Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Nghề luật sư đòi hỏi phải có Tài, có Tâm và phải đam mê, khát vọng cống hiến thì mới có thể thành công...
06/10/2024
icon-zalo





Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945-10/10/2024), phóng viên báo VTCnew đã có cuộc phỏng vấn đối với Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội: 

 

Theo TS. LS Đặng Văn Cường, nghề luật sư (LS) cũng giống như nghề bác sĩ, thực hiện sứ mệnh “khám bệnh pháp lý”.

Pv: Trước đây, anh lựa chọn học ngành luật vì những đam mê gì? Trong việc định hướng theo nghề sau khi ra trường, anh từng gặp những khó khăn, thuận lợi ra sao?

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Tuổi trẻ luôn sống với nhiều khát vọng, với nhiều ước mơ, hoài bão, có lẽ vì thế mà những trải nghiệm cuộc sống đã khiến tôi sống có quy tắc, có kỷ luật, ý thức tuân thủ và ngày càng trưởng thành hơn và cuối cùng là "bén duyên", gắn bó với ngành luật, với nghề luật sư và công tác giảng dạy pháp luật.

Sinh ra khi đất nước vẫn còn chiến tranh biên giới phía Bắc, hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ, người giáo viên Nhân dân và những hình ảnh đẹp, gần gũi, sáng ngời lý tưởng, đó là những ấn tượng mạnh trong tâm trí tôi và các bạn bè cùng trang lứa suốt một thời thơ ấu. Thời khi đó không có mạng internet, thậm chí chưa có TV, thông tin trong xã hội rất hạn chế, nhiều người không biết luật sư là nghề gì. Thêm vào đó là văn hóa làng xã, hành xử duy tình. Bởi vậy, ước mơ của tôi khi còn nhỏ không phải là trở thành luật sư mà là ước mơ trở thành người chiến sĩ hoặc thành giáo viên tiếp bước thế hệ thầy cô, cha ông để bảo vệ, xây dựng quê hương chứ chưa có khái niệm gì về nghề luật sư. 

Sắc lệnh số 46 ngày 10/10/1945 của chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành là văn bản pháp lý đầu tiên của chế độ mới ghi nhận quyền hành nghề luật sư ở Việt Nam. Tuy nhiên, những năm tháng chiến tranh, cả xã hội tập trung nguồn lực cho chiến tranh, giải phóng dân tộc nên nghề luật sư gần như không phát triển, số lượng luật sư ở Việt Nam rất ít và các hoạt động nghề nghiệp luật sư cũng chưa nhiều.
Những năm 80, 90 của thế kỷ trước chiến tranh kết thúc, trải qua thời kỳ bao cấp, các quan hệ dân sự kinh tế chưa thực sự phức tạp, mặc dù nghề luật sư ở Việt Nam đã được quan tâm nhiều hơn nhưng vẫn chưa phát triển, chưa thực sự được chú ý trong cộng đồng, không phải là lựa chọn khởi nghiệp cho thế hệ trẻ.

Bởi vậy, điểm khởi đầu sự nghiệp của tôi là môi trường quân đội, đó là môi trường lành mạnh với "kỷ luật thép" để rèn luyện bản thân và phấn đấu trên con đường sự nghiệp và phát triển bản thân. Tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam, trở thành người chiến sĩ duy nhất trong đơn vị (thời điểm đó) là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, khi tuổi đời còn khá trẻ. Đó là sự ghi nhận của đơn vị, của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy về những thành tích, những cố gắng và sự trưởng thành về tư tưởng chính trị của tôi trong những bước đầu đời. Là người chiến sĩ, sống trong khuôn khổ, trong "kỷ luật thép" của quân đội, là người đảng viên thì lại càng phải tiên phong, gương mẫu, luôn phải mẫu mực và đi đầu trong mọi phong chào, mọi lĩnh vực, cố gắng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Những năm tháng đó, môi trường đó rất quý giá đối với một người trẻ tuổi, say mê lý tưởng và khát khao được công hiến cho cuộc đời. Tư tưởng chính trị vững vàng, môi trường kỷ luật nghiêm khắc là cơ hội để bản thân tôi tu dưỡng rèn luyện và phấn đấu trưởng thành. Tác phong cụ thể, tỉ mỉ, thận trọng, với sự kiên cường, không ngại khó, không ngại khổ, có ý thức kỷ luật mà tôi rèn luyện, có được qua những năm tháng quân ngũ là hành trang quý giá để tôi bước vào nghề luật sư sau này.

