Theo thông tin từ thượng tá Đàm Bảo Quân - trưởng Công an TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cơ quan chức năng đang thực hiện hoạt động khám nghiệm hiện trường, làm rõ vụ chó pitbull cắn chết người xảy ra tại Phường Bình Thắng, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Theo thông tin ban đầu thì nạn nhân là bà Đ.T.V., sống cùng con gái tại ngôi nhà trên đường Thống Nhất, phường Bình Thắng. Con gái của nạn nhân là Tr.T.T.Th., 44 tuổi, cùng chồng là N.M.T., 41 tuổi, có nuôi hai con chó gồm pitbull và becgiê. Vào khoảng 19h ngày 17-5, con gái nạn nhân dẫn con chó pitbull ra ngoài cho ăn. Lúc này bà V. đang nằm trên võng, cách vị trí chó khoảng 15m có nói vọng ra. Chó pitbull chạy vào cắn xé vào vùng đầu của bà V.. Do lớn tuổi nên khi bị con chó pitbull cắn bà V. không thể bỏ chạy. Con gái của nạn nhân có mặt tại hiện trường cũng can ngăn kéo chó đi nhưng không thể ngăn được việc chó pitbull cắn chết người.
Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định việc nuôi chó có tuân thủ quy định pháp luật để làm bảo an toàn cho những người xung quanh hay không để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp xác định người nuôi vật nuôi có lỗi, không tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn dẫn đến hậu quả người khác thiệt mạng thì có thể xem xét xử lý hình sự, tuy nhiên trong vụ việc này chủ vật nuôi và nạn nhân sống trong cùng một gia đình nên cơ quan chức năng sẽ thận trọng xem xét đánh giá để quyết định hướng xử lý sao cho có tình, có lý, đúng quy định của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý thì chó, mèo là các loại vật nuôi với các mục đích chăn nuôi khác nhau với mỗi người. Nhưng cho dù người nuôi gọi chó mèo là "thú cưng", coi như một trò giải trí, một người bạn hay nuôi chó, mèo với các mục đích khác để trông nhà, để lấy thịt... thì việc nuôi nhốt đều phải tuân thủ các quy định của Luật chăn nuôi và các văn bản pháp luật có liên quan.
Điều 66, Luật chăn nuôi năm 2018 quy định về chủ vật nuôi chó mèo phải tuân thủ các quy định như sau: Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây: Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y; Khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y; Có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; Trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của bộ luật dân sự thì vật nuôi là nguồn nguy hiểm cao độ, người nuôi vật nuôi phải tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn cho những người xung quanh, nếu không tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn mà gây ra thiệt hại cho những người xung quanh thì chủ vật nuôi phải bồi thường thiệt hại, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thậm chí trong những trường hợp chủ vật nuôi hoàn toàn không có lỗi thì vẫn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo quy định của bộ luật dân sự khi vật nuôi gây thiệt hại cho người khác.
Theo Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT thì trách nhiệm của chủ vật nuôi chó, mèo trong phòng chống dịch bệnh động vật như sau: Phải đăng ký việc nuôi chó với Ủy ban nhân dân cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; Xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt; Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh; Chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định; Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.
Thông tư này cũng quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và ủy ban nhân dân cấp xã như sau: Lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn; Hằng năm trước đợt tiêm phòng phải rà soát, thống kê, cập nhập thông tin về đàn chó nuôi trên địa bàn; Quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh Dại, có dấu hiệu mắc bệnh Dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận; Phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương tổ chức tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông và bắt động vật mắc bệnh Dại hoặc có dấu hiệu mắc bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách; Phối hợp với cơ quan y tế tổ chức được tiêm vắc-xin phòng bệnh Dại cho các thành viên của đội chuyên trách theo quy định của ngành y tế.
Thông tư này cũng quy định về phòng bệnh bắt buộc bằng vắcxin đối với chó, mèo. Quy định về đối tượng tiêm phòng, thời gian tìm phòng, cụ thể: Hàng năm triển khai chiến dịch tiêm phòng đợt chính vào tháng 3 - 4. Ngoài ra, hàng tháng phải tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo mới phát sinh hoặc chó, mèo đã hết thời gian còn miễn dịch bảo hộ. Tiêm phòng cho đàn chó, mèo thuộc diện tiêm phòng do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt ít nhất 70% tổng đàn.
Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương để tổ chức đợt tiêm phòng vắc xin Dại cho chó, mèo trên địa bàn. Trong vòng 07 ngày trước đợt tiêm phòng và trong thời gian triển khai tiêm phòng, Ủy ban nhân dân cấp xã thông báo hằng ngày trên các phương tiện truyền thông cho cộng đồng dân cư trên địa bàn về địa điểm và ngày tiêm phòng.
