Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Người tham gia tố tụng đọc, ghi chép hoặc sao chụp hồ sơ bằng thiết bị điện tử, coppy dữ liệu điện tử mà phải trả phí là vô lý !
27/09/2023
icon-zalo
Người tham gia tố tụng đọc, ghi chép  hoặc sao chụp hồ sơ bằng thiết bị điện tử, coppy dữ liệu điện tử mà phải trả phí là vô lý !
 

TAND Tối cao đang lấy ý kiến đối với dự thảo Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo được giới hành nghề luật quan tâm đó là trong vụ án hình sự, trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp tài liệu thì phải chịu chi phí sao chụp.

Bổ sung chi phí sao chụp trong giai đoạn điều tra, truy tố

Theo dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về chi phí tố tụng, TAND Tối cao cho biết hiện nay trong tố tụng hình sự có quy định về quyền sao chụp tài liệu của bị can, người bào chữa. Tuy nhiên, hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức thực hiện và đặc biệt là chi phí sao chụp hồ sơ vụ án do ai chi trả, cơ quan tiến hành tố tụng hay bị can, người bào chữa phải chi trả.

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo pháp lệnh đã đề xuất quy định về chi phí sao chụp tài liệu vụ án. Cụ thể là chi phí sao chụp tài liệu để thực hiện quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao tài liệu.

Trong tố tụng hình sự, trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng phải sao chụp tài liệu cung cấp cho bị can để đảm bảo thực hiện quyền của bị can được đọc, ghi chép bản sao tài liệu liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4.

Nhà nước lo kinh phí này. Chi phí được lấy từ kinh phí chi đặc thù hằng năm của cơ quan tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó còn có chi phí sao chụp tài liệu trong trường hợp bị can, người bào chữa yêu cầu sao chụp. Trong vụ án hình sự, trường hợp bị can, người bào chữa (luật sư) yêu cầu sao chụp tài liệu thì bị can, người bào chữa phải chịu chi phí sao chụp tài liệu là 1.500 đồng/trang A4.

p6-anh-bai-Saochup-quy-2509.jpgNhiều vụ án, luật sư phải chụp hàng chục ngàn trang tài liệu. Trong ảnh: Các luật sư trong phiên tòa chuyến bay giải cứu. Ảnh: CTV

Góp ý về dự thảo này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: Bổ sung các quy định pháp luật về chi phí tố tụng vào Pháp lệnh chi phí tố tụng là cần thiết, trong đó có cả các chi phí sao chép, sao chụp tài liệu. Tuy nhiên, quy định như thế nào để đảm bảo sự hài hòa, hợp lý, dễ áp dụng, đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của đương sự, hạn chế những tiêu cực có thể phát sinh là vấn đề cần phải bàn kĩ. 
 
Hiện nay Việt Nam đang áp dụng 03 loại thủ tục tố tụng là Tố tụng hành chính (để giải quyết các vụ án hành chính); Tố tụng dân sự (để giải quyết vụ án dân sự, lao động, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại) và Tố tụng hình sự (để giải quyết các vụ án hình sự) trong quá trình thực hiện quyền tư pháp. Tất cả các hoạt động tố tụng đó thì đều thể hiện qua việc lập hồ sơ, thu thập chứng cứ, công khai chứng cứ, đánh giá chứng cứ và sử dụng chứng cứ để giải quyết vụ án.
 
Thủ tục Tố tụng hành chính và Tố tụng dân sự ở Việt Nam vẫn quy định tòa án là cơ quan có thẩm quyền thu thập chứng cứ, lập hồ sơ vụ án, quản lý hồ sơ vụ án, kết quả giải quyết vụ án sẽ căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, trên cơ sở làm rõ các chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Theo đó, tố tụng hành chính và tố tụng dân sự đều quy định là tòa án sẽ công khai chứng cứ, để các đương sự được tiếp cận chứng cứ. Chính vì vậy trong quá trình giải quyết vụ án hành chính và vụ án dân sự thì các đương sự được quyền "đọc, ghi chép, sao chụp" tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Đây là các quyền rất cơ bản của đương sự trong hoạt động tố tụng và để đảm bảo tính khách quan, để đảm bảo cho việc thực hiện quyền của các đương sự trong các vụ án mà tòa án đang giải quyết. 
 