Trải qua môi trường quân ngũ, những năm tháng rèn luyện gian khổ khiến bản thân tôi thêm vững vàng ý chí, xây dựng cho mình tác phong quân đội và ý thức kỷ luật cao. Khi đó lời dạy của đồng chí Chính ủy là “Con người sống trong kỷ luật là con người tự do nhất”, khiến tôi vô cùng tâm đắc. Những năm tháng trong quân đội tôi thấy rằng những quy tắc, chế độ, nề nếp, những quy định về kỷ luật trong quân đội nhân dân là những yếu tố tạo nên những chuẩn mực của hành vi, là cơ sở thiết lập trật tự và tạo nên sức mạnh của quân đội nhân dân. Bên cạnh đó, khi chứng kiến những trường hợp quân nhân vi phạm kỷ luật bị xử lý kỷ luật đã cho tôi thấy một bức tranh thu nhỏ về xã hội, về sự cần thiết của pháp luật để duy trì trật tự xã hội, đó cũng chính là những tia sáng thắp lên trong tôi ý tưởng chuyển ngành học luật và hành nghề luật để góp phần xây dựng những chuẩn mực trong xã hội, tham gia vào hoạt động tư pháp, duy trì những chuẩn mực đó để xã hội luôn được ổn định và ngày càng phát triển. Đó là những cơ duyên, những ý tưởng nảy sinh trong thời kỳ quân ngũ khiến tôi quyết định xuất ngũ và thi vào trường Đại học luật Hà Nội, trở thành sinh viên ngành luật, ngày đêm miệt mài học tập để chuẩn bị hành trang cho tương lai phía trước. 

2-2-LS-Dang-Van-Cuong-7152-1651193367.jp

TS.LS Đặng Văn Cường - Trưởng VP Luật sư Chính Pháp

Đến khi tôi tốt nghiệp đại học, ra trường thì nghề luật ở Việt Nam cũng vẫn còn nhiều thăng trầm, phần lớn những người học luật khi ra trường thường làm việc trong khối cơ quan nhà nước (làm việc tại tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra, cơ quan tư pháp...), rất ít người hành nghề luật sư, khi đó cũng không nhiều người thành công với cái nghề này nên khởi đầu tôi cũng thực sự chưa đủ niềm tin để theo đuổi nghề luật sư.
Sự lựa chọn đầu tiên của tôi sau khi ra tốt nghiệp Đại học luật là làm giảng viên luật. Bởi vậy tôi đã thi tuyển, tham gia dự tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành luật, môn luật để trở thành giảng viên luật, với kiến thức sẵn có, với trải nghiệm phong phú trong cuộc sống và niềm đam mê với ngành luật mà tôi đã có những năm tháng hăng say trên giảng đường làm giáo viên, giảng viên chuyên ngành luật. 

Quá trình giảng dạy chuyên ngành luật tôi nhận ra một điều là nếu giảng viên chỉ có kiến thức lý thuyết, không có thực tiễn thì bài giảng sẽ đơn điệu, tẻ nhạt và thiếu tính thực tiễn và bản thân tôi cũng thấy mình nhàm chán. Khi gặp những tình huống pháp lý thực tế cần phải tư vấn cho bạn bè, đồng nghiệp và những người thân quen thì tôi thấy rằng sẽ không hiệu quả nếu như không có luật sư trực tiếp tham gia vụ án, giữa lý thuyết và thực tiễn có một khoảng cách mà người không có thực tiễn thì sẽ tư vấn không hiệu quả. Khi tìm hiểu pháp luật nhiều quốc gia trên thế giới thì tôi thấy rằng hầu hết các quốc gia đào tạo cử nhân luật là văn bằng thứ hai và các giáo sư giảng dạy chuyên ngành luật thì đa phần họ là những người trưởng thành từ công tố viên, luật sư, thẩm phán… họ có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn, những người có chuyên môn sâu, có đạo đức tốt, có học hàm, học vị và uy tín, có nghiệp vụ sư phạm thì chuyển sang giảng dạy ngành luật. Bởi vậy, một lần nữa tôi lại quyết định chuyển nghề, dừng lại công việc giảng dạy để chuyển sang nghề luật sư để trải nghiệm, cọ sát với thực tiễn trong một lĩnh vực nghề nghiệp vô cùng khó khăn gian nan ở phía trước. Thời gian hành nghề luật sư cũng là thời gian mà tôi tiếp tục theo học các lớp nghiệp vụ và học sau đại học, làm nghiên cứu sinh chuyên ngành luật hình sự.

Luật sư Đặng Văn Cường (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng đội về chúc mừng đơn vị đón nhận danh hiệu Anh Hùng LLVTND
Luật sư Đặng Văn Cường (ngoài cùng bên phải) cùng các đồng đội về chúc mừng đơn vị đón nhận danh hiệu Anh Hùng LLVTND (ảnh tư liệu)

Những gì tôi tích cóp được từ môi trường quân đội, môi trường giáo viên, bản lĩnh chính trị, ý thức kỷ luật bản thân và những tri thức lĩnh hội trên giảng đường đại học là hành trang để tôi bước vào nghề luật sư với đầy quyết tâm và cố gắng. 

