"Hậu quả pháp lý của “vụ án làm lộ bí mật Nhà nước” từ lời khai của Dương Chí Dũng sẽ không được xem là tình tiết giảm nhẹ tại phiên xử Phúc thẩm sắp tới của vụ án tham ô", luật sư Phạm Công Út nói.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội đã trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Infonet:
PV: Thượng tướng Phạm Quý Ngọ qua đời đã khiến cho “vụ án làm lộ bí mật Nhà nước” (đã khởi tố) theo lời khai Dương Chí Dũng có thể sẽ thay đổi. Vậy theo luật sư, sự kiện này có khiến cho vụ án này bị đình chỉ hay không?
Luật sư Cường: Theo lời khai của Dương Chí Dũng thì ông Phạm Quý Ngọ là “người mật báo”. Căn cứ vào lời khai của ông Dũng, tòa án đã khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra theo quy định.
Tuy nhiên, lời khai của ông Dũng đúng hay sai sẽ được cơ quan điều tra làm rõ và có kết luận cuối cùng.
Việc Thượng tướng Phạm Quý Ngọ qua đời trong thời điểm này là một điều đáng tiếc. Sẽ khó khăn cho công tác điều tra đối với vụ án đã khởi tố, cũng khó cho ông Ngọ trong việc minh oan...
Việc vụ án có bị đình chỉ hay không thì phải căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án (các chứng cứ mà cơ quan điều tra đã thu thập được trong thời gian qua). Nếu cơ quan điều tra đã điều tra, làm rõ vụ việc, có căn cứ xác định tính trung thực trong lời khai của ông Dũng và ra quyết định đình chỉ vụ án thì phải căn cứ vào quy định tại Điều 164 và Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự.
Trong đó lý do đình chỉ có thể là: Không có sự việc phạm tội (khoản 1, Điều 107 BLTTHS); Hành vi không cấu thành tội phạm (khoản 2, Điều 107 BLTTHS)… hoặc Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác (Khoản 7, Điều 107 BLTTHS).
Như vậy, cơ quan điều tra có đình chỉ giải quyết vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” ở thời điểm này hay không phải căn cứ vào kết quả điều tra vụ án và quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự nêu trên.
- Nếu có căn cứ xác định ông Phạm Quý Ngọ phạm tội, ngoài ra không còn ai là đồng phạm thì cơ quan điều tra mới căn cứ vào quy định tại Khoản 7, Điều 107 BLTTHS để đình chỉ điều tra.
- Nếu có căn cứ xác định ông Phạm Quý Ngọ không phạm tội (lời khai của Dương Chí Dũng không đúng) thì vụ án cũng bị đình chỉ nhưng kết quả sẽ minh oan cho ông Ngọ và có thể xử lý thêm với Dương Chí Dũng về tội vu khống...
- Ngoài ra, nếu lời khai của Dương Chí Dũng đúng nhưng ngoài ông Ngọ ra còn có đồng phạm khác thì việc ông Phạm Quý Ngọ qua đời không làm vụ án kết thúc ở thời điểm này, vụ án sẽ tiếp tục được điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật.
PV: Nếu vụ án “làm lộ bí mật Nhà nước” bị đình chỉ, lời khai của Dương Chí Dũng có tiếp tục được điều tra làm rõ hay không?
Luật sư: Nếu vụ án “làm lộ bí mật nhà nước” bị đình chỉ thì chứng tỏ lời khai của ông Dương Chí Dũng đã được làm rõ và được giải quyết trên cơ sở quy định tại Điều 107 Bộ luật tố tụng hình sự và các quy định khác có liên quan.
Pv: Giả sử vụ án không được tiếp tục làm rõ, hậu quả pháp lý của Dương Chí Dũng sẽ ra sao?
Luật sư: Vụ việc này đã khởi tố nên không thể không làm rõ được. Cơ quan điều tra có khởi tố bị can hay không? Khởi tố với ai? Hay đình chỉ điều tra thì phải căn cứ vào các quy định pháp luật. Nếu hết thời hạn điều tra mà cơ quan điều tra vẫn không chứng minh được ai thực hiện hành vi phạm tội hoặc không chứng minh được bị can thực hiện tội phạm thì sẽ đình chỉ điều tra theo quy định tại khoản 2, Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự.
Tuy nhiên, sau đó có căn cứ xác định có bị can, bị can phạm tội thì sẽ phục hồi điều tra theo quy định tại Điều 165 Bộ luật tố tụng hình sự.
Theo Bộ luật tố tụng hình sự: “Điều 107. Những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Điều 164. Đình chỉ điều tra:
1. Trong trường hợp đình chỉ điều tra, bản kết luận điều tra nêu rõ quá trình điều tra, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra.
2. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra trong những trường hợp sau đây: a) Có một trong những căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 105 và Điều 107 của Bộ luật này hoặc tại Điều 19, Điều 25 và khoản 2 Điều 69 của Bộ luật hình sự; b) Đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.
3. Quyết định đình chỉ điều tra ghi rõ thời gian, địa điểm ra quyết định, lý do và căn cứ đình chỉ điều tra, việc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, trả lại đồ vật, tài liệu đã tạm giữ, nếu có và những vấn đề khác có liên quan. Nếu trong một vụ án có nhiều bị can mà căn cứ để đình chỉ điều tra không liên quan đến tất cả các bị can, thì có thể đình chỉ điều tra đối với từng bị can.
4. Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì Viện kiểm sát phải trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền; nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra phục hồi điều tra; nếu thấy đủ căn cứ để truy tố thì huỷ bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố. Thời hạn ra quyết định truy tố được thực hiện theo quy định tại Điều 166 của Bộ luật này.
Điều 165. Phục hồi điều tra
1. Khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong thời hạn hai ngày, kể từ ngày ra quyết định phục hồi điều tra, cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp.
2. Nếu việc điều tra bị đình chỉ theo quy định tại điểm 5 và điểm 6 Điều 107 của Bộ luật này mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định phục hồi điều tra.”
Xin cảm ơn luật sư.
Luật sư Phạm Công Út (Đoàn Luật sư Tp HCM) lại cho rằng:
Cần phải hiểu bước tố tụng "Khởi tố vụ án" không hẳn là sẽ "khởi tố bị can" đối với một ai đó. Trong thực tiễn có nhiều vụ án được khởi tố nhưng sau đó không xác định được hành vi tội phạm, tội phạm chưa đến mức xử lý hình sự, người có hành vi phạm tội đã chết...vv... thì vụ án được lựa chọn bước tố tụng 2: "Đình chỉ việc khởi tố vụ án”.
Về số tiền theo lời khai của Dương Chí Dũng, riêng việc một doanh nghiệp đưa 1 triệu USD cho ông Ngọ, thì chưa được khởi tố vụ án nên sẽ không xem xét việc khởi tố về hành vi đưa hối lộ của doanh nghiệp đó.
Từ đó, hậu quả pháp lý của “vụ án làm lộ bí mật Nhà nước” "từ lời khai của Dương Chí Dũng sẽ không được xem là tình tiết giảm nhẹ tại phiên xử Phúc thẩm sắp tới của vụ án tham ô, vì chưa có kết quả chính thức. Có chăng chỉ còn tình tiết khắc phục hậu quả là hy vọng để Dương Chí Dũng sẽ thoát án tử hình.
Hồng Chuyên (thực hiện)
Theo: infonet.vn