Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Bạo hành trẻ em, nỗi đau nhức nhối trong xã hội!
30/05/2023
icon-zalo

Bạo lực, bạo hành trẻ em: Vì sao xã hội ngày càng phát triển, càng văn minh nhưng số trẻ em, số vụ vụ bạo hành không giảm, thậm chí gia tăng, tính chất phức tạp, tàn nhẫn hơn?

Trẻ em, đối tượng được quan tâm đặc biệt trong xã hội
 
Trẻ em là đối tượng yếu thế trong xã hội, trẻ em chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, chưa có đủ kỹ năng sống, trẻ em còn nhỏ thì thường là sẽ chưa biết cách tự bảo vệ bản thân khỏi  những mối nguy hiểm nên trẻ em luôn là đối tượng dễ bị tổn thương, có nguy cơ bị bạo hành, bạo lực cao trong xã hội. Người thực hiện hành vi bạo lực đối với trẻ em không chỉ là người lạ mà ngay chính những người thân trong gia đình như cha mẹ, ông bà hay những người thực hiện hoạt động nghề nghiệp giáo dục như thầy, cô giáo cũng có thể trở thành đối tượng thực hiện hành vi bạo lực trẻ em, gây tổn thương nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe, thậm chí tính mạng của trẻ em. Chính vì vậy bảo vệ trẻ em là vấn đề quan trọng luôn được đặt với nhà nước, các cấp chính quyền và với toàn xã hội. Bảo vệ trẻ em chính là bảo vệ tương lai của đất nước, là thể hiện trách nhiệm của không của riêng ai.
 
Việt Nam là nước đang phát triển, có lực lượng người trẻ tuổi trong độ tuổi lao động cao, đồng thời số trẻ em hằng năm cũng vẫn ở mức cao. Mặc dù đảng và nhà nước rất quan tâm đến vấn đề trẻ em, thường xuyên hoàn thiện chính sách pháp luật về trẻ em và xây dựng cơ chế đảm bảo thực hiện quyền trẻ em. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hành vi bạo hành trẻ em vẫn diễn ra khá phổ biến trong đời sống xã hội, thậm chí có những thời điểm rất nhức nhối cần có những giải pháp tích cực, kịp thời để ngăn chặn tình trạng bạo lực trẻ em, bảo vệ trẻ em một cách tốt nhất

Bạo hành trẻ em là gì?

Để bảo vệ trẻ em khỏi nạn bạo hành thì cần thống nhất cách hiểu về khái niệm bạo hành trẻ em là gì ? Có nhiều cách đưa ra khái niệm khác nhau, có cách theo phương pháp liệt kê, có cách theo phương pháp mô tả, quan điểm quốc tế và quan điểm trong nước về bạo hành trẻ em cũng khác nhau. Tổ chức WHO  cho rằng bạo hành trẻ em là tất cả những hành vi  đối xử một cách tệ bạc đối với trẻ em về cả thể chất và tinh thần như là đánh đập ... dẫn đến những mối nguy hiểm tiềm năng hay hiện hữu đối với sức khỏe, nhân phẩm và sự phát triển của trẻ em.
 
Theo khoản 6, Điều 4, Luật trẻ em thì: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
thực trạng bạo hành trẻ em
Đánh đập, hạ nhục danh dự hay xâm phạm thân thể đều chính là hành vi bạo hành trẻ em (ảnh minh hoạ)

Như vậy, mặc dù có nhiều cách đưa ra khái niệm về bạo hành trẻ em, tuy nhiên nhìn chung đều chỉ ra bạo hành trẻ em là hành vi gây tổn hại về mặt thể chất và tinh thần của trẻ em bằng các cách như là đánh đập, chửi mắng, xỉ nhục; gây áp lực thường xuyên về tâm lý. Hậu quả của hành vi bạo hành trẻ em sẽ làm tổn thương đến tâm lý, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, có thể xâm phạm đến tính mạng của trẻ em. Hành vi bạo hành trẻ em có thể thể hiện bằng lời nói hoặc bằng hành động, có thể sử dụng vũ lực  là tay chân hoặc hung khí để đánh đập, xâm phạm trực tiếp đến thân thể của trẻ em.

