Vụ cháu bé 21 tháng tuổi bị sát hại: nếu đối tượng gây án đã chết thì vụ án sẽ được đình chỉ giải quyết?
23/09/2023
Vụ án cháu bé 21 tháng tuổi bị bắt cóc, sát hai: Vụ án sẽ bị đình chỉ nếu nghi phạm tử vong ?
Gần 17h50 ngày 19/9, điện thoại của lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP Hà Nội đổ chuông. Ở đầu dây bên kia là lãnh đạo Công an huyện Gia Lâm, thông tin báo cáo trên địa bàn xảy ra một vụ bắt cóc trẻ em đòi tiền chuộc.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ án, tất cả Đội Điều tra trọng án và nhiều đơn vị trong Phòng CSHS đã được huy động, nhanh chóng triển khai lực lượng hỗ trợ Công an huyện Gia Lâm điều tra, công an tỉnh Hưng Yên, truy tìm đối tượng gây án. Công an các quận, huyện giáp ranh với Công an huyện Gia Lâm, Văn Giang, Hưng Yên cũng được huy động phối hợp truy tìm đối tượng, giải cứu cháu bé.
Quá trình điều tra, Công an TP Hà Nội và công an tỉnh Hưng Yên xác định nghi phạm gây án là Giáp Thị Huyền Trang, sinh năm 1996, Trú tại Bắc Giang. Trang được gia đình cháu bé thuê để đón cháu hàng ngày từ trường mẫu giáo về nhà vào mỗi buổi chiều.
Khẩn trương rà dựng các hướng di chuyển của đối tượng, Công an TP Hà Nội đã nhanh chóng liên hệ với Công an tỉnh Hưng Yên đề nghị phối hợp hỗ trợ xác minh, truy bắt đối tượng Giáp Thị Huyền Trang. Qua truy xét, khoảng 11h30’ ngày 20/9, Công an tỉnh Hưng Yên đã phát hiện thi thể cháu Th tại một ao cá ở thôn Nhạn Tháp, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
4 phút
Trang đưa bé gái rời trường mầm non trong chiều 19/9. Video: Huy Mạnh
Sau một thời gian xác minh sự việc, cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án hình sự về tội giết người và khởi tố bị can đối với Giáp Thị Huyền Trang để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình điều tra vụ án thì cơ quan điều tra phát hiện thi thể trên sông Đuống nghi là của Giáp Thị Huyền Trang, người đang bị truy tìm với cáo buộc bắt cóc, tống tiền 1,5 tỷ đồng, sát hại bé gái 21 tháng tuổi.
Thi thể được phát hiện ở khu vực hạ lưu sông Đuống, gần cầu Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội vào tối 21/9. Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm, xét nghiệm ADN để xác định đây có phải xác của Trang hay không.
Sau một thời gian xác minh, giám định ADN, đến nay cơ quan điều tra kết luận là thi thể trên đúng là của bị can Giáp Thị Huyền Trang. Vậy vấn đề đặt ra là vụ án này sẽ đi theo hướng nào, có tiếp tục giải quyết nữa hay không ?
Đánh giá về vụ án này Ts. Ls. Đặng Văn Cường cho rằng: Cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để tiến hành điều tra làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Nếu quá trình điều tra xác định bị can đã chết, không có đồng phạm khác, cũng không có người khác phạm tội thì vụ án sẽ được đình chỉ.
Trước đó, lực lượng Công an phát đi thông báo truy tìm nghi can Giáp Thị Huyền Trang.
Nếu nghi can duy nhất đã chết mà không còn đồng phạm khác thì vụ án có thể khép lại ?
Với kết quả xác minh ban đầu thì đến nay thì cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với đối tượng Giáp Thị Huyền Trang về tội giết người theo Điều 123 BLHS để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.
Theo quy định của pháp luật thì khi có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy cháu bé đã bị sát hại, có dấu hiệu của tội giết người nên cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án về tội giết người theo quy định tại Điều 123 bộ luật hình sự để tiến hành điều tra là có cơ sở.
Pháp luật cũng quy định căn cứ khởi tố bị can trong vụ án hình sự là khi xác định được thông tin của người đã thực hiện hành vi phạm tội, hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ khởi tố bị can để tiến hành điều tra.
Với kết quả xác minh ban đầu của cơ quan điều tra công an tỉnh Hưng Yên thì đến nay cơ quan điều tra xác định cháu bé 21 tháng tuổi bị bắt cóc trước đó đã tử vong. Nghi phạm sát hại cháu bé được xác định là người giúp việc gia đình tên Giáp Thị Kiều Trang nên đã tiến hành khởi tố bị can đối với đối tượng này để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật.
Đến nay, cơ quan điều tra đang tiến hành điều tra vụ án nên có rất nhiều tình tiết của vụ án cần phải được làm sáng tỏ, hơn nữa để đảm bảo bí mật điều tra nên không phải các tình tiết chứng cứ nào cơ quan điều tra cũng công khai trên dư luận. Chính vì vậy vụ án này sẽ có nhiều giả thuyết được đặt ra để xác định nguyên nhân động cơ sự việc, xác định diễn biến hành vi của đối tượng gây án, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội để xử lý theo quy định của pháp luật.