Nghề luật sư, đặc biệt là luật sư tranh tụng thì đòi hỏi người hành nghề này phải có tố chất, phải có khả năng hùng biện, khả năng sử dụng ngôn ngữ linh hoạt, có chỉ số IQ và EQ cao, có tư duy logic, có trí nhớ tốt, kiến thức chuyên sâu về luật, kiến thức xã hội phong phú, có trải nghiệm cuộc sống và đặc biệt là phải có bản lĩnh, linh hoạt trong việc xử lý tình huống, sao cho có lợi nhất cho thân chủ và trên tinh thần tôn trọng sự thật và thượng tôn pháp luật. 

Thời điểm tôi đến với nghề luật sư cách đây khoảng gần 20 năm, khi đó trong xã hội nhiều người chưa biết đến cái nghề này, thậm chí do ảnh hưởng của những tư tưởng lạc hậu, của văn hóa phương Đông duy tình và điều kiện kinh tế xã hội thời điểm đó khiến cho hoạt động nghề nghiệp luật sư vô cùng khó khăn. Những người dân, doanh nghiệp tìm đến luật sư, có nhu cầu về dịch vụ pháp lý không nhiều. 

Tuy nhiên, những năm tháng khó khăn đó là những thử thách để những luật sư mới như tôi có cơ hội khẳng định mình, cơ hội vươn lên để có những đóng góp nhất định cho nghề luật sư. Một điều rất đáng chú ý của nghề này không phải là một nghề dịch vụ đơn thuần chỉ để kiếm tiền mà đó là một nghề nghiệp mang nặng tính xã hội và luật sư có nghĩa vụ cống hiến, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý để xây dựng và phát triển cộng đồng. Bởi thế, khi chưa có nhiều người biết đến, khi chưa cung cấp được nhiều dịch vụ pháp lý thì tôi có nhiều thời gian dành cho việc trau dồi kiến thức. Khi đó tôi đã dành nhiều thời gian để miệt mài nghiên cứu pháp luật, tiếp cận với hồ sơ các vụ án, các Bản án giám đốc thẩm của tòa án nhân dân tối cao tổng hợp và tư vấn miễn phí trên các diễn đàn, không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng xông pha vào các vụ việc khó, phức tạp, trong khi bản thân chỉ có kiến thức lý thuyết mà chưa có nhiều kinh nghiệm, khi đó tuổi trẻ xông pha sẵn sàng tham gia trợ giúp pháp lý miễn phí cho các gia đình chính sách, các trường hợp bị cáo kêu oan mà có gia cảnh khó khăn…

Nghề nào cũng thế, cái khó bó cái khôn, những trải nghiệm, niềm đam mê, nhiệt huyết của tuổi trẻ, những cống hiến cho cộng đồng đã khiến cho chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kinh nghiệm của tôi và các đồng nghiệp ngày càng tốt hơn, làm được nhiều việc hơn, cống hiến đóng góp được nhiều hơn và uy tín của bản thân, của Văn phòng luật sư Chính Pháp cũng vì thế mà ngày càng được nâng cao trong xã hội. 

Trải qua gần 20 năm hành nghề luật sư, tôi nhận ra rằng để thành công trong cái nghề này thì có tố chất, có chuyên môn nghiệp vụ thôi là chưa đủ, cái quan trọng nữa là cần phải có cái tâm với nghề, có đạo đức tốt, một trái tim hồng, đam mê cháy bỏng, có ý thức kỷ luật cao , luôn tôn trọng lẽ phải và thượng tôn pháp luật thì mới có thể mang lại nhiều thành công.

Cùng với sự phát triển của xã hội, thay đổi trong cơ chế, chính sách, pháp luật, được sự quan tâm của đảng và nhà nước, vận dụng xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế là những cơ hội, thời cơ cho nghề luật sư phát triển. Có lẽ vì thế mà khoảng gần 20 năm nay nghề luật sư phát triển nhanh chóng, tăng lên mạnh mẽ cả số lượng và chất lượng, những đóng góp của giới luật sư cho xã hội ngày càng nhiều và được Đảng và nhà nước ghi nhận, biểu dương. Kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống luật sư Việt Nam sẽ là ngày hội lớn của nghề luật sư khi được Đảng, Nhà nước và nhân dân quan tâm, ghi nhận và xã hội tôn vinh.  

Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính 

Tôi xác định ước muốn trở thành Luật sư để ngoài bảo vệ được bản thân thì còn có thể bảo vệ được những người thân trong gia đình mình, bảo vệ những người yếu thế trong xã hội, như câu nói của Nelson MandelaLuật sư là người chiến đấu cho quyền lợi của những người không có tiếng nói”.

