Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Thu thập, sử dụng, sao chép, chia sẻ, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự ?
05/06/2023
icon-zalo
Thu thập, sử dụng, sao chép, chia sẻ, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý hình sự?
 
Trong thời đại kết nối toàn cầu và bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay thì những thông tin về bí mật đời tư cá nhân, những thông tin riêng tư là rất quan trọng. Pháp luật các quốc gia đều có những quy định để bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, quản lý thông tin cá nhân nhằm hướng đến bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm và tài sản của mọi công dân, đặc biệt là bảo vệ công dân trên môi trường mạng. Thông tin cá nhân mà bị thu thập, chia sẻ, mua bán, sử dụng trái phép thì sẽ xảy ra nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội và đối với nạn nhân bị sử dụng trái phép thông tin. Ít nhất thì người bị lộ lọt, bị chia sẻ sử dụng trái phép thông tin sẽ bị quấy nhiễu, làm phiền bởi các tin nhắn quảng cáo, cuộc gọi quảng cáo... Nghiêm trọng hơn là các đối tượng xấu có thể sử dụng những thông tin cá nhân đó để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nạn nhân bị lộ lọt thông tin trở thành nạn nhân bị chiếm đoạt tài sản thông qua các phương thức lừa đảo như đe dọa, dan dối khiến cho nạn nhân tin tưởng hoặc sợ hãi mà chuyển giao tài sản. 

Biện pháp và nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân -0
Pháp luật Việt Nam có rất nhiều quy định để bảo đảm và bảo vệ bí mật đời tư cá nhân. Từ Hiến pháp cho đến các văn bản luật như các văn bản pháp luật chuyên ngành khác như Luật Xuất bản, Luật Báo chí, Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Bộ luật Tố tụng Dân sự và Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Quản lý Thuế… Và những văn bản dưới luật đều có những quy định để bảo vệ bí mật đời tư cá nhân. Người thực hiện hành vi xâm phạm đến bí mật đời tư cá nhân thì sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chế tài có thể là hành chính, kỷ luật hoặc bị xử lý hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. 

 

  • Bảo vệ dữ liệu cá nhân chính là bảo vệ người dân

Lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao ngày càng vững mạnh

  • Tràn lan thu thập, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân (bài 1)
  • Cơ quan chức năng phát hiện bắt giữ nhiều đối tượng mua bán, sử dụng trái phép thông tin cá nhân (ảnh minh họa)
 
Luật pháp quốc tế cũng ghi nhận quyền tự do cá nhân và bảo vệ bí mật đời tư cá nhân. Theo đó, trong Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền 1948 (UDHR), Điều 12 ghi nhận: "Không ai phải chịu sự can thiệp một cách tuỳ tiện vào cuộc sống riêng tư, gia đình, nơi ở hoặc thư tín, cũng như bị xúc phạm danh dự hoặc uy tín cá nhân; mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại sự can thiệp và xâm phạm như vậy.”

Trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Điều 17 cũng quy định: “Không ai bị can thiệp một cách tuỳ tiện hoặc bất hợp pháp vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xâm phạm bất hợp pháp đến danh dự và uy tín. Mọi người đều có quyền được pháp luật bảo vệ chống lại những can thiệp hoặc xâm phạm như vậy.”.

Như vậy, cả Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đều ghi nhận: mỗi người đều được bảo vệ về những điều riêng tư trong đời sống cá nhân, gia đình, nơi ở và thư tín. Cả hai văn bản này đều có hiệu lực trên lãnh thổ Việt Nam, mỗi cá nhân đều được Nhà nước Việt Nam bảo vệ quyền riêng tư này. Bởi vậy, trong các mối quan hệ quốc tế cũng như quan hệ giữa các công dân với nhau thì mỗi người đều được ghi nhận đảm bảo quyền riêng tư cá nhân phải được pháp luật bảo vệ bằng những quy định và chế tài cụ thể. 

Biện pháp, điều kiện bảo đảm bảo vệ dữ liệu cá nhân - Ảnh 1.

Biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân được áp dụng ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xử lý dữ liệu cá nhân.

Kế thừa nội dung tiến bộ của các bản hiến pháp trước đó và tiếp nhận nội dung tinh thần của luật pháp quốc tế, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định:“- Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình”.

Ngoài Hiến pháp thì các văn bản luật cũng quy định về quyền bí mật đời tư cá nhân, trong đó có thể kể đến Luật đảm bảo an toàn thông tin, nội dung thể hiện: “- Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác”.

