Vừa qua, có rất nhiều vụ việc chó nuôi thả rông cắn người gây thương tích nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này?
Ảnh minh họa.
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, vật nuôi là nguồn nguy hiểm cao độ, có thể gây ra thiệt hại cho người khác bất kỳ lúc nào. Vì vậy khi vật nuôi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì chủ vật nuôi phải bồi thường thiệt hại, nếu vi phạm về việc quản lý, nuôi nhốt mà gây hậu quả nghiêm trọng thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Theo đó, nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Ngoài ra, điều luật này cũng quy định chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, Điều 603 Bộ luật Dân sự cũng quy định, chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Như vậy, pháp luật quy định rất rõ ràng về bồi thường thiệt hại do súc vật, thú dữ gây ra. Kể cả trong trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, quản lý chủ nuôi không có lỗi thì vẫn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân.
Ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay thì một số loài chó dữ bị cấm nuôi hoặc khi nuôi phải đăng ký và quản lý ngặt nghèo. Chó pitbull đã bị cấm ở hơn 20 quốc gia bao gồm Anh, Pháp, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Singapore, New Zealand, Na Uy,... Ngoài ra một số giống chó dữ khác như rockweiler, doberman, ngao Tây Tạng,... nhiều quốc gia cũng đã cấm nuôi nhốt hoặc có những quy định để hạn chế người dân nuôi tự phát những loại chó này bởi tính chất nguy hiểm của chúng.
Pháp luật Việt Nam hiện hành không cấm người dân nuôi chó, nhiều người đã chọn các loại chó khác nhau, trong đó có cả chó dữ để làm thú cưng, nuôi trong khu dân cư. Pháp luật quy định quá trình nuôi chăm sóc chó phải đảm bảo an toàn, phải tuân thủ các quy định pháp luật để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, an toàn cho cộng đồng. Theo Quyết định 193/QĐ-TTg ban hành ngày 13/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ, để khống chế và loại trừ bệnh dại, quy định người nuôi chó phải quản lý chó nuôi, phải tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, cam kết nuôi nhốt (hoặc xích), giữ chó trong khuôn viên của gia đình, khi ra ngoài còn phải đeo rọ mõm cho chó, khi đưa chó ra nơi công cộng phải xích giữ chó hoặc có người dắt.
Trường hợp để chó thả rông không có người dắt, không đeo rõ mõm dẫn đến chó cắn người thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về đảm bảo an toàn nơi đông người, nếu hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp hậu quả chưa nghiêm trọng thì hành vi này cũng sẽ bị xử phạt hành chính và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Trường hợp chó cắn người mà hậu quả nạn nhân không tử vong, thương tích chưa nghiêm trọng thì người quản lý phải chủ vật nuôi sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 04/2020/NĐ-CP, với mức phạt hành chính là phạt tiền 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Ngoài ra phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra đối với nạn nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự về thiệt hại do vật nuôi gây ra và thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
Trường hợp người nuôi chó không tuân thủ quy định dẫn đến chó cắn chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vô ý làm chết người" theo Điều 128 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt có thể đến 05 năm tù.
Đối với trường hợp để chó thả rông nơi công cộng, nơi đông người dẫn đến hậu quả chó cắn người mà nạn nhân không chết nhưng thương tích từ 61% trở lên hoặc thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên thì chủ vật nuôi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn nơi đông người" theo Điều 295 Bộ luật Hình sự với mức phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, nếu hành vi vô ý gây thương tích cho nạn nhân mà hậu quả thương tích của nạn nhân từ 31 % trở lên thì người có lỗi vô ý cũng có thể bị xử lý hình sự về tội "Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự.
Vì vậy, cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý vật nuôi, đặc biệt là các loại chó dữ, nghiên cứu để ban hành các quy định nhằm cấm hoặc hạn chế những loại vật nuôi hùng dữ nguy hiểm, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.