Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Vì sao ngành luật có điểm tuyển sinh tới 30 điểm và các cơ sở đào tạo luật ngày càng nhiều ở Việt Nam?
26/05/2023
icon-zalo

Vì sao ngành luật có điểm tuyển sinh tới 30 điểm và các cơ sở đào tạo luật ngày càng nhiều ở Việt Nam ?

(Ts. Đặng Văn Cường, giảng viên luật, Đại học Thuỷ Lợi)

Trong những năm gần đây rất nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo (nhà trường, học viện) mở chuyên ngành luật để đào tạo trình độ cử nhân luật, quy mô đào tạo ngành luật ở các cơ sở giáo dục cũng không ngừng mở rộng. Có những khoa luật đã trở phát triển mở rộng trở thành trường đại học luật, nhiều trường mở thêm mã ngành, thêm chỉ tiêu tuyển sinh, quy mô đào tạo của các cơ sở giáo dục về ngành luật cũng không ngừng mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn trong xã hội về hiểu biết pháp luật cũng như việc cung cấp nguồn nhân lực cho hành nghề luật.

Mặc dù số cơ sở giáo dục có đào tạo chuyên ngành luật ngày càng nhiều hơn, quy mô đào tạo ngày càng lớn hơn tuy nhiên để trở thành sinh viên luật, trúng tuyển chuyên ngành luật hiện nay thì không hề đơn giản. Những năm gần đây điểm trung bình phải đạt 25 - 26 điểm trở lên thì mới có cơ hội học ngành luật. 
 
 
SIU tài trợ học bổng 100% chương trình tiếng Anh kỹ năng tiêu chuẩn quốc tế nhằm hướng đến mục tiêu tranh biện quốc tế cho sinh viên luật
Đào tạo cử nhân luật ở Việt Nam (ảnh minh hoạ)

Đối với các cơ sở đào tạo luật lớn như Đại học luật Hà Nội thì điểm xét học bạ cao kỷ lục. Trường đại học Luật Hà Nội vừa công bố điểm trúng tuyển trình độ đại học hình thức đào tạo chính quy năm 2023 (khóa 48), diện xét tuyển theo phương thức dựa trên kết quả học tập bậc THPT (học bạ) và xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Theo đó, điểm chuẩn xét theo kết quả học bạ dao động từ 22,43 - 30,30 điểm. Nhóm ngành có điểm chuẩn học bạ cao nhất gồm: ngành luật, luật kinh tế, luật thương mại quốc tế, điểm chuẩn đều trên 28,55 điểm. Trong đó ngành luật kinh tế tổ hợp A01 lấy điểm chuẩn cao nhất là 30,30 điểm. Thí sinh ngoài điểm học bạ cao thì cần phải có điểm ưu tiên hoặc điểm khuyến khích mới có cơ hội trúng tuyển. Thấp nhất là ngành luật đào tạo tại phân hiệu Đắk Lắk. Điểm chuẩn các khối dao động từ 22,43 - 23,41 điểm.

Mức điểm trúng tuyển là tổng điểm trung bình cộng 5 học kỳ THPT (trừ kỳ II lớp 12) của ba môn thuộc tổ hợp xét tuyển cộng điểm ưu tiên và điểm khuyến khích nếu có.

Khoa Luật và Lý luận Chính trị, Trường Đại học Thuỷ Lợi năm học 2022 - 2023 điểm tuyển sinh đầu vào chuyên ngành cũng tới 26 điểm. Năm nay số lượng đăng ký dự tuyển cũng tăng gấp ba lần năm ngoái, dự kiến điểm tuyển sinh cũng khoảng 28 điểm mới có thể đỗ vào khoa luật của trường này.

Các cơ sở giáo dục khác cũng dự kiến điểm xét tuyển ở mức rất cao, thậm chí cao sẽ cao hơn năm trước vài ba điểm... Điều này cho thấy ngành luật đang có xu hướng phát triển tốt ở Việt Nam, do nhu cầu lớn nên các cơ sở đào tạo cũng mở rộng đào tạo ngành này để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. 
 
