Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Phẫn nộ vụ bạo hành trẻ em 01 tháng tuổi: Rung lắc mạnh trẻ em 01 tháng tuổi có thể dẫn đến tử vong?
01/06/2023
icon-zalo
Phẫn nộ vụ bạo hành trẻ em 01 tháng tuổi: Rung lắc mạnh trẻ em 01 tháng tuổi có thể dẫn đến tử vong?
 
Trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip người phụ nữ trẻ bế cháu bé có hành vi bạo hành. Trong đoạn clip được ghi lại lúc rạng sáng ngày 31/5. Cụ thể, vào thời điểm này người phụ nữ bế một cháu bé mới sinh liên tục có hành vi lắc lư mạnh khiến cháu bé khóc thét lên. Người này sau đó tiếp tục bế xốc, ôm lắc lư mạnh khiến cháu bé khóc thét rồi đặt mạnh xuống giường. Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải lên mạng khiến nhiều người không khỏi phẫn nộ. 
 
Theo thông tin ban đầu thì sự việc xảy ra tại một căn hộ ở khu chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Người có hành vi bạo hành được người nhà cháu bé thuê chăm sóc vì mẹ bé mới sinh non, sức khoẻ yếu. Người nhà sau đó cũng đã mời Công an phường Hoàng Liệt đến ghi nhận sự việc. Gia đình cũng quay lại clip đăng tải lên mạng xã hội cảnh tỉnh các gia đình.
Hàng xóm phẫn nộ vụ bé gái 1 tháng tuổi ở Hà Nội bị bạo hành - Ảnh 1.

Bảo mẫu Vũ Khánh Chi (áo vàng) đang bị công an tạm giữ.

Lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt xác nhận đã nắm được thông tin một bảo mẫu nghi bạo hành một trẻ nhỏ.

"Sau khi nắm được thông tin tôi đã chỉ đạo Công an phường Hoàng Liệt trực tiếp xác minh làm rõ. Hiện người phụ nữ đang làm việc tại cơ quan công an", lãnh đạo phường Hoàng Liệt thông tin.

Phân tích về tình huống này, Ts. Đặng Văn Cường, Uỷ viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Qua clip cho thấy hành vi của người phụ nữ chăm sóc cháu bé một tháng tuổi như vậy là rất nguy hiểm, có thể gây tổn thương đến sức khỏe, tâm lý, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cháu bé nếu không được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
 
Ở độ tuổi 01 tháng tuổi thì cơ thể trẻ em còn quá non nớt, việc chăm sóc cần phải rất thận trọng, phải nhẹ nhàng và thực hiện các kỹ năng chăm sóc trẻ theo kinh nghiệm và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về chăm sóc trẻ em. Đặc biệt là ở thời điểm này thì não trẻ em chưa ồn định và xương sọ chưa hoàn thiện, chỉ cần với những rung lắc nhẹ nhưng thường xuyên là có thể gây tổn thương đến não bộ, hành vi rung lắc mạnh kèm theo những hành vi bạo hành, tác động vật lý vào cơ thể của trẻ em thì rất nguy hiểm, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ em. 
 
Thời gian gần đây, các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em bị chấn động não giò rung lắc, chăm sóc không đúng cách. Các chuyên gia và y khoa gọi các trường hợp này là Hội chứng rung lắc. Hội chứng rung lắc ở trẻ em xảy ra do thói quen vô ý và thiếu hiểu biết của người lớn khi cưng chiều trẻ bằng các hành động như tung hứng, bồng xốc trẻ lên cao để chơi trò máy bay; khi lắc võng, nôi quá mạnh để dỗ cho trẻ ngủ. Hội chứng này gây ra tổn thương nghiêm trọng về tâm lý và sức khỏe của trẻ em, có thể dẫn đến trẻ em tàn tật hoặc tử vong. 
 
Theo ý kiến của các chuyên gia thì Hội chứng này là dạng nặng của chấn thương đầu và não gây ra bởi rung lắc mạnh trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Tuy nhiên có thể tới 5 tuổi và gặp nhiều nhất ở trẻ dưới 9 tháng. Tại Mỹ, ước tính khoảng 1200 đến 1400 trẻ bị chấn thương hoặc chết do lý do rung lắc mỗi năm, theo con số từ Trung tâm quốc gia kiểm soát hội chứng trẻ bị lắc. Tuy nhiên, con số này có thể cao hơn nhiều bởi nhiều trường hợp không phát hiện được. Những hành vi này thường là do vô ý, thiếu kỹ năng chăm sóc, thiếu hiểu biết về tình trạng sức khỏe của trẻ em dẫn đến sự việc nghiêm trọng.