Những hành vi thường thấy và đơn giản như như chửi mắng, gây áp lực nó không tác động về mặt thân thể nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng về mặt tinh thần của trẻ em, nó có thể gây ám ảnh, ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của trẻ sau này. 

vấn đề bạo hành trẻ em

Hậu quả trẻ em bị hành hạ (ảnh minh họa)

Số vụ bạo hành trẻ em có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp

Theo Báo cáo của Chính phủ, tính đến hết ngày 30/6/2019, cả nước có 24.776.733 trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước (trong đó có 12.915.365 trẻ em nam, chiếm 52,13%; 11.861.368 trẻ em nữ, chiếm 47,87%). So với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thì tỷ lệ trẻ em trong cơ cấu dân số là cao, nhu cầu bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em ở Việt Nam là rất lớn. 

Bạo lực, bảo hành trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật, mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục quyền trẻ em và áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ trẻ em tuy nhiên các vụ việc xâm phạm đến thân thể, danh dự nhân phẩm của trẻ em vẫn ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt đối với trẻ em sống trong những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo và trẻ em lang thang cơ nhỡ. 

Theo Báo cáo 217/BC-CP của Chính phủ, từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/6/2014, cả  nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính: 8.442 vụ bạo lực về thể chất với trẻ em có 8.709 trẻ em bị bạo lực về thể chất (1.672 trẻ em nam, 7.037 trẻ em nữ). Số trẻ em bị bạo lực về thể chất chiếm 0.035% tổng số trẻ em toàn quốc. Trong đó: Xâm hại tình dục: 6.364 vụ, 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị bạo lực về thể chất; (trong đó: 2.191 trẻ bị hiếp dâm, 31 trẻ bị cưỡng dâm, 1.096 bị dâm ô, 3.114 trẻ bị giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác). 

Bạo lực trẻ em: 706 vụ, 857 trẻ em (giết trẻ em: 191 trẻ, cố ý gây thương tích: 666 trẻ), chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị bạo lực về  thể chất; Các hành vi như hành hạ trẻ em; sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm trẻ em; đánh tráo trẻ em dưới 1 tuổi; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp trẻ em vi phạm pháp luật; truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy đối với trẻ em...: 1.246 vụ, 1.314 trẻ em, chiếm 15,09% tổng số trẻ em bị bạo lực về thể chất; Các trường hợp khác: 126 vụ, 106 trẻ em, chiếm 1,22% tổng số trẻ em, gồm mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em . 

Đó là những con số được thống kê trên cơ sở những vụ việc được phát hiện, được giải quyết và có số liệu. Còn thực tế những vụ việc bạo lực, bạo hành trẻ em diễn ra rất nhiều trong xã hội nhưng chưa bị phát hiện, chưa bị xử lý. Đặc biệt là những hành vi gây áp lực đến trẻ em về kết quả học tập, đánh đập hành hạ trẻ em do bực tức, với danh nghĩa "giáo dục". Điều đáng lo ngại là việc ly hôn trong xã hội ngày nay của các cặp vợ chồng trẻ khá phổ biến và rất dễ dàng, sau khi ly hôn thì trẻ em sống cùng cha hoặc mẹ với người tình của cha, mẹ dẫn đến trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục, nhất là những trường hợp trẻ em sống cùng với những người nghiện ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy hoặc những người nghiện rượu, gia đình có bạo lực. Rất nhiều vụ đến khi trẻ em bị sát hại thì khi đó mới phát hiện, mới xử lý đối tượng vi phạm. Theo con số thống kê thì trẻ em bị thiệt mạng do bị bạo lực, bạo hành ngày càng gia tăng cả về số vụ và số nạn nhân. 

