Nghi vấn lộ đề thi văn, người phát tán đề sẽ bị xử lý thế nào?
29/06/2023
Đề lan truyền trên mạng sau 25 phút làm bài
Sáng 28/6, sau khi bắt đầu thời gian làm bài thi môn văn khoảng 25 phút, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh đề thi văn. Theo Bộ GD&ĐT, thời điểm trên mạng lan truyền ảnh chụp đề thi là từ 8h sáng, trong khi bài thi văn bắt đầu tính giờ từ 7h35.
Đề lan truyền trên mạng sau đó được xác định trùng khớp hoàn toàn với đề thi văn chính thức, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.
"Phòng An ninh chính trị nội Bộ (A03), Bộ Công an đã phối hợp cùng Bộ GD&ĐT vào cuộc xác minh ngay. Hiện chúng tôi đã xác định được một số địa chỉ facebook lan truyền đề thi này", đại diện Bộ GD&ĐT cho biết.
Trao đổi với phóng viên Dân trí chiều 28/6, TS.LS Đặng Văn Cường (đoàn luật sư Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho biết, việc đưa đề thi ra ngoài, lan truyền trong khoảng thời gian đã đề cập là hành vi làm lọt đề thi ra ngoài, có dấu hiệu vi phạm quy chế thi và còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật.
Vì vậy, theo yêu cầu của bộ GD&ĐT, A03 sẽ vào cuộc xác minh làm rõ để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.
LS Cường cho biết, quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 19/5/2023 của Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành, danh mục bí mật Nhà nước trong lĩnh vực giáo dục thuộc dạng tối mật bao gồm:
Đề thi chính thức; đề thi dự bị; đáp án đề thi chính thức; đáp án đề thi dự bị của các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế và khu vực chưa công khai.
Với quy định này, đề thi tốt nghiệp THPT là loại tài liệu tối mật, được bảo vệ theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Tuy nhiên, với đề thi chưa được công bố mà cố ý hoặc vô ý làm lộ lọt thì người làm lộ đề thi sẽ bị xử lý hình sự về tội "cố ý làm lộ bí mật nhà nước" hoặc tội "vô ý làm lộ bí mật nhà nước".
Trong tình huống này, đề thi đã được công bố, đã được công khai đối với các thí sinh, ảnh chụp cho thấy đề có chữ ký của cả hai giám thị nên quy định về bảo mật sẽ không còn chặt chẽ như lúc chưa được công bố.
Bởi vậy, trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy người làm lộ lọt đề thi này ra bên ngoài là thí sinh thì thí sinh này vi phạm quy chế thi và sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật, mức cao nhất có thể là đình chỉ thi, hủy bỏ kết quả thi.
Còn trường hợp kết quả xác minh cho thấy người làm lộ lọt đề thi này ra bên ngoài là người có chức vụ quyền hạn (cán bộ coi thi hoặc các cán bộ khác có liên quan đến kỳ) thì hành vi này là làm trái công vụ, gây thiệt hại cho nhà nước. Người vi phạm trong trường hợp này có thể bị xử lý hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trong vụ việc này, nếu hành vi làm "lọt" đề thi ra bên ngoài mà không có lỗi của giám thị (giám thị không biết và không thể biết do hành vi gian lận của thí sinh quá tinh vi, sử dụng phương tiện điện tử để truyền tin...) thì yếu tố "lỗi" nằm ở thí sinh. Khi đó, giám thị sẽ không bị xử lý.
Cán bộ phát tán đề có thể bị xử lý hình sự
Luật sư chỉ rõ thêm, chỉ trong trường hợp người có chức vụ quyền hạn cố ý làm "lọt" đề thi ra ngoài khiến kết quả thi bị ảnh hưởng thì mới có thể bị xem xét xử lý theo Điều 356 Bộ luật hình sự.
Theo LS Cường, một yếu tố quan trọng cần xem xét ở đây, theo quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ GD&ĐT, không ai được sử dụng các thiết bị thu phát thông tin trong khu vực coi thi, chấm thi, phúc khảo của hội đồng thi, trừ điện thoại cố định có loa ngoài, máy tính.
Trách nhiệm của cán bộ coi thi là phải kiểm tra các vật dụng thí sinh mang vào phòng thi, tuyệt đối không để thí sinh mang vào phòng thi các tài liệu và vật dụng bị cấm theo quy định.
Quy chế cũng nêu rõ, thí sinh chỉ được mang vào phòng thi: Bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính; máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản, không có thẻ nhớ; Atlat Địa lí Việt Nam đối với môn thi Địa lí...
Bởi vậy, việc thí sinh có hành vi mang thiết bị thu phát thông tin, đơn cử như điện thoại di động để chụp và gửi đề thi ra ngoài, phát tán lên mạng xã hội đã vi phạm quy chế và sẽ bị xử lý theo quy chế.
Trả lời phóng viên Dân trí về sự việc trước đó, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, hiện chưa có thông tin ảnh hưởng rộng rãi về mức độ ảnh hưởng của đề thi này bởi khả năng tương tác chỉ ở một thí sinh.
Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa ghi nhận có thông tin giải đề hoặc hướng dẫn giải đề từ bên ngoài vào phòng thi.
Bộ GD&ĐT đề nghị các Hội đồng thi tiếp tục tăng cường phương án phòng ngừa thiết bị công nghệ cao để hạn chế tối đa việc có thể gian lận trong phòng thi, quản lý chặt chẽ đề thi theo quy định.
Biết con dâu vi phạm luật giao thông đường bộ, thay vì chấp hành thì người mẹ chồng lại có hành vi chống đối, ngăn cản Tổ công tác của Đội CSGT Công an huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đang làm nhiệm vụ. Dù bị khống chế nhưng người này vẫn văng nhiều từ ngữ dung tục, khó nghe.
Do đòi tiền phí, người giao hàng bị vợ chồng người nhận hàng sử dụng hung khí là tuýp sắt, bình hoa, ghế… đánh gãy hai tay. Chuyên gia pháp lý cho biết, vụ việc này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Chuyên gia pháp lý nhận định, đây là một vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác.
Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội khiến nhiều người tan cửa, nát nhà, gia đình ly tán. Do vậy, việc đấu tranh với các hoạt động mê tín dị đoan đồng bóng, bói toán là cần thiết để xã hội văn minh hơn, phát triển lành mạnh hơn