Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Tuyên án vụ "chuyến bay giải cứu": Chính sách xét xử hình sự được vận dụng như thế nào ?
29/07/2023
icon-zalo

 

Tuyên án vụ "chuyến bay giải cứu":  Chính sách xét xử hình sự được vận dụng như thế nào ?
 
Vụ án xét xử đúng chính sách pháp luật

Chính sách xét xử hình sự là những tư tưởng quan điểm của nhà nước về xét xử vụ án hình sự, trong đó có chính sách về hình phạt. Mục đích của xét xử hình sự là áp dụng pháp luật hình sự hướng đến duy trì trật tự xã hội, bảo vệ các quan hệ pháp luật, giải quyết những hậu quả mà tội phạm đã gây ra. Chính sách xét xử hình sự về hình phạt ở Việt Nam luôn thể hiện rõ có sự kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố là tính chất khoan hồng và nghiêm trị. Khi nào khoan hồng, khi nào nghiêm trị, khoan hồng với đối tượng nào, nghiêm trị với đối tượng nào là nội dung quan trọng của chính sách xét xử hình sự ở Việt Nam hiện nay. 
 
Chính sách về hình phạt đã được thể chế hóa trong bộ luật hình sự Việt Nam về xử lý tội phạm là: Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội; Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
 
Chiều nay tuyên án, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế có thoát án tử? - Ảnh 2.

Đại diện viện kiểm sát trong vụ án "chuyến bay giải cứu"

Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra; Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục...

Việc quyết định hình phạt cụ thể với từng bị cáo sẽ căn cứ vào yếu tố nhân thân và yêu tố hành vi trên cơ sở các quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử sẽ căn cứ vào tính chất mức độ hành vi phạm tội, vào hậu quả mà hành vi phạm tội đã gây ra đối với xã hội, về ý thức khắc phục hậu quả, về nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để quyết định một ít mức hình phạt phù hợp trong trường hợp hành vi bị cáo thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. 

Chiều nay tuyên án, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế có thoát án tử? - Ảnh 3.

(Trong vụ án "chuyến bay giải cứu", có 54 bị cáo, trong đó có tới 21 người bị truy tố tội nhận hối lộ. Ảnh TRẦN PHAN)

 
Về nguyên tắc là mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, hội đồng xét xử quyết định hình phạt trên cơ sở các quy định của pháp luật, đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc quyết định hình phạt là trên cơ sở pháp luật và có nguyên tắc chứ không phải là do ý chí chủ quan, thái độ cảm xúc của hội đồng xét xử. Về nguyên tắc là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, việc quyết định hình phạt phải phù hợp đối với từng hoàn cảnh, từng vụ án, từng tội danh, từng hành vi phạm tội trên cơ sở phân tích đánh giá đến các yếu tố quyết định đến hình phạt thì mới có một mức hình phạt phù hợp, khiến bị cáo tâm phục khẩu phục, có tác dụng phòng ngừa, răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung cho xã hội. 

Vụ án chuyến bay giải cứu: Bài học lớn được rút ra với nhiều bị cáo
 
Đối với vụ án chuyến bay giải cứu thì mức hình phạt đối với 54 bị cáo trong bản án sơ thẩm và tòa án đã tuyên có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các bị cáo đầu vụ và các bị cáo với vai trò thứ yếu. Mức hình phạt đối với các bị cáo cũng khác nhiều so với mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát và các Luật sư đề nghị trước đó. Với những bị cáo có vai trò thứ yếu, giúp sức, đã khắc phục hậu quả, phạm tội lần đầu nhân thân tốt thì đều được áp dụng Điều 54 BLHS để chuyển khung hình phạt sang khung hình phạt liền kề nhẹ hơn, thậm chí là khoan hồng đặc biệt để áp dụng ở khung hình phạt thấp nhất của tội danh, có đến 10 bị cáo cho hưởng án treo. Đây là vấn đề thể hiện tinh thần nhân đạo trong áp dụng pháp luật hình sự, là cơ hội cho các bị cáo sửa chữa lỗi lầm, khắc phục hậu quả do mình gây ra. 

Chiều nay tuyên án, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế có thoát án tử? - Ảnh 4.

(Bị cáo Phạm Trung Kiên, người duy nhất bị đề viện kiểm sát nghị mức án tử hình trong vụ án "chuyến bay giải cứu", Ảnh: TRẦN PHAN)

 
Còn đối với các bị cáo bị xét xử ở mức cao hơn mức án và viện kiểm sát đề nghị thì đã cho thấy tính chất nghiêm trị, nghiêm minh của pháp luật. Tuy nhiên, một số bị cáo đã không đồng ý với mức hình phạt như vậy và cho rằng sẽ có đơn kháng cáo, đồng thời việc áp dụng hình phạt đối với một số bị cáo này còn nhiều vấn đề cần phải phân tích đánh giá đối với mức án của một số bị cáo bị tuyên mức hình phạt cao nhất là tù chung thân trong vụ án này. 

Mức hình phạt phân hóa mạnh, khác với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát và luật sư khiến "kẻ khóc, người cười" ?
 
