Từ vụ Công ty Thuận An: Mối liên hệ nào giữa các tội danh vi phạm quy định về đấu thầu và đưa hối lộ, nhận hối lộ ?
Khởi tố bị can 06 đối tượng liên quan đến các sai phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan
Bị can Nguyễn Duy Hưng tại cơ quan điều tra - Ảnh: Bộ Công an cung
Căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan; đồng thời ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với:
1) Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”, quy định tại khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
2) Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An về tội “Đưa hối lộ”, quy định tại khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
3) Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”, quy định tại khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
4) Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc và (5) Đàm Văn Cường, Phó Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Nhận hối lộ”, quy định tại khoản 3 Điều 222 và khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự.
6) Hoàng Thế Du, Trưởng phòng Ban QLDA tỉnh Bắc Giang về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự.
Bị can Hoàng Thế Du tại cơ quan điều tra - Ảnh: Bộ Công an
Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các Quyết định và Lệnh nêu trên, ngày 15/4/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt các Quyết định, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản.
Các bị can (từ trái qua, từ trên xuống): Trần Quang Anh, Nguyễn Văn Thạo, Đàm Văn Cường, Nguyễn Khắc Mẫn tại cơ quan điều tra - Ảnh: Bộ Công an
Theo dõi vụ án nêu trên Ts. Ls. Đặng Văn Cường, trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng: đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến một số quan chức ở địa phương và lãnh đạo của công ty cổ phần tập đoàn Thuận An. Hiện nay cơ quan điều tra đã khởi tố sáu đối tượng có liên quan và có thể sẽ tiếp tục mở rộng điều tra vụ án này để làm rõ hành vi vi phạm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân khác có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Đặng Văn Cường tranh tụng tại một phiên toà
Đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan; đồng thời ra các Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với một số bị can.
Theo quy định của pháp luật thì Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Tội đưa hối lộ có mức hình phạt cao nhất tới 20 năm tù. Với tội nhận hối lộ thì có hình phạt cao nhất đến tù chung thân hoặc tử hình nếu của nhận hối lộ từ 1.000.000.000 đồng trở lên.
Điều 222 Bộ luật hình sự quy định hành vi vi phạm về đấu thầu là thực hiện một trong các hành vi sau đây: Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu hoặcChuyển nhượng thầu trái phép. Hành vi cấu thành tội phạm khi gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức cá nhân từ 100.000.000 đồng trở lên. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
Chủ thể của tội danh này thường là người có chức vụ quyền hạn, thuộc các cơ quan nhà nước khi được giao nhiệm vụ tổ chức đấu thầu đối với các loại gói thầu xây lắp, mua sắm… Ngoài ra chủ thể của tội danh này cũng có thể là các cơ quan tổ chức cá nhân khác với hành vi giúp sức cho người có chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Hành vi vi phạm về đấu thầu gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của các tổ chức cá nhân. Ngoài ra hành vi này còn gây ra sự mất công bằng, không bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, khiến cho nhà nước không lựa chọn được đơn vị là các nhà thầu có uy tín, hoặc mua sắm phải các tài sản giá trị không tốt mà phải chi phí nhiều… Bản chất của hoạt động đấu thầu là thủ tục để lựa chọn nhà thầu phù hợp hoặc đấu thầu mua sắm tài sản sao cho giá cả hợp lý, chất lượng đảm bảo. Nhưng nếu các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu không tuân thủ pháp luật về luật đấu thầu thì hoạt động đấu thầu sẽ phát sinh tiêu cực, nhà nước sẽ không lựa chọn được nhà thầu có năng lực thực sự hoặc sẽ phải mất nhiều tiền của tài sản để mua sắm phải những tài sản giá trị thấp, kém chất lượng, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, mất uy tín của nhà nước và không đảm bảo cạnh tranh mạnh mạnh, gây bất bình đẳng trong xã hội.
Thời gian qua cơ quan điều tra bộ công an liên tục khởi tố các vụ án liên quan đến vi phạm đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, xây dựng cơ bản, trong các hoạt động liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, khai thác mỏ… Điều này cho thấy công tác quản lý về đấu thầu ở nhiều nơi chưa tốt, cơ chế kiểm soát hoạt động đấu thầu chưa hiệu quả, một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái tư tưởng đạo đức, bị mua chuộc dẫn đến thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản đặc biệt lớn của nhà nước.
Những hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thường có nguyên nhân động cơ từ việc tác động vật chất từ các đơn vị tham gia đấu thầu. Theo đó các nhà thầu thường dùng tiền bạc mua chuộc hối lộ quan chức để được trúng thầu. Bởi vậy, thông thường các vụ án khởi tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ kéo theo các tội danh là đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Các nhà thầu có năng lực yếu kém, muốn trúng thầu thường là phải bắt tay đối với người có chức vụ quyền hạn để thông thầu, vi phạm các quy định về công khai minh bạch theo kiểu “quân xanh quân đỏ” để được trúng thầu bất hợp pháp. Làm rõ động cơ mục đích của hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ phát hiện được hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Bộ luật hình sự quy định người đưa hối lộ là người đã đưa tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất cho người có chức vụ quyền hạn để yêu cầu người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của mình. Hành vi đưa hối lộ làm ảnh hưởng đến hoạt động công vụ, làm suy thoái sa ngã cán bộ, gây ra sự mất công bằng bình đẳng trong xã hội và xâm phạm đến hoạt động công vụ, gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của nhân dân. Người thực hiện hành vi đưa hối lộ bị xử lý hình sự theo điều 364 bộ luật hình sự , nếu đưa hối lộ từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì hình phạt có thể tới mức cao nhất là 20 năm tù. Điều đáng chú ý là bộ luật hình sự cũng quy định trong trường hợp người đưa hối lộ bị ép buộc nhưng chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được miễn trách nhiệm hình sự và trả lại tài sản đưa hối lộ. Cụ thể khoản 7, Điều 364 bộ luật hình sự quy định:
“7. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”.
Điều 354 Bộ luật hình sự quy định nhận hối lộ là hành vi: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ: Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Lợi ích phi vật chất.
Hành vi nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn, đây là chủ thể đặc biệt đã sử dụng chức vụ quyền hạn như một thứ hàng hóa để đánh đổi lấy lợi ích của người đưa hối lộ. Hành vi đưa hối lộ ảnh hưởng đến tính đúng đắn trong hoạt động công vụ, nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền có thể gây ra thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức cá nhân, gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng nên các hành vi nhận hối lộ sẽ bị xử lý nghiêm khắc bằng các chế tài của pháp luật, trong đó không loại trừ việc có thể áp dụng chế tài cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của các bị can, làm rõ nguyên nhân động cơ thực hiện hành vi phạm tội, đặc biệt là hành vi đưa nhận hối lộ được thực hiện như thế nào, từ việc đưa nhận hối lộ dẫn đến hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng như diễn ra như thế nào để xử lý đối với các bị can, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan khác và để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.