bị xử lý hình sự trong thời gian qua không ít, đó là điều rất đáng tiếc, đáng buồn nhưng qua những vụ việc này cũng cho thấy để vượt qua được những cám dỗ vật chất, để làm chủ bản thân, giữ vững chí khí của người chiến sĩ cộng sản, để kiểm soát được quyền lực thì đó là những điều không hề đơn giản, không chỉ dựa vào cơ chế, vào công tác quản lý mà bản thân mỗi cán bộ đều phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, phải cố gắng giữ mình trước những cám dỗ của cuộc đời. 

Khi được trao quyền lực nhà nước, khi có những chức vụ thì những cán bộ đó phải đối mặt với những cám dỗ rất lớn, chỉ cần một cái tặc lưỡi, những suy nghĩ thiên lệch, không về nước, không vì dân, không vì lợi ích chung của cộng đồng là có thể gây hại cho đất nước cho xã hội và cũng có thể sẽ mang lại cho bản thân những lợi ích rất lớn. Bởi vậy nếu không có đủ đạo đức, nhân cách, không đủ phẩm chất năng lực thì rất dễ bị tha hóa, suy thoái, bị cám dỗ bởi những lợi ích vật chất trước mắt. 

Những người có chức vụ quyền hạn phạm tội do suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống thường là những người bị những “viên đạn bọc đường” đánh gục khi lợi ích quá lớn mà đạo đức thì ở mức độ. Ngoài ra, cũng có những cán bộ không đủ năng lực phẩm chất mà lại được giữ vị trí cao, thăng quan tiến chức từ những thủ đoạn nên dẫn đến ảo tưởng vào sức mạnh quyền lực, nghĩ mình là vùng cấm, là ngoại lệ, không ai đụng đến mình hoặc chủ quan cho rằng mình có nhiều vây cánh, bè phái và tinh vi đến mức có thể che giấu được hành vi phạm tội. Những vụ án tham nhũng kinh tế lớn trong thời gian qua như vụ án chuyến bay giải cứu, vụ án Việt Á, vụ án xảy ra tại tập đoàn AIC, vụ án liên quan đến lĩnh vực đăng kiểm, đấu thầu giáo dục, đấu thầu y tế … cho thấy những mặt trái, tiêu cực của xã hội đã diễn ra trong hầu hết các ngành, lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương gây nhức nhối trong xã hội nhiều năm qua. Phần lớn các vụ án tham nhũng kinh tế đều là những vụ án phạm tội có tổ chức, phạm tội nhiều lần, tính chất đặc biệt nghiêm trọng, với nhiều bị cáo tham gia, có sự cấu kết giữa các doanh nghiệp với quan chức nhà nước trở thành các nhóm lợi ích xâu xé, đục khoét ngân sách nhà nước.

10 vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng năm 2022
Những lãnh đạo, cán bộ bị kỷ luật trong vụ án Việt Á


2. Tác động của mặt trái cơ chế thị trường

Ở Việt Nam đang thực hiện đổi mới nền kinh tế, xây dựng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nên đã xuất hiện những mặt trái của cơ chế thị trường tác động vào đời sống xã hội, trong đó tác động vào mối quan hệ hành chính, kinh tế. 

Trong cơ chế thị trường thì có những cạnh tranh tự do, có những cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh. Không ít những “gian thương” vì muốn lợi ích cá nhân, muốn thu được lợi nhuận lớn (trong khi năng lực có hạn) mà sẵn sàng bỏ tiền của ra để mua chuộc quan chức, cạnh tranh không lành mạnh đối với các đối thủ cùng lĩnh vực tạo ra những cám dỗ trong cuộc sống, khiến nhiều quan chức ngã ngựa về những món quà đắt giá, những phi vụ ngã ngã giá với số tiền đặc biệt lớn... Thời gian qua, những vụ án tham nhũng kinh tế lớn đều có công thức chung là khi khởi tố bắt giữ một số “doanh nhân” của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn thì lại kéo theo một vài quan chức ngã ngựa bị khởi tố và ngược lại khi xử lý các quan chức thì lại lộ ra những “sân sau” là các doanh nghiệp cũng bị xử lý theo. Kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng thời gian qua đã chứng minh một điều rằng lợi ích nhóm là có thật, sân sau là có thật và có sự cấu kết giữa người kinh doanh với quan chức để anh chia lợi ích, làm xói mòn niềm tin của người dân đối với chính quyền, chia chác lợi ích của nhà nước là có thật.