Tố tụng hành chính và Tố tụng dân sự thời gian gần đây còn có nhiều nội dung quy định mới thể hiện tính dân chủ, công khai, công bằng, thể hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trong đó có việc quy định tòa án phải tổ chức buổi giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ để các tài liệu chứng cứ mà các đương sự đang có được giao nộp đầy đủ cho tòa án và các đương sự cũng được quyền tiếp cận bằng nhiều hình thức như đọc, ghi chép, sao chụp các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Đây là quy định mới, tiến bộ, thể hiện sự công khai minh bạch đối với hoạt động tố tụng, hạn chế tình trạng tòa án gây khó khăn cho đương sự trong việc giao nộp chứng cứ, gây khó khăn cho đương sự trong việc tiếp cận các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án dẫn đến tiêu cực, làm sai lệch hồ sơ vụ án. 

Bởi vậy, các văn bản dưới luật thì cần có những quy định để đảm bảo cơ chế thực hiện đầy đủ các quyền của đương sự, đảm bảo cho các quy định trong tố tụng được thực hiện một cách tốt nhất trên thực tế. Không nên đưa ra những quy định có tính chất là rào cản, gây cản trở, khó khăn, phiền hà cho đương sự và những người tham gia tố tụng khác trong việc thực hiện các quyền cơ bản của mình. 

TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp trình bày tại một cuộc hội thảo

 
Thực tiễn tố tụng trước đây thì các đương sự và những người tham gia tố tụng khác (trong đó có luật sư) thường chỉ thực hiện việc "đọc" hồ sơ tại tòa án và "ghi" chép lại những nội dung cần ghi nhớ. Ngoài ra cũng có trường hợp là luật sư hoặc đương sự đề nghị tòa án cho photo Copy một phần hoặc toàn bộ hồ sơ vụ án để thuận lợi trong việc nghiên cứu tài liệu, hồ sơ. 
 
Với các hoạt động tố tụng truyền thống trước đây mang nặng tính "thủ công". Việc đương sự, luật sư đọc hồ sơ có thể mất rất nhiều thời gian, việc ghi chép cũng không đạt nhiều hiệu quả với những hồ sơ có nhiều bút lục. Còn đối với việc photo hồ sơ bằng máy photo của tòa án thì không phải cơ quan tố tụng nào cũng tạo điều kiện và việc photo hồ sơ như vậy gây ra tốn kém chi phí giấy mực, điện, hao mòn máy móc của tòa án.
 
Thực tế tố tụng trước đây thì việc luật sư và các đương sự giao nộp chứng cứ, tiếp cận với các tài liệu cứng chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không phải khi nào cũng được thuận lợi. Chính vì vậy khi sửa đổi Luật tố tụng hành chính, Bộ luật tố tụng dân sự thì đều có quy định để cho các đương sự được tiếp cận, giao nộp, công khai chứng cứ. Tòa án buộc phải tổ chức ít nhất là một buổi để những người tham gia tố tụng được quyền giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ trong các vụ án hành chính, vụ án dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng hiện hành.
 
Cùng với sự phát triển của công nghệ và xã hội thì thời gian những năm gần đây các đương sự và luật sư tham gia tố tụng thường dùng điện thoại hoặc các phương tiện công nghệ cao để chụp ảnh hồ sơ vụ án mang về nghiên cứu, có thể in hoặc lưu trữ ở dạng điện tử.
 
Việc sao chụp hồ sơ hiện nay của luật sư và các đương sự không phải là hình thức photo bằng máy photo của tòa án, dùng giấy của tòa án, điện của tòa án mà là bằng điện thoại của luật sư, của đương sự và thời gian chụp hồ sơ tài liệu rất nhanh chóng. Vụ án nào gọi là "đại án" có hàng chục ngàn bút lục thì thời gian toán bố trí để luật sư chụp hồ sơ cũng không quá một ngày. Trường hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được số hóa, được lưu trữ thành các dữ liệu điện tử thì việc copy hồ sơ bằng hình thức copy các dữ liệu điện tử tại các cơ quan tiến hành tố tụng là rất dễ dàng và nhanh chóng, không phát sinh các chi phí tốn kém của cơ quan tiến hành tố tụng. 

