Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Vụ án "Chuyến bay giải cứu": Không đơn thuần chỉ là thủ tục tố tụng để giải quyết vụ án hình sự, nhiều bài học quý giá cho nhiều người từ vụ án này
24/07/2023
icon-zalo
Vụ án "Chuyến bay giải cứu": Không đơn thuần chỉ là thủ tục tố tụng để giải quyết vụ án hình sự, nhiều bài học quý giá cho nhiều người từ vụ án này 
 
1. Nhiều người nhầm lẫn tên gọi vụ án này dẫn đến hiểu sai bản chất vụ án
 
Vụ án hình sự đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ở nhiều cơ quan, tổ chức (khởi đầu là khởi tố một số bị can ở Bộ ngoại giao) liên quan đến hoạt động đưa công dân về nước để phòng chống dịch bệnh covid-19 trong khoảng thời gian từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2022 là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm, vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, vụ án này xử lý đối với 54 bị can với nhiều (5)tội danh khác nhau. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử kéo dài, vụ án này lập nhiều kỷ lục trong tố tụng hình sự Việt Nam về số tội danh, số bị cáo, số luật sư tham gia và thời gian xét xử cũng như sự quan tâm của dư luận xã hội. Vụ án này cũng đặt ra mục tiêu của hoạt động xét xử trong công cuộc cải cách tư pháp, đấu tranh phòng chống tham nhũng giai đoạn hiện nay, hướng đến xóa bỏ "văn hóa phong bì",  "cơ chế xin - cho" trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Vụ án xét xử với 05 tội danh, 54 bị cáo, 05 kiểm sát viên trực tiếp tham gia tranh tụng và 100 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Toà án cũng triệu tập nhiều người làm chứng, nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tham gia phiên toà, thời gian xét xử được tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thông báo dự kiến xét xử liên tục trong thời gian 30 ngày, kể cả thứ bẩy chủ nhật. Tuy nhiên sau 10 ngày xét xử thì cơ bản các vấn đề của vụ án cũng đã được làm sáng tỏ, hội đồng xét xử quyết định nghị án kéo dài một tuần và sẽ tuyên án vào chiều 28/7 tới đây. 

Chú thích ảnh
Luật sư Trần Nam Long bào chữa cho cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam.
Điều đáng nói là vụ án này ngay từ đầu đã được gọi tên không đúng, dẫn đến nhiều người hiểu sai về bản chất của vụ án cũng như về hoạt động bảo hộ công dân của Bộ ngoại giao và của nhà nước Việt Nam. Pháp luật không có quy định về tên gọi vụ án hình sự như thế nào, thông thường những người tiến hành tố tụng và những người tham gia và tố tụng thường gọi tên của vụ án hình sự theo tên tội danh, tên địa danh hoặc tên bị cáo đầu vụ. Vụ án này báo chí dư luận và nhiều người gọi là "vụ án chuyến bay giải cứu" làm nhiều người hiểu lầm rằng các bị cáo lợi dụng chính sách giải cứu công dân của nhà nước để trục lợi. Tên gọi khiến dư luận bức xúc, nhiều người không hiểu rõ về vụ án này thì phẫn nộ với các bị cáo bởi trước đó không lâu báo chí tự luận cũng ca ngợi tinh thần chống dịch, không ngại hiểm nguy của các cán bộ liên quan đến chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước...
 
Giải cứu công dân là một trong những hoạt động của mỗi quốc gia mà đơn vị đầu mối là bộ ngoại giao đảm nhiệm, giải cứu công dân là một trong những trách nhiệm của công tác bảo hộ công dân khi công dân của một quốc gia gặp nguy hiểm ở nước ngoài. Việc giải cứu công dân ở Việt Nam không phải là lần đầu tiên diễn ra ở thời điểm dịch bệnh mà trước đó Việc giải cứu công dân Việt Nam từ Iraq, Libi, đưa công dân từ anh về nước cũng đã được triển khai theo đúng chính sách pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Chú thích ảnh
Luật sư Trần Bình Tuấn bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hồng Hà.
👉 Chuyến bay giải cứu: "Chuyến bay giải cứu" là tên gọi được truyền thông và nhiều người sử dụng để đặt tên cho vụ án này. Tuy nhiên về bản chất thì vụ án này không liên quan đến chuyến bay giải cứu. Các chuyến bay giải cứu công dân bị ảnh hưởng bởi covid-19 là những chuyến bay mà công dân chỉ phải trả tiền vé một chiều, toàn bộ các chi phí còn lại (chi phí xét nghiệm, chi phí ăn ở, phí khám chữa bệnh...) là miễn phí, các công dân được đưa về nước trong các chuyến bay giải cứu được tổ chức cách ly tại đơn vị quân đội, công dân không phải trả tiền xét nghiệm, tiền ăn ở, tiền cứu chữa nếu mắc covid- 19... Những chuyến bay giải cứu tiêu tốn một lượng tiền ngân sách khá lớn để giải cứu, cứu chữa công dân và huy động một lượng nhân lực rất lớn của quân đội và các cơ quan chức năng để phục vụ công dân Việt Nam khi được đưa về nước. Đây là chính sách nhân đạo của nhà nước Việt Nam, hàng trăm chuyến bay giải cứu đã được tổ chức thực hiện đưa hàng ngàn công dân về nước, đặc biệt là những người gặp hoàn cảnh khó khăn, ở khu vực dịch bệnh diễn biến phức tạp... 
 
Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên toà trong ngày đầu tiên xét xử. Ảnh tư liệu: Phạm Kiên/TTXVN
Hiện nay, cơ quan chức năng không có bất kỳ kết luận nào là chuyến bay giải cứu có sai sót, vi phạm hoặc có tham nhũng. Không có ai bị xử lý liên quan đến các chuyến bay này và việc gọi vụ án đưa nhận hối lộ xảy ra ở nhiều bộ ngành là "vụ án chuyến bay giải cứu" là không đúng về bản chất, dẫn đến nhiều người hiểu sai về hoạt động giải cứu công dân của Việt Nam ở thời điểm dịch bệnh covid-19 bùng phát trên toàn thế giới. 
 
👉 Chuyến bay Combo: Chuyến bay com bo là khái niệm mới, lần đầu tiên xuất hiện trong đợt dịch bệnh covid- 19 giai đoạn 2020-2022. Đây là chuyến bay thương mại, dịch vụ, kết hợp với sự phối hợp của cơ quan chức năng trong việc đưa công dân về nước. Thời điểm này dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới. Nhiều quốc gia đã dừng các chuyến bay thương mại thông thường (việc đi lại của các công dân giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ không còn được tự do như trước do các quốc gia đặt ra các quy định về hạn chế đi lại để phòng chống dịch bệnh covid-19) và các công dân từ nước ngoài về nước phải được các quốc gia cho phép, có sự kiểm soát chặt chẽ và phải thực hiện các thủ tục cách ly y tế theo quy định (có thể là 14 ngày hoặc 07 ngày tùy từng thời điểm). Trường hợp công dân tự ý về nước giai đoạn này là nhập cảnh trái phép, vi phạm về cách ly y tế đều bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí nếu gây hậu quả nghiêm trọng, tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép, làm lây lan dịch bệnh có thể bị xử lý hình sự và thực tế không ít trường hợp đã bị xử lý hình sự về hành vi tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép, làm lây lan dịch bệnh.... Do để kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước nên các chuyến bay thương mại thông thường sẽ không được tổ chức thực hiện nữa, thay vào đó là chuyến bay Combo ra đời, đây là các chuyến bay chi phí "trọn gói" vừa vé máy bay, vừa chi phí cách ly, xét nghiệm covid-19, là loại chuyến bay kết hợp vừa thương mại, vừa có sự quản lý của nhà nước về phòng chống dịch bệnh. Giá cả mỗi chuyến bay, mỗi khách phụ thuộc vào các chi phí thực tế phát sinh vào mỗi thời điểm cũng như quãng đường bay, thời gian cách ly, theo sự thỏa thuận tự nguyện giữa công dân về nước và các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay. Nhà nước không có quy định mức giá đưa công dân về nước, cũng như không can thiệp vào giá thỏa thuận trong các chuyến bay này giữa công dân Việt Nam và các đơn vị tổ chức chuyến bay. 

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên toà xét xử, sáng 11/7/2023. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Các doanh nghiệp tham gia tổ chức chuyến bay chủ yếu là doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh lữ hành du lịch, xuất khẩu lao động đứng ra tổ chức các chuyến bay để đưa công dân về nước. Các doanh nghiệp này có trách nhiệm phối hợp với các địa phương để liên hệ nơi cách ly y tế tự nguyện ở các khách sạn, liên hệ với các bộ ngành (tổ công tác 4/5 bộ, đầu mối liên hệ là Văn phòng chính phủ hoặc Bộ ngoại giao) để đăng ký được tham gia đưa công dân về nước, liên hệ với công dân ở nước ngoài và các đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài để có thông tin về việc công dân đăng ký về nước. Giá dịch vụ đưa công dân về nước được tính "trọn gói",  hay còn gọi là "combo" theo sự thỏa thuận tự nguyện giữa đơn vị tổ chức chuyến bay và các công dân về nước. Công dân về nước phải chi trả tiền chi phí vé máy bay, tiền chi phí xét nghiệm, chi phí anh nghỉ trong thời gian cách và các chi phí khác phát sinh theo thỏa thuận trọn gói giữa các bên... trong giai đoạn này Việt Nam đã tổ chức được 372 chuyến bay combo để đưa công dân về nước.
 