TS.LS Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp chia sẻ những vấn đề liên quan đến pháp luật nhằm đảm bảo an toàn của hệ thống xe đưa đón học sinh tại phòng thu VOV2.

TS.LS Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp chia sẻ 

PV: Tính chất công việc của luật sư là rất bận rộn nhưng anh vẫn học lên tiến sỹ và làm giảng viên khoa Luật và Lý luận chính trị Trường Đại học Thủy lợi. Anh vui lòng chia sẻ về công việc này?

Đối với những đồng nghiệp luật sư khác, anh nhận thấy, họ có lựa chọn song song công việc là vừa làm nghề luật sư vừa làm giảng viên?

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Tôi có cơ duyên với nghề giáo viên, có lẽ chính vì thế, sau khi tốt nghiệp Đại học luật Hà Nội, tôi quyết định theo nghề giáo, trở thành giáo viên để giảng dạy ở các môn học chuyên ngành luật, truyền lại kiến thức của mình cho các thế hệ sinh viên. Khi đó giáo viên là viên chức và đã làm giáo viên thì không được hành nghề luật sư và ngược lại, đã làm luật sư thì không được làm viên chức (giảng viên). Bởi vậy, sau đó tôi buộc phải dừng việc giảng dạy để hành nghề luật sư. Sau này cơ chế cởi mở hơn, và khi đã có học vị Tiến sĩ, có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề luật sư, trải qua rất nhiều vụ án thành công và có nhiều công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thì rất nhiều cơ sở giáo dục đại học học viện, nhà trường mời tôi tham gia giảng dạy với tư cách là chuyên gia, giảng viên thỉnh giảng, giảng viên hợp đồng mà không phải là viên chức. 

Đại học Thuỷ Lợi có bề dày lịch sử hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, trước đây đơn thuần là một trường về kĩ thuật. Tuy nhiên nhiều năm gần đây trường Đại học Thuỷ Lợi trở thành trường đa ngành, đa lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế, công nghệ thông tin và khoa học xã hội phát triển nhanh chóng. Trường Đại học Thuỷ Lợi thành lập Khoa Luật và Lý luận chính trị với đội ngũ giảng viên chuyên nghiệp, có chất lượng, cơ sở vật chất tốt nên đã thu hút được lượng sinh viên tham gia học chuyên ngành luật khá đông đảo, chất lượng điểm thi đầu vào của sinh viên cao, đó là lý do tôi quyết định trở lại nghề giảng viên, tham gia đóng góp công sức, trí tuệ cho cơ sở giáo dục này.

Có nhiều lý do khiến tôi trở lại giảng đường và lựa chọn Trường Đại Thuỷ Lợi là nơi cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Trước tiên có thể nói là tôi có cơ duyên với nghề giáo, từ suy nghĩ, lối sống, phong cách bao nhiêu năm nay khiến các đồng nghiệp hay đùa vui là “anh giáo Thứ” tham gia tranh tụng. Nghề dạy học là nghề vất vả nhưng giá trị công hiến cho xã hội rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực pháp luật. Khi có lý luận tốt, có trải nghiệm thực tiễn thì những kiến thức mà giảng viên luật truyền đạt trên giảng đường sẽ sinh động và có tác động mạnh mẽ đến ý thức pháp luật của sinh viên, nhận thức pháp luật và kỹ năng hành nghề luật. Do có cơ duyên gắn bó, yêu cái nghề này nên mặc dù đã chuyển sang làm luật sư gần 20 năm, bản thân tôi vẫn luôn tâm niệm rằng sẽ có một ngày trở lại giảng đường, khi tư vấn pháp luật trên truyền hình, trả lời các bài phỏng vấn hoặc tư vấn cho khách hàng tôi luôn ân cần, cặn kẽ và luôn giữ những chuẩn mực của một người từng theo nghề giáo. Nhiều sinh viên cũ trước đây tôi giảng dạy vẫn giữ liên lạc, động viên thầy trở lại giảng đường cũng là động lực khiến tôi quyết định tham gia giảng dạy. 

Ngoài ra, một điều cũng rất quan trọng khiến tôi trở lại giảng đường đại học đó là sau nhiều năm nghiên cứu, học tập thì tôi đã được công nhận học vị tiến sĩ, trở thành nhà khoa học trong lĩnh vực pháp luật. Nhà khoa học trong lĩnh vực pháp lý thì không chỉ là người hành nghề luật mà còn phải có trách nhiệm đối với xã hội đó là giảng dạy, nghiên cứu khoa học và cống hiến cho xã hội trong lĩnh vực tư pháp. 

