Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Vụ trao nhầm con tại Hà Nội cách đây 50 năm: Có cưỡng chế để giám định ADN được không ?
03/03/2024
icon-zalo

Vụ trao nhầm con tại Hà Nội cách đây 50 năm: Có cưỡng chế để giám định ADN được không ?

Vụ trao nhầm con ở Hà Nội 1974, mãi đến năm 2016 mới phát hiện ra, tuy nhiên sự việc đến nay vẫn chưa hoàn tất thủ tục về pháp lý để nhận cha mẹ cho con.

Người phụ nữ từng bị trao nhầm suốt 42 năm ở Hà Nội: Trăn trở vì không được xét nghiệm ADN- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Mai Hạnh và chị Tạ Thị Thu Trang - người con gái bị trao nhầm cách đây 49 năm. Ảnh: Gia Khiêm

Chị Tạ Thị Thu Trang chào đời 14 giờ 30 ngày 10.10.1974 tại Nhà hộ sinh quận Ba Đình, nằm trên ngõ Hàng Bún, phố Phan Huy Ích, Q.Ba Đình (hiện nay địa điểm này đã có công trình khác). Mẹ chị là bà Nguyễn Thị Mai Hạnh, trú số nhà 75 Quán Thánh, Q.Ba Đình, Hà Nội. Mỗi em bé sẽ được đánh dấu một con số trùng với số của mẹ. Bà Hạnh còn nhớ mình sinh bé gái, khi mới sinh xong, bà được đánh dấu số 33. Vì ít sữa nên khi sinh con xong, nửa ngày sau bà Hạnh mới được ôm con lần đầu. Nhưng khi ấy nữ hộ sinh lại giao cho bà em bé ghi số 32 ở chân. Bà Hạnh nói "Không cô ơi, đây không phải là con tôi. Con tôi mang số 33". Nữ hộ sinh nói chắc là số 33 bị nhòe, nên nhìn giống số 32. Bà Hạnh một mực kêu hộ sinh tìm lại bằng được em bé mang số 33, nhưng cả nhà hộ sinh không còn một em bé nào khác.

Với nỗi thấp thỏm âu lo "người ta đã trao nhầm con cho mình rồi", 3 ngày sau, vợ chồng bà Hạnh lại tiếp tục ôm em bé số 32 tới nhà hộ sinh, cầu cứu mọi người tìm giúp bà em bé số 33. Nhưng không ai tìm được. Bà Hạnh và chồng nước mắt lã chã, thất thểu ôm em bé số 32 ra về, chấp nhận sự trớ trêu của số phận. Em bé số 32 đó, được đặt tên là Tạ Thị Thu Trang. Càng lớn, chị Trang càng không giống bất cứ một ai trong gia đình mình. Bà Hạnh chôn giấu nỗi đau suốt mấy chục năm trời.

Cho tới tháng 10 năm 2015, bà Hạnh quyết tâm giấu cả nhà đi xét nghiệm ADN với chị Trang hy vọng mong manh "biết đâu Trang đúng là con đẻ của mình". Nhưng ngày nhận kết quả, cầm tờ giấy trên tay, đọc dòng chữ "không phải con đẻ", bà đã ngất xỉu tại chỗ vì nỗi đau quá lớn. Bà Hạnh nói sự thật cho chị Trang biết đúng vào sinh nhật chị, 10.10.2015.

Vượt qua những nỗi đau, hồi tháng 3.2016, gia đình bà Hạnh, chị Trang quyết định chia sẻ với nhiều cơ quan thông tấn, báo chí, cầu cứu trên mạng xã hội nhằm tìm được con đẻ cho bà Hạnh còn chị Trang - em bé số 32 cũng tìm được người mẹ đẻ mang số 32 của mình. Sau khi báo đài đồng loạt đưa tin về sự kiện "trao nhầm con 42 năm trước", chị Nguyễn Thị L.A., cũng sinh ngày 10/10/1974 tại nhà hộ sinh Ba Đình, đã đến nhận bà Hạnh là mẹ đẻ. Khuôn mặt người này được nhận xét có nhiều nét giống ông Tạ Văn Thân (đã qua đời, chồng bà Hạnh). Sau đó, chị L.A. đưa chị Trang vào Đà Nẵng nhận bố mẹ đẻ là ông Nguyễn Lê H. (sinh năm 1941) và bà Ngô Kim D. (sinh năm 1947). Đôi vợ chồng già không hay biết gì, ban đầu vẫn nghĩ là nhầm lẫn, nhưng L.A. khẳng định với bà D.: "Mẹ ơi, con không bao giờ đưa một người lạ nào thay thế chỗ của con cả. Trang là con của mẹ và sự việc bị nhầm lẫn vào năm 1974".