Nhu cầu về nước rất lớn mà khả năng tiếp nhận công dân hạn chế, thêm vào đó là thủ tục để xét duyệt các chuyến bay chưa có tiền lệ nên giai đoạn đầu lúng túng, do nhiều bộ ngành quyết định nên thủ tục cũng không nhanh được. Chính vì vậy phát sinh nhu cầu đưa và nhận hối lộ để thực hiện thủ tục đưa công dân về nước. Các doanh nghiệp cử người đại diện đưa hối lộ cho Nhiều cán bộ thuộc nhiều bộ ngành khác nhau để được tham gia tổ chức đưa công dân về nước. Khi bị phát hiện thì cả người đưa hối lộ và người nhận hối lộ đều bị xử lý hình sự trong vụ án này, ngoài ra còn có những người môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ cũng bị phát hiện xử lý trong vụ án này nên số bị cáo lên đến 54 bị cáo về nhiều tội danh khác nhau. 
 
Bởi vậy, nếu gọi tên vụ án là "vụ chuyến bay" thì phải gọi là "vụ chuyến bay combo" chứ không phải là "vụ án chuyến bay giải cứu". Những sai phạm của nhiều tổ chức cá nhân từ hoạt động đưa công dân về nước từ các chuyến bay combo thể hiện rất rõ cơ chế "xin - cho", văn hóa phong bì, sự suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống của không ít cán bộ và hoạt động "cửa sau" giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, hoạt động "sân sau" được báo chí dư luận nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Việc xử lý những vụ án như thế này là kế hoạch trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng giai đoạn hiện nay, làm trong sạch bộ máy nhà nước, loại bỏ các cán bộ không còn đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, cũng như để làm minh bạch các thủ tục hành chính, thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật và lành mạnh trong các quan hệ dân sự, kinh tế ở Việt Nam. 
Vụ án chuyến bay giải cứu: Người dân có được trả lại tiền? - 1

Đại án "chuyến bay giải cứu" đã khởi tố, bắt giam một cựu Thứ trưởng; 12 cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao, Công an, Y tế, GTVT, Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo 4 công ty du lịch.

Do là chuyến bay combo nên giá cả do các bên thỏa thuận trọn gói, rất khó có thể xác định là công dân về nước bị doanh nghiệp ép giá hay thổi giá, đây là quy luật cung cầu và đặc biệt là giai đoạn dịch bệnh, nhiều người sẵn sàng chi phí số tiền rất lớn, thậm chí đánh đổi tất cả chỉ để được về nước an toàn... Nên một số ý kiến cho rằng doanh nghiệp và quan chức "bắt tay nhau" để thổi giá, "hút máu" đồng bào là nhận định đánh giá thiếu căn cứ, có tính chất thổi phồng, quy chụp, làm sai bản chất của vụ án này. Thậm chí có thể còn có những trường hợp mập mờ về thông tin hoặc vì không nắm rõ thông tin mà đưa ra những nhận định đánh giá chủ quan, thiếu căn  cứ làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước, xâm phạm đến danh dự uy tín của công dân, của các bị cáo và gia đình, người thân của họ. 
 
2. Không hiểu rõ bối cảnh dich bệnh Covid-19 thì không lý giải đúng về nguyên nhân, điều kiện phạm tội của các bị cáo
 
Để hiểu được bản chất vụ việc, cần đánh giá đúng bản chất hành vi của từng bị cáo, đối với bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội thì cũng cần đánh giá đúng tính chất mức độ hành vi phạm tội, cần phải đặt hành vi của các bị cáo vào trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Cần phải phân tích, làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, làm rõ những yếu tố thúc đẩy bị cáo thực hiện hành vi phạm tội để làm cơ sở đánh giá khi lượng hình cũng như làm căn cứ để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm. 
 