Sau khi nghe Hội đồng xét xử, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên bản án sơ thẩm để xét xử đối với 54 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" thì tâm trạng, cảm xúc của các bị cáo, các luật sư bào chữa cũng như những người tham dự phiên tòa là rất khác nhau, người vui mừng vì được mức án nhẹ, được hưởng án treo, có những bị cáo rầu rĩ, buồn bã vì bị tuyên mức hình phạt nghiêm khắc, đặc biệt là đối với các bị cáo bị tuyên mất hình phạt tù chung thân, cao hơn mức hình phạt mà viện kiểm sát đề nghị trước đó. 
 
Nhiều người nhận xét rằng vụ án "chuyến bay giải cứu" được nhiều người quan tâm không chỉ là vụ án lớn, phức tạp, xét xử với nhiều bị cáo, nhiều tội danh, với hơn 100 luật sư tham gia mà vụ án còn xét xử đối với các bị cáo phạm vào tội danh rất "nhạy cảm" (Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn, lừa đảo), có nhiều cán bộ ở các bộ ban ngành khác nhau và nhiều doanh nghiệp lớn, có uy tín trong lĩnh vực lữ hành, du lịch... bị xét xử trong vụ án này. Nhiều bị cáo trong vụ án này từng là cán bộ có vị trí lãnh đạo cao trong cơ quan nhà nước, hàm thiếu tướng, phó chủ tịch tỉnh, đại sứ, Cục trưởng, Thứ trưởng... Có những người đưa hối lộ đến cả trăm tỷ đồng, những lần đưa hối lộ và nhận hối lộ đều vài chục lần... 
 
Bản cung thể hiện cựu Cục phó Quản lý xuất nhập cảnh chỉ đạo nhận, chia tiền biếu xén ảnh 1

Bị cáo Trần Văn Dự

 
Vụ án này có nguyên nhân điều kiện từ nhu cầu về nước của công dân, những khó khăn của công dân Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh dịch bệnh, từ văn hóa phong bì, cơ chế xin cho, nhu cầu đưa hối lộ để được về nước, được đưa công dân về nước là rất lớn, trong khi đó việc tặng quà nhận quà trong các cơ quan nhà nước đã trở thành thói quen của nhiều người... Dịch bệnh xảy ra là khách quan, kinh nghiệm phòng dịch ở mức độ toàn cầu này là chưa ai có, cơ chế chính sách trong giai đoạn phòng dịch cũng luôn thay đổi, khó khăn từ nhiều phía và thêm vào đó là sự cám dỗ của vật chất khiến nhiều cán bộ không giữ được mình. 
 
Trong luận tội cũng như bản án đều nhận định rằng vụ án này là đấu tranh loại bỏ "văn hóa phong bì", "cơ chế xin cho" đã tồn tại từ lâu trong mối quan hệ hành chính. Thói quen nhận quà mà các bị cáo trình bày tại phiên tòa bị hội đồng xét xử bác bỏ và cho rằng đó là hành vi nhận hối lộ, vi phạm pháp luật nên các bị cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
 
Các bị cáo nghe tuyên án - Ảnh: NAM ANH

Các bị cáo nghe tuyên án - Ảnh: NAM ANH

 
Vụ án có sự quan tâm, theo dõi của dư luận xã hội trong suốt những ngày qua

Có lẽ điểm nhấn của vụ án này thể hiện ở một số bị cáo như Hoàng Văn Hưng, nguyên cựu trưởng phòng 5, cơ quan an ninh điều tra bộ công an, Nguyễn Anh Tuấn, hàm thiếu tướng, nguyên phó giám đốc công an thành phố Hà Nội và cựu thư ký của Thứ trưởng bộ y tế Phạm Trung Kiên. 
 
Vụ án xét xử với nhiều tội danh nhưng có hai tội danh được quan tâm nhiều nhất đó là hành vi đưa nhận hối lộ và chạy án với số tiền đặc biệt lớn là 2,8 triệu USD có sự tham gia trực tiếp của hai cựu công an là Hoàng Văn Hưng và Nguyễn Anh Tuấn.
 
Một số luật sư cho biết, bị cáo bị tuyên mức án tù chung thân sẽ kháng cáo để xin giảm nhẹ hình phạt
 
Ts. Ls Đặng Văn Cường, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng, Cục lãnh sự Bộ ngoại giao cho rằng: Bản án sơ thẩm hôm nay (28/7) của tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử 54 bị cáo về vụ án chuyến bay giải cứu thể hiện sự khoan hồng nhân đạo với nhiều bị cáo khi xét xử các bị cáo này dưới khung hình phạt, thậm chí ở khung hình phạt thấp nhất của tội danh, nhiều bị cáo (có tới 10 bị cáo) được hưởng án treo, thấp hơn rất nhiều so với mức hình phạt mà đại diện viện kiểm sát đưa ra, đề nghị áp dụng đó. Các bị cáo được xét xử ở mức hình phạt thấp phải được hưởng án treo có lẽ sẽ rất vui mừng, ngày hôm nay có đến 10 bị cáo sẽ được trở về với gia đình, đó là bài học cho bị cáo các bị cáo này. Mức hình phạt với các bị cáo như vậy là phù hợp, thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật, bởi các bị cáo này có vai trò thứ yếu, giúp sức, hành vi phạm tội ở thời điểm bị lệ thuộc về công việc, chức vụ đối với các bị cáo khác và hưởng lợi không nhiều, chưa gây nhiều thiệt hại cho xã hội, thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, hoàn cảnh nhiều bị cáo cũng gặp khó khăn, éo le nên tôi cho rằng mức hình phạt đối với các bị cáo này như vậy là phù hợp. 
 