Cách đây ba tháng, chị viết một lá thư gửi mẹ mình và quyết định dừng liên lạc bởi cảm thấy sự xuất hiện của mình khiến đấng sinh thành phiền lòng. Đáp lại bức thư là câu nói: "Mẹ xin lỗi con" của bà D. Đến nay, sợi dây cuối cùng của chị Trang là bản trích lục 10 gia đình có con sinh từ ngày 9 đến ngày 11/10/1974 tại nhà hộ sinh Ba Đình. Chị biết rằng không thể bắt ép những gia đình này đi thử ADN với mình, cũng thấu hiểu tâm trạng của họ, cuộc sống đang yên bình nên nhiều người không muốn xáo trộn. "Tôi mong cơ quan chức năng giúp đỡ để có cơ hội được xét nghiệm ADN. Tôi không muốn chờ đợi thêm, bởi chờ đợi có thể là 50 năm nữa, hết một đời người", chị bật khóc.

Người phụ nữ từng bị trao nhầm suốt 42 năm ở Hà Nội: Trăn trở vì không được xét nghiệm ADN- Ảnh 2.

Bà Hạnh chia sẻ, chuyện con gái đến nhận là con ruột rồi 2 tháng sau cắt đứt liên lạc khiến bà vô cùng buồn. Ảnh: Gia Khiêm

Theo dõi sự việc trên, tiến sĩ Đặng Văn Cường trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định: Từ một câu chuyện xúc động trở thành một câu chuyện buồn và rất đáng tiếc bởi sau 8 năm sự việc được phát hiện thì cho đến nay thì mọi việc vẫn chưa thực sự rõ ràng. Những người trong cuộc cũng chưa dám khẳng định đâu là sự thật nhưng lại không thực hiện thủ tục giám định ADN để xác định cha, mẹ, con bằng luận chứng khoa học.

Sự việc này diễn ra có liên quan đến nhiều người, không ai mong muốn bản thân mình rơi vào hoàn cảnh là cha, là mẹ hoặc là con mà lại bị nhầm lẫn đến mấy chục năm như vậy.

Bởi vậy khi sự việc xảy ra thì nhiều người không khỏi xúc động, suy nghĩ, trăn trở về rất nhiều vấn đề trong đó có vấn đề về nguồn gốc, về trách nhiệm, về tình nghĩa, báo hiếu... Có việc từ chối giám định ADN là tình huống hoàn toàn có thể xảy ra trong sự việc này bởi có thể quan điểm suy nghĩ của mỗi người là khác nhau, đặc biệt là với người già dễ bị xúc động, cả nghĩ thì đôi khi chỉ một lời nói của con khiến người mẹ không hài lòng cũng có thể làm cho người mẹ phật lòng và từ chối thực hiện thủ tục giám định ADN.

Khi đã từ chối giám định thì sẽ phát sinh nghi ngờ mà nghi ngờ thì lại càng gây tổn thương cho nhau, đây là cái vòng luẩn quẩn khiến sự việc ngày càng phức tạp. Nhìn nhận dưới góc độ pháp lý thì đây là quan hệ nhân thân, là một trong những vấn đề thuộc lĩnh vực dân sự. Bởi vậy nguyên tắc giải quyết vấn đề này là "việc dân sự cốt ở đôi bên" - Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên.

Những người cha, mẹ và những người con có thể bàn bạc thỏa thuận về phương án thực hiện các thủ tục để nhận cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật. Việc nhận cha mẹ cho con, con cho cha mẹ là việc dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Nếu có tranh chấp về xác định cha mẹ cho con, con cho cha mẹ thì cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, trong trường hợp các bên tự nguyện xét nghiệm ADN tự nguyện thực hiện các thủ tục để nhận trẻ con thì có thể đề nghị tòa án ghi nhận.