Thực tế ở Việt Nam, thông thường khi trẻ em quấy khóc, người lớn thường bế và vuốt ve hoặc rung lắc nhẹ hoặc cho đong đưa lên võng để trẻ khỏi khóc. Không chị ở Việt Nam, ở nhiều quốc gia trên thế giới thì hiện tượng này cũng xảy ra và gây tổn thương cho não bộ của trẻ em. Động tác bế và rung lắc của người lớn đối với trẻ ở các quốc gia có thể khác nhau và tùy theo tập quán sinh hoạt. Sự nguy hiểm nhất đề cập trong bài này là những rung lắc khi bế xốc trẻ trong tư thế đứng và không giữ cố định cổ để cho cổ di chuyển theo hướng trước sau. Tuy nhiên nguy hiểm vẫn xảy ra khi bế trẻ ở mọi tư thế mà rung lắc mạnh với cường độ cao hoặc dừng hay va chạm đột ngột. Các nghiên cứu cho thấy những tổn thương có thể xảy ra chỉ trong với 5 giây rung lắc. Rung lắc mạnh có thể gây ra những tổn thương não vĩnh viễn. Trường hợp rất nặng có thể dẫn tới chết.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế thì trẻ sơ sinh có kích thước đầu lớn và nặng khoảng 1 phần tư so với toàn cơ thể. Trong đầu, có những khoảng trống giữa não và xương sọ cho phép não tiếp tục lớn và phát triển. Não của trẻ thì mềm với màng não mỏng. Các cơ và dây chằng vùng cổ thì yếu và chưa phát triển cũng chưa thể chịu đựng được sức nặng của đầu, sự lỏng lẻo này được ví như đầu chiếc roi (vì thế hội chứng này có tên lúc đầu là whiplash shaken baby). Khi bị rung lắc, xương sọ mềm và dẻo của trẻ không chịu được những lực này, sẽ chuyển lực tới não, khi não không có sự di chuyển đồng bộ và gây ra sự va đập trở lại tới xương sọ, làm giập não, tăng áp lực, phù và chảy máu trong não. Các tĩnh mạch lớn dọc theo phía ngoài não cũng mỏng manh và dễ rách, gây chảy máu, máu tụ dưới màng cứng, ngoài màng cứng, dưới màng nhện, tăng áp lực nội sọ. Những tổn thương này có thể là vĩnh viễn. Tuy nhiên những tổn thương này không thể thấy được từ bên ngoài bằng mắt thường. Nhiều trường hợp tổn thương trong não nhẹ rất khó phát hiện. Ngoài ra, tổn thương khác rất thường gặp ở mắt, do chảy máu võng mạc, có thể gây nên giảm thị lực hoặc mù. Các chấn thương khác có thể gặp ở cổ hay cột sống, hay xương sườn.

Mới đây, Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hoà đã cứu sống một bệnh nhi 4 tháng tuổi bị chảy máu não nghi do hội chứng rung lắc.  Bệnh nhi là trẻ sinh thường đủ tháng, không sặc sữa, ngủ bằng nôi không rung lắc mạnh, không có tiền sử té ngã. Trước đó 2 ngày, trẻ được mẹ đưa đi chơi, sau đó trẻ được chuyền tay qua nhiều người, rung lắc trẻ. Ngày hôm sau, trẻ có triệu chứng ngủ li bì, bú kém, không sốt, sau đó trẻ ngủ li bì nhiều hơn, kèm theo có thở nấc nên được gia đình đưa vào viện. Qua kiểm tra cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán trẻ xuất huyết não nghi do Hội chứng rung lắc. Bệnh nhi được điều trị hồi sức tích cực tại Khoa Nhi. 