Tuy nhiên, có một số bị cáo bị xét xử với mức hình phạt nghiêm khắc hơn mức hình phạt mà viện kiểm sát và các luật sư đề nghị. Trong đó phải kể đến 04 bị cáo bị tuyên mức hình phạt tù chung thân là Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Hương Lan, Vũ Anh Tuấn và Hoàng Văn Hưng. Các bị cáo này có vẻ không hài lòng với kết quả xét xử sơ thẩm, thậm chí có phần ấm ức khi có một số tình tiết giảm nhẹ bị bỏ qua và việc đánh giá tính chất mức độ hành vi như vậy là quá nghiêm khắc. 

Bị cáo Chử Xuân Dũng được dẫn giải đến tòa chiều 28-7 - Ảnh: DANH TRỌNG

Bị cáo Chử Xuân Dũng được dẫn giải đến tòa chiều 28-7 - Ảnh: DANH TRỌNG

 
Có rất nhiều bị cáo trong vụ án này bị kết tội ở tội nhận hối lộ theo điểm a, khoản 4, điều 354 bộ luật hình sự với khung hình phạt là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Tòa án hôm nay không tuyên tử hình đối với bị cáo nào, cũng không có mức hình phạt 20 năm tù, tuy nhiên có 04 bị cáo bị xét xử ở mức hình phạt "không có ngày về", tù không có thời hạn là hình phạt "tù chung thân", trong đó có bị cáo Hoàng Văn Hưng kêu oan nhưng vẫn bị kết tội và bị áp dụng hình phạt cao nhất của tội lừa đảo là tù chung thân. 

Các bị cáo bị tuyên mức hình phạt tù chung thân đã thực sự tâm phục, khẩu phục ?
 
Trong 04 bị cáo bị tòa án thành phố Hà Nội tuyên mức hình phạt là tù chung thân thì có vẻ mức hình phạt với Phạm Trung Kiên đã được dự đoán từ trước và bị cáo Kiên cũng mong muốn có được mức hình phạt như vậy. Trước đó Viện kiểm sát đề nghị mức hình phạt đối với Phạm Trung Kiên là tử hình, đây là bị cáo duy nhất bị viện kiểm sát đề nghị mức hình phạt nghiêm khắc nhất loại bỏ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi đời sống xã hội bởi cho rằng bị cáo nhận hối lộ nhiều lần nhất (253 lần), số tiền nhận hối lộ cũng nhiều nhất (42,6 tỷ đồng) và thủ đoạn nhận hối lộ cũng "trắng trợn", gây bức xúc trong dư luận xã hội. 
 
Để mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, tránh khỏi án tử hình thì Phạm Trung Kiên đã động viên gia đình bồi thường khắc phục số tiền rất lớn, gần như 100 % số tiền mà bị cáo đã nhận hối lộ (42,2 tỷ đồng/42,6 tỷ). Chính vì vậy để động viên tội phạm về tham nhũng thành hình ăn năn hối cải, có ý thức trách nhiệm trong việc bồi thường khắc phục hậu quả thì Hội đồng xét xử đã quyết định áp dụng khoản 2, điều 5 của Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao để không áp dụng hình phạt cao nhất của tội danh này mà cho bị cáo được áp dụng mức hình phạt thấp hơn thấp hơn là tù chung thân. Có lẽ bị cáo Kiên cũng hài lòng về kết quả xét xử như vậy.
 
Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng được dẫn giải đến phiên tuyên án vụ chuyến bay giải cứu chiều 28-7 - Ảnh: DANH TRỌNG

Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hưng được dẫn giải đến phiên tuyên án vụ chuyến bay giải cứu chiều 28-7 - Ảnh: DANH TRỌNG

 
Đối với ba bị cáo còn lại bị tuyên mức hình phạt cao hơn mức hình phạt mà viện kiểm sát đã đề nghị và đều phải nhận mức hình phạt là tù chung thân thì tôi cho rằng đây là bức hình phạt rất nghiêm khắc đối với các bị cáo này và cũng khá bất ngờ đối với các bị cáo và các luật sư bào chữa cho các bị cáo này.
 
Với bị cáo Vũ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục xuất nhập cảnh, Bộ công an, viện kiểm sát đề nghị áp dụng điều 54 bộ luật hình sự để xét xử dưới khung hình phạt, đề nghị mức hình phạt là tù có thời hạn. Tuy nhiên hội đồng xét xử nhận định bị cáo này cùng với bị cáo Kiên có thủ đoạn phạm tội trắng trợn, thường xuyên đòi hỏi, ép buộc các doanh nghiệp phải đưa hối lộ, gây ra sự bức xúc trong dư luận xã hội, số lần nhận hối lộ và số tiền nhận hối lộ cũng đặc biệt lớn nên đã tuyên mức hình phạt là tù chung thân đối với bị cáo này, tương đương với mức hình phạt của bị cáo Phạm Trung Kiên. Hội đồng xét xử cho rằng tính chất mức độ hành vi phạm tội của hai bị cáo này là như nhau và nguy hiểm hơn hành vi của các bị cáo khác, gây bức xúc trong dư luận xã hội và dẫn đến dù bị cáo khác phạm tội đưa hối lộ...
 