Nghề luật sư cũng là một nghề đặc biệt, ngoài việc cung cấp dịch vụ pháp lý thì luật sư cũng có trách nhiệm phải tham gia các hoạt động xã hội, trợ giúp pháp lý, tuyên truyền pháp luật... Bởi vậy, khi luật sư nói riêng và những người hành nghề luật nói chung đam mê nghiên cứu khoa học, có học vị tiến sĩ thì việc tham gia giảng dạy là điều có thể nói là tất yếu, là trách nhiệm nghề nghiệp đồng thời cũng là trách nhiệm của một nhà khoa học trong lĩnh vực pháp lý. Nhận bằng tiến sĩ là công nhận học vị cao nhất, trở thành nhà khoa học, tấm bằng tiến sĩ không phải là "vật trang trí", để cất vào tủ mà đó là thứ ghi nhận năng lực và trách nhiệm trước cộng đồng, phải tiếp tục nghiên cứu khoa học, tham gia giảng dạy và có những cống hiến đóng góp cho xã hội trong lĩnh vực chuyên sâu của mình. 

Thông tin cá nhân bị rao bán, khách hàng đang là 'mồi ngon' cho kẻ xấu?- Ảnh 4.

TS.LS Đặng Văn Cường.

Nghề luật sư là nghề vất vả, luật sư tranh tụng lại càng vất vả hơn nữa. Để có thời gian tham gia giảng dạy thì việc sắp xếp thời gian là vô cùng quan trọng. Với lý luận, kiến thức có sẵn và luôn được trau dồi, nhiều kinh nghiệm tham gia tố tụng thì đó là thuận lợi để tôi tham gia giảng dạy, tuy nhiên để sắp xếp được thời gian tham gia đúng giờ, đúng buổi, có trách nhiệm và có chất lượng cao thì đòi hỏi phải có sự cố gắng, nỗ lực, thậm chí đó là hy sinh những giá trị lợi ích của bản thân. Tham gia giảng dạy sẽ mất thời gian nhiều hơn, mất nhiều công sức hơn và thu nhập thấp hơn là hành nghề luật sư. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, trách nhiệm với cộng đồng, với sinh viên và giá trị cống hiến nên bản thân tôi và rất nhiều đồng nghiệp luôn vui vẻ mỗi khi đến trường. Khi luật sư đi giảng dạy thì đó là một niềm vui, khi giảng viên được tiếp cận với thực tiễn về nghề luật sư thì đó cũng là niềm vui. Bởi vậy, khi đã có niềm đam mê, mục tiêu cống hiến cho xã hội thì dù khó khăn vất vả đến mấy cũng có thể vượt qua, niềm vui nghề nghiệp sẽ là động lực để chúng tôi tiến bước. Khi có đam mê, có nhiệt huyết, có tình yêu nghề và khát vọng cống hiến thì chúng ta sẽ làm được nhiều việc, sẽ giải quyết được những khó khăn trước mắt để hướng đến những mục tiêu cao đẹp. 
 

TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp.

TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp.


Pv: Theo anh, giữa luật sư với giảng viên có tính chất công việc giống và khác nhau ra sao? Để cân bằng giữa hai công việc là luật sư và giảng viên, anh phải bố trí thời gian, sắp xếp công việc ra sao?

 

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội thì ngày càng nhiều các luật sư, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là những người có học hàm, học vị. Ở Học viện tòa án, Học viện tư pháp, Đại học kiểm sát và các cơ sở đào tạo luật đang có rất nhiều các Luật sư, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đồng thời là giảng viên thỉnh giảng tham gia giảng dạy, đây là một hoạt động nghề nghiệp, bổ trợ vô cùng hữu ích. Với luật sư thì tham gia giảng dạy cũng là một trong các hoạt động có tính chất “bắt buộc”, là trách nhiệm của một nhà khoa học đối với những người có học vị tiến sĩ, đồng thời là trách nhiệm đối với cộng đồng, trách nhiệm nghề nghiệp luật sư trong việc tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý, góp phần bổ trợ tư pháp.  Thực ra hành nghề luật và giảng dạy về pháp luật là hai hoạt động nghề nghiệp rất gần gũi nhau, luôn bổ trợ cho nhau ở góc độ một bên là lý luận còn bên kia là thực tiễn. Đề lý luận và thực tiễn gần gũi nhau, để sinh viên có cách tiếp cận đa chiều, có khả năng ứng dụng cao thì những giảng viên luật có kiến thức thực tiễn là rất quan trọng. 

