Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Vụ Vạn Thịnh Phát: Căn cứ nào để áp dụng hình phạt tử hình đối với một số bị cáo ?
19/03/2024
icon-zalo

Vụ Vạn Thịnh Phát: Căn cứ nào để áp dụng hình phạt tử hình đối với một số bị cáo ?

Chiều 19-3, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã luận tội và đề nghị mức án đối 86 bị cáo vụ án Vạn Thịnh Phát. Theo đó, bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án tử hình, 85 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án đến chung thân.

 
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

- Trương Mỹ Lan (chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát): tử hình về tội tham ô tài sản, 20 năm tù về tội đưa hối lộ, 19-20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức, tín dụng. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

* Nhóm tội tham ô tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng:

- Bùi Anh Dũng (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB): chung thân về tội tham ô tài sản, 20 năm tù vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, tổng hợp là chung thân.

- Tạ Chiêu Trung (tổng giám đốc Công ty CP Tài chính Việt Vĩnh Phú, nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng SCB) 15 - 16 năm tội tham ô tài sản, 7-8 năm tù vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổng hợp từ 22 - 24 năm tù.

- Võ Tấn Hoàng Văn (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng SCB) chung thân tội tham ô tài sản, 20 năm tù vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp mức án là chung thân.

* Nhận hối lộ:

- Đỗ Thị Nhàn (Nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước): chung thân.

* Nhóm tội tham ô:

- Trương Khánh Hoàng (nguyên quyền tổng giám đốc Ngân hàng SCB): 19 - 20 năm.

- Trần Thị Mỹ Dung (nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB): 19 - 20 năm.

- Hồ Bửu Phương (nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Tân Việt (TVSI), nguyên phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn VTP): 19 - 20 năm.

- Nguyễn Phương Anh (phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula): 19 - 20 năm.

- Đặng Phương Hoài Tâm (phó trưởng phòng văn phòng hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn VTP): 19 - 20 năm.

- Trương Huệ Vân (tổng giám đốc Công ty Tập đoàn quản lý bất động sản Windsor): 19 - 20 năm.

- Dương Tấn Trước (tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt): 15 - 16 năm.

* Nhóm tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng hoặc vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng:

- Uông Văn Ngọc Ẩn (nguyên tổng giám đốc, phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

- Nguyễn Văn Thanh Hải (nguyên phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB): 15-16 năm tù.

- Nguyễn Thị Phương Loan (thành viên HĐQT Ngân hàng SCB): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

- Võ Thành Hùng (nguyên thành viên HĐQT Ngân hàng SCB): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

- Trần Thuận Hòa (thành viên HĐQT Ngân hàng SCB): 4-5 năm tù.

- Lê Khánh Hiền (nguyên tổng giám đốc Ngân hàng SCB): 6-7 năm tù.

- Hoàng Minh Hoàn (phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

- Bùi Nhân (nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB): 11-13 năm tù.

- Diệp Bảo Châu (phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB): 10-11 năm tù.

- Phạm Văn Phi (nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB): 7-8 năm tù.

- Nguyễn Anh Phước (phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB): 3 năm nhưng cho hưởng án treo.

- Nguyễn Cửu Tính (nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB): 11-12 năm tù.

- Đỗ Phú Huy (chủ tịch Ủy ban kinh doanh và đầu tư Ngân hàng SCB): 16 - 18 năm tù.

- Võ Văn Tường (nguyên giám đốc phòng tái thẩm định Ngân hàng SCB): 4-5 năm tù.

- Khổng Minh Thế (nguyên phó giám đốc khối phê duyệt tín dụng Ngân hàng SCB): 6-7 năm tù.

- Trần Hoàng Giang (phó giám đốc khối phê duyệt tín dụng Ngân hàng SCB): 4-5 năm tù.

- Từ Văn Tuấn (phó giám đốc khối doanh nghiệp Ngân hàng SCB): 11 - 12 năm tù.