Với diễn biến sự việc như vậy thì hành vi của đối tượng có dấu hiệu của 2 tội danh là tội giết người và tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, tội giết người là hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của nạn nhân. Kết quả xác minh điều tra đến nay cho thấy đối tượng đã thực hiện hành vi sát hại cháu bé. Tuy nhiên cơ quan điều tra vẫn chưa cung cấp thông tin là hành vi sát hại cháu bé được thực hiện như thế nào (bóp cổ, đánh đập, dìm chết.. hay các hành vi khác dẫn đến nạn nhân tử vong ....). Cơ quan điều tra cũng chưa thông tin nguyên nhân động cơ thực hiện hành vi giết người.
Dưới góc độ pháp lý thì hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng của người khác, nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến nạn nhân tử vong nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì đối tượng thực hiện hành vi sẽ bị xử lý về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự năm 2015. Hành vi giết người dưới 16 tuổi, Giết người có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn là những tình tiết định không tăng nặng trách nhiệm hình sự. Bởi vậy trong trường hợp đối tượng này còn sống và bị kết tội về tội giết người với nhiều tình tiết tăng nặng như vậy thì hình phạt sẽ phải đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân động cơ phạm tội, làm rõ diễn biến hành vi giết người làm căn cứ kết luận, xử lý theo quy định của pháp luật.
Hình ảnh Trang chở bé gái bằng xe máy bị camera an ninh ghi lại. Ảnh: Cắt từ video
Ngoài ra vụ án này còn có thông tin về việc đối tượng yêu cầu gia đình giao tiền chuộc, gia đình đã chuyển khoản cho đối tượng 550.000.000 đồng. Hành vi này có dấu hiệu của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản nên cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi này để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu kết quả điều tra cho thấy đã có hành vi bắt giữ cháu bé nhằm đòi tiền chuộc, đã thông báo cho gia đình yêu cầu gia đình phải đưa tiền thì mới thả cháu bé thì đây là hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, đối tượng còn sống thì sẽ bị xử lý theo Điều 169 bộ luật hình sự với hình phạt cao nhất của tội danh này có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Trong vụ án này còn nhiều tình tiết chưa được làm rõ, nhiều thông tin còn khác nhau về động cơ mục đích bắt giữ cháu bé, về thời điểm đòi tiền chuộc. Còn có thông tin về việc sau khi sát hại cháu bé thì đối tượng mới yêu cầu gia đình trao tiền chuộc. Hoặc cũng có thể đối tượng đòi tiền chuộc từ khi bắt cóc, do cháu bé quấy khóc, sợ bị lộ nên mới sát hại, sát hại cháu bé xong do túng quẫn, tham và rối trí nên vẫn tiếp tục đòi tiền chuộc... vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ để kết luận.
Nếu trong trường hợp đối tượng bắt cóc cháu bé để đòi tiền chuộc, do không đáp ứng được yêu cầu nên đã sát hại cháu bé thì đối tượng này bị xử lý về hai tội danh là tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản và tội giết người. Hình phạt cao nhất của tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản là tù chung thân, còn hình phạt cao nhất của tội giết người là tử hình.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng chỉ thực hiện hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, không có mục đích sát hại nạn nhân, nạn nhân chết là do tình huống ngoài mong muốn của đối tượng thì chỉ bị xử lý một tội danh là tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản với hậu quả là làm chết người . Yếu tố lỗi liên quan đến cái chết của nạn nhân trong tình huống này là lỗi vô ý nên đây chỉ là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự chứ không phải là tình tiết định tội để xử lý thêm về tội giết người.
Ngoài ra thời điểm đối tượng đòi tiền chuộc là thời điểm nạn nhân còn sống hay không cũng là tình tiết quan trọng liên quan đến việc xác định tính chất của vụ án, làm rõ động cơ của vụ án cũng như yếu tố quyết định đến việc xác định tội danh có thể xử lý đối với đối tượng này.
Với tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản thì bắt buộc phải có hành vi bắt người này với mục đích để chiếm đoạt tài sản của người khác (người thân của nạn nhân). Nếu bắt giữ cháu bé nhưng không mục đích chiếm đoạt tài sản, sau khi sát hại cháu bé thì mới lại suy nghĩ ý định đòi tiền chuộc thì có thể sẽ không xử lý về tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản mà chỉ xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170 BLHS.
Bị can chết thì sẽ đình chỉ điều tra?
Về mặt thủ tục tố tụng hình sự thì pháp luật hình sự Việt Nam quy định chỉ xử lý với người phạm tội còn sống. Trường hợp quá trình điều tra, truy tố, xét xử mà người thực hiện hành vi phạm tội đã chết thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can, bị cáo đã chết đó.
Đối với vụ án hình sự mà đối tượng thực hiện hành vi đã chết thì có thể cơ quan điều tra vẫn khởi tố vụ án hình sự để tiến hành các hoạt động điều tra. Quá trình điều tra xác định người phạm tội duy nhất đã chết, không có đồng phạm khác, không còn người khác phạm tội thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với vụ án đó.