Tiến sỹ luật học Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp
Tiến sĩ luật học Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp
 
Như vậy, dưới góc độ pháp lý thì tiếp cận với hồ sơ vụ án, đọc các tài liệu có trong hồ sơ, ghi chép, sao chụp tài liệu có trong hồ sơ vụ án là các quyền quan trọng, cơ bản của các đương sự, của những người tham gia tố tụng cần phải được đảm bảo thực hiện trên thực tế. Để tiếp cận với hồ sơ vụ án thì các đương sự, những người tham gia tố tụng (trong đó có luật sư) sẽ thực hiện một hoặc nhiều hoạt động sau đây: "đọc" hồ sơ; "ghi chép" hồ sơ, "sao chụp" hồ sơ. Hiện nay chưa có khái niệm cụ thể "sao chụp" hồ sơ là gì, thông thường thể hiện ở hai dạng là photocopy và chụp ảnh.
 
Bởi vậy, nếu đương sự, luật sư tham gia tố tụng lựa chọn hình thức tiếp cận với tài liệu, hồ sơ vụ án là "sao chụp" hồ sơ bằng phương pháp photocopy bằng máy photo của tòa án, sử dụng giấy, điện của tòa án để thực hiện hoạt động photocopy thì việc quy định người tham gia tố tụng phải nộp phí khi có yêu cầu photo copy hồ sơ bằng máy của tòa án, giấy của tòa án là cần thiết và hợp lý.

Còn nếu quy định các đương sự và luật sư đọc hồ sơ, ghi chép hồ sơ mà phải nộp phí thì đây là quy định vô lý. Nếu quy định không rõ ràng hoặc có quy định về việc đương sự đọc hồ sơ, ghi chép hồ sơ cũng phải nộp phí thì đây là rào cản cho các đường sự, những người tham gia tố tụng thực hiện quyền của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng. Đọc hồ sơ, ghi chép hồ sơ, sao chụp hồ sơ là các quyền rất cơ bản của đương sự, của những người tham gia tố tụng. Nếu có những quy định có tính chất rào cản kĩ thuật, quy định phải nộp những khoản chi phí bất hợp lý thì đó là bước thụt lùi của tố tụng. 

Ảnh minh họa. 

 
Chi phí tố tụng trong thủ tục Tố tụng hình sự

Đối với hoạt động Tố tụng hình sự thì có những đặc thù hơn là tố tụng dân sự và tố tụng hành chính. Hoạt động tố tụng hình sự trải qua 03 giai đoạn là giai đoạn điều tra, giai đoạn truy tố và giai đoạn xét xử. Hồ sơ vụ án hình sự chủ yếu do cơ quan điều tra thu thập trong quá trình điều tra vụ án. Kết thúc giai đoạn điều tra thì bị can, những người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được quyền tiếp cận hồ sơ vụ án bằng hình thức đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ vụ án. Nếu các đương sự, những người tham gia tố tụng không được tiếp cận với hồ sơ vụ án thì không thể thực hiện có hiệu quả hoạt động tranh tụng trong tố tụng hình sự. Bởi vậy bộ luật tố tụng hình sự quy định bị can, bị cáo, người bào chữa đều có quyền được tiếp cận với hồ sơ vụ án. 
 
Cụ thể, điểm i, khoản 2, Điều 60 BLTTHS quy định quyền của Bị can như sau: "i) Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu;".
 
Điểm i, khoản 1, Điều 73 BLTTHS quy định về quyền của người bào chữa như sau: "l) Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;".
 
Như vậy, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay thì sau khi kết thúc điều tra thì cả bị can và người bào chữa đều được quyền "đọc", "ghi chép" các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Với luật sư thì còn có thêm quyền "sao chụp" những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa.
 
