Kết quả điều tra xác định có 875 khách hàng gồm 440 cá nhân, 435 pháp nhân đứng tên 1.284 khoản vay được bà Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm đối tượng tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.
VKSND Tối cao xác định nhóm đối tượng được thuê đứng tên ký khoản vay, đại diện pháp luật Công ty ký hồ sơ vay, đứng tên tài sản bảo đảm, ký chứng từ rút, chuyển tiền, làm nhân viên kế toán, nhân sự hành chính… liên quan đến các hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định là các đối tượng có vai trò thứ yếu.
Ngoài tiền lương được trả, những người này không được hưởng lợi gì khác. Bản thân họ không nhận thức được hành vi đứng tên như trên đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền Ngân hàng SCB. Họ cũng là những người lệ thuộc, thực hiện nhiệm vụ do các đối tượng khác thuê.
Quá trình điều tra, những người này đã thành khẩn khai báo, do vậy không xem xét trách nhiệm hình sự đối với họ.
Ngoài nhóm người được thuê, trong vụ án này, có một nhóm cán bộ Ngân hàng SCB ở cấp đơn vị, chi nhánh cho vay; tái thẩm định cho vay; tham mưu cho Ban Tổng giám đốc, cán bộ giúp việc cho HĐQT, Ban Kiểm soát. Họ có có tham gia trong hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định, kiểm tra, kiểm soát hoạt động Ngân hàng SCB.
Một nhóm cá nhân là những người ở cấp đơn vị, chi nhánh có tham gia hạch toán liên quan đến tiền giải ngân đối với các khoản vay của bà Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Thị Mỹ Lan bị cáo buộc chiếm đoạt 304.000 tỉ
Tuy nhiên, VKSND Tối cao xác định họ chỉ là những người lệ thuộc, là người làm công ăn lương, không giữ chức vụ, vị trí chủ chốt, thực hiện công việc chuyên môn theo yêu cầu của lãnh đạo Ngân hàng SCB.
Quá trình điều tra họ đã tích cực hợp tác, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm, do vậy không xem xét trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân này.
Ngoài ra, đối với các bị can trong vụ án, ngoài hành vi bị điều tra, truy tố còn thực hiện hành vi sai phạm khi giữ các vị trí, vai trò thứ yếu trong việc tạo lập hồ sơ vay vốn khống, giải ngân để bà Trương Mỹ Lan sử dụng.
Khi thực hiện hành vi sai phạm, những người này đều là những người lệ thuộc, làm công ăn lương, thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của lãnh đạo Ngân hàng SCB.
Do vậy, không xem xét trách nhiệm hình sự những người này đối với các khoản vay mà họ đã tham gia ở vai trò, vị trí thứ yếu.
Đánh giá về nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng kết quả điều tra vụ án này rất thận trọng, kỹ lưỡng, đã làm rõ hành vi, vai trò của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ án, xử lý đối với nhiều tổ chức cá nhân theo quy định của pháp luật. Có thể nói rằng vụ án này lộc nhiều kỷ lục về tố tụng, trong đó có kỷ lục về số lượng hồ sơ tài liệu được cơ quan điều tra thu thập (tới 6 tấn), số bị can, số tội danh bị đề nghị truy tố và đặc biệt là xác định số tài sản, số tiền mà các bị can chiếm đoạt và gây thiệt hại là đặc biệt lớn, có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và cháu gái Trương Huệ Vân bị truy tố - Ảnh: Bộ Công an
Một điều cũng đáng chú ý trong vụ án này là không phải tất cả các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức cá nhân đều bị xử lý hình sự. Những hành vi vi phạm pháp luật nhưng không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ không đề cập xử lý hình sự. Với những hành vi vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý hình sự nhưng hành vi là thứ yếu giúp sức, không hưởng lợi, thực hiện công việc theo chỉ đạo, nhận thức về pháp luật hạn chế thì cũng có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự hoặc đề cập xử lý bằng hình thức khác phù hợp với chính sách hình sự ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.
Bộ luật hình sự Việt Nam quy định tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ và phải chịu hình phạt.