Theo Điều 230 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định, cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp: Có một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 155 và Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017);
Cụ thể, các căn cứ theo các quy định trên bao gồm: Người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu theo khoản 2 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự theo Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 bao gồm: Không có sự việc phạm tội; Hành vi không cấu thành tội phạm; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; Tội phạm đã được đại xá; Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác; Tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố; Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo Điều 16 Bộ luật Hình sự 2015; Các trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 29, khoản 2 Điều 91 Bộ luật Hình sự; Đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
Trường hợp vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả bị can thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
Theo thông tin vụ án thì cho đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Giáp Thị Huyền Trang về tội giết người để tiến hành điều tra. Kết quả điều tra đến nay cũng cho thấy cơ quan điều tra đã phát hiện một tử thi có đặc điểm giống với bị can Trang dưới sông đuống. Cơ quan điều tra sẽ tiến hành giám định ADN, xác minh thông tin để xác định tử thi này có phải là bị can Giáp Thị Huyền Trang hay không.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy tử thi này đúng là bị can Giáp Thị Huyền Trang, bị can đã chết thì cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can này và vụ án vẫn có thể tiếp tục.
Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp tục làm rõ vụ án này có đồng phạm hay không ? có người khác phạm tội hay không để tiếp tục tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp xác định có người đã giúp sức đối tượng thực hiện hành vi giết người hoặc xác định có người thực hiện hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tổ chức đánh bạc và đánh bạc trái phép, đe dọa giết người, cưỡng đoạt tài sản hoặc có các hành vi khác liên quan đến bị can trang, tác động đến tâm lý của bị can dẫn đến bị can thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ mở rộng điều tra xử lý với các đối tượng có liên quan theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc là trong quá trình điều tra vụ án hình sự thì cơ quan điều tra sẽ đặt ra nhiều giả thuyết, nhiều tình huống có thể xảy ra để tiến hành làm rõ, giải nghi đối với các tình huống. Trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng đã sát hại nạn nhân trước khi đòi tiền chuộc thì rất có thể đối tượng lâm vào tình trạng nợ nần, túng quẫn, bị đòi nợ dẫn đến mang cháu bé đi bỏ trốn, khi cháu bé quấy khóc, không thể mang theo thì nãy sinh ý định sát hại cháu bé, sau đó mới này sinh ý định đòi tiền chuộc. Bởi vậy, nguyên nhân động cơ trong tình huống này là rất quan trọng, có thể là có người khác phạm tội khác. Cơ quan điều tra sẽ mở rộng điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc để giải quyết triệt để vụ án này.
Nếu đối tượng sát hại cháu bé, thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản mà có thông báo cho người khác, người biết được sự việc đã giúp sức cho đối tượng bỏ trốn hoặc che giấu không tố giác tội phạm thì người này cũng có thể bị xử lý về hành vi che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm.
Nếu cơ quan điều tra bắt giữ được đối tượng còn sống thì lời khai của đối tượng rất quan trọng để xác định nguyên nhân động cơ sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng, xác định vụ việc có liên quan đến đối tượng khác, phạm tội khác hoặc có đồng phạm hay không. Còn trường hợp kết quả điều tra cho thấy đối tượng đã tử vong, không lấy được lời khai của đối tượng thì những thông tin từ các cuộc gọi, tin nhắn, các mối quan hệ giao tiếp của bị can này trước khi chết là những tình tiết quan trọng để kết luận nguyên nhân động cơ sự việc, đánh giá vụ án có đồng phạm khác, có người khác phạm tội hay không.
Trong trường hợp bị can đã chết thì đình chỉ điều tra đối với bị can này, nếu có người khác phạm tội với vai trò đồng phạm hoặc kết quả điều tra cho thấy có người khác phạm tội phạm khác thì sẽ tiếp tục điều tra xử lý đối với các bị can khác.
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy vụ án chỉ có một bị can duy nhất đã chết, không còn người khác đồng phạm, không có người khác phạm tội khác thì sẽ đình chỉ điều tra đối với bị can đồng thời cũng đình chỉ điều tra đối với vụ án này và vụ án này sẽ chính thức khép lại.
Ts. Ls. Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp
Biết con dâu vi phạm luật giao thông đường bộ, thay vì chấp hành thì người mẹ chồng lại có hành vi chống đối, ngăn cản Tổ công tác của Đội CSGT Công an huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đang làm nhiệm vụ. Dù bị khống chế nhưng người này vẫn văng nhiều từ ngữ dung tục, khó nghe.
Do đòi tiền phí, người giao hàng bị vợ chồng người nhận hàng sử dụng hung khí là tuýp sắt, bình hoa, ghế… đánh gãy hai tay. Chuyên gia pháp lý cho biết, vụ việc này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Chuyên gia pháp lý nhận định, đây là một vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác.
Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội khiến nhiều người tan cửa, nát nhà, gia đình ly tán. Do vậy, việc đấu tranh với các hoạt động mê tín dị đoan đồng bóng, bói toán là cần thiết để xã hội văn minh hơn, phát triển lành mạnh hơn