Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp: Có phải do chế tài không đủ sức răn đe ?
24/01/2024
icon-zalo

Xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp: Có phải do chế tài không đủ sức răn đe ?

 
Ts. Đặng Văn Cường - Ủy viên ban chấp hành Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Xâm hại tình dục ở trẻ em đã trở thành vấn đề xã hội lâu nay. Những con số thống kê về trẻ em bị xâm hại tình dục cho thấy việc đấu tranh với nạn xâm hại tình dục ở trẻ em còn gặp nhiều khó khăn, nguy cơ trẻ em bị xâm hại tình dục rất cao ở mọi môi trường, đối với mọi đối tượng. Theo số liệu báo cáo của Bộ công an thì chỉ tính trong 06 tháng đầu năm 2023, cả nước đã phát hiện 1075 vụ xâm hại trẻ em, xâm hại tới 1233 trẻ em, tăng 2,6% số vụ và tăng 13,3% số trẻ em bị xâm hại so với cùng kỳ năm 2022, (trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 917 vụ, xâm hại 1041 trẻ em), có cả nạn nhân là trẻ em nam với con số trẻ em nam bị xâm hại tình dục gia tăng nhanh chóng.
 
Các nguyên nhân của trình trạng xâm hại tình dục trẻ em được nhiều nghiên cứu và báo cáo đánh giá là xuất phát từ 3 cấp độ: trẻ em, gia đình, và xã hội.

Các nguyên nhân của trình trạng xâm hại tình dục trẻ em được nhiều nghiên cứu và báo cáo đánh giá là xuất phát từ 3 cấp độ: trẻ em, gia đình và xã hội.

 
Trẻ em không chỉ bị xâm hại tình dục ở ngoài đường, những nơi vắng vẻ xa lạ mà còn có thể bị xâm hại tình dục ngay trong nhà mình, ngày nơi học sinh đang học tập hoặc đang trên đường từ trường về nhà; Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em không chỉ có người lạ mà phần nhiều là những người thường xuyên tiếp xúc với các em như cha mẹ, chú bác, thầy cô và những người thân quen khác..
 
Những nguyên nhân dẫn đến hành vi xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam hiện nay
 
Do điều kiện phát triển kinh tế xã hội, nhận thức, văn hóa và các yếu tố về lịch sử nên trẻ em ở Việt Nam có nguy cơ bị xâm hại tình dục mọi lúc, mọi nơi nơi, với mọi đối tượng. Bởi vậy bảo vệ trẻ em khỏi nạn xâm hại tình dục là một công việc, nhiệm vụ vô cùng khó khăn, gian nan trong giai đoạn hiện nay. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó có thể kể đến như:
 