Kết quả điều tra vụ án cũng như kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa đã cho thấy điều này, chỉ có bị cáo Kiên và bị cáo Tuấn là hai bị cáo chủ động yêu cầu, thậm chí ép buộc đại diện của các doanh nghiệp phải đưa hối lộ thì mới cấp phép thực hiện chuyến bay, tạo ra cơ chế tiêu cực, là nguyên nhân điều kiện dẫn đến các bị cáo khác thực hiện hành vi đưa hối lộ, gây ra dư luận xấu trong xã hội. Chính vì vậy, tòa án đã tuyên mức hình phạt nghiêm khắc hơn mức hình phạt mà đại diện viện kiểm sát đề nghị đối với bị cáo Tuấn và dù có giảm nhẹ cho bị cáo Kiên do khắc phục hậu quả nhưng vẫn áp dụng mức hình phạt là tù chung thân đối với cả hai bị cáo này.
 
Các bị cáo nghe tòa tuyên án - Ảnh: DANH TRỌNG chụp qua màn hình

Các bị cáo nghe tòa tuyên án - Ảnh: DANH TRỌNG chụp qua màn hình

 
Có lẽ dư luận và giới chuyên môn cũng không có nhiều bất ngờ đối với hai bị cáo này khi bị tuyên ở mức hình phạt cao nhất. Tuy nhiên, các bị cáo này vẫn có quyền kháng cáo xin giảm hình phạt và xuất trình thêm các tình tiết mới, đặc biệt là về vấn đề bồi thường khắc phục hậu quả và lập công chuộc tội để tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét giảm hình phạt về tù có thời hạn, để bị cáo có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, có cơ hội được trở về với đời sống xã hội sau thời gian chấp hành hình phạt.
 
Điều bất ngờ về mức hình phạt ?
 
Có lẽ trong vụ án này, có hai bị cáo bất ngờ nhất về hình phạt của mình là bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan và bị cáo Hoàng Văn Hưng.
 
Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu trưởng phòng điều tra trực tiếp vụ án này kêu oan, không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, hội đồng xét xử đánh giá rằng có đủ căn cứ để buộc tội đối với bị cáo Hưng. Từ những chứng cứ về lời khai của bị cáo Hằng, bị cáo Tuấn, Sơn một số bị cáo khác, dữ liệu điện tử, cho thấy các bị cáo có mối liên hệ với nhau, có thực hiện công việc giúp đỡ Hằng và Sơn chạy án, nhiều lần gặp gỡ và đặc biệt là có nhận trước gặpphải hội đồng xét xử nhận định đó là cặp tiền nên đã kết tội đối với Hoàng Văn Hưng. Do đánh giá của hội đồng xét xử là Hoàng Văn Hưng lừa đảo số tiền đặc biệt lớn nhưng không thừa nhận hành vi, sử dụng nghiệp vụ để chối tội, gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan điều tra và viện kiểm sát, gây bức xúc trong dư luận xã hội nên đã xét xử bị cáo này ở mức hình phạt cao nhất của tội danh này là tù chung thân, cao hơn mức mà viện kiểm sát đã đề nghị trước đó. Nếu đúng là bị cáo hưng đã nhận số tiền 800.000 đô la Mỹ của bị cáo hằng thông qua bị cáo Tuấn để chạy án thì mức hình phạt như vậy là phù hợp, tuy nhiên bị cáo Hưng không thừa nhận và cho rằng mình bị oan. Bản án sơ thẩm mà có kháng cáo, kháng nghị thì cũng chưa có hiệu lực pháp luật, về mặt pháp lý thì bị cáo Hưng hoàn toàn có quyền kháng cáo đối với tội danh và hình phạt mà tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với mình. Có lẽ bị cáo Hưng không hài lòng với mức hình phạt này và sẽ tiếp tục kháng cáo xin giảm hình phạt hoặc kháng cáo kêu oan...
 
hDxx vu chuyen bay giai cuu hoang van hung khong thanh khan, khong trung thuc hinh anh 1
Dẫn giải Hoàng Văn Hưng chiều 28/7. 
 
 
Bị cáo kêu oan có phải là tình tiết "tăng nặng" trách nhiệm hình sự ?

Theo quy định của pháp luật thì bị cáo không có nghĩa vụ phải thừa một nhận mình có tội, không có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình. Nếu bị cáo thực hiện hành vi phạm tội và thừa nhận hành vi phạm tội thì được coi là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Còn trường hợp bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhưng không thừa nhận thì không được hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo. Việc bị cáo không nhận tội cũng không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên thực tiễn xét xử hình sự thời gian gần đây cho thấy không ít những trường hợp bị cáo kêu oan, không nhận tội mà bị kết tội thì thường tòa án sẽ để mức ăn "kịch khung" như một hình thức răn đe đối với thái độ khai báo và nhận thức của bị cáo. Để quyết định hình phạt không chỉ căn cứ vào tình tiết tăng nặng hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác trong đó có tính chất mức độ hành vi phạm tội và nhân thân của người phạm tội.
 
