Vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, lực lượng chức năng đã nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ trộm cắp tài sản trị giá lên gần 3 tỉ đồng xảy ra tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình.
Hình minh hoạ
Trước đó vào ngày 31/01, bà Nguyễn Thị M. (SN 1970) báo bị kẻ gian đột nhập trộm cắp tài sản để trong két sắt trị giá gần 3 tỉ đồng cùng nhiều trang sức có giá trị được cất giữ trong phòng ngủ.
Sau 2 giờ đấu tranh, Đinh Văn T. (SN 1969, chồng bà M.) đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Do có mẫu thuẫn, tranh chấp về tiền bạc trong sinh hoạt nên T. nảy sinh ý định trộm cắp tài sản cất giữ trong phòng bà M. Toàn bộ tài sản sau khi trộm được T. bỏ vào túi ni lông, sau đó đem cất giấu tại nhà kho sau nhà.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đánh giá vụ việc liên quan đến các quy định về sở hữu chung vợ chồng nên việc chứng minh tội phạm không hề đơn giản.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện nay, tài sản có thể được xác lập là tài sản chung hoặc tài sản riêng. Với tài sản vợ chồng thì pháp luật cũng quy định có tài sản chung và tài sản riêng. Với tài sản chung vợ chồng, hai vợ chồng có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt như nhau, khi vợ chồng chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân hoặc khi ly hôn, sau khi ly hôn sẽ chia theo nguyên tắc của Luật Hôn nhân và gia đình là chia đôi.
Luật Hôn nhân và gia đình và Bộ luật Dân sự c quy định tài sản riêng của vợ, của chồng. Theo đó tài sản riêng của vợ, của chồng là tài sản có trước hôn nhân hoặc tài sản có trong thời kỳ hôn nhân do được tặng cho riêng, thừa kế riêng, có nguồn gốc từ tài sản riêng hoặc có thỏa thuận là tài sản riêng. Về nguyên tắc, tài sản riêng của ai thì sẽ do người đó quản lý, sử dụng, định đoạt. Hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tài sản riêng của vợ, của chồng thì cũng sẽ bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật.
Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 quy định: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung vợ chồng như sau: Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây: Bất động sản; động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.
Như vậy, với tài sản chung vợ chồng thì vợ chồng đều có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt.
Đối với tài sản riêng vợ chồng, theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình, tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình cũng quy định rõ: Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải bảo đảm lợi ích của người có tài sản. Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó. Trong trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của chồng, vợ.
Luật sư Cường phân tích thêm, thực tiễn cho thấy không ít trường hợp vợ chồng tự ý sử dụng tài sản chung, làm hư hỏng tài sản chung, hủy hoại tài sản chung dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện. Tuy nhiên đối với những vụ việc này, thông thường sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Cơ quan chức năng sẽ xác định quyền sử dụng tài sản của mỗi bên trên cơ sở đó xác định hành vi của các bên ở mức độ vi phạm như thế nào. Trong trường hợp tài sản chung vợ chồng nhưng một người sử dụng, định đoạt chưa quá một phần hai giá trị tài sản chung thì hành vi này không vi phạm pháp luật.
Còn trường hợp người vợ hoặc người chồng biết rõ tài sản đó là tài sản riêng, mình không có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt nhưng vẫn lén lút để chiếm đoạt tài sản riêng của vợ, của chồng thì hành vi đó cũng có thể được xác định là hành vi trộm cắp tài sản, người thực hiện hành vi trộm cắp tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự.
Trong vụ việc trên, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tài sản bị mất thuộc quyền sở hữu của ai, là tài sản chung vợ chồng hay tài sản riêng của người vợ. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy số tài sản đó là tài sản riêng của vợ, người chồng biết rõ đây là tài sản riêng của vợ nhưng vẫn lén lút để chiếm đoạt số tài sản này thì hành vi này mới bị xử lý hình sự về tội "Trộm cắp tài sản" theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy người đàn ông này đã lén lút chiếm đoạt tài sản riêng của vợ trị giá gần 3.000.000.000 đồng thì sẽ phải đối mặt với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù theo quy định tại khoản 4, Điều 173 Bộ luật Hình sự, Trường hợp kết quả điều tra cho thấy số tài sản này là tài sản chung vợ chồng hoặc không có căn cứ cho thấy người chồng này đã lén lút để chiếm đoạt tài sản thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự.
Nguồn: Luật sư Việt Nam