Báo cáo của Chính phủ số 217/BC–CP ngày 14/5/2020 của Chính Phủ và tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, trong giai đoạn từ 2015 đến tháng 6/2019 đáng lưu ý có: 337 trẻ bị tử vong do bị bạo lực về thể chất (trong đó 191 trẻ em bị giết, 146 trẻ bị các hình thức khác dẫn đến tử vong). Các địa phương có số trẻ bị tử vong nhiều là Hà Nội (13 trẻ), Bắc Ninh (8 trẻ), Gia Lai (8 trẻ), Lào Cai(8 trẻ), Quảng Ninh (7 trẻ), Thanh Hóa (7 trẻ); Có tới 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục. Các địa phương có số trẻ em có thai do bị xâm hại tình dục nhiều là: Thành phố Hồ Chí Minh (86 trẻ), Bắc Kạn (17 trẻ), Đồng Tháp (16 trẻ), Long An (15 trẻ), Lâm Đồng (14 trẻ), Bình Phước (14 trẻ); Theo số thống kê thì có tới 193 trẻ em bị rối loạn tâm thần; 375 trẻ em bị thương tật;180 trẻ em phải bỏ học. Trong đó trẻ em là nạn nhân dưới 6 tuổi chiếm 7,2%, dưới 13 tuổi chiếm tới 37,3% trong các vụ bạo lực về thể chất với trẻ em. Các trẻ em khác là nạn nhân bị bạo lực về thể chất đều bị tổn hại với các mức độ khác nhau.

Rất nhiều đối tượng đã bị khởi tố, bị xử lý hình sự, thậm chí đã có án cao nhất là tù chung thân, tử hình tuy nhiên hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em có vẻ còn diễn biến phức tạp. Theo báo cáo này thì kết quả xử lý các vụ việc bạo lực về thể chất với trẻ em được phát hiện và xử lý theo quy định pháp luật đã khởi tố: 7.119 vụ, gồm 7.211 bị can và 7.244 nạn nhân; Xử lý vi phạm hành chính: 1.234 vụ, 1.511 đối tượng, 1.324 nạn nhân – Đang điều tra, xác minh: 89 vụ, 122 đối tượng, 141 trẻ em nghi bị xâm hại. 

Tính chất vụ việc bạo lực về thể chất với trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nạn nhân trẻ em bị bạo lực về thể chất xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những trẻ em tuổi mầm non. Với những cơ sở mầm non tư thục, thiếu sự quản lý của nhà nước hoặc với các giáo viên không được đào tạo bài bản, không thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức thì hành vi bạo hành đối với trẻ em xảy ra nhiều hơn. Đặc biệt với đối tượng trẻ em sống trong gia đình nghèo, bố mẹ làm công nhân ở các khu công nghiệp, không có điều kiện chăm sóc thì nguy cơ bị bạo hành cũng cao hơn. 

Trẻ em bị bạo hành về tinh thần thì khó phát hiện, khó xử lý. Tuy nhiên với trẻ em bị bảo hành về thể chất, bị tổn hại sức khỏe, tâm lý, bị thương tích hoặc thiệt mạng là những hậu quả vật chất có thể nhìn thấy nên việc xử lý dễ dàng hơn, quyết liệt hơn. Theo thống kê thì số trẻ em bị bạo lực về thể chất được phát hiện, xử lý trong giai đoạn 2011 – 2014 là 7.211 trẻ em, tăng 98 trẻ em bị bạo lực về thể chất. Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ bị bạo lực về thể chất tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% trẻ bị bạo lực về thể chất trong cả năm 2018 (1.799 trẻ), tính trung bình một ngày có 7 trẻ em bị xâm hại. Sự gia tăng đột biến này một phần phản ánh thực tế các vụ bạo lực thể chất trẻ em tăng, một phần do người dân, trẻ em có ý thức hơn trong việc tố giác, tố cáo hành vi bạo lực về thể chất đối với trẻ em, đồng thời công tác phát hiện, xử lý hành vi bạo lực thể chất trẻ em cũng được tăng cường hơn giai đoạn trước. 

Trong các hình thức bạo lực về thể chất với trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất trong giai đoạn này là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ bạo lực về thể chất với trẻ em được công an các cấp tiếp nhận xử lý. Cá biệt có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm tới 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại – điển hình như tỉnh Hậu Giang chiếm 97,4%, tỉnh Kiên Giang chiếm 95,5% và tỉnh Đồng Nai chiếm 94,2%. 