Việc bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, quanh co, chối tội thể hiện thái độ khai báo, nhận thức về pháp luật cũng như ý thức cải tạo giáo dục, đây là yếu tố để tòa án áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc chứ không phải là do có hay không có tình tiết thành khẩn khai báo. Tuy nhiên, cũng cần phân biệt thành khẩn thừa nhận hành vi với thành khẩn nhận tội. Bị cáo chỉ cần thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật thực tế đã diễn ra là được đánh giá là tình tiết giảm nhẹ, không bắt buộc phải thừa nhận mình có tội.
 
Đối với các vụ án mà hành vi đã diễn ra có cấu thành tội phạm hay không trên cơ sở quan điểm tranh luận về lý luận cấu thành tội phạm thì tòa án phải giải quyết theo nguyên tắc có lợi cho bị cáo, nguyên tắc suy đoán vô tội để đảm bảo quyền con người, quyền công dân. chính vì vậy, có nhiều vụ án hình sự mà bị cáo không nhận tội, thậm chí không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng khi xét xử tòa án vẫn tuyên bị cáo ở mức hình phạt dưới khung, thậm chí là xét xử án treo.
 
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm
 
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, tôi là người trực tiếp bào chữa cho bị cáo ngay từ khi mới bị bắt giữ, điều tra. Tôi hiểu rõ tâm lý, cảm xúc, quan điểm thái độ của bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan đối với các quy kết buộc tội của cơ quan điều tra, viện kiểm sát. Giai đoạn điều tra bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan không thừa nhận mình phạm tội là cũng có lý do chứ không phải là cố tình gây khó khăn cho cơ quan điều tra, quanh co chối tội. Bị cáo vẫn thừa nhận là có gặp gỡ nhiều đại diện doanh nghiệp, có thừa nhận là có thực hiện các công việc liên quan đến việc xét duyệt chuyến bay, có thừa nhận là có nhận quà, thậm chí có nhận tiền của một số cá nhân vào những dịp lễ, tết, sinh nhật nhưng cho rằng hành vi đó không phải là nhận hối lộ. Tôi cho rằng nội dung khai báo và thái độ khai báo như vậy thể hiện sự thành khẩn và đủ điều kiện để áp dụng tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải đối với bị cáo ngay từ giai đoạn điều tra. Còn việc bị cáo nhận tiền, nhận quà, thực hiện công việc đó có cấu thành tội phạm hay không, cấu thành tội danh gì, tính chất mức độ hành vi phạm tội đến đâu thì sẽ căn cứ vào vấn đề lý luận về cấu thành tội phạm để đưa ra quan điểm buộc tội, quan điểm gỡ tội hoặc quan điểm xét xử của hội đồng xét xử sau này. 

Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao - bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan. Ảnh: Quang ViệtCựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao - bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan. Ảnh: Quang Việt
 
Quá trình điều tra vụ án, bị cáo đề nghị cơ quan điều tra phải thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ để làm rõ hành vi của các bị cáo, làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội, bối cảnh sự việc xảy ra, đánh giá đúng tính chất của vụ án và làm rõ "công-tội" để đảm bảo công bằng cho bị cáo. Bị cáo Lan liên tục đề nghị cơ quan điều tra phải làm rõ bối cảnh sự việc xảy ra, làm rõ nhu cầu trở về nước của công dân Việt Nam lúc đó cấp thiết như thế nào, bị cáo cho rằng với việc phòng chống dịch bệnh và đưa công dân về nước cách ly như vậy là chưa có tiền lệ, không ai có kinh nghiệm và chưa có quy trình cụ thể. Giai đoạn đầu thực hiện các chuyến bay giải cứu thì không vấn đề gì, tuy nhiên khi thực hiện chuyến bay combo, tính giá trọn gói thì mới có nguy cơ phát sinh tiêu cực. Do khả năng tiếp nhận, cách ly công dân về nước ở Việt Nam hạn chế, trong khi đó kiều bào muốn về nước tăng nhanh, dẫn đến động cơ đưa hối lộ, tiêu cực để được về nước xuất hiện trong bối cảnh đó. 
 
Kết quả điều tra cho thấy bị cáo Lan không gây khó khăn phiền hà gì cho các doanh nghiệp mà thường xuyên tích cực giúp đỡ các doanh nghiệp hoàn thiện thủ tục, luôn hoàn thành nhiệm vụ và có ý thức trách nhiệm cao trong công việc. Chuyện các bị cáo trong vụ án này, đặc biệt là 08 bị cáo được xác định là đã đưa hối lộ cho bị cáo Lan đều khai nhận với cơ quan điều tra rằng để tiếp cận nhờ vả với bị cáo Lan không dễ, bị cáo Lan không dễ dàng gặp làm việc với đại diện các doanh nghiệp, kể cả việc tặng quà cho bị cáo Lan cũng không dễ, bị cáo thường từ chối và không bao giờ nhận quà của người lạ...
 
Để tiếp cận với bị cáo Lan thì các bị cáo khác đều nhờ mối quan hệ giới thiệu của các lãnh đạo, vì nể nang nên bị cáo Lan mới gặp và làm việc với những người này.  Trong quá trình làm việc thì bị cáo Lan không đồng ý thỏa thuận cơ chế ăn chia, luôn phản đối vấn đề này và nhiều lần từ chối những yêu cầu vô lý, không có căn cứ của doanh nghiệp...
 