Hiện nay ở rất nhiều quốc gia trên thế giới họ tuyển dụng các giảng viên luật từ những người hành nghề luật như luật sư, công tố viên, thẩm phán. Những người hành nghề luật có trình độ chuyên môn cao, có uy tín, đạo đức tốt và có kỹ năng nghiệp vụ sư phạm thì hoàn toàn có thể tuyển dụng để làm giảng viên, giảng dạy trong các cơ sở đào tạo luật. Trước nhu cầu đào tạo cử nhân luật rất lớn ở Việt Nam hiện nay và các giai đoạn tiếp theo thì việc thu hút nguồn nhân lực là giảng viên luật từ những người hành nghề luật là điều vô cùng quan trọng mà nhiều cơ sở giáo dục đang nhận ra điều này. Chính sách, pháp luật cũng sẽ dần dần thay đổi để thúc đẩy những người hành nghề luật có năng lực tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học để góp phần xây dựng pháp luật, nâng cao trình độ nhận thức pháp luật của nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Có những người hành nghề luật sẵn sàng chuyển hẳn sang giảng viên luật để trở thành viên chức, công chức phải chuyên tâm với một ngày. Còn những người hành nghề luật là chính, giảng dạy là phụ, không làm viên chức thì việc sắp xếp thời gian, công việc để tham gia giảng dạy, đóng góp, cống hiến cho xã hội là điều cũng gặp nhiều khó khăn, để đảm nhiệm cả hai vai, để được cống hiến nhiều hơn cho xã hội thì tâm huyết, niềm đam mê và ý thức trách nhiệm cần phải được đề cao và hơn nữa đó là khát vọng cống hiến của mỗi con người. 

Bản thân tôi có phần may mắn là trước khi trở thành luật sư đã từng là giảng viên luật, đã được đào tạo nghiệp vụ sư phạm và có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, có kiến thức thực tiễn phong phú nên việc giảng dạy mang lại nhiều cảm hứng và niềm đam mê. Bên cạnh đó thì tôi được gia đình, bạn bè và đặc biệt là các đồng nghiệp luôn ủng hộ, hỗ trợ trong công việc để có thời gian tham gia vào công tác giảng dạy. Thực hành nghề luật và giảng dạy về pháp luật thực ra là hai vấn đề trong một lĩnh vực, rất gần gũi nhau, bổ trợ cho nhau nên tạo ra động lực để cùng phát triển hai hướng này, vấn đề còn lại là việc sắp xếp thời gian như thế nào, động lực để cố gắng đến đâu là vấn đề mà những người hành nghề luật như tôi phải đối mặt. 

TS.LS Đặng Văn Cường (Đoàn LS TP.Hà Nội). TS.LS Đặng Văn Cường (Đoàn LS TP.Hà Nội).


PV: Anh có đánh giá ra sao về các bạn sinh viên trẻ hiện nay khi theo học ngành luật? Theo anh, để trở thành luật sư, đòi hỏi thí sinh phải có những tố chất ra sao? Các bạn cần có sự trau dồi, học tập như nào để có thể trở thành luật sư giỏi?

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Gần 80 năm nay, từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và có Sắc lệnh số 46 (ngày 10/10/1945), Sắc lệnh đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ký về luật sư cho đến nay có thể nói rằng chưa bao giờ nghề luật lại phát triển và được xã hội coi trọng và đề cao như bây giờ. Nghề luật có ở Việt Nam từ rất lâu nhưng rất thăng trầm, có những thời kỳ đoàn luật sư không kết nạp thêm, số lượng luật sư không gia tăng, nhiều địa phương không thành lập đoàn luật sư. Suốt một thời gian dài các cơ sở đào tạo luật không tăng về số lượng, về quy mô đào tạo… thì đến nay nghề luật sư đã phát triển nhanh chóng, đã có đến gần 20.000 luật sư, tất cả các tỉnh thành đều đã có đoàn luật sư. Điều đáng chú ý là khoảng hơn 10 năm nay thì rất nhiều cơ sở đào tạo bậc đại học đã mở thêm chuyên ngành luật để đào tạo cử nhân luật, số lượng sinh viên theo học chuyên ngành luật ngày càng gia tăng và chất lượng ngày càng cao. 