Có thể thấy rằng hành vi rung lắc đối với trẻ sơ sinh, dù là không có chủ đích gây tổn thương, không phải là hành vi hành hạ thì cũng rất nguy hiểm, nếu là hành vi rung lắc có chủ đích, cố ý rung lắc mạnh như người phụ nữ thực hiện trong clip thì hoàn toàn có thể gây tổn thương đến não bộ của trẻ em. Bởi vậy cơ quan chức năng cần tiến hành thăm khám, điều trị và xác định hậu quả của hành vi này để làm căn cứ xem xét trách nhiệm pháp lý. 

Dưới góc độ pháp lý thì đây là hành vi bạo hành trẻ em, hành vi này có thể gây tổn thương đến tâm lý, sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của trẻ em và đây là hành vi vi phạm pháp luật nên việc xem xét xử lý đối với người phụ nữ này là cần thiết. Theo Tổ chức WHO thì bạo hành trẻ em là tất cả những hành vi  đối xử một cách tệ bạc đối với trẻ em về cả thể chất và tinh thần như là đánh đập ... dẫn đến những mối nguy hiểm tiềm năng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ em. Theo khoản 6, Điều 4, Luật trẻ em thì: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
 
Hành vi bạo hành có thể thể hiện bằng lời nói hoặc tác động vật lý, đánh đập hành hạ trẻ em dẫn đến hậu quả trẻ em bị tổn thương, bị thương tích, thậm chí có thể bị thiệt mạng. Hành vi này là vi phạm pháp luật, cụ thể là vi phạm luật trẻ em, người thực hiện hành vi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra. 
 
Hành vi là có dấu hiệu tội phạm, kể cả trường hợp cha mẹ của cháu bé không có đơn đề nghị xử lý hoặc rút đơn yêu cầu xử lý hình sự
 
Những gì thể hiện qua clip đang lan truyền trên mạng xã hội cho thấy hành vi của bảo mẫu trong trường hợp này hoàn toàn có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng của cháu bé, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người phụ nữ này đồng thời xác định hậu quả đã gây ra đối với cháu bé để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bé gái 1 tháng tuổi ở Hà Nội bị bạo hành: Bảo mẫu thuê từ trung tâm giúp việc - 1

Chung cư HH2C nơi xảy ra vụ việc.

Trong trường hợp kết quả xác minh cho thấy người phụ nữ này nhận thức được hành vi của mình có thể làm tổn thương não của cháu bé, hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng do bực tức mà đã nhẫn tâm thực hiện hành vi hành hạ cháu bé, hậu quả cho bé tổn thương nghiêm trọng về não thì có thể xử lý về tội giết người theo quy định tại  khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội với người dưới 16 tuổi.
 
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy nạn nhân không có động cơ mục đích giết người, hành vi không thể dẫn đến chết người thì hành vi này cũng được xác định là đối xử tàn ác với trẻ em nên vẫn có thể xem xét xử lý về tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 bộ luật hình sự. Những tội danh này không phụ thuộc vào đơn thư yêu cầu của người bị hại, bởi vậy trường hợp cha của cháu bé có rút đơn, không đề nghị xử lý nhưng cơ quan điều tra thấy có đủ căn cứ thì vẫn xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
 
Theo quy định tại Điều 155 bộ luật tố tụng hình sự thì có một số tội danh thuộc khoản 1, được liệt kê trong điều luật thuộc trường hợp ít nghiêm trọng thì cơ quan điều tra chỉ khởi tố thì có yêu cầu của người bị hại và sẽ đình chỉ khi người bị hại rút đơn yêu cầu. Tuy nhiên với hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em thì đây là hành vi rất nghiêm trọng, nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ thuộc khoản 2 của các điều luật mà bộ luật hình sự có quy định (tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích, tội giết người...) nên không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại.
 
Bởi vậy, trường hợp cha mẹ của người giám hộ của trẻ em có yêu cầu xử lý hình sự hay không sẽ không quyết định đến việc cơ quan chức năng có xem xét xử lý hay không. Nếu hành vi bạo hành trẻ em, tác động đến thân thể của trẻ em mà gây ra thương tích hoặc có thể dẫn đến chết người thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, không phụ thuộc vào việc cha mẹ cháu bé hoặc người giám hộ có yêu cầu hay không. 
Thông tin trên mạng xã hội
 
Trong vụ việc này, cha của cháu bé cho rằng mình không đề nghị xử lý, việc đăng thông tin chỉ là để cảnh báo thì cơ quan điều tra vẫn tiếp tục vào cuộc xem xét làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi và xác định hậu quả đã gây ra đối với trẻ em để xử lý theo quy định của pháp luật, nếu cháu bé có thương tích hoặc có thể dẫn đến chết người thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự mà không phụ thuộc vào việc cha mẹ của cháu bé có yêu cầu hay không. Phạm tội với người dưới 16 tuổi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong mọi tội danh nên sẽ không phụ thuộc vào việc người bị hại hoặc đại diện của người bị hại có yêu cầu hay không. 
 