Việc bị cáo Lan nhận quà, nhận tiền từ các bị cáo đưa hối lộ thường diễn ra ở các dịp lễ, tết, những dịp sinh nhật, việc đưa hối lộ rất khéo léo và đều không có thỏa thuận từ trước, không có đưa ra yêu cầu gì kèm theo những món quà, những số tiền như vậy... Chính vì vậy bị cáo nghĩ rằng đây chỉ là nhận quà trái quy định hoặc cùng lắm là lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ chứ không phải là nhận hối lộ. Bị cáo nhận thức rằng bị cáo không có thỏa thuận với đại diện doanh nghiệp về công việc phải làm, việc nhận quà đó cũng không kèm theo yêu cầu gì nên bị cáo cho rằng mình có nhận tiền nhận quà là sai, là vi phạm pháp luật nhưng không phải là nhận hối lộ... Vì lẽ đó nên trong suốt quá trình điều tra, bị cáo Lan thành khẩn thừa nhận các hành vi vi phạm pháp luật của mình nhưng luôn đề nghị cơ quan điều tra xem xét lại tội danh vì bị cáo không có thoả thuận, không thực hiện công việc theo yêu cầu của người tặng quà, tặng tiền...
 
Bộ luật tố tụng hình sự quy định bị can bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội. Bị can bị cáo không có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình, không có nghĩa vụ phải thừa nhận mình có tội. Việc thành khẩn thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật là căn cứ để xác định bị cáo thành khẩn khai báo còn việc bị cáo có tội hay không, tội gì thì không thuộc trách nhiệm của bị cáo, trách nhiệm chứng minh thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng theo quy định của pháp luật về chứng cứ và chứng minh, về nguyên tắc suy đoán vô tội.
 
Chính vì nhận thức như vậy nên bị cáo vẫn luôn hợp tác với cơ quan điều tra, thành khẩn thừa nhận các mối quan hệ, những lần gặp gỡ, nhận quà, nhận tiền của doanh nghiệp nhưng không thừa nhận đó là hành vi nhận hối lộ, bị cáo đề nghị cơ quan điều tra và viện kiểm sát xem xét lại tội danh này. Với tư cách là người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, tôi cho rằng với diễn biến như vậy thì không thể nói rằng bị cáo cản trở hoạt động điều tra, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt, gây khó khăn cho cơ quan điều tra được. Đây là nhận định đánh giá trong bản kết luận điều tra khiến cho bị cáo gặp bất lợi khi hội đồng xét xử tuyên mức hình phạt đối với bị cáo.
 
Ngoài ra, tòa án cấp sơ thẩm cho rằng với cương vị là người đứng đầu, bị cáo phải có trách nhiệm đối với vi phạm pháp luật của các bị cáo là nhân viên dưới quyền nên phải có mức hình phạt nghiêm khắc. Nhận định này chỉ được đưa ra riêng đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan trong vụ án này là chưa công bằng, gây bất lợi cho bị cáo khi xem xét mức hình phạt. 
 
Luật sư Trần Nam Long bào chữa cho bị cáo Vũ Hồng Nam. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)
 
Một điều đáng chú ý trong vụ án này đối với bị cáo Lan là chứng cứ vật chất để chứng minh số lần bị cáo nhận hối lộ và số tiền nhận hối lộ cũng còn nhiều vấn đề mà chúng tôi cũng đã trình bày trong phần bào chữa của mình. Lời khai của những người đưa hối lộ trong hồ sơ và tại phiên tòa là mâu thuẫn nhau và không khớp với số tiền đã được kết luận trong kết luận điều tra và cáo trạng. Bị cáo Lan không thừa nhận toàn bộ số tiền đó trong giai đoạn điều tra, truy tố. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị cáo bất ngờ thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng đã nêu, thừa nhận toàn bộ số tiền bị quy kết nhận hối lộ như nội dung cáo trạng đã nêu, mặc dù chúng tôi thấy  rằng những chứng cứ để khẳng định số lần và số tiền nhận hối lộ của bị cáo Lan có nhiều vấn đề cần phải xem xét kỹ thì mới có thể kết luận một cách chính xác được.
 
Lời khai cũng như các chứng cứ điện tử của những người đưa hối lộ cho bị cáo Lan cũng chưa đủ để chứng minh số lần gặp bị cáo (32 lần) để đưa tiền, tặng quà và điều đặc biệt là cũng không có chứng cứ vật chất nào có thể chứng minh được giá trị của số tiền, giá trị món quà trong những lần đưa hối lộ đó là bao nhiêu tiền, chủ yếu chỉ căn cứ vào lời khai của người đưa. Theo quy định của pháp luật thì lời khai nhận tội của bị cáo không phải căn cứ duy nhất để kết tội, lời khai nhận tội phải phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác. Với lời khai của những người đưa hối lộ cũng vậy, họ khai ra để thừa nhận hành vi phạm tội của mình nhưng cũng đồng thời là lời khai buộc tội người khác, lời khai này cũng không phải là chứng cứ duy nhất để buộc tội đối với họ và đối với người nhận hối lộ như bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan. Tại phiên tòa, có bị cáo cũng thừa nhận là lời khai trong giai đoạn điều tra là chưa chính xác, số tiền đưa cho bị cáo Lan là một lần chứ không phải là hai lần. Lời khai này là khách quan và công khai tại phiên tòa, có lợi cho bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan tuy nhiên hội đồng xét xử cũng không ghi nhận nội dung này.
 