Bạo lực về thể chất với trẻ em cũng xảy ra nhiều, hậu quả nghiêm trọng, trong đó 857 trẻ em là nạn nhân, chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị bạo lực về thể chất được phát hiện, xử lý. Theo Báo cáo của Chính phủ số 217/BC–CP ngày 14/5/2020 của Chính Phủ, có 1.031.944 trẻ em (chiếm 5,36%) trong độ tuổi 5–17 tuổi được xác định là lao động trẻ em trong đó có 790.518 trẻ em lao động không đúng quy định pháp luật . 

Số lượng trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật về lao động còn lớn, nhưng không phải là lao động cưỡng bức theo các Công ước quốc tế về lao động cưỡng bức và đã giảm đáng kể kể so với những năm trước, thấp hơn tỷ lệ chung của một số nước trong khu vực. Phần lớn trẻ em tham gia lao động sớm đều có hoàn cảnh khó khăn, mục đích lao động để kiếm thêm thu nhập phụ giúp gia đình, nên được các gia đình đồng thuận và chính quyền địa phương còn gặp khó khăn trong việc đưa các em trở về nhà. Vì vậy, cần có nhiều giải pháp tổng thể về kinh tế – xã hội thì mới giải quyết được cơ bản tình trạng trẻ em lao động không đúng quy định của pháp luật. 

Trẻ em bị bạo hành (ảnh minh hoạ)

Hành vi bạo lực về thể chất đối với trẻ em vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức. Người cao tuổi, cha mẹ, người thân, thầy cô giáo và người có trách nhiệm chăm sóc trẻ em đều có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động về sự suy đồi đạo đức như hiếp dâm tập thể, hiếp dâm rồi giết trẻ em, người cao tuổi xâm hại tình dục trẻ em nhỏ tuổi. Một số vụ hiếp dâm trẻ em mang tính loạn luân như cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ, cha đẻ hiếp dâm con gái ruột trong một thời gian dài. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên môi trường mạng có xu hướng tăng nhanh.

Trong thực tế, còn nhiều trường hợp trẻ em bị bạo lực về thể chất nhưng chưa được phát hiện kịp thời, đầy đủ để xử lý, nhất là các hành vi bạo lực gây tổn hại về thân thể và sức khỏe cho trẻ em. Nhiều vụ bạo lực về thể chất với trẻ em xảy ra ở nơi kín đáo, biệt lập, nhiều vụ xảy ra tại gia đình, ít có tố giác; nhiều vụ xâm hại tình dục hay bạo lực xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, có vụ cha mẹ biết con bị xâm hại tình dục nhưng không tố giác vì nhiều lý do khác nhau; nhiều đối tượng xâm hại tình dục lợi dụng mạng xã hội, lấy tên, địa chỉ, nhân thân giả nên việc thu thập thông tin, điều tra, xử lý của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn...

Mặt khác, công tác đi theo dõi, thống kê số trẻ em bị bạo lực về thể chất chưa được quan tâm đúng mức. Điều này dẫn đến số vụ việc bạo lực về thể chất với trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị bạo lực về thể chất trên thực tế.

Đối tượng thực hiện hành vi bạo lực về thể chất với trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau, có cả đối tượng là người lạ và người quen biết với trẻ em, có người thân thích trong gia đình; giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục; cán bộ công chức, viên chức; cán bộ hưu trí, người cao tuổi.... 

 

Bạo hành trẻ em (ảnh minh hoạ)


Các đối tượng thực hiện hành vi bạo lực về thể chất với trẻ em chủ yếu là nam giới chiếm 95%; họ là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ em chiếm tỷ lệ lớn trong các đối tượng bạo lực về thể chết với trẻ em và có xu hướng gia tăng: tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 97,92%, tỉnh Phú Thọ chiếm 97%, tỉnh Cà Mau 95,9%... Đáng lưu ý, ở nhiều địa phương có vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái, có trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ em mang thai, đẻ con; có trường hợp giết con mang tính chất dã man, mất nhân tính... 