Điều 46 Luật giao dịch điện tử quy định về Bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử như sau: “- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn các biện pháp bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật khi tiến hành giao dịch điện tử; Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

Điều 21 Luật Công nghệ thông tin năm 2006 quy định thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trên môi trường mạng như sau: Tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

Tổ chức, cá nhân thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người khác có trách nhiệm sau đây: Thông báo cho người đó biết về hình thức, phạm vi, địa điểm và mục đích của việc thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân của người đó; Sử dụng đúng mục đích thông tin cá nhân thu thập được và chỉ lưu trữ những thông tin đó trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận giữa hai bên; Tiến hành các biện pháp quản lý, kỹ thuật cần thiết để bảo đảm thông tin cá nhân không bị mất, đánh cắp, tiết lộ, thay đổi hoặc phá huỷ; Tiến hành ngay các biện pháp cần thiết khi nhận được yêu cầu kiểm tra lại, đính chính hoặc hủy bỏ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này; không được cung cấp hoặc sử dụng thông tin cá nhân liên quan cho đến khi thông tin đó được đính chính lại.


Điều 22, Luật Công nghệ thông tin quy định lưu trữ, cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng: Cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân lưu trữ thông tin cá nhân của mình trên môi trường mạng thực hiện việc kiểm tra, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin đó; Tổ chức, cá nhân không được cung cấp thông tin cá nhân của người khác cho bên thứ ba, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác hoặc có sự đồng ý của người đó; Cá nhân có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm trong việc cung cấp thông tin cá nhân.

Đối với thông tin hình ảnh của công dân cũng được bộ luật dân sự 2015 quy định rất cụ thể, theo đó việc sử dụng thông tin hình ảnh của người khác thì phải được người đó đồng ý, việc sử dụng trái phép có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật. Cụ thể:

"Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2. Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ:

a) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng;

b) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

3. Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật."

Theo thống kê, hiện nay đã có hơn 80 quốc gia ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ DLCN. Chế tài xử phạt hành chính và hình sự đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ DLCN rất chặt chẽ và nghiêm khắc. Trong đó, có đã ban hành Quy định bảo mật dữ liệu vào tháng 5/2017, tiến hành quy trình kiểm toán đối với hơn 150 công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau để đánh giá mức độ tuân thủ bảo mật dữ liệu, thành lập Cơ quan bảo vệ quyền riêng tư, quy định xử lý hình sự và hành chính đối với các hành vi không tuân thủ.

Nhật Bản ban hành Luật bảo vệ thông tin cá nhân (APPI) vào tháng 5/2017, điều chỉnh đối với tất cả các công ty kinh doanh có trụ sở tại Nhật Bản hay ở nước ngoài khi kinh doanh tại Nhật Bản, thành lập Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân (PPC), tăng cường quản lý các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài (Google, Facebook, Amazon...). Một số quốc gia như Pháp, Áo, Đức, Anh, Mỹ đề xuất áp thuế cao hơn, tương đương 3-5% doanh thu toàn cầu đối với các công ty kinh doanh dịch vụ mạng xã hội.

Ngày 10/6/2021, Trung Quốc ban hành Luật Bảo mật dữ liệu, với 07 Chương, 55 Điều, điều chỉnh hoạt động xử lý dữ liệu bên trong lãnh thổ Trung Quốc, có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2021 [1]. Ngày 20/8/2021, Trung Quốc ban hành Luật Bảo vệ thông tin cá nhân, gồm 08 Chương với 74 Điều, điều chỉnh hoạt động xử lý DLCN trong và ngoài lãnh thổ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 01/11/2021. Nội dung hai Đạo luật này hướng tới mục tiêu bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia Trung Quốc trước thời đại công nghệ số, thúc đẩy khai thác, sử dụng dữ liệu hiệu quả, an toàn; Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu toàn diện, có phân cấp; Quản lý hoạt động thu thập, khai thác, chuyển giao dữ liệu trong cộng đồng; Giám sát và bảo vệ an toàn dữ liệu của nhà nước và công dân; Xử phạt nghiêm hành vi vi phạm bảo mật dữ liệu.

Như vậy, có thể thấy rằng luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam đều có những quy định rất cụ thể để bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, bảo vệ thông tin và hình ảnh của mọi công dân. Những hành vi thu thập trái phép thông tin của người khác hoặc sử dụng trái phép thông tin của người khác, chia sẻ, mua bán trái phép thông tin của người khác hoặc truy cập đánh cắp thông tin của người khác là hành vi vi phạm pháp luật, những hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu sử dụng thông tin hình ảnh của người khác để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người thực hiện hành vi còn bị xử lý thêm các tội danh thuộc nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu tài sản Như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự hoặc tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để chiếm đoạt tài sản theo điều 290 bộ luật hình sự. Nếu sử dụng thông tin, hình ảnh, bí mật đời tư của người khác để đe dọa nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị Xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 170 bộ luật hình sự. 

Riêng hành vi thu thập sử dụng trái phép thông tin cá nhân nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì hành vi này cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính tới 60.000.000 đồng.

Cụ thể, theo khoản 30 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP sửa đổi mức phạt đối với một số hành vi vi phạm về thu nhập, sử dụng thông tin cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

Đây là mức phạt mới cao hơn mức phạt theo quy định của nghị định số 15/2020/NĐ-CP.Mức phạt trước đây theo khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP chỉ từ 20 triệu đến 30 triệu đồng. 