Bộ luật hình sự cũng quy định, việc áp dụng pháp luật hình sự phải mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, từng hành vi, từng hậu quả, tránh việc áp dụng cào bằng máy móc có thể dẫn đến oan sai hoặc không đảm bảo yếu tố răn đe giáo dục. Theo đó khoản 2, điều 8 bộ luật hình sự quy định: "Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.".
Như vậy, có thể nói rằng việc xử lý tội phạm căn cứ vào hai yếu tố là yếu tố hành vi và yếu tố nhân thân. Việc xác định tội phạm cũng không chỉ căn cứ vào hành vi mà còn căn cứ vào hậu quả, tính chất nguy hiểm của hành vi để có hình thức xử lý phù hợp. Với những hành vi tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không sử lý bằng chế tài hình sự. Quy định này trong bộ luật hình sự là thể hiện tính chất nhân đạo, nhân văn, thể hiện sự phân hóa vai trò trách nhiệm trong đồng phạm cũng như đối với những người có liên quan trong vụ án hình sự. Bởi vậy, trong quá trình giải quyết vụ án hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng cần phải thận trọng trong việc xem xét đánh giá hành vi của từng đối tượng, xác định tính chất của hành vi và đánh giá hậu quả của hành vi đó đã gây ra. Trong các vụ án có đồng phạm thì phải làm rõ hành vi vai trò của từng đối tượng có liên quan để có đường lối xử lý phù hợp.
Về nguyên tắc chung là người phạm tội thì phải chịu hình phạt. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì phải bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, pháp luật hình sự Việt Nam cũng quy định những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự, đó là những trường hợp thực hiện hành vi có tính chất nguy hiểm cho xã hội nhưng trong những hoàn cảnh đặc biệt, vì đại cục, vì mục đích tốt đẹp như phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, bắt giữ tội phạm, thực hiện mình mệnh lệnh cấp trên, rủi ro khi nghiên cứu khoa học ... thì không xử lý hình sự. Ngoài ra, bộ luật hình sự cũng có những quy định về miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện...
Theo đó điều 29 bộ luật hình sự quy định về miễn trách nhiệm hình sự là người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi có quyết định đại xá.
Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây: Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Như vậy, trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nhưng thuộc một trong các trường hợp theo quy định nêu trên thì có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự. Vẫn xác định là có sai phạm, có phạm tội nhưng do chính sách nhân đạo của pháp luật nên được miễn, không kết tội, không áp dụng hình phạt. Trong vụ án liên quan đến công ty Việt Á vừa qua thì các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã áp dụng triệt để quy định này để miễn trách nhiệm hình sự cho hàng loạt cán bộ, cá nhân có liên quan đến công ty này trong quá trình phòng chống dịch bệnh. Việc quyết định như vậy đã được sự đồng tình ủng hộ của dư luận xã hội, phù hợp với chính sách xét xử hình sự và chính sách của đảng và nhà nước trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực hiện nay.
Chính sách xét xử hình sự Việt Nam hiện nay là kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố khoan hồng và nghiêm trị. Hình phạt trong hình sự là thể hiện sự khoan hồng nhân đạo, nhân văn và chú trọng các giải pháp phòng ngừa. Quan điểm trong phòng chống tham nhũng tiêu cực của đảng là xử lý một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực, xử lý phải đúng người đúng tội, thể hiện tính chất nhân văn nhân đạo trong việc áp dụng pháp luật.
Trên cơ sở tư tưởng nhất quán của đảng và nhà nước về chính sách xét xử hình sự thì hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao cũng đã ban hành nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP trong đó có nội dung thể hiện về chính sách khoan hồng đặc biệt để miễn hình phạt trong một số trường hợp: Xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại Điều 59 của Bộ luật Hình sự đối với trường hợp người phạm tội có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Người phạm tội không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, mà chỉ vì muốn đổi mới, dám đột phá vì sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc; "Người phạm tội là người có quan hệ lệ thuộc (như cấp dưới đối với cấp trên, người làm công hưởng lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên), không ý thức được đầy đủ hành vi phạm tội của mình, không vì động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, không được hưởng lợi"; "đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm"; "Người phạm tội đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra; Người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.".
