Mức án nào cho đối tượng cưỡng đoạt tài sản mượn danh “thương binh“?
Theo luật sư, đe dọa uy hiếp tinh thần người khác để đòi nợ là vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù.
Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trần Thị Xuân Huyền (SN 1968), Nguyễn Thị Kim Xuân (SN 1977), Nguyễn Thị Duyên (SN 1978) và Đỗ Văn Đường (SN 1958) đều ở Hà Nội để điều tra hành vi “cưỡng đoạt tài sản”.
Theo điều tra, bà L.B.L. (SN 1961, ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa) nợ của Trần Thị Xuân Huyền 3,08 tỷ và trả được 100 triệu đồng.
|
Nhóm người tự xưng thương binh đến nhà nạn nhân gây áp lực đòi tiền.
|
Trong số nợ trên, bà L. vay Huyền 2,75 tỷ, có sự chứng kiến của Xuân và Duyên. Giữa Huyền và bà L. thỏa thuận lãi suất cho vay 3 tỷ đồng là 10 triệu đồng/1 ngày. Nhưng sau đó, bà L. thông báo không có khả năng chi trả tiền gốc, lãi nên Huyền uỷ quyền và gọi nhóm Đỗ Văn Đường đến gây sức ép buộc bà phải trả nợ.
Khoảng 11h20 ngày 22/3, Đỗ Văn Đường cùng 4 người đàn ông tự xưng thương binh, đỗ 4 xe ba bánh chặn cửa nhà bà L. Nhóm của Đường xuống tầng 1 nhà bà L., trải chiếu ngồi ăn uống gây áp lực buộc trả tiền. Còn Duyên liên tục chửi bới dọa dẫm nhằm giúp Huyền thu được tiền nợ. Hoảng sợ, bà L. đến cơ quan công an trình báo. Khai báo với cơ quan công an, bà L. cho biết, số tiền trên là do Huyền, Xuân, Duyên rủ cùng "ôm" lô, đề. Khi được, thua sẽ chia đều. Do không có tiền nên Huyền yêu cầu bà L. phải viết giấy nhận đặt cọc vay.
|
Các đối tượng tại cơ quan Công an. |
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác để đòi nợ là hành vi vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù.
Pháp luật quy định, người có nghĩa vụ trả nợ, trả tiền trong các giao dịch dân sự phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền của mình theo thỏa thuận. Đồng thời cũng quy định người có quyền đòi nợ được quyền nhắc nợ, yêu cầu người nợ tiền phải trả nợ theo quy định của pháp luật. Pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác để đòi nợ, kinh doanh dịch vụ đòi nợ trái pháp luật.
|
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) |
Luật sư Cường cho biết thêm, hiện nay, Bộ luật Hình sự Việt Nam không có quy định về tội đòi nợ trái pháp luật, tuy nhiên có quy định về nhóm tội phạm xâm phạm quyền sở hữu, trong đó có hành vi cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản. Việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của con nợ để đòi nợ thì đây là hành vi cướp tài sản, người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội cướp tài sản theo điều 168 Bộ luật Hình sự. Còn trường hợp đòi nợ hoặc thuê người khác đòi nợ bằng cách đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần sẽ bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự với hình phạt là phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Trường hợp uy hiếp tinh thần của con nợ để đòi số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên hình phạt là phạt tù từ 12 năm tù đến 20 năm tù".
Theo luật sư Cường, trong vụ án nêu trên, trường hợp kết quả điều tra, truy tố, xét xử cho thấy các đối tượng đã có hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân để đòi nợ với số tiền là 3.000.000.000 đồng thì nhóm đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù theo quy định tại khoản 4, điều 170 Bộ luật Hình sự. Mạo danh thương binh để thực hiện tội phạm có thể được xác định là hành vi phạm tội tinh vi, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của lực lượng cựu chiến binh, của quân đội nhân dân Việt Nam. Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để xử lý, nếu có hành vi mạo danh thương binh để phạm tội thì cần phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ lời khai của người bị hại để xác định có hành vi lô đề hay không để xử lý về tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép. Đồng thời, làm rõ có hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đây là vụ án hình sự phức tạp, có liên quan nhiều đối tượng và nhận thức có thể khác nhau. Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ thận trọng xác minh làm rõ hành vi của từng đối tượng, làm rõ động cơ mục đích, nhận thức và hành vi cũng như đánh giá hậu quả để xử lý theo quy định của pháp luật đồng thời răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.