Có nhiều lý do khác nhau khiến ngành luật được nhiều người quan tâm theo học, trong đó có thể kể đến như: 
 
1. Xu hướng sống và làm việc theo pháp luật đang thức tỉnh mọi ngành, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội
 
Nhà nước Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước quản lý và điều hành mọi mặt của đời sống xã hội bằng pháp luật, trên cơ sở pháp luật, mọi tổ chức cá nhân đều có nghĩa vụ tôn trọng pháp luật, lấy pháp luật làm thước đo cho tính hợp pháp của hành vi con người. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý bằng chế tài, không phân biệt dân tộc, thành phần, tôn giáo, không phân biệt địa vị xã hội theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa là một trong những nội dung quan trọng có tính lý luận và thực tiễn cao trong thời gian qua ở Việt Nam. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập quốc tế đòi hỏi mọi quốc gia đều phải có luật chơi "sòng phẳng", đó là các quy định pháp luật quốc gia phải khoa học, tiến bộ, phù hợp với luật pháp quốc tế và các quốc gia ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hiệp ước, hiệp định, tham gia các mối quan hệ quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế. Xã hội hiện đại, văn minh là xã hội thượng tôn pháp luật, xem pháp luật là thước đo để đánh giá hành vi, tính hợp pháp, văn minh của mỗi con người.

Mức lương của sinh viên Luật vừa mới ra trường (2020) - jes.edu.vn

Sinh viên ngành luật

Dưới góc độ văn hóa và lịch sử thì Việt Nam là nước Á Đông, mối quan hệ trong xã hội dựa trên mối quan hệ làng xã, tình cảm, gắn bó nên thường là duy tình, thường lấy tình cảm để giải quyết các vấn đề thay cho pháp luật. Bên cạnh đó suốt chiều dài lịch sử phong kiến Việt Nam còn "ngàn năm Bắc thuộc", Giai đoạn này pháp luật trong xã hội là pháp luật phong kiến (cũng như sau này là pháp luật thực dân), là pháp luật của thế lực cai trị, công cụ đàn áp nhân dân. Chính vì vậy, để bảo vệ đất nước, giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc thì các cụ xưa dùng lệ thay cho luật, theo cái kiểu "phép vua thua lệ làng", cả "ngàn năm" đó pháp luật bị xem thường, bị khinh nhờn, coi nhẹ hoặc do sợ hãi mà xa lánh pháp luật, người dân chỉ quen với "lệ làng" và các mối quan hệ xã hội được vận hành theo quy ước làng xã, theo lễ giáo phong kiến. Các thời kỳ phong kiến ở Việt Nam sau đó, các bậc vua chúa, quan lại cũng chủ yếu là "lấy đức trị nước", không đề cao vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội. 
 
Tiếp theo đó là mấy chục năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, khi đó bộ máy chính quyền chưa hoàn thiện, cuộc sống chủ yếu phục vụ cho hoạt động kháng chiến, các mối quan hệ kinh tế văn hóa xã hội bị bó hẹp. Sau giải phóng thì đến thời kỳ kế hoạch hóa, xây dựng xã hội chủ nghĩa nên vai trò của pháp luật chưa được đề cao. Mãi cho đến khi chúng ta thực hiện thời kỳ đổi mới, mở rộng giao lưu hợp tác với các quốc gia trên thế giới, kinh tế văn hóa xã hội phát triển thì lúc đó nhu cầu về pháp luật mới gia tăng. Khi Việt Nam xác định xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa, đề cao vai trò của pháp luật, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế thì vai trò của pháp luật được nâng cao và nhu cầu học luật, hành nghề luật ngày càng lớn. 
 