- Đạo đức xã hội xuống cấp trong một bộ phận, khiến những người này xem nhẹ giá trị đạo đức, sẵn sàng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em trong đó có cả những người thân của trẻ em, các thầy cô giáo;
- Sự tác động bởi những văn hóa phẩm đồi trụy, các băng đĩa hình ảnh đồi trụy trên không gian mạng khiến nhiều người có những suy nghĩ lệch lạc, kích thích tác động đến phần bản năng dung tục dẫn đến thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em;
- Không ít người thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em do yếu tố bệnh lý, bệnh lý tác động đến vấn đề sinh lý và tâm lý dẫn đến những người này khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc hành vi dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội liên tục, kéo dài, với nhiều người, có tính chất nguy hiểm và có nguy cơ tái phạm cao;
- Nhiều trẻ em vẫn chưa được tiếp cận với kỹ năng bảo vệ bản thân trong các tình huống có nguy cơ bị xâm hại tình dục, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khi kỹ năng bảo vệ bản thân khỏi hành vi xâm hại tình dục chưa tốt nên các em rất dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng xâm hại tình dục;
- Những học sinh ở các trường dân tộc nội trú, bán trú, học tập sinh hoạt toàn thời gian trên trường, thiếu sự quản lý kiểm soát của cha mẹ, phụ thuộc vào thầy cô và nhân viên giáo dục. Nếu như môi trường giáo dục này không tốt phải không lành mạnh, cán bộ nhân viên của cơ sở giáo dục hoặc các thầy cô giáo suy đồi về đạo đức, biến thái thì rất dễ có thể thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với các em này;
- Nhiều gia đình ly hôn, sau đó cha mẹ sống chung với người khác như vợ chồng hoặc có cuộc hôn nhân tiếp theo nhưng không lành mạnh, cha dượng mẹ kế là người nghiện ma túy, sa đà vào các tệ nạn xã hội thì cũng rất dễ lạm dụng tình dục trẻ em là con riêng của vợ, thực tiễn trong xã hội thời gian qua đã xảy ra không ít những vụ án hình sự mà đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em là người tình của cha mẹ;
- Ngoài ra những người thân trong gia đình như ông, chú, bác, thậm chí là cha đẻ của các cháu bé ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa có trình độ nhận thức hạn chế, nếu suy đồi về đạo đức thì cũng có thể trở thành đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Khi say xỉn, văn hóa nhận thức hạn chế hoặc do tác động bởi yếu tố bệnh lý cũng có thể khiến những người thân quen ruột thịt của trẻ em thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em;
- Trẻ em tham gia các hoạt động trên không gian mạng, tiếp xúc với các mối quan hệ trên không gian mạng cũng rất dễ bị lạm dụng tình dục, bị xâm hại tình dục từ các mối quan hệ quen biết này;
- Một điều cũng đang báo động là không chỉ có trẻ em nữ bị xâm hại tình dục mà đến trẻ em nam cũng có nguy cơ bị xâm hại tình dục ngày càng nhiều, trong đó có những vụ việc trẻ em nam bị xâm hại tình dục hàng loạt như vụ việc xảy ra ở trường dân tộc nội trú Thanh Sơn - Phú Thọ hoặc vụ việc liên quan đến thầy giáo dạy võ Taekwondo vừa bị phát hiện... Khi trẻ em nam bị xâm hại tình dục thì khó phát hiện hơn bởi phụ huynh chủ quan và các em cũng ít bột lộ về những chuyện riêng tư, tế nhị;
 
  • Xâm hại tình dục trẻ em là gì?
    (ảnh minh họa)
Những khó khăn trong việc bảo vệ trẻ em khỏi hành vi xâm hại tình dục
 
Hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em cũng rất đa dạng. Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao thì: "Xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ người dưới 16 tuổi tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi và sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức (ví dụ: hoạt động xâm hại tình dục được thực hiện do đồng thuận với người dưới 13 tuổi); do cưỡng bức, do hứa hẹn các lợi ích vật chất (tiền, tài sản) hay các lợi ích phi vật chất (ví dụ: cho điểm cao, đánh giá tốt, tạo cơ hội tiến bộ...).".
 
Nghị quyết này cũng hướng dẫn một số khái niệm như: "Giao cấu" quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi xâm nhập của bộ phận sinh dục nam vào bộ phận sinh dục nữ, với bất kỳ mức độ xâm nhập nào.
Giao cấu với người dưới 10 tuổi được xác định là đã thực hiện không phụ thuộc vào việc đã xâm nhập hay chưa xâm nhập;
"Hành vi quan hệ tình dục khác" quy định tại khoản 1 Điều 141, khoản 1 Điều 142, khoản 1 Điều 143, khoản 1 Điều 144 và khoản 1 Điều 145 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hay khác giới tính sử dụng bộ phận sinh dục nam, bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, miệng, hậu môn của người khác với bất kỳ mức độ xâm nhập nào, bao gồm một trong các hành vi sau đây: Đưa bộ phận sinh dục nam xâm nhập vào miệng, hậu môn của người khác; Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: ngón tay, ngón chân, lưỡi...), dụng cụ tình dục xâm nhập vào bộ phận sinh dục nữ, hậu môn của người khác.
"Dâm ô" quy định tại khoản 1 Điều 146 của Bộ luật Hình sự là hành vi của những người cùng giới tính hoặc khác giới tính tiếp xúc về thể chất trực tiếp hoặc gián tiếp qua lớp quần áo vào bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác trên cơ thể của người dưới 16 tuổi có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục, gồm một trong các hành vi sau đây: Dùng bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, bộ phận khác của người dưới 16 tuổi; Dùng bộ phận khác trên cơ thể (ví dụ: tay, chân, miệng, lưỡi...) tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; Dùng dụng cụ tình dục tiếp xúc (ví dụ: đụng chạm, cọ xát, chà xát...) với bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm của người dưới 16 tuổi; Dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi dùng bộ phận khác trên cơ thể của họ tiếp xúc (ví dụ: vuốt ve, sờ, bóp, cấu véo, hôn, liếm...) với bộ phận nhạy cảm của người phạm tội hoặc của người khác; Các hành vi khác có tính chất tình dục nhưng không nhằm quan hệ tình dục (ví dụ: hôn vào miệng, cổ, tai, gáy... của người dưới 16 tuổi)...
 