- Phạm Mạnh Cường (giám đốc phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB) 3 năm tù cho hưởng án treo;

- Nguyễn Huỳnh Lan Chi (Nguyên Trưởng phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB): 3 năm tù cho hưởng án treo;

- Mai Hồng Chín (Nguyên Giám đốc Phòng Tái thẩm định thuộc Khối Tái thẩm định Ngân hàng SCB): 9-10 năm tù;

- Mai Văn Sáu Nhở (Nguyên Trưởng phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB): 11-12 năm tù

- Lương Thị Hồng Quế (Giám đốc Phòng phê duyệt tín dụng khách hàng doanh nghiệp Ngân hàng SCB): 3-4 năm tù;

- Lê Anh Phương (Nguyên Giám đốc Chi nhánh Sài Gòn SCB): 8-9 năm tù;

- Phan Tấn Khôi (Giám đốc Chi nhánh Đông Sài Gòn SCB): 6-7 năm tù;

- Lưu Chấn Nguyên (Giám đốc PGD Bảy Hiền SCB): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

- Hồ Bảo Ngọc (Giám đốc Vùng 2 Ngân hàng SCB): 5-6 năm tù;

- Nguyễn Anh Thép (Nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Cống Quỳnh; nguyên Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Sài Gòn): 5-6 năm tù;

- Võ Triệu Lân (Giám đốc Chi nhánh Chợ Lớn SCB): 5-6 năm tù giam;

- Nguyễn Ngọc Tú (Phó Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Cống Quỳnh) 3-4 năm tù giam;

- Phạm Thế Quảng (Nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng SCB Chi nhánh Bến Thành): 3-4 năm tù

- Huỳnh Thiên Văn (Giám đốc Kênh kinh doanh Khách hàng Doanh nghiệp Ngân hàng SCB): 3-4 năm tù;

- Bùi Đức Khoa (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Natural Land): 10 – 11 năm tù;

- Nguyễn Thị Khánh Vân (Nguyên nhân viên Công ty CP Natural Land): 5-6 năm tù;

  • Trần Thị Kim Chi (Nguyên nhân viên Công ty CP Natural Land): 6 – 7 năm tù;

  • - Nguyễn Phi Long (Tài chính Tập đoàn VTP): 8 – 9 năm tù;

    - Đặng Quang Nguyên (Nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lavifood): 5 – 6 năm tù;

    - Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square): 11 - 12 năm tù;

    - Cao Việt Dũng (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt): 4 – 5 năm tù;

    - Nguyễn Thanh Tùng (Chủ tịch HĐQT CTY CP Dầu Khí Đông Phương): 6 -7 năm tù;

    - Đào Chí Kiên (Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dầu Khí Đông Phương): 4-5 năm tù giam;

    - Lê Văn Chánh (Giám đốc Khối hỗ trợ kinh doanh Ngân hàng SCB): 3-4 năm tù;

    - Bùi Ngọc Sơn (Phó Giám đốc Phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB): 4-5 năm tù;

    - Trần Văn Nhị (Phó Giám đốc Công ty TNHH hãng kiểm toán và định giá ATC, Chi nhánh TP.HCM): 4-5 năm tù;

    - Lê Huy Khánh (Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới): 4-5 năm tù;

    - Hồ Bình Minh (Phó Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá MHD): 5-6 năm tù;

    - Trần Thị Kim Ngân (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo;

    - Trần Tuấn Hải (Nhân viên Thẩm định giá Công ty Cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú): 3-4 năm tù;

    - Đỗ Xuân Nam (Phó Tổng Giám đốc, Thẩm định viên Công ty cổ phần tư vấn - Dịch vụ bất động sản DATC - Công ty DATC): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo;

    - Lê Kiều Trang (Phó Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần thẩm định giá EXIM): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo;

    * Nhóm Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:

    - Phạm Thu Phong (Nguyên Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng SCB): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo;

    - Lưu Quốc Thắng (Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng SCB): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo;

    * Nhóm Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:

    - Nguyễn Văn Hưng (Nguyên Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước): 14-15 năm tù;

    - Nguyễn Thị Phụng (Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước): 4-5 năm tù;

    - Bùi Tuấn Khoa (Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước): 3-4 năm tù;

    - Vương Đỗ Anh Tuấn (Trưởng phòng Thanh tra, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo;

    - Trần Văn Tuấn (Thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II), Thanh tra Chính phủ): 3-4 năm tù;