Lời khai là mình bị trầm cảm chỉ là lời khai chối tội của người phụ nữ này, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ người phụ nữ này có bị trầm cảm hay không, nếu bị trầm cảm thì có thể trưng cầu giám định tâm thần xem tại thời điểm thực hiện hành vi, người này có nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm hay không để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Với những người phụ nữ trẻ, không được giáo dục đào tạo về kỹ năng chăm sóc trẻ em, ít trải nghiệm thì rất dễ mắc sai lầm khi chăm sóc cho em, trong đó có thể dẫn đến những hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em. Bởi vậy, khi các gia đình thuê giúp việc, bảo mẫu để cho Chăm sóc trẻ em thì cẩn thận trọng trong việc lựa chọn người giúp việc cho phù hợp để đảm bảo an toàn cho trẻ em. 
 
Có lẽ rằng khi hay xem clip cũng sẽ thấy hoang mang, bất bình về hành vi tàn nhẫn của người phụ nữ này. Cháu bé mới có một tháng tuổi, gần như chưa có nhận thức gì về cuộc sống, mọi thứ quấy khóc, ăn ngủ đều theo bản năng. Với độ tuổi như vậy thì việc chăm sóc, nâng niu là điều tất yếu. Theo khuyến cáo của các bác sĩ thì chỉ cần rung lắc khi bế và cũng có thể gây tổn thương não của cháu bé. Hành vi rung lắc có chủ đích, lắc mạnh như vậy thì rất dễ tổn thương đến não bộ, thậm chí dẫn đến liệt, xuất huyết não. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích, sẽ tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn để xác định tính chất nguy hiểm của hành vi cũng như hậu quả có thể xảy ra làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
 
Thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì đối tượng thừa nhận hành vi của mình, cho rằng mình bị trầm cảm nên mới có hành vi như vậy. Đây là lời khai ban đầu của nghi phạm, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan của người phụ nữ này khi thực hiện hành vi xâm phạm đến thân thể của cháu bé để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Hành vi của người phụ nữ này là vi phạm luật trẻ em, vi phạm pháp luật, có thể gây tổn thương đến tâm lý, sức khỏe, thậm chí là đến tính mạng của trẻ em. Bởi vậy việc xem xét làm rõ để xử lý là cần thiết để bảo vệ trẻ em theo quy định pháp luật. 
 
Kết quả xác minh về nhận thức, ý thức chủ quan của người phụ nữ này, về khả năng thương tích có thể gây ra đối với nạn nhân và hậu quả thực tế đã xảy ra trên cơ sở lời khai của những người liên quan, kết luận giám định thương tích và trả lời của cơ quan chuyên môn là căn cứ để cơ quan điều tra quyết định có khởi tố vụ án hình sự hay không và sẽ xử lý về tội hành hạ người khác hay tội giết người nếu xác định hành vi này nguy hiểm cho xã hội.

Số vụ bạo hành trẻ em có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Theo Báo cáo của Chính phủ, tính đến hết ngày 30/6/2019, cả nước có 24.776.733 trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước (trong đó có 12.915.365 trẻ em nam, chiếm 52,13%; 11.861.368 trẻ em nữ, chiếm 47,87%). So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thì tỷ lệ trẻ em trong cơ cấu dân số là cao, nhu cầu bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em ở Việt Nam là rất lớn. 

Bạo lực, bảo hành trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật, mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục quyền trẻ em và áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ trẻ em tuy nhiên các vụ việc xâm phạm đến thân thể, danh dự nhân phẩm của trẻ em vẫn ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt đối với trẻ em sống trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo và trẻ em lang thang cơ nhỡ.