Nếu có tranh chấp xảy ra, việc thực hiện thủ tục có sự cản trở thì một trong các bên có quyền khởi kiện để tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong trường hợp các bên không có tranh chấp thì có thể gửi đơn đến tòa án nơi một trong các bên cư trú căn cứ vào khoản 10, Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự để đề nghị tòa án công nhận cha mẹ cho con hoặc công nhận con cho cha mẹ:

"Điều 29. Những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

....

10. Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.".

Trường hợp có tranh chấp về việc xác định cha mẹ cho con hoặc con cho cha mẹ thì cũng có thể khởi kiện đến tòa án nơi bị đơn cư trú để được giải quyết căn cứ vào quy định tại khoản 4, Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự:

"Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án

.....

4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ."...

Như vậy dù có thỏa thuận được hay không thỏa thuận được thì việc xác định cha mẹ cho con, con cho cha mẹ cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Tuy nhiên, một nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự là tòa án chỉ giải quyết khi các đương sự có yêu cầu và chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của đương sự. Bởi vậy nếu không có ai gửi đơn đến tòa án thì vụ việc mãi mãi không được giải quyết bằng pháp luật.

Thanh tra sở y tế không có thẩm quyền xác nhận cha mẹ cho con, con cho cha mẹ, cũng không có thẩm quyền giám định ADN. Bởi vậy việc các đương sự, công dân gửi đơn thư tới thanh tra bộ y tế thì cơ quan này chỉ xác minh kiểm tra về các hoạt động liên quan đến lĩnh vực y tế, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ công vụ chuyên môn của các cơ quan tổ chức cá nhân liên quan đến ngành y tế. Đơn thư gửi đến thanh tra bộ y tế trong vụ việc này là không giải quyết được triệt để vấn đề.

Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về thủ tục cưỡng chế để xét nghiệm ADN. Với các quốc gia khoa học công nghệ phát triển thì đều có dữ liệu quốc gia về đặc điểm sinh trắc học của công dân, trong đó mỗi công dân lại có đặc điểm ADN trong hệ thống dữ liệu dân cư, có sự quản lý của nhà nước.

Bởi vậy để xác định ADN khi đã có ngân hàng ADN quốc gia thì thủ tục là rất dễ dàng. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, việc xác định ADN của một người tương đối khó khăn nếu người đó không tự nguyện thực hiện. Việc lấy mẫu tóc, máu, màu da của cá nhân chủ yếu trên cơ sở tự nguyện.

Về nguyên tắc là có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế trong một số trường hợp mà pháp luật cho phép, tuy nhiên về thực tiễn thì ít khi áp dụng các biện pháp này, trừ trường hợp các vụ án hình sự hoặc các biện pháp cưỡng chế để thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời trong tố tụng dân sự. Bởi vậy, nếu trường hợp người con bị thất lạc trong trường hợp này đề nghị tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự thì người này vẫn có trách nhiệm phải cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình, trong đó có chứng cứ là kết quả giám định ADN để xác định cha mẹ cho con, con cho cha mẹ.

Một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự là các đương sự có quyền đưa ra yêu cầu đề nghị nhưng cũng có nghĩa vụ phải chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và đúng pháp luật. Bởi vậy trong trường hợp chị Trang gửi đơn đến tòa án để được xem xét giải quyết thì chị này có nghĩa vụ phải thu thập chứng cứ để cung cấp cho tòa án. Nếu không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị tòa án thu thập theo quy định của pháp luật. Việc thu thập chứng cứ là các văn bản tài liệu đang lưu giữ ở cơ quan tổ chức cá nhân thì không khó, tuy nhiên việc thu thập chứng cứ của đương sự và của tòa án về việc giám định ADN thì đó là vấn đề khá khó khăn nếu như các đương sự có liên quan không hợp tác, không cung cấp mẫu.

Bộ luật tố tụng dân sự có quy định biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đường sự có quyền yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc tòa án có quyền tự mình áp dụng. Khi đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì cơ quan thi hành án có quyền căn cứ vào đó để cưỡng chế tổ chức thực hiện, trong đó có biện pháp "cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định". Biện pháp khẩn cấp tạm thời này được quy định tại Điều 114 và Điều 127 bộ luật tố tụng dân sự như sau:

"Điều 127. Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định

Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết.".