Theo quy luật chung thì có cầu sẽ có cung. Hiện nay nhu cầu hiểu biết pháp luật, tư vấn về pháp luật, hỗ trợ pháp lý trong xã hội rất lớn. Khi kinh tế xã hội phát triển, xã hội vận hành theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa thì số lượng doanh nghiệp ra đời tăng nhanh, phần lớn các doanh nghiệp đều cần cán bộ Pháp chế, những người hiểu biết và phụ trách về pháp luật của doanh nghiệp. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp lớn thì ký hợp đồng với các văn phòng luật sư, công ty luật hoặc tuyển dụng luật sư để thành lập các ban Pháp chế của họ. Trong quan hệ kinh tế quốc tế cũng như hoạt động thương mại trong nước, khi các hợp đồng giao dịch, các thủ tục pháp lý mà không có người tư vấn phải phụ trách về luật thì có thể khiến một doanh nghiệp gặp phải tranh chấp, rủi ro, thậm chí mất cơ hội kinh doanh, thiệt hại đến tài sản có thể dẫn đến phá sản. Với những người dân thiếu hiểu biết pháp luật, không có người tư vấn thì có thể vướng vào vòng lao lý, thậm chí có thể chịu mức án cao nhất là tử hình hoặc tù có thời hạn, trong các quan hệ dân sự kinh tế nếu không hiểu biết pháp luật thì rất dễ mất tiền, mất tài sản, có thể tan vỡ hạnh phúc gia đình… bởi vậy, khi xã hội càng phát triển, các mối quan hệ xã hội càng phức tạp và nhu cầu đòi hỏi phải có luật, tuân thủ luật và có những người trợ giúp về pháp luật là những nhu cầu tất yếu và chính đảng. Trong bối cảnh đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay, số người có chức vụ quyền hạn, các danh nhân bị mất, bị khởi tố trong các vụ án tham nhũng, kinh tế rất lớn khiến cho nhiều người nhận thấy rằng hiểu biết pháp luật là rất quan trọng, được tư vấn về pháp luật khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, trong các hoạt động sản xuất kinh doanh là rất cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân và cho doanh nghiệp của mình. Thêm vào đó là định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trong công cuộc chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch hóa các hoạt động quản lý nhà nước dẫn đến nhu cầu và hiểu biết pháp luật, tuân thủ pháp luật và các dịch vụ pháp lý trong xã hội ngày càng phát triển. Bởi vậy việc các cơ sở giáo dục đại học mở thêm các khoa luật, chuyên ngành về luật là điều tất yếu trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn đúng đắn và có thể thực hiện được. 

Mỗi người học luật thì có thể lại có những mục đích khác nhau, có thể là học để hiểu biết, để trang bị kiến thức cho bản thân phải phục vụ cuộc sống, cũng có thể học luật để hành nghề luật, để tích lũy tri thức để có một ngành nghề trong tương lai. Nghề luật rất rộng, người học luật có thể làm việc như trong khối nhà nước cũng như ngoài nhà nước. Nếu học xong cử nhân luật xong mà vào nhà nước làm công chức, viên chức nhà nước thì có thể làm thư ký tòa, sau này làm thẩm phán, làm kiểm sát viên, điều tra viên, làm trong các cơ quan của đảng, các cơ quan tư pháp, các doanh nghiệp nhà nước…

Ngoài ra những người tốt nghiệp cử nhân luật cũng có thể hoạt động trong lĩnh vực ngoài nhà nước như luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, thừa phát lại, làm Pháp chế trong các doanh nghiệp… Trong đó nếu theo nghề luật sư thì có thể nói là vất vả nhất nhưng nếu thành công thì có lẽ cũng sẽ vinh quang nhất. Nghề luật sư đòi hỏi phải có tổ chất, có năng lực, có niềm đam mê và phải rèn luyện, trải nghiệm một thời gian rất dài thì mới có thể trụ vững ở cái nghề này.

Nghề luật sư trước tiền đòi hỏi người học luật phải rất giỏi về chuyên môn, có lý luận và kiến thức về pháp luật phong phú, có khả năng vận dụng và làm việc nhóm, ứng đối linh hoạt. Nghề luật sư đòi hỏi kỹ năng nói và kỹ năng viết tốt. Bởi vậy đòi hỏi khả năng tư duy, diễn đạt, xử lý các tình huống một cách nhanh chóng, chính xác và tinh tế. Để trở thành luật sư thì cần phải qua lớp đào tạo nghề luật sư và có thời gian thực tập, phải trải qua các kỳ thi rất ngặt nghèo cả kỹ năng và kiến thức thì mới có thể được công nhận là luật sư để hành nghề. 

Nghề luật sư thích hợp với những người có tư duy logic tốt, có kiến thức chuyên môn sâu, năng động sáng tạo, kiên trì bền bỉ và có động lực phấn đấu rõ ràng. Nghề luật sư đòi hỏi phải có cả kiến thức và kỹ năng, kiến thức là nền tảng còn kỹ năng lại là vấn đề quyết định đến thành công. Để hành nghề luật sư tốt thì cần phải có uy tín, cần phải có thời gian để xây dựng uy tín, cần phải đạt được những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong hoạt động nghề nghiệp, uy tín của luật sư sẽ phụ thuộc vào kết quả công hiến cho xã hội, những vụ việc mà luật sư đã trải qua, những giá trị xã hội mà luật sư đã mang lại… Bởi vậy, nghề luật sư là nghề đòi hỏi phải có tố chất thực sự, có năng lực thực sự, có niềm đam mê và có trách nhiệm trước cộng đồng. 