Những lần tặng quà, tặng tiền vào những dịp 8/3, 20/10, những dịp lễ, tết, sinh nhật mà không gắn với những yêu cầu cụ thể thì cũng rất khó để chứng minh đây là những lần nhận hối lộ, vấn đề này chúng tôi cũng đã trình bày tại phiên tòa và nêu ra trong bản luận cứ đề nghị hội đồng xét xử xem xét nhưng vẫn chưa được xem xét thấu đáo.
 
Bà Nguyễn Thị Hương Lan - cựu cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao - được dẫn giải đến tòa trong phiên xét xử hôm qua 12-7 - Ảnh: DANH TRỌNG

Bà Nguyễn Thị Hương Lan - cựu cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao - được dẫn giải đến tòa trong phiên xét xử hôm qua 12-7 - Ảnh: DANH TRỌNG

 
Trong vụ án này bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan có rất nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b,v,s khoản 1 và nhiều tình tiết có thể được xem xét theo khoản 2, Điều 51 bộ luật hình sự. Bị cáo có nhiều thành tích xuất sắc trong học tập, làm việc, bị cáo có thân nhân liệt sĩ, là người có công với cách mạng... bố mẹ ông bà được tặng thưởng nhiều huân huy chương, bản thân cũng có nhiều thành tích được tặng thưởng bằng khen, giấy khen. Bị cáo có đủ điều kiện để áp dụng Điều 54 bộ luật hình sự để xét xử ở khung hình phạt liền kề thấp hơn, viện kiểm sát cũng đề nghị áp dụng Điều 54 bộ luật hình sự đối với bị cáo để xét xử dưới khung hình phạt. Tuy nhiên hội đồng xét xử lại không áp dụng Điều 54 bộ luật hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan là có phần nghiêm khắc, chưa thể hiện được sự khoan hồng nhân đạo đối với bị cáo. 

Đặc biệt là vụ án được xét xử ngay sau ngày thương binh liệt sĩ (27/7) trong khi đó bị cáo có thân nhân là sĩ nhưng việc giảm một phần trách nhiệm hình sự cũng không đáng kể, chưa được áp dụng tình tiết này là điều thiệt thòi đối với bị cáo Lan. Sau khi tuyên án, bị cáo là rất buồn trước khi lên xe trở về trại giam B14, bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan cũng đã nói với tôi rằng mức hình phạt mà tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên như vậy là quá nghiêm khắc, bị cáo Lan sẽ kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Gia đình bị cáo biết thông tin về mức hình phạt như vậy cũng rất buồn và rất mong muốn, hy vọng tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét lại hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan để đánh giá toàn diện vụ án, xác định rõ vai trò của bị cáo cũng như làm rõ "công và tội", xác định thái độ nhận thức, hành vi của bị cáo để cho bị cáo có cơ hội sửa sai phải làm lại cuộc đời, có cơ hội sớm trở về với đời sống xã hội.
 
Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy tuyên án sơ thẩm đối với 54 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu." (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Mức án cụ thể cho các bị cáo:

1. Phạm Trung Kiên, nguyên Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng bị tuyên phạt tù Chung thân.

2. Vũ Anh Tuấn, nguyên Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận hối lộ hơn 27 tỷ đồng bị tuyên phạt tù Chung thân.

3. Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng bị tuyên phạt tù Chung thân.

 

4. Tô Anh Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng bị tuyên phạt 16 năm tù.

5. Đỗ Hoàng Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 12 tỷ đồng, bị tuyên phạt 12 năm tù.  

6. Vũ Sỹ Cường, nguyên cán bộ Phòng Tham mưu Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, nhận hối lộ hơn 9 tỷ đồng,  9 năm tù.

7. Trần Văn Dự, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng, 7 năm tù.

8. Trần Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhận hối lộ 5 tỷ đồng, 6 năm tù.

9. Nguyễn Quang Linh, nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ nhận hối lộ hơn 4 tỷ đồng, 7 năm tù.

10. Nguyễn Tiến Thân, nguyên Chuyên viên Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng, 5 năm tù.

11. Nguyễn Thanh Hải, nguyên Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ nhận hối lộ hơn 3,6 tỷ đồng, 6 năm tù.

12. Nguyễn Mai Anh, nguyên Chuyên viên, Vụ Quan hệ Quốc tế Văn phòng Chính phủ nhận hối lộ 3 tỷ đồng, 6 năm tù.

13. Nguyễn Hồng Hà, nguyên Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng, 4 năm tù.

14. Chử Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng, 3 năm tù.

15. Vũ Hồng Quang, nguyên Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải nhận hối lộ gần 2 tỷ đồng, 4 năm tù.

16. Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản nhận hối lộ hơn 1,8 tỷ đồng, 30 tháng tù.