Theo Báo cáo 217/BC-CP của Chính phủ, từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2014, cả  nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính: 8.442 vụ bạo lực về thể chất với trẻ em có 8.709 trẻ em bị bạo lực về thể chất (1.672 trẻ em nam, 7.037 trẻ em nữ). Số trẻ em bị bạo lực về thể chất chiếm 0.035% tổng số trẻ em toàn quốc. Trong đó: Xâm hại tình dục: 6.364 vụ, 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị bạo lực về thể chất; (trong đó: 2.191 trẻ bị hiếp dâm, 31 trẻ bị cưỡng dâm, 1.096 bị dâm ô, 3.114 trẻ bị giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác). 

Bạo lực trẻ em: 706 vụ, 857 trẻ em (giết trẻ em: 191 trẻ, cố ý gây thương tích: 666 trẻ), chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị bạo lực về  thể chất; Các hành vi như hành hạ trẻ em; sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm trẻ em; đánh tráo trẻ em dưới 1 tuổi; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp trẻ em vi phạm pháp luật; truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy đối với trẻ em...: 1.246 vụ, 1.314 trẻ em, chiếm 15,09% tổng số trẻ em bị bạo lực về thể chất; Các trường hợp khác: 126 vụ, 106 trẻ em, chiếm 1,22% tổng số trẻ em, gồm mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em . 

Đó là những con số được thống kê trên cơ sở những vụ việc được phát hiện, được giải quyết và có số liệu. Còn thực tế những vụ việc bạo lực, bạo hành trẻ em diễn ra rất nhiều trong xã hội nhưng chưa bị phát hiện, chưa bị xử lý. Đặc biệt là những hành vi gây áp lực đến trẻ em về kết quả học tập, đánh đập hành hạ trẻ em do bực tức, với danh nghĩa "giáo dục".

Chế tài đối với hành vi bạo hành trẻ em ở Việt Nam là rất nghiêm khắc

Dưới góc độ pháp lý thì hành vi bạo hành trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tình tiết phạm tội với người dưới 16 tuổi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Mức xử phạt vi phạm hành chính xâm phạm đến người dưới 16 tuổi thì cũng có mức xử lý các trường hợp khác. 

- Xử lý hành chính đối với hành vi bạo hành trẻ em

Theo quy định tại Điều 20, Nghị định 130/2021/NĐ-CP thì hành vi bạo lực trẻ em bị xử lý như sau:  Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu thực hiện một trong các hành vi sau: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác; Hành vi cô lập và xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây thiệt hại về thể chất, tinh thần của trẻ em; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi tổn hại về tinh thần; 

Biện pháp khắc phục hậu quả: Ngoài hình phạt chính là phạt tiền đến 20.000.000 đồng thì người thực hiện hành vi xâm phạm đến trẻ em còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh nếu có cho trẻ em đối với hành vi vi phạm; Buộc phải tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ sợ hãi, tổn hại về mặt tinh thần.

-  Xử lý hình sự đối với hành vi bạo hành trẻ em 

Đối với những hành vi bạo hành trẻ em mà gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, tính mạng của trẻ em đến mức được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác, tội hành hạ con phải tội cố ý gây thương tích, hoặc tội giết người tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể. Trong đó, phạm tội đối với trẻ em là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi này sẽ chịu mức hình phạt ở khung cao trong các điều luật.

Theo khoản 2 điều 140 BLHS tội hành hạ người khác thì người phạm tội đối với trẻ em dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm...

Tại điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác thì Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lên tổn thương cơ thể từ 11% đến 30 % hoặc là dưới 11% nhưng thuộc một trong trường hợp đối với người dưới 16 tuổi  thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Các trường hợp khác tùy thuộc vào tỷ lệ thương tích và phạm tội với trẻ em thì đều là tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể tới tù chung thân nếu hậu quả làm chết người.

Trong trường hợp giết người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. 