Trường hợp chủ vật nuôi chó, mèo không tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý vật nuôi, đảm bảo an toàn cho những người xung quanh thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào từng hành vi và hậu quả cụ thể.
Hiện nay có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi khi không đảm bảo điều kiện an toàn, vệ sinh môi trường, không tuân thủ quy định về tiêm phòng vắcxin cho vật nuôi là chó mèo, cụ thể như sau:
Theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP, thì trường hợp chủ vật nuôi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng nhưng chưa gây ra thiệt hại cho người khác thì bị xử phạt vi phạm hành chính từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.
Hành vi thả rông vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng chỉ có thể bị phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng theo quy định tại điểm bê, khoản một, điều bẩy của nghị định số 144/2021/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y quy định phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Hành vi thả rông chó nơi công cộng (không xích nhốt, không có người dắt) dẫn đến chó cắn chết người thì chủ vật nuôi có thể bị xử lý hình sự về tội vi phạm quy định an toàn nơi đông người theo điều 295 bộ luật hình sự với mức phạt tù có thể tới 12 năm tù. Cụ thể như sau:
Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người
1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp chó cắn chết người do chủ vật nuôi không đảm bảo quy tắc an toàn theo quy định pháp luật nhưng sự việc xảy ra không phải nơi công cộng thì chủ vật nuôi này có thể vẫn bị xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người theo Điều 128 bộ luật hình sự với mức hình phạt tới 10 năm tù hoặc tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính hoặc quy tắc nghề nghiệp theo Điều 129 bộ luật hình sự với mức hình phạt cao nhất có thể tới 12 năm tù.
Trường hợp vi phạm quy định về quản lý vật nuôi gây ra thương tích nghiêm trọng cho người khác từ 31 % trở lên thì người chú vẫn nuôi cũng có thể bị xử lý hình sự về tội vô ý gây thương tích theo quy định của bộ luật hình sự.
Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính hoặc quy tắc nghề nghiệp
1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoài ra, chủ vật nuôi gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định của bộ luật dân sự. Cụ thể Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thương.
Trong vụ việc trên, cơ quan chức năng sẽ làm rõ chủ vật nuôi là ai và người chủ vật nuôi này có tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn khi nuôi nhốt vật nuôi, có đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về việc khai báo, tiêm phòng và các biện pháp để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh hay không. Trong trường hợp có lỗi dẫn đến việc người phụ nữ lớn tuổi bị cắn chết thì cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm pháp lý, trong đó không loại trừ trường hợp có thể khởi tố hình sự về một trong các tội danh nêu trên (có thể là tội vô ý làm chết người).
Trong vụ việc này, nếu người phụ nữ là chủ vật nuôi đã tuân thủ đầy đủ quy định về đảm bảo an toàn, sự việc xảy ra trong khuôn viên của chủ vật nuôi, chủ vật nuôi đã tìm mọi cách để ngăn cản con chó tấn công người phụ nữ, tìm mọi cách khắc phục hậu quả, cứu chữa cho nạn nhân thì sẽ không xử lý hình sự.
Mặt khác mối quan hệ giữa chủ vật nuôi và nạn nhân là quan hệ mẹ con, sự việc xảy ra trong khuôn viên gia đình nên nếu chủ vật nuôi có một phần lỗi thì cơ quan chức năng cũng sẽ cân nhắc xem xét có xử lý hình sự hay không để đảm bảo tính nhân văn, nhân đạo, có tình có lý trong giải quyết vụ việc.
Dù kết quả xác minh và xử lý như thế nào chăng nữa thì rõ ràng vụ việc này là nghiêm trọng, tước đi mạng sống của người phụ nữ lớn tuổi và gây hoang mang trong dư luận. Bởi vậy cơ quan chức năng cần kiểm tra rà soát các trường hợp nuôi nhốt chó ở địa phương này cũng như trên địa bàn cả nước, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân trong việc nuôi nhốt chó mèo. Đối với các loại chó dữ thì cần phải có quy định hạn chế nuôi hoặc tăng cường các quy tắc đã bảo an toàn đối với các loại vật nuôi này để đảm bảo an toàn cho chủ vật nuôi cũng như những người xung quanh. Những trường hợp chủ vật nuôi không tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm cho những người xung quanh thì cần phải phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh để phòng tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra, tước đi mạng sống của những người khác.
_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407
Website: Luatchinhphap.com