Những năm gần đây, khi Việt Nam đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thì phát hiện ra những sai phạm, hành vi vi phạm pháp luật diễn ra phổ biến trong mọi ngành, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều trường hợp vi phạm pháp luật do tâm lý, tư tưởng cũ là coi thường, khinh nhờn pháp luật theo kiểu "phép vua thua lệ làng", hoặc tư tưởng "vùng cấm", "ngoại lệ" theo tư tưởng cũ bất bình đẳng theo kiểu "lễ nghi không tới thứ dân -  hình phạt không tới trượng phu"... Những người xem nhẹ, coi thường pháp luật, tưởng rằng mình đã là vùng cấm ngoại lệ đã phải trả giá bởi những chế tài của pháp luật do hành vi vi phạm pháp luật. Những mức kỷ luật nghiêm khắc từ trung ương đến địa phương, những vụ đại án cho thấy nếu không tuân thủ pháp luật, không tôn trọng pháp luật thì bất kỳ ai cũng có thể trở thành tội phạm, bị xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc của pháp luật; 
Các bị cáo trong vụ biển thủ 3,8 triệu USD tại phiên toà sơ thẩm. Ảnh: Việt Dũng
Các bị cáo trong vụ biển thủ 3,8 triệu USD tại phiên toà sơ thẩm. Ảnh: Việt Dũng

Đối với các doanh nghiệp làm ăn theo kiểu bắt tay, móc nối, cấu kết với nhau thành bè cánh, lợi ích nhóm hoặc coi thường pháp luật, thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thì cũng bị phát hiện, xử lý trong các đại án kinh tế tham nhũng thời gian qua. Những hành vi vi phạm pháp luật theo kiểu xã hội đen, tội phạm mang ổ nhóm đều bị xã hội lên án, lực lượng bảo vệ pháp luật phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm khắc... Điều này cho thấy thượng tôn pháp luật không còn chỉ là chỉ còn là khẩu hiệu, mà đã trở thành chuẩn mực xã hội, là thước đo cho tính hợp pháp và văn minh trong xã hội Việt Nam ngày nay. Để giảm thiểu những rủi ro trong đời sống xã hội cũng như phục vụ xã hội, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân, đáp ứng những nhu cầu của xã hội thì việc học luật và hành nghề luật chưa bao giờ quan trọng và cần thiết như giai đoạn hiện nay. 
 
2. Nhu cầu nhân lực hiểu biết pháp luật và hành nghề luật ngày càng gia tăng trong xã hội
 
Khi nhà nước tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật thì nhu cầu hiểu biết pháp luật của nhà nước, của doanh nghiệp và của cá nhân trong đời sống xã hội ngày càng tăng cao. Chính vì vậy, rất nhiều người đã bỏ thời gian công sức để học luật, tìm hiểu pháp luật, đồng thời họ cũng muốn cho con cái của họ học luật để tự tin, phục vụ cuộc sống và có thể trở thành nghề nghiệp, hành nghề luật. Ngày nay, không chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn trong nước mà đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đều có bộ phận Pháp chế, thậm chí có những ban Pháp chế với các chuyên gia phụ trách vấn đề pháp lý của doanh nghiệp. Theo tính toán của các nhà kinh tế thì với các hợp đồng giao dịch mà có sự tham gia của luật sư hoặc các chuyên gia về pháp lý thì tỉ lệ rủi ro cho các doanh nghiệp là không đáng kể và chi phí để kiểm soát rủi ro cho vấn đề pháp lý là rất thấp. Nếu không chi phí pháp lý trong các hợp đồng, giao dịch mà để tranh chấp xảy ra thì thiệt hại là rất đáng kể, thậm chí đổ vỡ trong một hợp đồng có thể dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản. 
 
Lễ tốt nghiệp cử nhân luật, Đại học luật Hà Nội
 
Trong các quan hệ dân sự cũng vậy, đặc biệt là các giao dịch lớn như giao dịch liên quan đến bất động sản, với các tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì nhu cầu tư vấn pháp luật, nhu cầu kinh cung cấp dịch vụ pháp lý là rất lớn đối với các cá nhân. Khi các chủ thể trong các quan hệ dân sự kinh tế có sự tư vấn, hỗ trợ của chuyên gia pháp lý thì cơ hội thành công của giao dịch là rất cao, nguy cơ bị lừa dối, lừa đảo sẽ giảm đi và tranh chấp ít xảy ra hơn. Chi phí về tư vấn pháp lý không đáng kể, tuy nhiên cơ hội và lợi ích từ việc tuân thủ pháp luật mang đến đối với các giao dịch dân sự kinh tế là rất lớn. Nhiều người đã nhận thức được điều này nên nhu cầu về dịch vụ pháp lý, tuân thủ và hiểu biết pháp luật ngày càng cao trong xã hội. 
 