Trong cơ chế thị trường thì có các chiến lược kinh doanh, có những khái niệm về hoa hồng, phần trăm, chiết khấu. Những khái niệm này ở nhiều quốc gia là công khai, là chiến thuật, các hoạt động quảng cáo, giảm giá, khuyến mại để bán hàng cho hiệu quả. Tuy nhiên, những kiểu chiết khấu, phần trăm, hoa hồng đã biến tướng trở thành các cuộc thỏa thuận ăn chia trong các dự án. Các dự án về xây lắp, về đầu tư, mua sắm rất dễ xảy ra tình trạng bắt tay giữa quan chức và doanh nghiệp để cho doanh nghiệp thắng thầu, nâng khống giá trị gói thầu để ăn chia. Thời gian qua hàng loạt các dự án về hạ tầng giao thông, về xây dựng đã bị cơ quan chức năng phát hiện có việc thông thầu, bán thầu, đưa nhận hối lộ khiến cho những dự án rơi vào tay những nhà thầu không đủ năng lực, dẫn đến đội vốn, chậm tiến độ, không đảm bảo chất lượng và thất thoát tài sản nhà nước, có sự phân chia giữa chủ đầu tư và nhà thầu...; Đặc biệt là trong hai lĩnh vực được coi là trong sạch nhất trong xã hội đó là y tế và giáo dục thì thời gian qua cơ quan điều tra khởi tố hàng loạt các vụ án vi phạm về đấu thầu trong quá trình mua sắm thiết bị y tế, mua sắm thiết bị giáo dục dạy học... Các vụ án vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, y tế khi thực hiện việc mua sắm tài sản công là các thiết bị y tế, vật tư y tế, thiết bị giáo dục xảy ra ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước, rất nhiều cán bộ trong lĩnh vực giáo dục và y tế cũng như các doanh nghiệp sân sau bị khởi tố, xử lý hình sự. 

Những cơ chế thị trường về chiết khấu, giảm giá, phần trăm hoa hồng và hoạt động tổ chức đấu thầu đã bị biến tướng trở thành cơ chế giữa quan chức và các doanh nghiệp sân sau, tạo thành những nhóm lợi ích bòn rút tài sản nhà nước, gây thất thoát ngân sách, ảnh hưởng đến chất lượng tài sản mua sắm, chất lượng công trình và gây mất niềm tin của người dân đối với chính quyền. Các vụ Án hình sự khởi tố hàng loạt các vụ án về đấu thầu trong khắp các lĩnh vực thời gian qua cho thấy cơ chế thị trường đã len lỏi vào cơ chế quản lý nhà nước, và mối quan hệ hành chính kinh tế dẫn đến nhiều tiêu cực xảy ra.

10 vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng năm 2022
Các bị can (từ trái sang): Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân, Nguyễn Phương Hồng, Hồ Bửu Phương


3. Những nét văn hóa truyền thống bị biến tướng

Một trong những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam là ăn quả nhớ kẻ trồng cây, văn hóa tặng quà những ngày lễ, tết thể hiện sự tri ân những người thân, những người đã giúp đỡ mình trong cuộc sống. Tuy nhiên, văn hóa này đã biến tướng thành “văn hóa phong bì”, và “cơ chế xin cho”. Vụ án chuyến bay giải cứu là điển hình cho việc đấu tranh xóa bỏ cơ chế xin cho vào văn hóa phong bì. 