Như vậy nếu trong trường hợp các đương sự có khởi kiện và thủ tục giám định ADN gặp khó khăn, đương sự đề nghị tòa án căn cứ vào điều 114 và 127 để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là buộc thực hiện hành vi giám định ADN thì căn cứ vào đó, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế tổ chức thi hành tám định ADN theo quy định của pháp luật.

Những tình huống mâu thuẫn tranh chấp trong đời sống xã hội rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, pháp luật cũng có những dự liệu để đưa ra các giải pháp để giải quyết nếu có mâu thuẫn tranh chấp xảy ra trong đó có tranh chấp về xác định con cho cha mẹ, cha mẹ cho con. Tuy nhiên, công dân có khởi kiện hay không, có đề nghị tòa án giải quyết hay không đó là quyền chứ không phải là nghĩa vụ.

Trước khi đưa vụ việc đến tòa án để giải quyết cần cân nhắc cái được, cái mất và sự việc đưa ra tòa là có nên hay không, còn khi đã đưa ra tòa án thì tòa án buộc phải thụ lý để giải quyết theo quy định của pháp luật. Thậm chí pháp luật còn quy định tòa án không có quyền từ chối đối với những tranh chấp mà chưa có luật để giải quyết.

Trong trường hợp chưa có luật để giải quyết thì sẽ giải quyết theo tập quán pháp, tiền lệ pháp và có thể áp dụng tương tự pháp luật để giải quyết. Trong vụ việc này có rất nhiều cách để giải quyết. Nếu những người trong cuộc thừa nhận một sự tồn tại như vậy và mặc nhiên xác định đó là cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của mình như câu chuyện của tám năm về trước mà yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ, phụng dưỡng nhau thì không có gì để nói. Tuy nhiên trong cuộc sống hoàn toàn có thể xảy ra mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình, khi mâu thuẫn thì sự việc lại được đào bới, mổ xẻ mà mọi chuyện chưa được rõ ràng thì có khi đó lại là sự việc đau lòng.

Nếu trường hợp chị Trang không muốn kiện tụng và không thể lấy được mẫu giám định của người mẹ đẻ thì cũng có thể nhờ người đã nhầm lẫn với mình giám định ở đây em với người mẹ nuôi của mình thì đó cũng là chứng cứ gián tiếp để chứng minh quan hệ cha mẹ con của chị Trang với mẹ đẻ ở Đà Nẵng.

Ngoài ra, có thể bỏ qua mọi suy nghĩ, hoài nghi để gần gũi với mẹ đẻ rồi thuyết phục bà đồng ý hoặc chăm sóc phụng dưỡng và có rất nhiều cơ hội để lấy tóc của bà đi giám định ADN khi có thời cơ thuận lợi. Sự việc này là không ai mong muốn và cũng không nên căng thẳng, bị xúc động mà có những thái độ, ngôn ngữ không phù hợp gây tổn thương lẫn nhau. Những người trong cuộc có rất nhiều cách giải quyết nhân văn, mềm mỏng có tình có lý để giải quyết vấn đề chứ không nhất thiết là cứ phải ép buộc nhau thực hiện thủ tục hoặc khởi kiện đến tòa án.

Một điều cũng cần lưu ý là khi đã xác định được cha mẹ cho con hoặc con cho cha mẹ thì nghĩa vụ theo luật hôn nhân và gia đình được xác lập theo đó các con có nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ khi về già. Ngoài ra việc xác định cha mẹ cho con, con cho cha mẹ còn có liên quan đến vấn đề thừa kế theo pháp luật. Đó là những vấn đề về trách nhiệm pháp lý mà các bên cần lưu ý trong các mối quan hệ này.

 

https://danviet.vn/vu-nguoi-phu-nu-tung-bi-trao-nham-suot-42-nam-o-ha-noi-so-y-te-noi-gi-20240301173831793.htm _____________________________________ Ts. Ls. Đặng Văn Cường Điện thoại/Zalo: 0977999896

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896