Không chỉ cơ quan nhà nước mà các khối doanh nghiệp ngoài nhà nước có nhu cầu tuyển dụng chuyên viên pháp lý, luật sư  ngày càng nhiều khiến cho nhu cầu xã hội về nhân lực ngành luật ngày càng gia tăng. Đối với nghề luật sư thì theo đề án phát triển luật sư đến năm 2020 thì Việt Nam cần đến 20.000 luật sư, trong khi đó đến nay vẫn chưa đáp ứng được con số này.
 
Hành nghề luật sư ở Mỹ
Luật sư ở nước ngoài (ảnh minh hoạ)
 
Hiện nay ở các nước phát triển, tỷ lệ Luật sư trên tổng dân số rất cao, chẳng hạn như ở Mỹ cứ 250 người dân thì có 1 Luật sư (1/250), ở Pháp và Singapore là 1/1.000, ở Thái Lan là 1/1.526, ở Nhật là 1/1.546. Ở nước ta, trong những năm qua mặc dù Nhà nước đã quan tâm đến việc phát triển đội ngũ Luật sư, tuy nhiên hiện nay tỷ lệ Luật sư trên tổng số dân còn quá thấp: theo thống kê thì tính đến cuối năm 2020 Việt Nam có 15.107. Luật sư trên tổng dân số là 97.582.700 người, tức là chỉ khoảng 1 Luật sư/6.000 dân, trong khi nhu cầu về dịch vụ pháp lý rất lớn, dẫn đến nhu cầu nhân sự đối với nghề Luật sư là rất cao. Đặc biệt là Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển kinh tế số hóa mạnh mẽ, các doanh nghiệp ngày càng có ý thức và nhu cầu được cung cấp dịch vụ pháp lý để đảm bảo việc kinh doanh đúng quy định pháp luật, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững về sau. Luật sư với sự am hiểu pháp lý của mình sẽ giữ một vai trò quan trọng trong việc đồng hành cùng với các doanh nghiệp trên nhiều khía cạnh: tư vấn quản trị nội bộ doanh nghiệp, bảo vệ tài sản doanh nghiệp, hỗ trợ soạn thảo hợp đồng với các đối tác, tham gia giải quyết tranh chấp giữa các bên trong quá trình kinh doanh… Chính vì thế, sinh viên luật ở Việt Nam hiện nay ra trường sẽ không sợ thất nghiệp như sinh viên luật cách đây vài chục năm, thậm chí có rất nhiều cơ hội lựa chọn việc làm cả ở khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước. 
 
3. Học luật có thể làm được nhiều ngành nghề lĩnh vực, cánh cửa tương lai rộng mở
 
Nhu cầu nhân vật lực trong ngành luật không chỉ phổ biến và bùng nổ ở lĩnh vực tư mà trong lĩnh vực công nhu cầu về ngành luật cũng ở mức rất cao, những người quản lý điều hành đất nước càng hiểu biết pháp luật sâu sắc, lý luận chính trị vững vàng thì càng dễ thành công, đáp ứng tốt nhu cầu của công việc.

null

Sinh viên luật
 
Ở các quốc gia phương Tây, phần lớn những người đứng đầu nhà nước (Tổng thống, Thủ tướng..) đều là những người từng học chuyên ngành luật, trong đó rất nhiều người là từng là luật sư. Các đời tổng thống Hoa Kỳ cũng vậy, phần lớn họ đều học luật ở các trường danh giá trong và ngoài nước. Quá trình đào tạo cử nhân luật thì sinh viên được học chuyên sâu về nhà nước và pháp luật, được học về các hình thái kinh tế xã hội, các học thuyết và các môn khoa học xã hội khiến cho họ có những hiểu biết sâu sắc về sự ra đời hình thành và phát triển của nhà nước, về quản lí nhà nước. Những kiến thức học về chuyên ngành luật rất phù hợp cho những người làm công tác quản lý nhà nước, kể cả những chức vụ cao như Tổng thống, Thủ tướng cho đến những người làm công tác chuyên môn đơn thuần như cảnh sát, công tố viên, thẩm phán...
 