👉 Tình hình dịch bệnh trên thế giới từ khoảng đầu năm 2020 đến đầu năm 2022
 
Covid-19 là loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mà tổ chức y tế thế giới công bố là đại dịch toàn cầu. Dịch bệnh này là ám ảnh và mất mát, đau thương của nhiều người. Dịch bệnh covid-19 bắt đầu từ cuối năm 2019 tại Vũ hán, Trung Quốc, lan sang một số quốc gia lần cận rồi lan nhanh ra toàn cầu. Thời kỳ đầu Trung Quốc, Ấn Độ, nhiều nước Châu Âu tỷ lệ người nhiễm bệnh và tử vong ngày càng tăng cao. Điều đáng nói là loại dịch bệnh này chưa có vắcxin phòng bệnh, cũng chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị. Các quốc gia chưa có giải pháp nào hữu hiệu để phòng và chống lại dịch bệnh này, giai đoạn đầu chưa có vắcxin để phòng dịch nên công dân nhiều quốc gia rất hoang mang, chính quyền cũng đã sử dụng nhiều cách thức, biện pháp khác nhau để phòng chống dịch bệnh, trong khi đó tốc độ lây lan của dịch bệnh thì vẫn rất nhanh chóng, số người mắc bệnh, số người chết ngày càng tăng cao. Đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ có những thời điểm số người mắc covid và chết tăng cao khiến hệ thống y tế quá tải, số người chết nhiều đến mức việc mai táng cũng quá tải khiến cho nhiều người hoang mang, lo lắng về sức khỏe và tính mạng của bản thân và gia đình. Nhiều người sẵn sàng đánh đổi tất cả chỉ để muốn giữ được mạng sống của bản thân và an toàn cho gia đình. Có những người sẵn sàng vượt biên trái phép để về nước, thậm chí có người đã thuê cả một chuyến bay riêng để chở con về nước...
 
Trong bối cảnh đó, các quốc gia đều không mình để chống dịch, các hoạt động kinh tế, văn hóa xã hội bị gián đoạn, thậm chí ngưng trệ. Các quốc gia ra sức thực hiện các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại để tránh đi làm dịch bệnh và thực hiện các biện pháp để bảo vệ công dân của mình. Khi đó công dân Việt Nam sống ở nhiều quốc gia trên thế giới không được quan tâm, họ mất việc làm, không có thu nhập, không được hỗ trợ về y tế, chi phí thăm khám điều trị rất cao nếu mắc bệnh dịch và đặc biệt là tâm lý muốn trở về nước là tâm lý chung của hầu hết người Việt Nam ở nước ngoài thời điểm đó. 
 
👉 Kết quả chống dịch trong nước: giai đoạn đầu của dịch bệnh, đầu năm 2020 mặc dù chưa có vắcxin phòng bệnh nhưng Việt Nam thực hiện nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội, kịp thời phong tỏa các khu vực có dịch bệnh phải kiểm soát tốt các cửa khẩu, đường mòn, lối mở và dừng các chuyến bay thương mại, Không tiếp nhận người nước ngoài vào Việt Nam nên việc phòng chống dịch bệnh trong nước cơ bản là tốt. Trong khi đó ở nhiều quốc gia tỷ lệ lây lan dịch bệnh ở và số người chết tăng nhanh dẫn đến mong muốn của việt kiều về nước càng gia tăng. 

Chính trong bối cảnh đó, các đơn vị tổ chức chuyến bay đã tìm mọi cách để có thể tham gia việc tổ chức chuyến bay đưa công dân về nước, mục đích chính là phục vụ đồng bào, đồng thời cũng là cơ hội kinh doanh để có thêm thu nhập cho doanh nghiệp thời điểm dịch bệnh. Về phía các cơ quan thuộc các bộ, ban, ngành tham gia nhiệm vụ đưa công dân về nước trong các chuyến bay giải cứu và chuyến bay combo thì đây là nhiệm vụ mới, chưa từng có tiền lệ, không ai có kinh nghiệm nên việc quản lý công dân từ nước ngoài về, đưa công dân về nước là một việc phức tạp, liên quan đến nhiều bộ ngành. Giai đoạn đầu do dịch bệnh diễn biến phức tạp, quy trình thủ tục đưa công dân về nước chưa được quy định cụ thể nên cả phía cơ quan quản lý nhà nước và phía doanh nghiệp đều gặp những khó khăn nhất định. Nhiều chuyến bay được dự tính đưa công dân về nước nhưng không thể thực hiện được vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có thể kể đến là nơi cách ly, lực lượng y tế phục vụ, khả năng kiểm soát tình hình dịch bệnh trong nước... Ngoài ra còn có những nguyên nhân chủ quan là mong muốn đưa hối lộ của một số cá nhân để được cấp phép chuyến bay và một số cán bộ có chức năng nhiệm vụ trong việc phê duyệt các chuyến bay đã vi phạm đạo đức lối sống, sách nhiễu, đòi hỏi nhận hối lộ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật xảy ra và nhiều cán bộ cũng như cá nhân có liên quan đến tổ chức chuyến bay bị xử lý hình sự trong vụ án này... 

(Ts. Ls Đặng Văn Cường, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan,  nguyên Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ ngoại giao.).

_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407

 

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896