Bởi vậy, những bạn sinh viên luật nào có chỉ số thông minh cao, có năng lực tư duy tốt, có kiến thức nền tảng và linh hoạt về ngôn ngữ thì dễ tiếp cận với nghề luật sư. Với những người thiếu khí chất linh hoạt, khả năng giao tiếp hạn chế thì sẽ gặp những khó khăn hơn. Để thành công với nghề này thì đòi hỏi sự phấn đấu nỗ lực vươn lên không ngừng ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Để thành công với nghề luật sư thì cũng đòi hỏi người theo nghề này phải có lòng kiên trì, chịu thương, chịu khó, có đạo đức tốt và nếu may mắn có được môi trường chuyên nghiệp, có luật sư hướng dẫn tâm huyết thì cơ hội thành công sẽ cao hơn và nhanh hơn. Ngày nay với sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là mạng internet, mạng xã hội thì việc xây dựng hình ảnh, tạo lập uy tín của luật sư nhanh hơn các thế hệ trước rất nhiều. Tuy nhiên, không gian mạng cũng là nơi có sự cạnh tranh cao và đào thải nhanh. Nếu các luật sư không trao dồi kiến thức, không cố gắng nỗ lực vươn lên, không đóng góp những giá trị tích cực cho cộng đồng thì cũng sẽ bị đào trong quy luật vận động của xã hội. 

 

TS.LS Đặng Văn Cường (bên trái).

TS.LS Đặng Văn Cường (bên trái).



Pv: Trong quá trình gắn bó với nghề luật sư, cũng như đứng trên giảng đường, anh có thể chia sẻ về kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Nghề luật sư là nghề chữa bệnh pháp lý, mỗi vụ án là một câu chuyện dài, có những cảnh đời, những số phận và những kết cục của xung đột xã hội. Có những nghề tiếp xúc với niềm vui, tuy nhiên nghề luật sư thì thường tiếp xúc với những vấn đề xung đột xã hội, những mâu thuẫn về pháp lý, những khó khăn éo le của đương sự. 

Nếu là luật sư tư vấn thì sẽ ít tâm trạng hơn, thường là tư vấn về thủ tục để các cá nhân doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, khi chưa phát sinh tranh chấp khiếu kiện, chưa nhìn thấy những rủi ro trước mắt…

Còn với những luật sư tranh tụng như chúng tôi thì thường là chứng kiến các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, những mâu thuẫn, xung đột lợi ích trong xã hội… Mỗi vụ án có thể sẽ là một câu chuyện buồn, một bài học cuộc sống và lại có những cảnh ngộ khác nhau. Rất nhiều những câu chuyện về tình nghĩa vợ chồng, về phương pháp giáo dục con cái, về niềm tin đặt đúng chỗ và khi tình lý lẫn lộn… Tất cả những vấn đề đó đều có thể phát sinh những mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp khiến sự việc phải giải quyết bằng các thủ tục tố tụng. Bởi vậy, để nói rằng vụ việc nào ấn tượng nhất, câu chuyện nào đáng nhớ nhất thì rất khó… những hình ảnh mà gây ra những ám ảnh cho luật sư đó là cảnh người vợ tiễn chồng, mẹ tiễn con, anh tiễn em… khi đứng trước cửa nhà lao, khi lên xe thùng dẫn giải về trại tạm giam, những giọt nước mắt rơi trước vành móng ngựa, trước bục khai báo, những tiếng nức ở những phiên tòa khi sám hối muộn màng. 

Khác với nghề luật sư, nghề giáo viên thì lại có vẻ vui tươi hơn, nhiều cảm hứng hơn khi những kiến thức sách vở được mang so sánh với những câu chuyện thực tiễn. Tiếp xúc với sinh viên đang say mê học tập khiến những người thầy, người cô trên bục giảng có niềm vui, hy vọng nhiều hơn vào các thế hệ tương lai. Nhưng ấn tượng nhất đối với nghề giáo viên có lẽ là những thế hệ học trò đã đi qua, các em vẫn nhớ đến thầy cô, vẫn thường xuyên hỏi thăm, đôi khi bất chợt gặp nhau ở đâu đó thì thầy cô và học trò lại vui mừng, ôn lại chuyện những ngày xưa… Thành tích học tập, những kết quả đạt được của học trò là những món quà vô giá đối với các thầy, các cô. Những thế hệ học trò đã đi qua nhiều năm nhưng vẫn nhớ đến thầy cô, vẫn mời các thầy cô tham gia các dịp kỷ niệm, các buổi họp lớp đó là niềm vui rất khó tả đối với những người “lái đò thầm lặng” như chúng tôi. 

Pv: Trân trọng cảm ơn luật sư !

Theo VTVnew

Tscó nhữngPv cảnh đời, những số phận và những kếtiềmT 
 
Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896