Ở Việt Nam hiện nay, phần lớn các chính trị gia, những người có vị trí lãnh đạo cao trong đảng và nhà nước hiện nay đều đã từng được đào tạo chuyên ngành luật, về lý luận chính trị, có thể là cử nhân chính quy, văn bằng hai hoặc sau đại học nhưng những am hiểu về pháp luật, lý luận về nhà nước về pháp luật là rất sâu sắc.  Bởi vậy, nhiều bạn trẻ có tham vọng chính trị, yêu thích hoạt động chính trị hoặc theo truyền thống của gia đình thì cũng lựa chọn ngành luật để bắt đầu sự nghiệp của mình.  

 Ngành Luật sẽ được đào tạo trong 3,5 năm

Buổi diễn án của sinh viên luật
 
Bên cạnh đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật như: cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án và các cơ quan khác như ủy ban kiểm tra, thanh tra, sở tư pháp, bộ tư pháp, bộ giáo dục... đều rất cần nhân lực có chuyên môn tốt về pháp luật, đối tượng tuyển dụng chủ yếu là cử nhân luật. Chính vì vậy, lĩnh vực công cũng như lĩnh vực tư ở Việt Nam hiện nay đều gia tăng nhu cầu nhân lực ngành luật, để đáp ứng được nhu cầu ngành luật trong giai đoạn hiện nay thì công tác đào tạo cần phải đẩy mạnh hơn nữa và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao hơn của xã hội. 
Có một ngành học đang gây "bão", ra trường đi làm ngay với mức lương 10-40 triệu đồng - Ảnh 2.

TS. Đặng Văn Cường và sinh viên Đại học Thuỷ Lợi. Ảnh: NVCC

4. Khả năng tìm việc làm dễ dàng, thu nhập của người hành nghề luật ngày càng được cải thiện, thậm chí là thu nhập cao
 
Nếu như cách đây khoảng 30 năm thì sinh viên luật tốt nghiệp ra trường rất khó xin việc, chủ yếu công việc thuộc lĩnh vực công, làm việc tại các cơ quan nhà nước (công an, tòa án, kiểm sát, thi hành án...) nhưng khi đó nhu cầu tuyển dụng rất ít. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước lúc đó gần như không cần đến nhân lực ngành luật, chính vì vậy sinh viên ngành luật lúc đó ra trường thất nghiệp là khá nhiều. Tuy nhiên, khoảng 20 năm nay đời sống xã hội đã có nhiều thay đổi, không chỉ lĩnh vực công mà lĩnh vực tư nhu cầu về nhân lực ngành luật cũng gia tăng đột biến, nhu cầu cử nhân luật để bổ sung lực lượng pháp chế trong các doanh nghiệp ngày càng lớn, nhu cầu dịch vụ pháp lý của các tổ chức hành nghề luật sư cũng ngày càng nhiều. Kinh tế xã hội phát triển thì những tranh chấp dân sự, tranh chấp kinh tế diễn ra ngày càng nhiều hơn. Chính vì vậy nhu cầu nhân lực ngành luật trong xã hội ngày càng lớn và cơ hội việc làm của sinh viên ngành luật ra trường hiện nay rất rộng mở, rất ít khi có chuyện thất nghiệp, trừ trường hợp các bạn lười học, lười lao động hoặc thích làm công việc trái ngành theo kiểu "việc nhẹ lương cao" thì mới không theo nghề. Ngành luật là ngành xã hội, đòi hỏi tư duy sáng tạo, tính độc lập, am hiểu nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội nên những ai đam mê với lĩnh vực khoa học xã hội hoặc đam mê nghiên cứu về pháp lý thì rất hăng say đối với ngành này và dễ thành công trong sự nghiệp.
 

