Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Vì sao nguyên Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Trường Sơn được miễn trách nhiệm hình sự ?
22/08/2023
icon-zalo
Vì sao nguyên Thứ trưởng Bộ y tế Nguyễn Trường Sơn được miễn trách nhiệm hình sự ?
 
Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Chính sách xét xử hình sự đối với tội phạm tham nhũng và chức vụ hiện nay phù hợp với chính sách chung về đấu tranh phòng chống tội phạm, tuy nhiên cũng có những nét đặc thù đối với nhóm tội phạm đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đang tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Theo đó, việc đấu tranh với tham nhũng tiêu cực sẽ quyết liệt, quyết tâm, không ngừng nghỉ, kết kết quả giải quyết vụ án hình sự đối với tội phạm về tham nhũng và chức vụ kết hợp hài hòa hai yếu tố là khoan hồng và nghiêm trị, hướng đến mục tiêu thu hồi tài sản do phạm tội mà có, tăng tính răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội. Đối với người phạm tội chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, chỉ đạo, thúc đẩy người khác phạm tội, thu lợi bất chính lớn... thì sẽ xử lý nghiêm minh.
Còn đối với người phạm tội lần đầu, vai trò thứ yếu, giúp sức, không hưởng lợi, thành khẩn khai báo thì sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Cụ thể, Điều 3, BLHS quy định đường lối xử lý tội phạm như sau: Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;
Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;
Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục;
Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật này quy định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Nguyên thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - Ảnh: ĐAN THUẦN

Nguyên thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - Ảnh: ĐAN THUẦN

Ngoài ra, Điều 5, Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao cũng quy định nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ như sau:  Việc xử lý tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ phải bảo đảm nghiêm khắc và tuân thủ triệt để các nguyên tắc của pháp luật hình sự, pháp luật tố tụng hình sự.
Trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.
Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc; Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm; Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra; Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.
Có thể thấy rằng, chính sách xét xử đối với tội phạm về tham nhũng và chức vụ hiện nay là rất khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội và phù hợp với mục tiêu đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Việc xử lý không chỉ nghiêm minh, nghiêm trị, mà còn khoan hồng, nhân văn, nhân đạo, có phân hoá rõ nét, tạo cơ hội cho người biết sửa sai, ăn năn, hối cải, có cơ hội sửa sai, lập công chuộc tội. Việc xử lý theo xu hướng xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả một ngành, một lĩnh vực, thúc đẩy yếu tố phòng ngừa tội phạm, xây dựng trật tự, văn hóa trong hoạt động công vụ, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ.
Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán cũng thể hiện rất rõ chính sách xét xử hình sự đối với tội phạm tham nhũng và chức vụ là: "Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
b) Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi; đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm;
c) Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra;".
Như vậy, có thể thấy rằng đối với người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là cấp dưới do bị chỉ đạo, sai khiến, không được hưởng lợi, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật do nôn nóng, muốn hoàn thành nhiệm vụ, muốn cống hiến đóng góp cho xã hội nên mắc sai lầm thì cũng sẽ được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt của pháp luật. Với những trường hợp không có động cơ vụ lợi, không vì mục đích tư lợi cá nhân nhưng do nhận thức, do bị phụ thuộc mà thực hiện hành vi phạm tội thì việc phân hóa, phân loại, miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt là cần thiết...
Điều 29, Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự như sau: Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi có quyết định đại xá.
Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Đối với vụ án tham nhũng xảy ra tại công ty Việt Á, theo kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ công an thì khi còn đương chức làm Thứ trưởng bộ y tế, ông Nguyễn Trường Sơn biết kit xét nghiệm là sản phẩm thuộc đề tài nghiên cứu do Bộ Khoa học và Công nghệ giao Học viện Quân y chủ trì. Do đó đề tài này là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Ông Sơn Biết rằng hồ sơ, tài liệu do công ty Việt Á cung cấp không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, từ tham mưu của vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, ông Nguyễn Trường Sơn vẫn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành tạm thời cho Công ty Việt Á. Sau đó ông Sơn vẫn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành chính thức cho Việt Á. Từ đó Việt Á đã sản xuất, kinh doanh, thu lợi trái phép, gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Khai với cơ quan điều tra, ông Sơn thừa nhận Công ty Việt Á chưa đủ điều kiện để được cấp số đăng ký lưu hành nhưng vẫn ký cấp số đăng ký tạm thời vì mong muốn kịp thời có kit xét nghiệm để phòng, chống dịch và do nhận thức pháp luật hạn chế.
Dù biết một số điều kiện để cấp số lưu hành chính thức chưa được đảm bảo nhưng do tình hình dịch phức tạp, khẩn cấp và Chính phủ chỉ đạo khẩn trương có sinh phẩm phục vụ phòng, chống dịch nên ông vẫn ký.
Nguyên Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn được miễn trách nhiệm hình sự vụ Việt Á - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Trường Sơn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế

Làm việc với cơ quan điều tra, nguyên thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định không được hưởng lợi từ Phan Quốc Việt hoặc Công ty Việt Á, không có động cơ cá nhân khi ký các quyết định liên quan doanh nghiệp này.
Theo cơ quan điều tra, hành vi của ông Sơn đã giúp Công ty Việt Á sử dụng số đăng ký lưu hành chính thức để sản xuất, kinh doanh, thu lợi trái phép và gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, có dấu hiệu tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Tuy nhiên, C03 nhận định ông Sơn không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho Công ty Việt Á và không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân.
Ông Sơn đã bị kỷ luật cảnh cáo về Đảng theo quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, kỷ luật cảnh cáo về chính quyền theo quyết định của Thủ tướng.
Do vậy, căn cứ các quy định pháp luật và nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, C03 miễn trách nhiệm hình sự cho ông Sơn, không khởi tố điều tra, không đề nghị truy tố.
viet-a.jpgNơi Công ty Việt Á đăng ký đặt trụ sở chính
 
Theo quy định của pháp luật thì Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ được quy định tại Điều 356 bộ luật hình sự là người nào có chức vụ quyền hạn nhưng đã vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà làm trái công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước từ 10.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo nội dung kết luận điều tra như vậy thì ông Nguyễn Trường Sơn có hành vi làm trái công vụ, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước nhưng cơ quan điều tra xác định ông Sơn không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác nên hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, không đủ căn cứ để xử lý hình sự ông Sơn theo điều 356 bộ luật hình sự. 
Theo quy định của pháp luật thì một số trường hợp thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng có thể vẫn không bị xử lý hình sự khi hành vi nguy hiểm không đáng kể (Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác" theo khoản 2, Điều 8 BLHS) hoặc thuộc một trong các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự quy định tại Chương IV, BLHS.
Ngoài ra, pháp luật cũng quy định trường hợp miễn trách nhiệm hình sự đối với người đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 29 của bộ luật hình sự (Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; a) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận) thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét miễn trách nhiệm hình sự. 
Còn đối với hành vi vi phạm pháp luật nhưng không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cũng không bị xử lý hình sự. Đối với tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS thì hành vi phải thỏa mãn về chủ thể (là người có chức vụ quyền hạn); mặt chủ quan của tội phạm (là lỗi cố ý, động cơ, mục đích vì vụ lợi); hành vi khách quan là làm trái công vụ và hậu quả là gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước từ 10.000.000 đồng trở lên thì hành vi mới thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm. Nếu thiếu một trong các yếu tố nêu trên thì hành vi vi phạm pháp luật không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm và đương nhiên sẽ không bị xử lý hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bởi vậy, với nội dung kết luận điều tra như vậy thì cơ quan điều tra không xử lý hình sự đối với ông Nguyễn Trường Sơn là có căn cứ. Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm, nếu không chứng minh được ông Nguyễn Trường Sơn đã thực hiện hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì việc không xử lý hình sự đối với ông Nguyễn Trường Sơn trong vụ án này là phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội, phù hợp với quy định về nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng hình sự. 

368557772_676849171161537_106634262529047042_n.jpgBị can Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á
 
Tương tự với trường hợp của ông Nguyễn Trường Sơn, theo nội dung kết luận điều tra thì ông Trương Quốc Cường, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, là người phụ trách điều hành, chỉ đạo đơn vị đầu mối cấp số đăng ký sinh phẩm chẩn đoán của bộ. Tuy nhiên Bộ Y tế lại phân công ông Nguyễn Trường Sơn ký quyết định cấp số đăng ký lưu hành kit xét nghiệm của Việt Á.
Ông Cường bị đánh giá là có dấu hiệu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cho ông Nguyễn Thanh Long, bộ trưởng Bộ Y tế kiểm tra, chỉ đạo kết luận kiểm tra giá hiệp thương, sau đó dẫn đến việc Công ty Việt Á nâng giá kit xét nghiệm.
Tuy nhiên C03 xác định ông Cường không thông đồng, thỏa thuận để làm lợi cho ông Phan Quốc Việt và Việt Á, không được hưởng lợi, không có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
Theo kết luận, sai phạm trong việc kiểm tra giá trách nhiệm chính thuộc về cựu bộ Bộ trưởng Nguyễn Thành Long. Việc không có kết quả kiểm tra giá hiệp thương là chủ đích của ông Long và lãnh đạo Vụ Kế hoạch và Tài chính, do đó cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự với ông Cường.
 
Ông Trương Quốc Cường có thái độ thế nào trong quá trình điều tra? - Ảnh 1.

Ông Trương Quốc Cường

 
Như vậy, có thể thấy rằng cơ quan điều tra bộ công an đã vận dụng triệt để các nguyên tắc của pháp luật, chính sách xét xử hình sự đối với nhóm tội phạm về tham nhũng và chức vụ, việc xử lý thể hiện sự nhân văn, nhân đạo, có sự phân hóa, phân loại rõ ràng đối với hành vi, vai trò của từng người, từng vị trí công tác. Với những hành vi tuy có sai phạm, có vi phạm nhưng chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì tuân thủ triệt để nguyên tắc suy đoán vô tội, không đề cập xử lý hình sự là cần thiết, đúng pháp luật. Với những người có hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu tội phạm nhưng thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự hoặc trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự thìcăn cứ vào quy định của bộ luật hình sự, nghị quyết hướng dẫn của hội đồng thẩm phán để không xử lý hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.
_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407

 

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896