Đây là văn bản pháp lý đầu tiên thống nhất cách hiểu trong các khái niệm đối với các tội danh xâm hại tình dục. Văn bản này là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định hành vi phạm tội theo các điều luật mà bộ luật hình sự đã quy định. 
 
Về mặt pháp lý, ngữ nghĩa của các hành vi xâm hại tình dục thì đến nay đã được khắc phục, hoàn thiện, làm cơ sở đấu tranh với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có cả trẻ em nam và trẻ em nữ. Văn bản này là cơ sở pháp lý để xử lý đối với các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên việc đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em còn rất nhiều khó khăn, trong đó có thể kể đến như:
 
- Những trẻ em bị xâm hại tình dục thì sợ bị đánh, xấu hổ, trách phạt mà không dám nói cho người lớn biết về mình trở thành nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục;
- Những hành vi xâm hại tình dục ở mức độ như dâm ô hoặc quan hệ tình dục khác thì trẻ em thường không nhận thức được nên không báo với cha mẹ. Thực tiễn cho thấy nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục ở mức độ như bị dâm ô hoặc bị thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác nhưng không biết mình trở thành nạn nhân nên không trình báo, không chia sẻ tâm sự với cha mẹ;
- Nhiều cha mẹ có những suy nghĩ không đúng đắn nên khi phát hiện con mình bị xâm hại tình dục đã tự giải quyết, tự thỏa thuận với đối tượng gây án mà không đưa ra pháp luật xử lý dẫn đến khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện, xử lý tội phạm xâm hại tình dục;
- Do thiếu hiểu biết pháp luật và thiếu kỹ năng nên rất nhiều vụ việc xâm hại tình dục một thời gian rất dài mới bị phát hiện, mới trình báo cho cơ quan chức năng nên khó khăn trong việc thu thập chứng cứ để chứng minh tội phạm;
- Nhiều đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục là những người thân quen trong gia đình nên khi biết chuyện thì cha mẹ vì nể nang, vì xấu hổ đã không đưa sự việc ra pháp luật;
- Những hành vi xâm hại tình dục thường diễn ra lén lút, nơi vắng vẻ không có người làm chứng nên việc chứng minh tội phạm thông thường chỉ dựa vào lời khai. Với những vụ việc mà chỉ là dâm ô hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác không để lại dấu vết, không thu được tinh dịch, ADN thì việc chứng minh tội phạm là rất khó;
- Nhiều trường hợp đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục sau đó bồi thường thiệt hại cho nạn nhân và gia đình đồng ý không tố cáo nên sự việc đã chìm vào quên lãng, không bị phát hiện xử lý;
- Có việc thu thập các chứng cứ, dấu vết trong vụ việc xâm hại tình dục, việc xét nghiệm đôi khi cũng gặp những khó khăn để có những chứng cứ khoa học chứng minh tội phạm do thu thập chứng cứ không đầy đủ, không kịp thời, phương tiện kĩ thuật không được đổi mới, trang bị kịp thời;
- Ngoài ra, không phải cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng nào cũng em hiểu tâm lý của trẻ em phải có trách nhiệm đối với việc đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục nên rất nhiều vụ việc đưa ra pháp luật nhưng không chứng minh được tội phạm hoặc việc chứng minh không khoa học, không hợp lý dẫn đến không xử lý được đối tượng thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Thậm chí không ít những vụ việc còn gây ra bức xúc trong dư luận xã hội và bức xúc đối với gia đình nạn nhân.
 