Ở trong nhiều năm qua không ít những trường hợp cấp dưới tặng quà cấp trên, doanh nghiệp tặng quà cán bộ quan chức trong lĩnh vực quản lý của mình vào những dịp lễ, tết, những dịp kỷ niệm cá nhân để mong có được tình cảm, có được sự kết nối, tạo ra mối quan hệ ràng buộc, sân sau để chia chác lợi ích trong các dự án.

Những món quà không chỉ là túi bánh phải gói kẹo, giỏ trái cây mà đó là những thùng xốp đô la, cặp tiền, những bất động sản giá trị lớn rồi đủ những thứ quà xa xỉ đắt tiền ... khi cán bộ đã lỡ nhận những món quà có giá trị lớn trở thành há miệng mắc quai. Khi cấp dưới, doanh nghiệp, những người đã tặng quà đó đưa ra những yêu cầu nhờ vả thì vì đã vụ lợi, đã nhận quà rồi nên tặc lưỡi làm sai, làm điều để mang lại lợi ích cho người tặng quà gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, lợi ích của tổ chức cá nhân nên đã phạm vào tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Thậm chí việc tặng quà theo truyền thống tốt đẹp đó đã biến tướng thành đưa nhận hối lộ. Người tặng quà đặt vấn đề luôn là muốn giúp đỡ việc này việc kia và được người có chức vụ quyền hạn đồng ý thế là món quà đó trở thành vật ngang giá để mua bán quyền lực nhà nước, biến những người có chức vụ quyền hạn trở thành công cụ, tay sai cho nhóm lợi ích làm giàu và những người có chức vụ quyền hạn này cũng bị tha hóa, biến quyền lực thành công cụ làm giàu bất chính. Khi các doanh nghiệp bắt tay với các quan chức để trở thành các nhóm lợi ích thì rất nguy hiểm cho xã hội, sẽ tạo ra môi trường kinh doanh méo mó, sự cạnh tranh không lành mạnh và tài sản nhà nước rất dễ bị thất thoát, trở thành những cơ hội, những món hàng để các nhóm lợi ích này chia chác, chiếm đoạt.

Chính vì những hoạt động tặng quà biến tướng nên đảng và nhà nước đã có quy định về nghiêm cấm cán bộ đảng viên nhận quà của cấp dưới, nhận quà của các doanh nghiệp cá nhân trong phạm vi phụ trách của mình. Luật phòng chống tham nhũng và các quy định của đảng đã có những quy định này và có chế tài về hành vi nhận quà trái quy định, về góc độ đảng và chính quyền thì sẽ bị xử lý kỷ luật nếu nhận quà trái quy định. Trường hợp nhận quà mà làm trái công vụ gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 bộ luật hình sự. Còn hành vi nhận quà mà có sự thỏa thuận, đổi chác về việc thực hiện công việc theo yêu cầu của người tặng quà thì sẽ xử lý về tội đưa hối lộ theo điều 364 và tội nhận hối lộ theo điều 354 bộ luật hình sự. 
 

10 vụ án trọng điểm trong năm 2022, điển hình vụ Việt Á - Ảnh 1.

Các bị can trong vụ Việt Á - Ảnh: Bộ Công an cung cấp


Mặc dù quy định của đảng, pháp luật của nhà nước đã có những quy định về kiểm soát biến tướng trong việc tặng quà, biến những phong tục tập quán tốt đẹp trở thành phương thức thủ đoạn thực hiện hành vi đưa nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn. Tuy nhiên, hiện tượng đưa nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn vẫn diễn ra trong đời sống, không ít những trường hợp sau khi phát hiện ra mới thấy hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật đã diễn ra trong nhiều năm, số tiền lợi ích kiếm được từ hành vi bất chính là đặc biệt lớn.