Tòa nhà Sherwood, 127 Pasteur, quận 3, nơi những chiếc xe chở tiền từ SCB về cho Trương Mỹ Lan - Ảnh: T.T.D
Như vậy, có thể thấy rằng chính sách xét xử hình sự ở Việt Nam hiện nay là kết hợp hài hòa giữa yếu tố khoan hồng và nghiêm trị, việc xử lý đòi hỏi phải khách quan, công bằng, đúng pháp luật, thể hiện tính chất nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng vẫn thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo. Đặc biệt là cần phải phân hóa vai trò trách nhiệm đối với từng tổ chức cá nhân trong các vụ án cụ thể để xác định tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm pháp luật, đánh giá hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Trong vụ án có đồng phạm thì cũng cần phân hóa vai trò của từng đối tượng phạm tội để có đường lối xử lý phù hợp.
Thực tế cho thấy, nhận thức pháp luật của người Việt Nam hiện nay không cao, nhiều người thiếu hiểu biết pháp luật nên đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Mặc dù pháp luật quy định trong những trường hợp cụ thể bắt buộc chủ thể phải biết nhưng nếu không biết mà thực hiện hành vi thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định này chỉ có thể hợp lý khi công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn và ý thức pháp luật của người dân được nâng cao hơn. Thực tiễn có rất nhiều trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi mặc dù pháp luật bắt buộc phải nhận thức. Chính vì vậy khi xử lý đối với những trường hợp phạm tội với lỗi cố ý gián tiếp và lỗi vô ý do cẩu thả thì cần phải có đường lối xử lý phù hợp. Thậm chí trong một số trường hợp lỗi là vô ý do cẩu thả (Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội không nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội) nhưng nhiều người vẫn đánh giá đó là lỗi cố ý (nhận thức được hành vi nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm) nên việc xác định cấu thành tội phạm gây tranh cãi.
Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Ảnh: NVCC
Thực tiễn nhiều vụ án hình sự thời gian gần đây cho thấy rất nhiều người dân thiếu hiểu biết pháp luật, những người làm công ăn lương làm việc theo sự phân công chỉ đạo của lãnh đạo mà không ý thức được tính chất nguy hiểm của hành vi, tính chất giúp sức của hành vi vi phạm của mình. Thêm vào đó là công tác quản lý nhà nước ở nhiều ngành lĩnh vực chưa tốt, thói quen trong làm việc không còn phù hợp với quy định của pháp luật dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra khá nhiều trong tất cả các lĩnh vực. Nhiều người vi phạm pháp luật mà không biết mình vi phạm, vô tình tiếp tay cho đối tượng phạm tội. Bởi vậy trong buổi cảnh ý thức pháp luật còn chưa cao, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa hiệu quả ở nhiều nơi thì cần có đường lối xử lý phù hợp đối với từng đối tượng, từng hoàn cảnh trong các vụ án cụ thể.
Suy cho cùng thì việc kết tội các bị cáo trong vụ án hình sự là để thực hiện mục tiêu giáo dục, cải tạo giáo dục bị cáo trở thành người tốt sống có ích cho xã hội. Yếu tố răn đe phòng ngừa cũng hướng đến mục tiêu giáo dục. Bởi vậy đối với những người vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức xử lý hình sự hoặc đến mức xử lý hình sự nhưng có thể miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, có thể chuyển hướng xử lý mà vẫn đảm bảo được công tác phòng ngừa tội phạm, đủ sức răn đe giáo dục chung thì không nên xử lý bằng chế tài hình sự. Đó là chính sách phù hợp với bản chất chế độ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện kinh tế văn hóa xã hội ở Việt Nam hiện nay và tạo cơ hội cho những người mắc sai lầm có cơ hội sửa sai.
_____________________________________
Ts. Đặng Văn Cường
Khoa Luật và Lý luận Chính trị
Trường Đại học Thuỷ Lợi
Điện thoại/Zalo: 0977999896