Liên quan đến các giải pháp phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, nhiều ý kiến cho rằng nên tăng cường sự quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và kết hợp giữa gia đình và nhà trường đối với các em.

Liên quan đến các giải pháp phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, nhiều ý kiến cho rằng nên tăng cường sự quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và kết hợp giữa gia đình và nhà trường đối với các em.

 
Vụ việc xâm hại tình dục trẻ em gia tăng có phải chế tài không đủ sức răn đe ?
 
Đối với mức hình phạt về hành vi xâm hại tình dục thì theo pháp luật Việt Nam hiện nay là rất nghiêm khắc: - Với hành vi hiếp dâm trẻ em (là hình thức giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người chưa đủ 16 tuổi) thì hình phạt thấp nhất là bẩy năm tù, cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình;
- Với hành vi cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì mức hình phạt thấp nhất từ 5 năm tù, mức hình phạt cao nhất đến tù chung thân;
- Hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì hình phạt thấp nhất là một năm tù, hình phạt cao nhất là 15 năm tù;
- Với hành vi dâm ô trẻ em (tội dâm ô với người dưới 16 tuổi) thì hình phạt thấp nhất là sáu tháng tù và hình phạt cao nhất đến 12 tháng tù;
- Với hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm thì hình phạt thấp nhất cũng là sáu tháng tù và hình phạt cao nhất có thể tới 12 năm tù.
 
Trong thực tiễn xét xử thì tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào tội danh, nhân thân của người phạm tội và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà tòa án sẽ có mức hình phạt phù hợp đối với từng bị cáo. Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn cho thấy mức hình phạt đối với các bị cáo thực hiện hành vi xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi thường rất nghiêm khắc, rất ít khi xét xử dưới khung hình phạt, và gần như không có án treo. Bởi vậy, không thể nói rằng hành vi xâm hại tình dục diễn ra nhiều rõ hình phạt không đủ sức răn đe. 
 
Với điều kiện Kinh tế xã hội ở Việt Nam còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc đầu tư cho các trại giam, chế độ quyền lợi sinh hoạt của người bị giam giữ, chấp hành hình phạt tù hiện nay là rất khó khăn nên nếu biết là hình phạt nghiêm khắc như vậy có lẽ nhiều đối tượng đã không dám phạm tội. Mặc dù người bị giam giữ hiện nay không còn cái cảnh "nhất nhất tại tù thiên thu tại ngoại" nhưng cũng vẫn rất khổ và người bị giam giữ mới thấu hiểu cái giá của sự tự do, luôn khao khát tự do nên vấn đề tội phạm xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp không phải là do chế tài không đủ sức răn đe mà là các giải pháp phòng ngừa tội phạm chưa được thực hiện tốt.
 
Tiến sỹ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp
 
Các giải pháp đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em 
 
Về mặt lý luận thì mọi hậu quả đều có nguyên nhân của nó. Mọi hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội, trong đó có hành vi xâm hại tình dục trẻ em đều có nguyên nhân của nó. Để giải quyết hậu quả thì phải tìm ra nguyên nhân, tác động vào nguyên nhân thì sẽ thay đổi kết quả. Các giải pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục nói riêng thì cần phải chỉ ra được nguyên nhân của tội phạm, phải xây dựng được các mục tiêu, kế hoạch để thực hiện các giải pháp loại bỏ các nguyên nhân điều kiện phạm tội thì sẽ kiểm soát được tình hình tội phạm, giảm thiểu được các hành vi xâm hại tình dục trẻ em. 
 