TS. LS Đặng Văn Cường, nghề luật sư (LS) cũng giống như nghề bác sĩ, thực hiện sứ mệnh “khám bệnh pháp lý”

Với vai trò và tầm quan trọng về pháp luật thì việc trả lương cho nhân lực ngành luật ở các doanh nghiệp cũng như giá dịch vụ pháp lý ngày càng tốt hơn. Theo khảo sát thì sinh viên ngành luật ra trường giai đoạn hiện nay có thu nhập khá cao so với các ngành khác, trung bình thu nhập khoảng 10.000.000 đồng một tháng đối với lĩnh vực ngoài nhà nước, đối với lĩnh vực thuộc biên chế nhà nước thì sẽ theo thang bảng lương mà nhà nước quy định, trong khi đó những người năng động thì vẫn thể có thể kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập. Đối với các sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế hoặc có khả năng tốt về ngoại ngữ thì có thể kiếm được việc làm ở các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài và thu nhập tính theo tiền đô la mà quy đổi ra tiền Việt cũng sẽ được khoảng 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng một tháng. Nếu đầu tư thời gian công sức để học luật sư, hành nghề luật sư mà thành công thì thu nhập cũng khá cao, có thể trở thành những người giàu có trong xã hội. 
 
Theo website việc làm trực tuyến Glassdoor, mức lương trung bình mỗi năm của luật sư ở New York vào năm 2021 là 142.621 USD, dựa trên 556 báo cáo về mức lương của những người hành nghề luật đang làm việc ở thành phố này gửi về dưới dạng ẩn danh. Theo Reuters, vào tháng 1, các công ty luật lớn của Mỹ vừa có đợt tăng lương. Cụ thể, công ty luật Milbank có trụ sở tại New York đã tăng mức lương hàng năm cho nhân sự tùy theo thâm niên.

Việc tăng lương đã thay đổi mức lương cho các luật sư mới tốt nghiệp lên 200.000 USD/năm, tăng từ mức chuẩn 190.000 USD/năm mà Milbank đặt ra trong đợt tăng lương rộng rãi gần nhất vào năm 2018.

Chủ tịch Milbank, Scott Edelman, cho biết quyết định tăng lương của công ty tiếp nối một năm thành công của Milbank khi doanh thu tăng 15,6% lên 1,23 tỷ USD và lợi nhuận trung bình của đối tác tăng gần 16%, lên gần 4,5 triệu USD.

Ở Việt Nam, những người hành nghề luật hiện nay được đánh giá có mức thu nhập trung bình và thu nhập khá so với các ngành nghề khác trong xã hội và mức thu nhập đang ngày càng tăng cao. Đặc biệt với những người có uy tín, có năng lực trình độ được đào tạo chuyên sâu, có năng lực về ngoại ngữ thì có thu nhập cao và có nhiều cơ hội phụng sự, đóng góp công sức cho xã hội.