Bạo lực về thể chất với trẻ em không chỉ xảy ra ở vùng nông thôn, vùng còn khó khăn, đặc biệt khó khăn mà tại các tỉnh thành phố lớn có điều kiện kinh tế – xã hội phát triển cũng đang có xu hướng gia tăng. Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội là 2 trong 10 địa phương có số trẻ em bị bạo lực về thể chất nhiều nhất trong cả nước. Hành vi bạo lực về thể chất với trẻ em xảy ra ở nhiều địa điểm khác nhau.

Nhiều vụ xảy ra tại nơi vắng vẻ, ít người qua lại, nơi kín đáo, biệt lập. Nhiều vụ xảy ra ngay tại khu vực công cộng, nơi vui chơi của trẻ như: cơ sở giáo dục, cơ sở trông giữ trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội, điểm sinh hoạt, điểm vui chơi của trẻ em, cầu thang máy chung cư... 

nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em
“Thương cho roi cho vọt” là một trong những tư tưởng cũ cần được loại bỏ dần

Chế tài đối với hành vi bạo hành trẻ em ở Việt Nam là rất nghiêm khắc

Dưới góc độ pháp lý thì hành vi bạo hành trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tình tiết phạm tội với người dưới 16 tuổi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Mức xử phạt vi phạm hành chính xâm phạm đến người dưới 16 tuổi thì cũng có mức xử lý các trường hợp khác. 

Dì ghẻ Nguyễn Võ Quỳnh Trang lãnh án tử hình dù xin “một con đường lui”. Hai bị cáo tại phiên tòa ngày 21.7

- Xử lý hành chính đối với hành vi bạo hành trẻ em

Theo quy định tại Điều 20, Nghị định 130/2021/NĐ-CP thì hành vi bạo lực trẻ em bị xử lý như sau:  Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng nếu thực hiện một trong các hành vi sau: Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác; Hành vi cô lập và xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây thiệt hại về thể chất, tinh thần của trẻ em; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi tổn hại về tinh thần; 

Biện pháp khắc phục hậu quả: Ngoài hình phạt chính là phạt tiền đến 20.000.000 đồng thì người thực hiện hành vi xâm phạm đến trẻ em còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh nếu có cho trẻ em đối với hành vi vi phạm; Buộc phải tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ sợ hãi, tổn hại về mặt tinh thần.

Bạo lực trẻ em là gì? Mức xử phạt hành chính đối với hành vi bạo lực trẻ em

Bạo lực trẻ em ( ảnh minh hoạ)

Xử lý hình sự đối với hành vi bạo hành trẻ em 

Đối với những hành vi bạo hành trẻ em mà gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý, sức khỏe, tính mạng của trẻ em đến mức được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì người thực hiện hành vi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác, tội hành hạ con phải tội cố ý gây thương tích, hoặc tội giết người tùy thuộc vào hành vi và hậu quả cụ thể. Trong đó, phạm tội đối với trẻ em là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, người thực hiện hành vi này sẽ chịu mức hình phạt ở khung cao trong các điều luật

Theo khoản 2 điều 140 BLHS tội hành hạ người khác thì người phạm tội đối với trẻ em dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm...

Tại điều 134 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác thì Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lên tổn thương cơ thể từ 11% đến 30 % hoặc là dưới 11% nhưng thuộc một trong trường hợp đối với người dưới 16 tuổi  thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Các trường hợp khác tùy thuộc vào tỷ lệ thương tích và phạm tội với trẻ em thì đều là tình tiết định khung hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Mức hình phạt cao nhất của tội danh này có thể tới tù chung thân nếu hậu quả làm chết người.

Trong trường hợp giết người dưới 16 tuổi thì sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo quy định tại điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. 

Từ 1/1/2022, bạo lực với trẻ em có thể bị xử phạt lên tới 20 triệu đồng. Ảnh internet.

Từ 01/01/2022, bạo lực với trẻ em có thể bị xử phạt lên tới 20 triệu đồng. Ảnh internet.