    - Lê Thanh Hà (Phó Chánh Thanh tra Kiểm toán Nhà nước, (nguyên Trưởng phòng Phòng Kiểm toán ngân hàng 1, Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VII): 3-4 năm tù;

    - Nguyễn Văn Thùy (Phó Trưởng ban Kiểm tra, giám sát nội bộ ngân hàng Agribank (nguyên Phó Trưởng ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia): 3-4 năm tù

    - Nguyễn Tuấn Anh (Nguyên Công chức Vụ Thanh tra, giám sát các Tổ chức tín dụng trong nước (Vụ I), Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN): 3-4 năm tù;

    - Vũ Khánh Linh (Phó Trưởng phòng Thanh tra ngân hàng Thương mại cổ phần, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II (Cục II), Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước): 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo;

    - Trương Việt Hưng (Thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II), Thanh tra Chính phủ): 3-4 năm tù;

    - Nguyễn Duy Phương (Thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II), Thanh tra Chính phủ): 3-4 năm tù;

    - Nguyễn Văn Dũng (Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM): 11-12 năm tù;

    - Nguyễn Thị Phi Loan (Nguyên Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh TP.HCM): 6-7 năm tù;

    - Võ Văn Thuần (Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN Chi nhánh TP.HCM): 7-8 năm tù;

    - Phan Tấn Trung (Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN Chi nhánh TP.HCM): 7-8 năm tù;

    - Nguyễn Tín (Nguyên Thanh tra viên, Phó Trưởng phòng Thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng TP.HCM (Cục II cũ) thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng NHNN): 5-6 năm tù;

    * Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

    - Nguyễn Văn Du (Nguyên Quyền Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng,Ngân hàng Nhà nước): 3-4 năm tù;

    * Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

    - Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP đầu tư và quản lý giáo dục Văn Lang; Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella): 10-11 năm tù;

    * Nhóm bị cáo bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định truy nã, bị xét xử vắng mặt:

    - Đinh Văn Thành (Nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB): Chung thân tội Tham ô tài sản; 20 năm tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ 2chức tín dụng.

    - Chiêm Minh Dũng (Nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) 16-17 năm tù Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng

    - Trầm Thích Tồn (Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB): 16 – 18 năm tù Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng;

    Nguyễn Lâm Anh Vũ (Nguyên Phó Giám đốc Chi nhánh Bến Thành Ngân hàng SCB): 12 -13 năm tù Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng;

    - Nguyễn Thị Thu Sương (Chủ tịch HĐQT ngân hàng SCB): 16-17 năm tù Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng;

Bị cáo Trương Mỹ Lan tại tòa.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại
Theo dõi vụ án, tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: về nguyên tắc thì bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa có nội dung đề nghị kết tội đối với các bị cáo, đề nghị mức hình phạt và đề nghị các vấn đề có liên quan đến việc giải quyết vụ án hình sự là hoạt động của kiểm sát viên trong việc thực hiện chức năng tố tụng là bên buộc tội, mở đầu cho phần tranh luận với bị cáo, người bào chữa và những người khác tại phiên tòa. Quan điểm của Viện kiểm sát có thể được tòa án chấp nhận một phần, chấp nhận toàn bộ hoặc cũng có thể bị tòa án bác bỏ.
 
Theo quy định của pháp luật thì kết quả giải quyết vụ án sẽ căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Viện kiểm sát sẽ đưa ra những lập luận chứng cứ để buộc tội đối với các bị cáo, còn bị cáo và các luật sư bào chữa sẽ trình bày quan điểm bào chữa và đối đáp lại với quan điểm của Viện kiểm sát. Để thực hiện chức năng xét xử của tòa án thì hội đồng xét xử sẽ lắng nghe quan điểm buộc tội và quan điểm gỡ tội, sẽ đánh giá chứng cứ và sử dụng chứng cứ để giải quyết vụ án hình sự theo quy định của pháp luật trên cơ sở tôn trọng sự thật và thượng tôn pháp luật. 
 
