Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Vụ cháy bãi giữ xe ở Bình Thuận: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai ?
10/03/2024
icon-zalo

Vụ cháy bãi giữ xe ở Bình Thuận: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai ?

Gần 200 xe máy vi phạm hành chính tại bãi giữ phía sau trụ sở Công an huyện Tánh Linh (Bình Thuận) bị thiêu rụi.

Tối 9/3, Công an tỉnh Bình Thuận đã dập tắt được đám cháy tại bãi giữ xe vi phạm hành chính, nằm trong khuôn viên Công an huyện Tánh Linh.

Theo Công an tỉnh Bình Thuận, thống kê ban đầu khoảng 200 xe máy là tang vật vi phạm hành chính của người dân bị cháy hoàn toàn, không có thiệt hại về người.

Gần 200 xe máy tại bãi giữ xe của công an ở Bình Thuận bị cháy rụi - 1

Hỏa hoạn bùng lên tại bãi giữ xe (Ảnh: Người dân cung cấp)

Đánh giá về vụ việc trên, tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Vpls Chính Pháp cho rằng: Cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân của vụ cháy để xem xét trách nhiệm pháp lý theo nguyên tắc người nào có lỗi gây thiệt hại đến tài sản thì phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp không có lỗi thì người đang quản lý tài sản phải chịu trách nhiệm pháp lý do tài sản bị hư hỏng, hủy hoại. 
 
Phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, có nguy cơ gây tai nạn, cháy nổ rất cao nên người quản lý, sử dụng các phương tiện này phải tuân thủ các quy định của pháp luật để đảm bảo an toàn, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. 
 
Những vụ việc về cháy bãi giữ xe đối với các bãi tạm giữ xe, phương tiện do vi phạm hành chính xảy ra không ít trong thời gian qua bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên vấn đề này tiếp tục tái diễn là điều đáng lo ngại. Ở các bãi xe giữ các phương tiện giao thông bị tạm giữ hành chính thường không có mái che, để ngoài trời mưa nắng khô hanh nên rất dễ cháy nổ. Đặc biệt là nếu trong các xe đó còn xăng dầu thì nguy cơ cháy nổ sẽ càng cao hơn. Nếu các bãi giữ xe đó gần các nguồn sinh nhiệt, sinh lửa thì nguy cơ cháy là rất cao và khi đã cháy thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Bởi vậy, việc trông giữ xe phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy, người thực hiện hoạt động trông giữ xe phải có trách nhiệm và có các giải pháp phòng cháy chữa cháy đảm bảo an toàn cho các phương tiện trong thời gian tạm giữ để chờ xử lý hành chính. 
 
Những nơi trông giữ xe phải được các cơ quan có thẩm quyền cho phép và đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, có các phương án phòng cháy hiệu quả khả thi thì mới được phép hoạt động. Nhân viên trông giữ phải được tập huấn về phòng cháy chữa cháy, có các phương tiện phòng cháy để kịp thời xử lý các tình huống. Đơn vị trông giữ xe được trả công, người vi phạm giao thông phải trả tiền cho thời gian trông giữ xe. Tuy nhiên vấn đề bảo quản các phương tiện trong thời gian tạm giữ thời gian qua có rất nhiều vấn đề đáng lo ngại như không có mái che dẫn đến hư hỏng, giảm sút giá trị và nguy cơ cháy nổ là luôn thường trực. Ngoài ra, việc xác minh về tài sản, nguồn gốc của những chiếc xe bị tạm giữ đó cũng gặp những khó khăn, số lượng xe lớn nên việc xử lý chậm, nhiều tài sản sau đó chủ phương tiện đã bỏ, không tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính để nhận xe về nên việc ùn ứ, quá tải ở các bãi giữ xe vi phạm hành chính là vấn đề tồn tại trong việc xử lý vi phạm hành chính hiện nay. 
 
Về bản chất pháp lý thì tạm giữ phương tiện là hạn chế quyền quản lý sử dụng của chủ phương tiện (do nghi ngờ có hành vi vi phạm pháp luật) chứ không phải là hình thức quyết định quyền sở hữu tài sản. Chỉ khi nào có bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền có nội dung tịch thu tài sản (phương tiện giao thông) để bán nộp vào ngân sách nhà nước và bản án, quyết định đó được thi hành thì tổ chức cá nhân là chủ các phương tiện giao thông đó mới mất tài sản. Bởi vậy, trong thời gian tạm giữ phương tiện để chờ thực hiện các thủ tục hành chính pháp lý thì chủ sở hữu phương tiện vẫn có quyền sở hữu đối với các tài sản này. Trong quá trình tạm giữ phương tiện để giải quyết theo các thủ tục hành chính, thủ tục tư pháp thì cơ quan chức năng có trách nhiệm bảo quản, quản lý, đảm bảo an toàn đối với các phương tiện này. Nếu để xảy ra cháy nổ gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. 
 
