Vì sao phụ huynh 'xuống tay' cho trường quốc tế vay hàng tỷ?
Gần 1 năm qua, hàng trăm phụ huynh có con học ở Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam ngồi trên đống lửa khi đi đòi nợ trường. Sự việc chỉ vỡ lở khi phụ huynh quây cổng trường đòi nợ. Lúc này nhiều người mới vỡ lẽ, nhà trường đã huy động vốn với số tiền hàng trăm tỷ và có thể lên tới hàng nghìn tỷ từ phụ huynh.
Giao dịch trên là hình thức giúp nhiều trường tư thục huy động vốn. Thay vì tiếp cận nguồn tiền từ các ngân hàng, hội đồng quản trị chọn vay từ phụ huynh. Họ không trả lãi suất tiền mặt mà bằng học phí ở chính ngôi trường đang điều hành.
Cụ thể, mô hình huy động vốn của trường Quốc tế Mỹ hoạt động theo hình thức nhà trường và phụ huynh sẽ cùng ký hợp đồng vay vốn. Trong đó, phía phụ huynh sẽ đồng ý cho trường vay một khoản tiền (số tiền từ vài tỷ đồng lên tới hơn 15 tỷ đồng) được quy đổi ra USD. Phụ huynh sẽ không tính lãi suất của khoản tiền vay trên trong suốt thời gian học sinh tham gia chương trình đào tạo tại trường. Hợp đồng sẽ có hiệu lực từ ngày ký cho tới ngày học sinh chấm dứt chương trình đào tạo.
Trường Quốc tế Mỹ có nghĩa vụ hoàn trả số tiền vay cho phụ huynh trong thời gian 30 ngày kể từ khi học sinh học hết lớp 12. Nếu phía trường Quốc tế Mỹ chậm hoàn trả tiền cho phụ huynh, ngoài tiền gốc phải hoàn trả còn phải trả khoản lãi theo lãi suất huy động vốn của ngân hàng, tính trên số ngày thực tế chậm trả và số tiền chậm hoàn trả. Đổi lại hợp đồng này, phụ huynh sẽ không phải đóng học phí cho con suốt quá trình học.
Trong đơn thư của một phụ huynh trường Quốc tế Mỹ gửi các cơ quan chức năng mới đây tiết lộ 90% phụ huynh nhà trường đã đóng tiền đầy đủ cho con theo học đến hết cấp 3 dưới dạng hợp đồng vay vốn, hợp đồng góp vốn đầu tư với tổng số tiền lên tới 3.200 tỷ đồng. Hay nói cách khác, trường Quốc tế Mỹ đã huy động vốn từ phụ huynh lên tới 3.200 tỷ đồng.
Không riêng trường Quốc tế Mỹ, nhiều trường quốc tế khác ở TP.HCM hiện nay cũng đang thực hiện huy động vốn từ phụ huynh. Chẳng hạn trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA) có chương trình đóng học phí dài hạn. Nếu đóng trước 2 năm sẽ được chiết khấu 20%, đóng trước 3 năm được chiết khấu 30%, đóng trước 4 năm được chiết khấu 40% và đóng trước 5 – 12 năm được chiết khấu 50%.
Với mức chiết khấu này, phụ huynh có thể được miễn trừ hàng tỷ đồng cho mức học phí phải đóng hiện nay là từ 514 - 803 triệu đồng/năm áp dụng cho các lớp từ tiểu học đến 12. Đặc biệt, nếu đóng từ 5-12 năm, phụ huynh được chiết khấu 50% - tức được giảm một nửa học phí nếu con theo học trường này.
Hay tại trường Quốc tế Nam Mỹ (UTS) cũng có gói đầu tư tài chính, phụ huynh đầu tư khoảng 2 tỷ đồng sẽ được miễn 100% học phí và nhận lại khi con kết thúc chương trình học.
Tại Hà Nội, Hệ thống trường Dewey với mức học phí từ 300 – 560 triệu đồng/năm cũng áp dụng “chương trình nộp học phí nhiều kỳ”. Phụ huynh có thể nộp học phí trước nhiều kỳ để nhận được học bổng hoặc các khoản giảm trừ đặc biệt. Học sinh cũng sẽ được giữ nguyên mức học phí khi đóng nhiều kỳ liên tiếp (trên 2 năm).