Vụ án này sẽ kéo dài nhiều ngày và hôm nay đại diện viện kiểm sát đã trình bày quan điểm buộc tội thông qua bản luận tội, tiếp theo là các luật sư bào chữa và các bị cáo sẽ trình bày quan điểm bào chữa, phân tích các tài liệu chứng cứ đã được thẩm tra tại phiên tòa trong các buổi làm việc trước và lập luận đối đáp lại với quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát, sau đó các bên sẽ tranh luận, đối đáp. Kết thúc phần tranh luận thì tòa án sẽ nghị án và có thể tuyên bản án để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm vụ án này. 

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị mức án tử hình ảnh 1

Các bị cáo tại phiên xét xử

Chiều 19/3/2024, VKS hoàn tất luận tội đối với bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 người liên quan đến các sai phạm tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB).
 
VKS đánh giá bà Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ như phạm tội lần đầu, có nhiều đóng góp cho cộng đồng, nhân thân tốt, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, phòng chống dịch. Tuy nhiên, bị cáo phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, với thủ đoạn tinh vi, phạm tội có tổ chức; không thành khẩn, khai báo quanh co, đổ lỗi cho cấp dưới; hành vi phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, không có khả năng thu hồi.
 
Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bà Lan mức án 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 19-20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt bị cáo bị đề nghị là tử hình.
 
Sau phút mất bình tĩnh, ngã quỵ, bà Lan được phép ngồi thay vì phải đứng nghe VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án. Trong nhiều giờ sau đó, bà luôn cúi đầu, vẻ mệt mỏi.
 
Luật sư Cường cho rằng: Đánh giá một cách tổng thể thì quan điểm của đại diện viện kiểm sát trong bản luận tội căn cứ vào kết luận điều tra, bản cáo trạng và các tình tiết được đưa ra xét hỏi trong các buổi làm việc vừa qua, mức hình phạt mà viện kiểm sát đề nghị trong bản luận tội với các bị cáo có đề nghị mức án tử hình, có đề nghị mức án tù chung thân, mức án tù có thời hạn, đề nghị án treo đối với từng bị cáo cụ thể cũng trên cơ sở có sự phân hóa, phân loại thể hiện nguyên tắc trong việc áp dụng hình phạt là kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố khoan hồng và nghiêm trị. Khoan hồng đối với người phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, vai trò thứ yếu giúp sức, không hưởng lợi và nghiêm trị đối với người phạm tội có vai trò chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực, không ăn nên thành khẩn...
 
Điều 3, Bộ luật hình sự quy định về chính sách xét xử hình sự, về áp dụng hình phạt như sau: "Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội";
 
Về nguyên tắc áp dụng hình phạt là sẽ "nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội"; "Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.".
 
"Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;".
 
"Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục;".
 
Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật này quy định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện.
 
Nghị quyết số 03/2020/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết những vụ án về tham nhũng và chức vụ cũng có nội dung: "Việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.".
 
Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
 
Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm; Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra; Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.
 
Điều 50 Bộ luật hình sự quy định về căn cứ áp dụng hình phạt như sau: "Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
 
Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.".
 
Trong vụ án có đồng phạm thì hình phạt phải thể hiện cá biệt hóa vai trò đồng phạm theo nguyên tắc người chủ mưu cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố phải chống đối, không nhận thức được hành vi của mình phải có mức hình phạt nghiêm khắc. Những người đồng phạm vai trò giúp sức thứ yếu, không hưởng lợi hoặc hưởng lợi không đáng kể mà đã nhận thức được hành vi của mình thì sẽ có mức hình phạt nhẹ hơn, khoan hồng hơn. 
 
Đối với các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, không thừa nhận nội dung quy kết của Viện kiểm sát trong bản cáo trạng và bản luận tội mà tòa án xác định hành vi của bị cáo là có tội, quan điểm buộc tội của Viện kiểm sát là có căn cứ, sẽ đánh giá khai báo của bị cáo tại phiên tòa như vậy là không thành khẩn thì tòa án sẽ sẽ có mức hình phạt nghiêm khắc đủ thời gian để cải tạo giáo dục và để răn đe, phòng ngừa ngừa chung cho xã hội. Còn đối với các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội mà việc buộc tội là không có căn cứ thì có thể minh oan cho bị cáo. 
 
