Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Vụ cô giáo bị học sinh nhốt, xúc phạm ở Tuyên Quang: Khi đạo lý ‘tôn sư trọng đạo’ bị coi nhẹ
09/12/2023
icon-zalo

UBND huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã có báo cáo về vụ việc học sinh chửi bới, xúc phạm cô giáo xảy ra trên địa bàn.

Theo đó, vụ việc xảy ra vào khoảng 10h30' ngày 29/11, tại Trường THCS Văn Phú (huyện Sơn Dương). Vào thời điểm trên, cô giáo Phan Thị H. (38 tuổi) vào dạy tiết ba môn âm nhạc ở lớp 7C. Khi đến giờ vào lớp, có một số học sinh vẫn ở ngoài chưa vào nên cô H. nhắc nhở. Lúc này có một vài học sinh phản ứng.

Trong giờ học, có một số học sinh xin ra ngoài nhưng cô H. không đồng ý. Sau đó giữa giáo viên và học sinh có những khúc mắc trong giờ học. Sau giờ dạy tiết thứ ba của lớp 7C, cô H. sang dạy tiết 4 tại lớp 6A. Sau tiết học, một số học sinh lớp 7C sang lớp 6A tiếp tục có phát ngôn và hành vi thiếu chuẩn mực như nói tục, xúc phạm, quay video với cô H..

Ngay sau khi nắm được thông tin, UBND huyện đã yêu cầu các đơn vị liên quan xác minh, giải quyết vụ việc. Ngày 30/11, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Công an huyện và các cơ quan chức năng đã làm việc và yêu cầu Trường THCS Văn Phú họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của giáo viên, học sinh, đề xuất biện pháp xử lý. Đến ngày 1 và 2/12, Trường THCS Văn Phú đã họp, yêu cầu giáo viên và học sinh liên quan viết tường trình sự việc.

Vụ cô giáo bị học sinh nhốt, xúc phạm ở Tuyên Quang: Khi đạo lý ‘tôn sư trọng đạo’ đang bị chà đạp - Ảnh 2.

Vụ việc nữ giáo viên bị học sinh nhốt, xúc phạm trong lớp học ở Tuyên Quang gây bức xúc xã hội

Nói về vụ việc, Tiến sĩ Đặng Văn Cường- Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam bày tỏ quan điểm: Những ngày qua trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một nữ giáo viên ở Tuyên Quang bị nhóm học sinh nhốt, xúc phạm trong lớp học và cũng có clip thể hiện giáo viên đuổi học sinh... gây ra cảnh hỗn loạn, cho thấy sự việc đã đi quá giới hạn của tình thầy trò, của văn hóa ứng xử học đường.

Cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ hoạt động dạy và học của cơ sở giáo dục này, đặc biệt là đối với môn học mà giáo viên trong clip đang đảm nhiệm để có hướng giải quyết phù hợp với quy định của pháp luật. Qua các đoạn clip cho thấy mối quan hệ ứng xử giữa cô và trò không khác gì "ngoài đường, ngoài chợ" chứ không phải là môi trường học đường có sự "tôn sư trọng đạo".

Rõ ràng hành vi ứng xử của giáo viên và học sinh trong các clip là không phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, không phù hợp với kỷ luật trong hoạt động giáo dục. Để xảy ra sự việc lộn xộn như vậy thì có phần trách nhiệm của giáo viên, lãnh đạo nhà trường và của phụ huynh học sinh.

Ngoài ra cũng cần phải xem xét xử lý kỷ luật đối với các học sinh đã vượt quá chuẩn mực đạo đức khi có những lời lẽ xúc phạm, hành vi vô lễ đối với giáo viên. Về nguyên tắc là bên nào có lỗi thì phải xử lý bên đó.

Vụ cô giáo bị học sinh nhốt, xúc phạm ở Tuyên Quang: Khi đạo lý ‘tôn sư trọng đạo’ đang bị chà đạp - Ảnh 3.

Tiến sĩ Đặng Văn Cường- Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam bày tỏ quan điểm về vụ việc

Sẽ rất nguy hiểm nếu như học sinh coi thường, tấn công lại thầy cô giáo ngay trong môi trường học đường. Nếu hiện tượng này diễn ra liên tục, kéo dài thì sẽ hình thành nên ý thức coi thường pháp luật, coi thường danh dự nhân phẩm của người khác của một bộ phận học sinh tại cơ sở giáo dục này. Bởi vậy những đứa trẻ đang trong độ tuổi phát triển, hình thành nhân cách, rất cần có một môi trường lành mạnh, an toàn, có văn hóa để nuôi dưỡng tâm hồn và xây dựng những chuẩn mực trong suy nghĩ và hành động.

Thực tiễn cho thấy những đứa trẻ sống trong môi trường bạo lực thì sẽ có suy nghĩ, nhận thức thiếu chuẩn mực, ảnh hưởng đến sự phát triển hình thành nhân cách và rất dễ thực hiện các hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật. Bởi vậy, cần đấu tranh loại bỏ bạo lực học đường, đặc biệt là bạo lực xảy ra giữa thầy giáo viên và học sinh.

Theo quy định tại Điều 22, Luật Giáo dục thì các hành vi bị nghiêm cấm trong trường học bao gồm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, người lao động của cơ sở giáo dục và người học; Xuyên tạc nội dung giáo dục; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh; Hút thuốc; uống rượu, bia; gây rối an ninh, trật tự... Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi vi phạm luật giáo dục sẽ bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

So với trước đây thì các hình thức xử lý, kỷ luật học sinh hiện nay nhân văn hơn, hướng đến mục tiêu giáo dục cao hơn. Cụ thể theo khoản 2, Điều 38, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về các hình thức xử lý, kỷ luật học sinh như sau: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Học sinh vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo 3 hình thức nêu trên. Ngoài các hình thức xử lý kỷ luật nêu trên, pháp luật không cho phép giáo viên, cán bộ giáo dục hoặc cơ sở giáo dục được phép thực hiện các hình thức kỷ luật nào khác, đặc biệt là nghiêm cấm sử dụng bạo lực để thay cho các hình thức xử lý kỷ luật.

Bởi vậy, nếu trong quá trình giảng dạy mà có học sinh vi phạm kỷ luật thì giáo viên có thể áp dụng từng hình thức xử lý kỷ luật theo quy định nêu trên. Quá trình áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật này thì gia đình và Ban giám hiệu nhà trường cũng sẽ đều biết, cùng tham gia vào quá trình xem xét xử lý kỷ luật học sinh. Nếu vận dụng triệt để các biện pháp này có thể tác động kịp thời với tới nhận thức và hành vi của học sinh, thể hiện sự răn đe cũng như tác dụng giáo dục đạo đức nhân cách, ý thức chấp hành kỷ luật của học sinh.

Có thể nói, kỹ năng ứng xử tình huống của giáo viên trên lớp là rất quan trọng. Giáo viên có được tôn trọng hay không, giáo dục có hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng sư phạm, kỹ năng xử lý tình huống có vấn đề trên lớp.

Thực tiễn cho thấy ở cơ sở giáo dục nào mà giáo viên dạy tốt, ứng xử chuẩn mực thì học sinh sẽ quý mến, kính trọng. Ngược lại nếu giáo viên giảng dạy không tốt hoặc có thái độ ứng xử không phù hợp thì sẽ tạo ra dư luận xấu với học sinh.

Theo Báo Gia đình và Xã hội

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896