17. Lê Tuấn Anh, nguyên Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao nhận hối lộ gần 1,8 tỷ đồng, 42 tháng tù.

18. Ngô Quang Tuấn, nguyên Chuyên viên Vụ Hợp tác Quốc tế Bộ Giao thông Vận tải nhận hối lộ hơn 1,8 tỷ đồng, 4 năm tù.

19. Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên Bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 18,8 tỷ đồng, tù Chung thân.

20. Trần Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản gần 5,7 tỷ đồng và đưa hối lộ gần 800 triệu đồng, 16 năm tù về lừa đảo, 2 năm tù về đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt là 18 năm tù.

21. Vũ Ngọc Minh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Angola, nhận hối lộ 864 triệu đồng, 30 tháng tù.

22. Lưu Tuấn Dũng, nguyên Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ hơn 500 triệu đồng, 18 tháng tù.

23. Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, đưa hối lộ hơn 100 tỷ đồng, 11 năm tù.

24. Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky, đưa hối lộ hơn 100 tỷ đồng, 10 năm tù.

25. Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty An Bình, đưa hối lộ hơn 34 tỷ đồng, 7 năm tù.

26. Nguyễn Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt, đưa hối lộ gần 28 tỷ đồng, 7 năm tù.

27. Vũ Thùy Dương, Giám đốc Công ty Lữ Hành Việt, đưa hối lộ hơn 24 tỷ đồng, 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

28. Bị cáo Hoàng Anh Kiếm đưa hối lộ hơn  22,8 tỷ đồng, 6 năm tù.  

29. Bị cáo Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty ATA Việt Nam, đưa hối lộ gần 12 tỷ đồng, 4 năm tù.

30. Bị cáo Võ Thị Hồng, Giám đốc Công ty Minh Ngọc, đưa hối lộ gần 11 tỷ đồng, 4 năm tù, tổng hợp với hình phạt 30 tháng tù cho hưởng án treo trước đó, nay chuyển thành tù giam. Tổng hợp án với bị cáo Võ Thị Hồng là 6 năm 6 tháng tù.

31. Bị cáo Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhật Minh, đưa hối lộ hơn 9,5 tỷ đồng, 3 năm tù.  

32. Bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty MasterLife, đưa hối lộ hơn 8 tỷ đồng, 3 năm tù.

33. Bị cáo Lê Thị Ngọc Anh, Cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, đưa hối lộ hơn 7,6 tỷ đồng, 3 năm tù.  

34. Bị cáo Nguyễn Thị Hiền đưa hối lộ 4,1 tỷ đồng, 30 tháng tù.

35. Bị cáo Đào Minh Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Vijasun, đưa hối lộ hơn 3,5 tỷ đồng, 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo.

36. Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH G 19 Việt Nam, đưa hối lộ hơn 3 tỷ đồng, 30 tháng tù.

37. Bị cáo Phan Thị Mai, Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Sao Hà Nội, đưa hối lộ hơn 2,3 tỷ đồng, 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

38. Bị cáo Vũ Minh Thắng, Giám đốc Công ty Đầu tư và Thương mại Thuận An, đưa hối lộ hơn 2 tỷ đồng, 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.  

39. Bị cáo Nguyễn Thế Dũng, Giám đốc Công ty Sang Trọng, đưa hối lộ hơn 1,6 tỷ đồng, 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.  

40. Bị cáo Trần Hồng Hà, Giám đốc Công ty Quốc tế Sao Việt, đưa hối lộ hơn 1,6 tỷ đồng, 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.  

41. Bị cáo Phạm Bích Hằng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế, đưa hối lộ gần 1,2 tỷ đồng, 20 tháng tù.

42. Bị cáo Trần Việt Thái, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 4 năm tù.

43. Bị cáo Nguyễn Lê Ngọc Anh, nguyên Bí thư thứ Hai, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 30 tháng tù.

44. Bị cáo Nguyễn Hoàng Linh, nguyên Bí thư thứ Hai, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 30 tháng tù.

45. Bị cáo Đặng Minh Phương, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 18 tháng tù.

46. Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội, môi giới hối lộ hơn 61,6 tỷ đồng, 5 năm tù.

47. Bị cáo Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần xúc tiến Thương mại và Du lịch Việt Nam, môi giới hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng, 3 năm tù.

48. Bị cáo Bùi Huy Hoàng, nguyên Chuyên viên phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, môi giới hối lộ hơn 3,3 tỷ đồng, 30 tháng tù.

49. Bị cáo Phạm Thị Kim Ngân, cán bộ Phòng trị sự Tạp chí Thanh tra Chính phủ, môi giới hối lộ gần 2 tỷ đồng, 15 tháng tù.

50. Bị cáo Lý Tiến Hùng, nguyên Bí thư thứ Nhất Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, nhận hối lộ hơn 400 triệu đồng, 30 tháng tù.

51. Bị cáo Trần Tiến, Giám đốc Công ty Phi, đưa hối lộ hơn 600 triệu đồng, từ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

52. Phạm Bá Sơn, nhân viên Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa đưa hối lộ 520 triệu đồng, từ 18 tháng nhưng cho hưởng án treo

53. Bị cáo Tào Đức Hiệp, Giám đốc Công ty Công đoàn Đường sắt, đưa hối lộ hơn 485 triệu đồng, từ 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.  

54. Bị cáo Đào Thị Chung Thúy, đưa hối lộ hơn 437 triệu đồng, từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.


_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407
Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896