Nguyên nhân trẻ em bị bạo hành 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị bạo hành, trong đó có thể kể đến như:

1. Trẻ có nhiều hay quấy khóc, hay đùa nên nếu như những người xung quanh, những người trông giữ trẻ không có kỹ năng tốt, thiếu kiểm chế thì rất dễ nổi nóng đánh đập, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em;

2. Mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn trong gia đình giữa những người lớn dẫn đến việc trả thù, nhiều người ích kỷ, coi thường pháp luật nên đã hành hung, đánh đập trẻ em để trả thù do mâu thuẫn với cha mẹ của trẻ;

3. Trẻ em sống trong gia đình có cha mẹ nghiện ngập, sa đà vào các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy thì cuộc sống rất phức tạp, có nguy cơ bị bạo hành cao hơn những trẻ em khác;

4. Trẻ em sống chung với cha dượng, mẹ kế hoặc người tình của cha, của mẹ thì nguy cơ bị bảo hành cũng cao hơn những trẻ em sống trong gia đình khác bởi đôi khi trẻ em trở thành sự vướng bận đối với mối quan hệ tình cảm của người lớn, một số vụ án gần đây cho thấy đối tượng đã sát hại con của người tình chỉ vì muốn được tự do tình cảm với cha, với mẹ của cháu bé;

5. Nhiều bậc phụ huynh vẫn còn tư tưởng giáo dục con bằng roi, bằng vọt. Nổi nóng, dễ sử dụng bạo lực khi giáo dục con cái dẫn đến gây tổn thương cho con, thậm chí gây thương tích, thiệt mạng cho trẻ em;

6. Tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra nhiều trong giới trẻ, đặc biệt là trong những cặp đôi sống như vợ chồng nên nhiều trường hợp các đối tượng sử dụng ma túy vào gây ảo giác rồi đánh đập, hành hạ, sát hại trẻ em;

7. Bạo lực, bạo hành trẻ em trong môi trường giáo dục cũng hiện ra nhiều và diễn biến phức tạp bởi các cơ sở giáo dục chui, giáo viên không được đào tạo bài bản, thiếu đạo đức dẫn đến thực hiện hành vi hành hạ trẻ em. 

8. Công tác quản lý giám sát đối với các hoạt động giáo dục, đối với môi trường gia đình chưa được thực hiện tốt ở nhiều địa phương dẫn đến tình trạng trẻ em bị bạo hành kéo dài, đến khi bị thiệt mạng thì mới phát hiện ra, mới lên án, trong khi đó hành vi bạo hành diễn ra thường xuyên liên tục mà không ai quan tâm.. 
 
bạo hành trẻ em do tư tưởng trọng nam khinh nữ
Rất nhiều bé gái bị cha mẹ hành hạ, không cho đi học chỉ vì là con gái (ảnh minh hoạ)
Giải pháp bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành 
 
Để giảm thiểu những vụ việc trẻ em bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm, để bảo vệ trẻ em có hiệu quả thì phải thực hiện đầy đủ các giải pháp được liệt kê, quy định trong luật bảo vệ trẻ em, trong đó có các giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật.
 
Giải pháp về tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, ý thức bảo vệ quyền trẻ em. Cần phải tuyên truyền để trẻ em và các bậc phụ huynh hiểu được các quy định về bảo vệ trẻ em, thực hiện quyền trẻ em.
 
Tăng cường nhân lực, vật lực và cơ chế phối hợp đối với các cơ quan tổ chức có chức năng nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong công tác bảo vệ trẻ em để kịp thời phát hiện, hỗ trợ, can thiệp các trường hợp trẻ em bị bạo hành.
 
Cần tăng cường kiểm soát công tác bảo vệ trẻ em trong môi trường giáo dục, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh đối với các cơ sở giáo dục chui, đối với các giáo viên không đủ năng lực phẩm chất, không có kỹ năng nghề nghiệp. Cần có sự phân loại trẻ em ở từng khu vực, từng địa phương.
 
Cần lập danh sách những trẻ em yếu thế, có nguy cơ bị bạo hành cao để có phương án giám sát can thiệp, bảo vệ kịp thời, đặc biệt là trẻ em sống trong những gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực, những gia đình cha mẹ nghiện ngập, đặc biệt là nghiện rượu và nghiện ma túy, những trẻ em sống chung với cha dượng mẹ kế và cuộc sống sa đọa hoặc không có hạnh phúc
_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407
Website: Luatchinhphap.com
Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896