Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Từ vụ tài xế taxi bị đánh tử vong tại Hà Nội: Phân biệt "đánh nhau" và tình huống phòng vệ chính đáng ?
06/03/2024
icon-zalo
Từ vụ tài xế taxi bị đánh tử vong tại Hà Nội: Phân biệt "đánh nhau" và tình huống phòng vệ chính đáng ?
 

Sau khi đánh tử vong tài xế taxi ở đường ven hồ Tây, Quang về quê ở Thanh Hóa. Hôm nay, cảnh sát đã bắt giữ Quang và di lý về Công an quận Tây Hồ.

Ngày 6/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ, Hà Nội, đã khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, ra quyết định tạm giữ hình sự Trần Duy Quang (21 tuổi, quê Thanh Hóa).

 
Bắt giữ đối tượng đánh tài xế taxi đến tử vong ở hồ Tây - 1

Nạn nhân tại bệnh viện (Ảnh: Đ.T.).

Theo dõi sự việc trên, tiến sĩ Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: Đây là vụ án hình sự xuất phát từ va chạm giao thông, điều đáng chú ý là nạn nhân đã dùng hung khí tấn công bị can trước, sau đó bị can dùng mũ bảo hiểm đánh trở lại, hậu quả khiến nạn nhân nhập viện rồi tử vong, vấn đề này cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ để xác định tội danh, trách nhiệm pháp lý giải quyết đúng đắn vụ việc này theo quy định của pháp luật. 
 
Theo kết quả xác minh của cơ quan điều tra thì Hồi 16h00' ngày 04/3/2024, tại khu vực đường kè hồ Tây, phường Nhật Tân, xuất phát từ việc anh L.X.T, điều khiển xe ô tô taxi va chạm với xe máy do Quang điều khiển, chở bạn gái phía sau, làm xe máy của Quang bị loạng choạng, giữa anh L.X.T và Quang xảy ra tranh cãi. Anh L.X.T mở cốp xe lấy ra một vật tày (dài khoảng 40cm), đuổi đánh Quang, Quang giơ tay lên đỡ và đấm thẳng vào mặt rồi cầm mũ bảo hiểm đập vào đầu anh L.X.T. Khi được người dân can ngăn, 2 bên lên xe rời đi. 
 
Sau đó, anh L.X.T về nhà nằm nghỉ. Đến 20h30' ngày 04/3/2024, thấy sức khoẻ anh L.X.T diễn biến xấu, gia đình đưa anh đi cấp cứu nhưng anh L.X.T đã tử vong tại bệnh viện, vào chiều ngày 05/3/2024.
 
Hiện Cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, ra Lệnh bắt giữ Trần Duy Quang về hành vi Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, theo khoản 4 Điều 134 BLHS, để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
 
Bắt giữ đối tượng đánh tài xế taxi đến tử vong ở hồ Tây - 2

Cảnh sát lấy lời khai của Trần Duy Quang (Ảnh: Công an Hà Nội).

 
Với kết quả xác minh như vậy thì cơ quan điều tra đang cho rằng đối tượng Quang đã có hành vi cố ý gây ra thương tích đối với nạn nhân và hậu quả nạn nhân đã tử vong. Hành vi của đối tượng Quang là xâm phạm đến sức khỏe của người khác dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người, không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nên không phải chịu trách nhiệm về hậu quả nạn nhân tử vong nhưng phải chịu trách nhiệm về những thương tích do hành vi của mình gây ra. Chính vì vậy cơ quan điều tra đã khởi tố đối tượng này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 bộ luật hình sự chứ không xử lý về tội giết người. 
 
Một điều đáng chú ý trong vụ án này là sau khi hai bên "cự cãi" thì nạn nhân đã sử dụng hung khí là một vật tầy dài 40cm để tấn công đánh bị can trước, sau đó bị can mới đánh lại bằng mũ bảo hiểm. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi này có phải là phòng vệ chính đáng hoặc cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không để loại trừ hoặc giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự do hành vi gây thương tích đã xảy ra. 
 
Theo quy định của pháp luật thì mọi công dân đều được quyền thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng là "chống trả lại một cách cần thiết" đối với hành vi của người khác đang tấn công gây thiệt hại đến mình hoặc người khác. Điều chú ý là việc sử dụng vũ lực trong tình huống này là "chống trả lại một cách cần thiết, trong trường hợp cần thiết" để triệt tiêu vũ lực của người đang tấn công gây thiệt hại đến sức khỏe, đe dọa đến tính mạng của người khác chứ không nhằm mục đích là gây thương tích cho người khác. 
 
Điều 22 Bộ luật hình sự quy định về phòng vệ chính đáng như sau: "1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
 
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
 
2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
 
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này."
 