Để đấu tranh tích cực, có hiệu quả đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thì ngoài việc phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, nghiêm minh, với mức chế tài nghiêm khắc thì vấn đề thực hiện các giải pháp phòng ngừa cũng là rất quan trọng để làm sao trẻ em được sống trong môi trường an toàn, tránh nguy cơ rơi vào tình huống nguy hiểm có thể trở thành nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục.
 
Để thực hiện các giải pháp phòng ngừa thì bước đầu tiên cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, cần có những chương trình mục tiêu bảo vệ trẻ em xâm hại tình dục và có những kế hoạch cụ thể để vấn đề xâm hại tình dục trở thành vấn đề được quan tâm của nhiều ngành lĩnh vực, của nhiều cơ quan tổ chức và đặc biệt là của các bậc phụ huynh chứ không phải là việc riêng của cơ quan chuyên trách; Khi mọi người trong xã hội nhận thức được rằng trẻ em là tài sản, là tài nguyên của quốc gia, là chủ sở hữu tương lai của đất nước này, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của mọi người trong cộng đồng xã hội thì khi đó vấn đề bảo vệ trẻ em mới thực sự mang lại những hiệu quả tích cực.
 
Cần xây dựng cơ chế, các biện pháp đảm bảo cho hoạt động bảo vệ trẻ em trong đó cần có sự liên thông phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các cơ quan tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Cần có lực lượng tham gia bảo vệ trẻ em có chuyên môn, có kỹ năng, có tâm huyết và được trang bị đầy đủ về phương tiện kĩ thuật cần thiết; Cần phải đảm bảo nguồn kinh phí cho hoạt động bảo vệ trẻ em để các tổ chức hoạt động bảo vệ trẻ em có thể duy trì và phát triển tốt thực hiện tốt nhiệm vụ của mình;
 
Ngoài ra, vấn đề giáo dục pháp luật, giáo dục về Quyền trẻ em, kỹ năng sống cho trẻ em và phụ huynh là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện nay. Khi trẻ em nhận thức được quyền trẻ em, nhận thức được những hành vi nào là hành vi xâm hại tình dục trẻ em, biết được các kỹ năng thoát hiểm trong các tình huống có nguy cơ bị xâm hại tình dục và những vấn đề rất quan trọng để giảm bớt những vụ việc trẻ em bị xâm hại tình dục. Cần phải có nội dung chương trình về giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em một cách đầy đủ khoa học đối với từng bậc học cấp học. Cần phải có giáo viên có kỹ năng tốt, có trình độ và tâm huyết với vấn đề bảo vệ trẻ em thì việc giáo dục pháp luật, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em mới đạt hiệu quả. Ngoài ra cũng cần phải tập huấn kỹ năng, kiến thức cho các bậc phụ huynh trong việc bảo vệ trẻ em trong đó có bảo vệ trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục để các phụ huynh phối hợp với nhà trường, các cơ quan tổ chức chức năng để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục. Khi trách nhiệm của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội được nâng cao, ý thức bảo vệ trẻ em tốt hơn trong cộng đồng thì nguy cơ trẻ em bị bạo hành xâm hại sẽ giảm đi, quyền trẻ em được đề cao và có thể được thực hiện trong đời sống xã hội. Về mặt pháp lý thì hệ thống pháp luật của chúng ta đã quy định khá đầy đủ các quyền trẻ em theo các công ước quốc tế về quyền trẻ. Quyền trẻ em ở Việt Nam được hiến pháp và pháp luật ghi nhận khá đầy đủ và ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại hiện nay là làm sao để xây dựng cơ chế đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trong đó có quyền được sống trong môi trường an toàn, được bảo vệ trước hành vi xâm hại tình dục là rất quan trọng. Bởi vậy việc xây dựng các cơ chế để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trong thực tiễn là rất quan trọng, trong đó đòi hỏi phải nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của gia đình nhà trường và có chương trình kế hoạch cụ thể, có lộ trình, có nhân lực, có chi phí, phương tiện kĩ thuật thì mới có thể thực hiện tốt được. 
 

_____________________________________

Ts. Ls. Đặng Văn Cường

Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.

Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.

Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407

Website: https://luatchinhphap.com/

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896