Cũng có những trường hợp bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhận thức hành vi của mình là phạm tội và biết rằng mức hình phạt của mình sẽ ở mức cao nhất thì bị cáo cũng có thể "tiết kiệm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự"... có thể quanh co không thành khẩn, không bồi thường, không xuất trình các tình tiết có tính chất giảm nhẹ ở giai đoạn sơ thẩm, đến khi kháng cáo, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm thì mới thừa nhận hành vi phạm tội, bồi thường khắc phục hậu quả, xuất trình thêm các tài liệu chứng cứ mới có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án để có tình tiết mới, có cơ hội giảm nhẹ hình phạt ở giai đoạn phúc thẩm. 
 
Về nguyên tắc là bị cáo không có nghĩa vụ phải thừa nhận mình có tội, không có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình. Bào chữa là quyền chứ không phải là nghĩa vụ. Nghĩa vụ buộc tội thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng, nếu có căn cứ buộc tội thì sẽ kết tội mà không phụ thuộc vào việc có lời khai nhận tội của bị cáo hay không. Lời khai nhận tội chỉ có ý nghĩa để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt hay không, bị can không nhận tội không phải là căn cứ để tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, với những bị can rõ ràng là phạm tội nhưng vẫn chối tội thì hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn để có nhiều thời gian cải tạo giáo dục hơn, để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội. Việc quyết định hình phạt không chỉ căn cứ vào tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ mà còn căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhận thức của người phạm tội, nhân thân của người phạm tội và căn cứ vào các quy định của pháp luật về nguyên tắc áp dụng pháp luật hình sự. 
 
Điều đáng chú ý trong vụ án này là viện kiểm sát đề nghị hội đồng xét xử áp dụng hình phạt tử hình đối với một số bị cáo để loại bỏ các bị cáo này ra khỏi đời sống xã hội. Hội đồng xét xử có chấp nhận đề nghị này của Viện kiểm sát hay không thì sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật trên cơ sở đánh giá chứng cứ, căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. 
 
Trong hệ thống hình phạt Việt Nam hiện nay thì tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất. Hình phạt tử hình được quy định tại điều 40 bộ luật hình sự như sau: "Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.".
 
"Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.".
 
Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
 
Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.
 
Đó là quan điểm của Viện kiểm sát đối với việc áp dụng hình phạt với các bị cáo tại phiên tòa này. Quan điểm này có được hội đồng xét xử chấp nhận hay không sẽ căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa, trên cơ sở đánh giá chứng cứ, hội đồng xét xử sẽ có mức hình phạt cụ thể nếu kết tội đối với bị cáo. Trường hợp không đồng ý với tội danh và hình phạt cũng như các biện pháp tư pháp, các biện pháp cưỡng chế thì các bị cáo vẫn có quyền kháng cáo, viện kiểm sát có quyền kháng nghị đối với bản án sơ thẩm. 
 
Hội đồng xét xử không chỉ nghe quan điểm buộc tội của đại diện viện kiểm sát để kết luận giải quyết vụ việc mà còn có trách nhiệm phải lắng nghe quan điểm gỡ tội của các luật sư bào chữa cũng như quan điểm của các bị cáo đối với nội dung bản luận tội và bản cáo trạng của đại diện viện kiểm sát. Sau phần trình bày quan điểm bào chữa, đối đáp của các bên thì hội đồng xét xử sẽ nghỉ án, sẽ đánh giá chứng cứ, sử dụng chứng cứ, áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án, sẽ xác định bị cáo có phạm tội hay không, nếu có thì đó là tội gì và sẽ áp dụng hình phạt nào cho phù hợp. 
 
Chỉ có những trường hợp đủ điều kiện áp dụng hình phạt tử hình và hội đồng xét xử xét thấy cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội, xác định bị cáo không còn khả năng cải tạo giáo dục thì mới áp dụng loại hình phạt đặc biệt này. Việc quyết định hình phạt sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó sẽ tập trung chủ yếu vào hai yếu tố chính là yếu tố nhân thân và yêu tố hành vi. Sẽ căn cứ vào những thành tích, đóng góp của bị cáo trước khi phạm tội và sẽ làm rõ tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội để có hình phạt phù hợp đối với từng bị cáo. 

_____________________________________

Ts. Ls. Đặng Văn Cường

Điện thoại/Zalo: 0977999896 

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896