Trường hợp cơ quan chức năng thuê kho bãi tạm giữ phương tiện thì người trông giữ có trách nhiệm bảo quản, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
 
Trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc tạm giữ, quản lý phương tiện giao thông là trách nhiệm pháp lý liên quan đến chức trách nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Còn trách nhiệm của đơn vị trực tiếp trông giữ theo hợp đồng thỏa thuận là trách nhiệm pháp lý xuất phát từ hợp đồng dân sự, đó là hợp đồng gửi giữ tài sản, đây là một trong các hợp đồng dân sự thông dụng theo quy định của bộ luật dân sự. Theo đó, Điều 554 Bộ luật dân sự quy định về Hợp đồng gửi giữ tài sản như sau: 
 
 
“Điều 554. Hợp đồng gửi giữ tài sản
 
Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công.
 
Điều 555. Nghĩa vụ của bên gửi tài sản
 
1. Khi giao tài sản phải báo ngay cho bên giữ biết tình trạng tài sản và biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản gửi giữ; nếu không báo mà tài sản gửi giữ bị tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản thích hợp thì bên gửi phải tự chịu; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Phải trả đủ tiền công, đúng thời hạn và đúng phương thức đã thỏa thuận.
 
Điều 556. Quyền của bên gửi tài sản
 
1. Yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào, nếu hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải báo trước cho bên giữ một thời gian hợp lý.
2. Yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu bên giữ làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng.”. 
 
Vấn đề trách nhiệm pháp lý sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân của sự việc, phụ thuộc vào yếu tố lỗi và hậu quả đã xảy ra. Bởi vậy, trong vụ việc này cơ quan chức năng sẽ phải xác định làm rõ nguyên nhân vụ cháy là do nguyên nhân chủ quan hay khách quan. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đã có người phá hoại, có chủ đích đốt bãi xe thì sẽ khởi tố người này về tội hủy hoại tài sản theo Điều 178 bộ luật hình sự, đồng thời người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự gây thiệt hại đến tài sản có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho các cơ quan tổ chức cá nhân theo quy định của pháp luật. 
 
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy không có người đốt, cố ý làm hư hỏng tài sản nhưng đã có hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy chữa cháy (vô ý gây thiệt hại đến tài sản) thì người vi phạm quy định này cũng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng (tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy) và có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra. 
 
Trường hợp vụ việc không có dấu hiệu cấu thành tội phạm, không có lỗi của các chủ thể có liên quan thì vấn đề bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự liên quan đến hợp đồng gửi giữ tài sản, bên giữ tài sản có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại. Nếu có bảo hiểm cháy nổ thì cơ quan bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường theo nội dung hợp đồng bảo hiểm đã ký kết. 
 
Về nguyên tắc xác định trách nhiệm thì cơ quan tạm giữ phương tiện có trách nhiệm đối với chủ phương tiện, người quản lý phương tiện. Nếu cơ quan tạm giữ phương tiện có hợp đồng gửi giữ đối với cá nhân tổ chức thực hiện dịch vụ trông giữ xe thì đơn vị trông giữ xe có trách nhiệm với cơ quan chức năng theo nội dung thỏa thuận của hợp đồng gửi giữ tài sản. Thông thường các cơ quan chức năng sẽ ký hợp đồng để thuê bên thứ ba trông giữ phương tiện, bảo quản phương tiện trong quá trình chờ xử lý, khi đó trách nhiệm pháp lý cũng sẽ được xem xét trên cơ sở hợp đồng gửi giữ này, theo quy định của pháp luật về dân sự. 
 
Đây là vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, cho thấy nguy cơ mất an toàn về phòng cháy chữa cháy ở các bãi giữ xe là hiện hữu. Bởi vậy cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân để xem xét trách nhiệm pháp lý đồng thời sẽ tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho các bãi giữ xe để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra. Trong đó giải pháp thuê kho bãi phải đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, phải có phương án phòng cháy chữa cháy phù hợp. Phải có giải pháp để bảo quản, quản lý phương tiện tránh hư hỏng, cháy nổ có thể xảy ra. 

_____________________________________

Ts. Ls. Đặng Văn Cường

Điện thoại/Zalo: 0977999896 

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896