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trước khi nạn nhân sử dụng vật tầy để đánh bị can thì hai bên đã có những hành vi như thế nào, ý chí của các bên thể hiện thông qua hành vi khách quan là gì ? có nhằm mục đích gây thương tích cho nhau hay không. Trong trường hợp hành vi trước đó lời qua tiếng lại chưa chứng minh được là hai bên có mục đích gây thương tích cho nhau và sau đó nạn nhân đã sử dụng gậy để tấn công bị can thì bị can được phép chống trả lại một cách cần thiết thì được coi là phòng vệ chính đáng. Trong trường hợp phòng vệ chính đáng thì hành vi không được coi là tội phạm, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 
 
Còn nếu kết quả xác minh, điều tra cho thấy trước khi nạn nhân dùng gậy tấn công đối tượng này thì đối tượng này đã có mục đích gây thương tích cho nạn nhân rồi (xông vào "đánh nhau" nhưng được mọi người can ngăn) hoặc khi nạn nhân dùng gậy đánh đối tượng này thì đối tượng này cũng dùng tay và mũ bảo hiểm đánh lại, mục đích là để gây thương tích cho nạn nhân. Đối tượng này dùng vũ lực không phải với mục đích để triệt tiêu vũ lực của nạn nhân, khiến nạn nhân không gây ra thiệt hại cho đối tượng (không phải là chống trả lại một cách cần thiết) mà hành vi của đối tượng cũng nhằm mục đích gây thương tích cho nạn nhân và hậu quả nạn nhân đã tử vong. Sự việc được xác định là "đánh nhau" (cả hai bên đều mong muốn gây thương tích cho nhau) chứ không phải là phòng vệ chính đáng (sử dụng vũ lực để chống trả lại một cách cần thiết) thì việc khởi tố về tội cố ý gây thương tích là có căn cứ. Trong vụ việc này đối tượng đánh nạn nhân mấy lần ? đánh vào đâu ? và đặc điểm của chiếc mũ bảo hiểm mà bị can sử dụng để tấn công nạn nhân có mức độ cứng chắc như thế nào, có thể gây ra sát thương ra sao ??? là những yếu tố quan trọng để xác định tính chất nguy hiểm của hành vi. 
 
Xác định vụ việc là đánh nhau hay phòng vệ bị đánh rồi phòng vệ phụ thuộc vào tương quan lực lượng, phụ thuộc vào vũ khí, hung khí mà các bên sử dụng, phụ thuộc vào vị trí tấn công, cường độ tấn công, mức độ thiệt hại và thái độ sau khi sự việc xảy ra của các bên. Nếu trường hợp nạn nhân dùng gậy để đánh bị can, bị can cũng dùng mũ bảo hiểm để đánh lại nạn nhân. Vị trí đánh không phải là vào tay, không nhằm mục đích tước hung khí trên tay nạn nhân, mà nhằm vào những vùng nguy hiểm trọng yếu trên cơ thể thì đây là hành vi cố ý gây thương tích. 
 
Quan điểm của cơ quan tố tụng hiện nay là mục đích dùng vũ lực của bị can không phải là để phòng vệ mà nhằm gây thương tích cho nạn nhân, sự việc là "đánh nhau" nơi công cộng chứ không phải là bị can bị đánh và phòng vệ nên đã xử lý về tội cố ý gây thương tích. 
 
Trong vụ việc này hậu quả chết người nhưng cơ quan điều tra chưa chứng minh được đối tượng có mục đích giết người hoặc nhận thức được hành vi có thể dẫn đến chết người nên không xử lý về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự. 
 
Nếu bị can sử dụng hung khí nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì căn cứ vào án lệ số 47/2021/AL của tòa án tối cao có thể chuyển tội danh sang tội giết người quy định tại điều 123 bộ luật hình sự.
 
Bởi vậy nguyên nhân nạn nhân tử vong, bị can có sử dụng hung khí nguy hiểm hay không, hành vi có thể dẫn đến chết người hoặc có mục đích giết người hay không là những yếu tố quan trọng để xác định xử lý đối tượng này về tội cố ý gây thương tích hay tội giết người theo quy định của pháp luật. 
 
Đây là vụ án phức tạp liên quan đến hành vi của cả hai bên cũng như hậu quả đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội nên cơ quan điều tra sẽ tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi, thái độ của các bên cũng như hậu quả đã gây ra để xử lý theo quy định của pháp luật. 
 
Trong vụ việc này nạn nhân cũng có lỗi một phần, do đã có hành vi dùng gậy đánh bị can tuy nhiên. Nếu nạn nhân còn sống thì cũng sẽ bị xử lý về tội cố ý gây thương tích hoặc tội gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên nạn nhân nhân đã tử vong nên lỗi của nạn nhân sẽ là tình tiết giảm nhẹ cho bị can là tình tiết "nạn nhân có lỗi một phần".
 
Đây là một trong những vụ án hình sự xảy ra từ hành vi và chạm giao thông, do thiếu kiểm chế cảm xúc của các bên dẫn đến xô xát và hậu quả là đặc biệt nghiêm trọng. Vụ án này sẽ là bài học cho hành vi ứng xử khi tham gia giao thông. Nếu do va chạm giao thông mâu thuẫn mà các bên xông vào "đánh nhau", cố ý gây thương tích cho nhau hoặc cố ý xâm phạm đến tính mạng của nhau thì đây là hành vi vi phạm pháp luật gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội, có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nhau người khác và gây mất rối trật tự công cộng. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà những người đánh nhau do va chạm giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 

_____________________________________

Ts. Ls. Đặng Văn Cường

Điện thoại/Zalo: 0977999896 

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896