5. Ngành luật, Trường Đại học Thuỷ Lợi là ngành học mới nhưng thu hút nhiều sinh viên và giảng viên có chất lượng

Hiện nay, rất nhiều trường đại học từ trước đến nay chủ yếu đào tạo ngành kĩ thuật như Đại học Thuỷ Lợi thì cũng đã mở chuyên ngành luật để đào tạo ngành luật chung và luật kinh tế. Điều đáng chú ý là đây là cơ sở đào tạo luật khá muộn so với các cơ sở khác trong cả nước, tuy nhiên Ngành học mới này có rất nhiều cơ hội để phát triển trở thành một khóa luật, thậm chí có thể trở thành một cơ sở đào tạo luật uy tín trong nước thời gian tới đây. Ngành này đang có sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo nhà trường, được đầu tư rất lớn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế chính sách chương trình bài giảng rất khoa học hiện đại, tiên tiến. Ngành luật ở trường Đại học Thuỷ Lợi đang thu hút được một lượng lớn giảng viên có trình độ, chất lượng cao bao gồm nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, rất nhiều chuyên gia, các nhà khoa học tham gia hỗ trợ tư vấn, đóng góp cho sự phát triển của ngành luật. Có nhiều giảng viên có nhiều năm kinh nghiệm thực tiễn nên kết hợp đan xen hài hòa giữa yếu tố lý luận và thực tiễn trong quá trình giảng dạy đào tạo chuyên ngành luật. Hiện nay trường Đại học Thuỷ Lợi đang có rất nhiều chương trình liên kết với nước ngoài để đào tạo sau đại học, giới thiệu việc làm cũng như hợp tác nghiên cứu khoa học. Đối với chuyên ngành luật thì ngoài việc mở rộng chuyên ngành, tăng chỉ tiêu đào tạo thì lãnh đạo nhà Trường, lãnh đạo Khoa cũng đã có những định hướng phát triển đào tạo sau đại học chuyên ngành luật trong và ngoài nước, có những đề án hợp tác liên kết với nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo, mở rộng quy mô đào tạo và phấn đấu xây dựng thành một trong những cơ sở đào tạo luật uy tín trong nước thời gian tới đây. 

Cán bộ, giảng viên Khoa Luật và Lý và luận Chính trị, Đại học Thuỷ Lợi

Với sự quan tâm hỗ trợ của Đảng ủy, Ban giám hiệu, tập thể lãnh đạo nhà trường, với những cơ sở vật chất sẵn có xây dựng trong hơn 60 năm qua và sự chung tay đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học lĩnh vực pháp luật ngày nay thì môi trường giảng dạy và học tập ở đại học Thuỷ Lợi được đánh giá là khá tốt, mức học phí được hỗ trợ nên phù hợp với nhiều hoàn cảnh sinh viên.

Sinh viên ngành luật của Đại học Thuỷ Lợi mới bước sang năm thứ hai, tuy nhiên đã thể hiện sự vượt trội về tư duy, khả năng tiếp thu tri thức về pháp lý cũng như tham gia vào các hoạt động xã hội, có ý thức trách nhiệm trước cộng đồng. Do ngành luật là ngành mới so với các chuyên ngành khác của trường đại học thuỷ lợi nên rất được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía lãnh đạo nhà trường. Các thế hệ sinh viên đầu tiên của khoa luật sẽ có được những ưu đãi đặc biệt và hứa hẹn cơ hội việc làm thu nhập cao, cơ hội học sau đại học ở trong và ngoài nước mở rộng.

Năm học trước, điểm trúng tuyển khoa luật Đại học Thuỷ Lợi là 26 điểm. Năm nay lượng học sinh nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tăng cao đột biến, bởi vậy điểm trúng tuyển có thể sẽ tăng hơn so với năm trước. Tuy nhiên nhà trường cũng đang mở thêm mã ngành luật kinh tế và xin mở rộng thêm chỉ tiêu tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. 

Nhóm nhảy sinh viên khoa Luật và Lý luận chính trị, Đại học Thuỷ Lợi

Sinh viên Luật, Đại học Thuỷ Lợi với hoạt động ngoại khoá


Sự phát triển của ngành luật ở Đại học Thuỷ Lợi cũng như các cơ sở đào tạo luật khác trong nước cho thấy xã hội Việt Nam đã có những thay đổi, sự minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước, trong các lĩnh vực đời sống xã hội ngày càng rõ ràng hơn, pháp luật thực sự trở thành công cụ hữu hiệu để nhà nước quản lý xã hội, là thước đo tính hợp pháp trong hành vi của con người. Việc xây dựng nhà nước pháp quyền, thực hiện pháp chế xã hội chủ nghĩa là định hướng đúng đắn của đảng và nhà nước ta để xã hội ngày càng phát triển, văn minh và tiến bộ. 


_____________________________________
Ts. Đặng Văn Cường
Giảng viên khoa Luật và Lý luận Chính trị, Trường Đại học Thuỷ Lợi
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407
Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896