Từ vụ 3 công an bắn dê của dân ở Hà Nội: Thế nào là hành vi phạm tội quả tang?
29/06/2023
Tước danh hiệu công an, khởi tố vụ 3 công an bắn dê của dân
Liên quan đến vụ 3 cán bộ công an bắn dê của người dân, Giám đốc Công an TP Hà Nội đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với 3 cán bộ Công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội.
Những trường hợp này gồm: Đại úy Nguyễn Văn Nhân, thượng úy Bùi Đình Việt và thượng úy Bùi Tiến Tùng.
Đồng thời, Công an TP Hà Nội cũng ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "trộm cắp tài sản", tạm giữ hình sự 3 cán bộ kể trên để xử lý theo quy định.
Theo điều tra, ngày 26/6, 3 cán bộ kể trên đi ô tô, mang theo 1 khẩu súng hơi vào khu vực núi Mào Gà, thôn Ái Nàng (xã An Phú, huyện Mỹ Đức) để bắn chim. Trong lúc đi săn, nhóm này đã bắn chết 2 con dê của người dân và cho vào cốp xe ô tô, rồi đi về.
Hiểu đầy đủ về trường hợp bắt người phạm tội quả tang
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là vụ việc bắt người phạm tội quả tang, là một trong những biện pháp được áp dụng để kịp thời ngăn chặn tội phạm.
Theo quy định, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất đối với: Người đang thực hiện tội phạm; Ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện; Bị đuổi bắt.
Pháp luật cũng quy định, khi thực hiện việc bắt người phạm tội quả tang, bất kỳ ai cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt để đảm bảo an toàn cho những người xung quanh cũng như để kịp thời đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Sau khi bắt người, cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và lấy lời khai ngay, trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.
Việc bắt người phạm tội quả tang phải được người có thẩm quyền lập thành biên bản và thông báo ngay cho gia đình người bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người phạm tội quả tang cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết.
Ông Cường cho biết, thông thường sau khi bắt người phạm tội quả tang hành vi trộm cắp tài sản, cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự, đồng thời khởi tố bị can và tạm giam đối với bị can để tiến hành điều tra.
Tuy nhiên có thể trong vụ việc này người thực hiện hành vi là cán bộ chiến sĩ công an nên cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự và tiến hành các quy trình để xem xét xử lý kỷ luật trước, sau khi có quyết định kỷ luật sẽ khởi tố bị can và tiến hành tạm giam để điều tra.
Trong vụ việc này, việc khởi tố vụ án hình sự là động thái rất quyết liệt, nhanh chóng của cơ quan chức năng, thể hiện thái độ không bao che, không dung túng cho hành vi sai phạm, xử lý nghiêm minh để giữ gìn uy tín của lực lượng công an và cảnh tỉnh những hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra đối với các cán bộ chiến sĩ.
"Việc khởi tố vụ án hình sự về tội trộm cắp tài sản là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Với những diễn biến thể hiện qua clip cho thấy đây là vụ việc bắt người phạm tội quả tang, hành vi phạm tội là khá rõ ràng" – vị chuyên gia nêu quan điểm.
Biết con dâu vi phạm luật giao thông đường bộ, thay vì chấp hành thì người mẹ chồng lại có hành vi chống đối, ngăn cản Tổ công tác của Đội CSGT Công an huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đang làm nhiệm vụ. Dù bị khống chế nhưng người này vẫn văng nhiều từ ngữ dung tục, khó nghe.
Do đòi tiền phí, người giao hàng bị vợ chồng người nhận hàng sử dụng hung khí là tuýp sắt, bình hoa, ghế… đánh gãy hai tay. Chuyên gia pháp lý cho biết, vụ việc này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Chuyên gia pháp lý nhận định, đây là một vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác.
Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội khiến nhiều người tan cửa, nát nhà, gia đình ly tán. Do vậy, việc đấu tranh với các hoạt động mê tín dị đoan đồng bóng, bói toán là cần thiết để xã hội văn minh hơn, phát triển lành mạnh hơn