Ngoài ra, áp dụng mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với những hành vi vi phạm về thu nhập, sử dụng thông tin cá nhân khác, bao gồm:

- Thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó;

Cung cấp thông tin cá nhân cho bên thứ ba khi chủ thể thông tin cá nhân đã yêu cầu ngừng cung cấp.

20211214-ta18.jpgNhững hệ lụy từ việc mua bán dữ liệu cá nhân trên không gian mạng

Với hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin bí mật đời tư cá nhân gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo điều 288 bộ luật hình sự năm 2015 với mức chế tài có thể tới 07 năm tù, cụ thể như sau:

Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông 

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

g) Dẫn đến biểu tình.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản cũng có thể bị xử lý tới 12 năm tù theo quy định tại điều 289 bộ luật hình sự. Cụ thể như sau:

Điều 289, Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác 

1. Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của phương tiện điện tử; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

đ) Đối với trạm trung chuyển internet quốc gia, hệ thống cơ sở dữ liệu tên miền và hệ thống máy chủ tên miền quốc gia;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Đối với hệ thống dữ liệu thuộc bí mật nhà nước; hệ thống thông tin phục vụ quốc phòng, an ninh;

b) Đối với cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia; hệ thống thông tin điều hành lưới điện quốc gia; hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng; hệ thống thông tin điều khiển giao thông;

c) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Như vậy, có thể thấy rằng pháp luật Việt Nam không chỉ bảo vệ bí mật nhà nước mà đến này thì pháp luật Việt Nam đã có rất nhiều các quy định cụ thể để bảo vệ bí mật đời tư cá nhân công dân. Tuy nhiên, những hành vi xâm phạm đến bí mật đời tư cá nhân vẫn ra diễn ra rất nhiều trên không gian mạng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể kể đến nguyên nhân như:

  • Việc bảo mật thông tin trên mạng internet của nhiều cơ quan tổ chức vẫn chưa tốt, dẫn đến việc các đối tượng có thể xâm nhập đánh cắp thông tin;
  •  Việc thu thập thông tin của nhiều tổ chức cá nhân vẫn tùy tiện, thêm vào đó là ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ thông tin của công dân chưa tốt dẫn đến nhiều trường hợp bị lợi dụng, lạm dụng thông tin cá nhân vào các mục đích trái pháp luật hoặc các mục đích mà không được người có thông tin cho phép; 
  • Nhận thức hiểu biết của một bộ phận người dân về bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, tôn trọng quý mật cá nhân của người khác chưa tốt dẫn đến ý thức coi thường thông tin bí mật của người khác, dễ dàng thực hiện hành vi xâm phạm đến bí mật đời tư cá nhân của người khác;
  •  Nhiều người vẫn chưa có ý thức để bảo vệ bí mật đời tư cá nhân, dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân trong những trường hợp không cần thiết, không có thoả thuận cụ thể về việc sử dụng thông tin cá nhân cũng như cam kết bảo vệ bí mật đời tư cá nhân dẫn đến việc nhiều tổ chức cá nhân đã lợi dụng, lạm dụng để thu thập, chia sẻ, mua bán, sử dụng trái phép thông tin cá nhân, đặc biệt là data khách hàng; 
  • Trong thời đại công nghệ số thì thông tin công dân, bí mật đời tư cá nhân cũng là tài sản, hành vi thu thập, chia sẻ, mua bán trái phép thông tin cá nhân diễn ra công khai trên nhiều trang mạng. Nhiều người vì xem nhẹ pháp luật, hám lợi mà sẵn sàng bán thông tin cá nhân của người khác, sao chép, đánh cắp thông tin cá nhân của người khác để trục lợi...

 

Bởi vậy, để bảo vệ bí mật đời tư cá nhân công dân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh, bảo vệ quyền tự do hình ảnh của công dân thì phải thực hiện đồng bộ đầy đủ rất nhiều giải pháp trong đó có giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật; giải pháp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân; giải pháp tăng cường các biện pháp quản lý thông tin trên môi trường mạng; Giải pháp để đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng; giải pháp tăng cường các biện pháp kĩ thuật cũng như nhân lực để đấu tranh với những hành vi vi phạm, tội phạm trên không gian mạng, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao. Với những hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, hành vi xâm nhập trái phép vào mạng máy tính để chiếm đoạt thông tin hoặc những hành vi sử dụng trái phép thông tin của người khác để lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản thì cần phải phát hiện kịp thời, xử lý bằng những chế tài nghiêm minh của pháp luật thì mới thể hiện sự răn đe, phòng ngừa chung của xã hội. Cần phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh, kết hợp với các giải pháp phòng ngừa vi phạm, phòng ngừa tội phạm một cách hiệu quả thì mới giảm thiểu được những vụ việc thu thập, sao chép, sử dụng, chiếm đoạt trái phép thông tin cá nhân.

_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407
Website: Luatchinhphap.com
Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896