Ngoài ra, hệ thống trường này còn triển khai chương trình trả góp học phí lãi suất 0% đối với những phụ huynh nộp phí từ 1 - 3 năm, tương ứng từ năm học 2024 – 2025 đến năm học 2026-2027. Phụ huynh có thể sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán trước, nhà trường sẽ chi trả 100% lãi suất khoản vay đóng học phí. Trị giá gói vay từ 100% - 300% học phí cả năm học. Như vậy, phụ huynh vẫn sẽ được hưởng song song các chương trình ưu đãi.
Hình thức nhà đầu tư "cắt cầu" ngân hàng: Rủi ro đến đâu?
Nhiều phụ huynh sẵn sàng đóng trước vài năm vì cho rằng hình thức này mang tính ổn định đường dài về học phí. “Nếu áp mức tăng thường niên sẽ làm học phí đóng lẻ từng năm cao hơn. Ngoài việc được hưởng chiết khấu cao, phụ huynh cũng không bị ảnh hưởng bởi chính sách tăng học phí theo năm so với đóng lẻ”, một phụ huynh cho biết.
Theo nhiều chuyên gia, hình thức vay vốn thông qua “gói đầu tư giáo dục” – phụ huynh trả học phí trước nhiều năm – đã có từ gần 15 năm trước. Hình thức đầu tư giáo dục thông qua học phí về bản chất ẩn chứa mối quan hệ tín dụng, trong đó nhà trường "cắt cầu" ngân hàng bằng cách làm việc với phụ huynh.
Một đặc điểm riêng của dịch vụ trường học là trường thu tiền trước rồi cung cấp dịch vụ sau và bao giờ người học cũng phải đóng học phí trước khi học. Với gói đầu tư giáo dục dài hạn, người học còn phải "tạm ứng" trước nhiều năm cho nhà trường.
Về hình thức này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho biết pháp luật hiện hành không có quy định nào cấm, hạn chế việc trường học vay tiền phụ huynh.
Pháp luật Việt Nam cho phép doanh nghiệp huy động vốn bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức vay vốn của các tổ chức, cá nhân hoặc vay vốn của các tổ chức tín dụng. Việc vay mượn được thực hiện trên cơ sở thoả thuận tự nguyện, phải sử dụng tiền đúng mục đích và thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận giữa các bên.
Ông Cường cho rằng, các cơ sở ngoài công lập hoạt động với chủ sở hữu là một công ty cổ phần, do đó được phép huy động vốn dưới dạng góp cổ phần, vốn góp từ người lao động trong đơn vị, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác thông qua hợp tác, liên kết...
“Trong trường hợp này, cán bộ nhà trường đã thuyết phục phụ huynh cho vay tiền với chính sách ưu đãi miễn học phí; cơ sở hạ tầng khang trang là những căn cứ, cơ sở để các phụ huynh tin tưởng cho vay với số lượng tiền lớn như vậy”, ông Cường nói.
Trong tình huống trường có phương án tài chính kỹ lưỡng và hiệu quả, họ có thể "mượn" vốn từ phụ huynh để xây dựng, phát triển trường thì hình thức hợp tác này "đôi bên cùng có lợi".
Tuy nhiên ông Cường cũng cho rằng, với các gói đầu tư giáo dục như vậy, phụ huynh cũng sẽ đối mặt với nhiều rủi ro, bởi việc cho vay dựa trên niềm tin với ban lãnh đạo và tương lai phát triển của nhà trường mà không có biện pháp đảm bảo.
Do đó trước khi “xuống tiền”, các phụ huynh cần cân nhắc và làm rõ các yếu tố bao gồm: Hoạt động huy động vốn này có đúng pháp luật hay không? Việc sử dụng vốn của nhà trường như thế nào? Giải pháp nếu cơ sở giáo dục này mất khả năng thanh toán, không có khả năng trả lương cho người lao động và trả lãi suất huy động cho các nhà đầu tư?
“Trong trường hợp thấy nhà trường không còn khả năng tái cơ cấu, không thể huy động thêm vốn để duy trì hoạt động, các phụ huynh cần phải cân nhắc đến việc sẽ chuyển con sang các cơ sở giáo dục cùng hệ thống hoặc có chương trình học tương tự để tiếp tục việc học tập.
Trường hợp nhà trường không thực hiện đúng cam kết, thỏa thuận, phụ huynh và các nhà đầu tư có thể đưa vụ việc ra pháp luật để được xem xét giải quyết theo quy định”, luật sư Cường nói.
Nguồn: Báo Vietnamnet Rủi ro từ mô hình huy động vốn của trường quốc tế học phí nghìn tỷ (vietnamnet.vn)