Người giám hộ(Ảnh minh họa: Internet
 
Điều 60 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định bị can được quyền đọc "bản sao" tài liệu chứ không được quyền đọc bản chính tài liệu như người bào chữa. Vậy, khi bị can có yêu cầu được đọc hồ sơ thì cơ quan tố tụng bắt buộc phải sao, photo tài liệu ra để đưa cho bị can đọc. Đây là quy định rất mới, rất tiến bộ trong tố tụng hình sự để bị can có cơ hội tiếp cận với những chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội cho mình, làm cơ sở để thực hiện hoạt động tranh tụng công khai tại phiên tòa. Tuy nhiên, trên thực tế từ khi áp dụng bộ luật tố tụng hình sự 2015 đến nay thì rất ít các bị can thực hiện quyền này, nhiều cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa cởi mở trong việc đảm bảo thực hiện quyền được tiếp cận với hồ sơ vụ án của các bị can trong vụ án hình sự. Cũng chưa có quy định cụ thể là khi bị can có yêu cầu được đọc hồ sơ thì trong thời hạn bao lâu cơ quan tiến hành tố tụng phải sao chép hồ sơ để đưa cho bị can đọc, cũng không quy định cụ thể là thời gian bị can có thể được đọc hồ sơ là bao lâu, bao nhiêu lần. Đây là những lý do khiến cho việc thực hiện quyền được đồng hồ sơ vụ án của bị can khó có thể được thực hiện trong thực tế, mặc dù quy định pháp luật này trong tố tụng hình sự đã có mấy năm nay. 
 
Bởi vậy, chi phí để photo tài liệu đưa cho bị can đọc sau khi kết thúc điều tra vụ án hiện nay là không đáng kể. Để đảm bảo thực hiện quyền của các bị can, để đảm bảo công khai minh bạch các khoản chi phí tố tụng thì việc quy định chi phí photo hồ sơ để bị can độc trong quá trình giải quyết vụ án hình sự là cần thiết và cần thực hiện đầy đủ các cơ chế để đảm bảo quyền được tiếp cận hồ sơ của bị can theo quy định của pháp luật. 
Đơn xin sao chụp hồ sơ vụ án hình sự mới
 
Đối với người bào chữa, việc người bào chữa phải "đọc, ghi chép, sao chụp" các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để thực hiện tham gia tố tụng, tranh tụng tại phiên tòa là rất quan trọng, đây là nghĩa vụ của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, là hoạt động nghề nghiệp, một hoạt động tố tụng bắt buộc của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Trong các hình thức tiếp cận với hồ sơ vụ án thì "đọc hồ sơ" và "ghi chép" hồ sơ là những hoạt động rất "thủ công", mất nhiều thời gian công sức của luật sư. Hiện nay rất ít luật sư đến tòa để đọc hồ sơ (cả ngày) hoặc lấy bút ghi chép như ngày xưa vì vậy không nên quy định người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương phải trả phí cho hoạt động (đọc, ghi chép) này. Thực tế cho thấy luật sư đọc hồ sơ, ghi chép hồ sơ không làm tốn kém chi phí gì của cơ quan tố tụng. 
 
Còn đối với hoạt động "sao chụp" tài liệu chứng cứ thì cũng cần phân chia làm hai trường hợp là: Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự dùng máy ảnh, điện thoại chụp tài liệu chứng cứ; và trường hợp sử dụng máy photocopy, sử dụng giấy trắng của tòa án, của các cơ quan tiến hành tố tụng để photo hồ sơ tài liệu. Ngoài ra còn có thể có trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lễ hợp pháp của đương sự sử dụng usb để copy dữ liệu điện tử hồ sơ đã được số hóa tại các cơ quan tiến hành tố tụng. 
 
Bởi vậy, khi quy định về lệ phí, chi phí tố tụng thì chỉ lên quy định trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hoặc các đương sự khác sử dụng phương pháp photocopy hồ sơ tài liệu bằng cách sử dụng máy photocopy, sử dụng điện, giấy trắng của tòa án thì mới phải nộp chi phí tố tụng theo thời giá hao mòn máy móc, giá giấy mực.
 
Còn đối với trường hợp người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự và các đương sự khác thực hiện sao chụp hồ sơ bằng cách sử dụng các thiết bị điện tử để chụp hoặc dùng usb để copy tài liệu đã được số hóa từ cơ quan tiến hành tố tụng thì không nên quy định phải mất phí, không có lý do để gì để thu phí trong các trường hợp này. 
 
_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896