Nguyên nhân trẻ em bị bạo hành 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bạo hành, trong đó có thể kể đến như:

1. Trẻ có nhiều hay quấy khóc, hay đùa nên nếu như những người xung quanh, những người trông giữ trẻ không có kỹ năng tốt, thiếu kiểm chế thì rất dễ nổi nóng đánh đập, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em;

2. Mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn trong gia đình giữa những người lớn dẫn đến việc trả thù, nhiều người ích kỷ, coi thường pháp luật nên đã hành hung, đánh đập trẻ em để trả thù do mâu thuẫn với cha mẹ của trẻ;

3. Trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ nghiện ngập, sa đà vào các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy thì cuộc sống rất phức tạp, có nguy cơ bị bạo hành cao hơn những trẻ em khác;

4. Trẻ em sống chung với cha dượng, mẹ kế hoặc người tình của cha, của mẹ thì nguy cơ bị bảo hành cũng cao hơn những trẻ em sống trong gia đình khác bởi đôi khi trẻ em trở thành sự vướng bận đối với mối quan hệ tình cảm của người lớn, một số vụ án gần đây cho thấy đối tượng đã sát hại con của người tình chỉ vì muốn được tự do tình cảm với cha, với mẹ của cháu bé;

5. Nhiều bậc phụ huynh vẫn còn tư tưởng giáo dục con bằng roi, bằng vọt. Nổi nóng, dễ sử dụng bạo lực khi giáo dục con cái dẫn đến gây tổn thương cho con, thậm chí gây thương tích, thiệt mạng cho trẻ em;

6. Tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra nhiều trong giới trẻ, đặc biệt là trong những cặp đôi sống như vợ chồng nên nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng ma túy vào gây ảo giác rồi đánh đập, hành hạ, sát hại trẻ em;

7. Bạo lực, bạo hành trẻ em trong môi trường giáo dục cũng hiện ra nhiều và diễn biến phức tạp bởi các cơ sở giáo dục chui, giáo viên không được đào tạo bài bản, thiếu đạo đức dẫn đến thực hiện hành vi hành hạ trẻ em. 

8. Công tác quản lý giám sát đối với các hoạt động giáo dục, đối với môi trường gia đình chưa được thực hiện tốt ở nhiều địa phương dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo hành kéo dài, đến khi bị thiệt mạng thì mới phát hiện ra, mới lên án, trong khi đó hành vi bạo hành diễn ra thường xuyên liên tục mà không ai quan tâm.. 

Giải pháp bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành 
 
Để giảm thiểu những vụ việc trẻ em bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, để bảo vệ trẻ em có hiệu quả thì phải thực hiện đầy đủ các giải pháp được liệt kê, quy định trong luật bảo vệ trẻ em, trong đó có các giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật.
 
Giải pháp về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, ý thức bảo vệ quyền trẻ em. Cần phải tuyên truyền để trẻ em và các bậc phụ huynh hiểu được các quy định về bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em.
 
Tăng cường nhân lực, vật lực và cơ chế phối hợp đối với các cơ quan tổ chức có chức năng nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ trẻ em để kịp thời phát hiện, hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị bạo hành.
 
Cần tăng cường kiểm soát công tác bảo vệ trẻ em trong môi trường giáo dục, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với các cơ sở giáo dục chui, đối với các giáo viên không đủ năng lực phẩm chất, không có kỹ năng nghề nghiệp. Cần có sự phân loại trẻ em ở từng khu vực, từng địa phương.
 
Cần lập danh sách những trẻ em yếu thế, có nguy cơ bị bạo hành cao để có phương án giám sát can thiệp, bảo vệ kịp thời, đặc biệt là trẻ em sống trong những gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực, những gia đình cha mẹ nghiện ngập, đặc biệt là nghiện rượu và nghiện ma túy, những trẻ em sống chung với cha dượng mẹ kế và cuộc sống sa đọa hoặc không có hạnh phúc.
 
Có thể thấy rằng, hành vi hành hạ người khác, bạo lực đối với trẻ em có thể diễn ra bất kỳ nơi đâu, với bất kỳ đối tượng trẻ em nào. Trong vụ việc này cháu bé mới có một tháng tuổi, có lẽ là nạn nhân nhỏ tuổi nhất bị bảo hành trong thời gian gần đây. Điều này cho thấy gióng lên hồi chuông báo động về nạn bạo hành trẻ em ở Việt Nam hiện nay. Cơ quan chức năng cần phải quyết liệt hơn nữa, xử lý nghiêm minh hơn nữa để bảo vệ trẻ em. Đồng thời cần tích cực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ trẻ em, tôn trọng pháp luật của mọi công dân trong xã hội, đặc biệt là những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ em hoặc có chức năng nhiệm vụ nghề nghiệp trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
 
_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407
Website: Trungtamtuvanphapluat.vn
Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896