Thậm chí nhiều người biết rõ là khi vào công chức nhà nước mức lương rất thấp nhưng vẫn bằng mọi cách để được vào nhà nước, để được thăng quan tiến chức để hy vọng sẽ được hưởng “bổng lộc”, mong muốn được tặng quà, nhận quà như là một lẽ hiển nhiên. Nhiều người nhận thức lịch lạc cho rằng mình đáng được hưởng những giá trị lợi ích đó và mục tiêu giữ chức vụ quyền hạn là hướng đến những lợi lộc đó rồi đánh mất mình, ảnh hưởng đến uy tín của đảng và nhà nước và phải trả giá trước pháp luật.

 

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Ảnh - NVCC)
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Ảnh -


4. Công tác cán bộ vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập

Thời gian qua rất nhiều cán bộ ở nhiều cấp chính quyền vi phạm pháp luật, nhiều người trước đó là những tấm gương điển hình, đạt nhiều thành tích, tuy nhiên khi bị khởi tố mới thấy những người này đã có những bè phái, nhóm lợi ích và thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật rất tinh vi, phạm tội nhiều lần, có tổ chức, gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của nhà nước. 

Kết quả thanh tra, kiểm tra của ủy ban kiểm tra trung ương, của ủy ban kiểm tra các cấp và của các cơ quan điều tra cho thấy vẫn còn hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy việc, không ít các cán bộ không đủ năng lực phẩm chất nhưng vẫn được đề bạt, bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng, giữ chức vụ cao, từ đó thực hiện các hành vi tham nhũng.

Qua phản ánh của báo chí dư luận cho thấy không ít những trường hợp cả họ làm quan diễn ra ở nhiều địa phương khiến dư luận xã hội bức xúc. Nhiều trường hợp cán bộ trẻ tuổi giữ những chức vụ quan trọng ở địa phương là con em các cán bộ lãnh đạo ở địa phương này. Tuy nhiên khi cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, điều tra thì phát hiện ra rất nhiều sai phạm về công tác cán bộ, nhiều cán bộ không đủ năng lực phẩm chất đạo đức, không đủ trình độ mà được giao giữ những trọng trách to lớn dẫn đến gây thiệt hại đến tài sản nhà nước hoặc biến những vị trí của mình thành công cụ để vun vén cho lợi ích gia đình, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ lâu dài, rất cam go của đảng và nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Để đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực có hiệu quả thì vấn đề tổng kết thực tiễn, tìm ra những nguyên nhân điều kiện này xinh các hiện tượng tham nhũng là rất quan trọng. Theo quan điểm của triết học thì trong mối quan hệ "nhân - quả", muốn kiểm soát được kết quả thì phải phát hiện và kiểm soát từ nguyên nhân. Khi tìm được nguyên nhân xuất hiện hành vi tham nhũng, điều kiện để tham nhũng tồn tại thì phải có những giải pháp khoa học phải tích cực hiệu quả thì mới kiểm soát được tình hình tham nhũng. Đấu tranh với phòng chống tham nhũng tội phạm về tham nhũng và chức vụ thì phải bắt đầu từ vấn đề công tác cán bộ, cơ chế quản lý kinh tế, chế độ tiền lương và vấn đề giám sát xã hội. Phải làm sao cho người có chức vụ quyền hạn không muốn tham nhũng, không cần tham nhũng, không thể tham nhũng và không tham tham nhũng thì tình hình tội phạm về tham nhũng mới được kiểm soát một cách triệt để.

Hiện nay chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường cơ chế giám sát, quản lý trong xã hội, đồng thời cải cách tiền lương và làm tốt công tác cán bộ. Khi đã giải quyết được vấn đề về công tác cán bộ, về trước cơ chế quản lý, về chế độ tiền lương, về đạo đức công vụ, cơ chế kiểm soát quyền lực thì việc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ có những hiệu quả tích cực hơn.

——————————————————
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Điện thoại: 0977999896

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896