Vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra tại Đồng Nai: Có thể khởi tố về nhiều tội danh với nhiều bị can ?
01/06/2023
Vụ trục lợi bảo hiểm xảy ra tại Đồng Nai: Có thể khởi tố về nhiều tội danh với nhiều bị can?
Ngày 31/5, tin từ Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết đơn vị đang tiếp tục phối hợp với ngành chức năng xác minh, điều tra vụ hàng loạt cơ sở khám bệnh bị phát hiện liên quan đến trục lợi bảo hiểm. Đến thời điểm này, công an tiếp tục mời thêm những người liên quan đến các phòng khám đến làm việc để phối hợp điều tra. Theo công an đây là chuyên án lớn mà cơ quan công an đang mở rộng điều tra. Bước đầu xác định vụ này có quy mô rất lớn, ước lượng có vài chục ngàn người đã mua giấy chứng nhận nghỉ việc để trục lợi. Đáng nói số tiền trục lợi lên đến con số hàng trăm tỷ đồng.
Phòng khám Đa khoa Long Bình Tân.
Đánh giá về vụ việc này, Ls Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Có lẽ đây là vụ trục lợi bảo hiểm lớn nhất từ trước đến nay có nhiều tổ chức cá nhân cùng tham gia nên cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi của từng đối tượng, đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi và xem xét các dấu hiệu cấu thành tội phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Với những hành vi cấp giấy tờ giả, các giấy chứng nhận sức khỏe, hồ sơ bệnh án ... không đúng quy định của pháp luật về khám chữa bệnh thì đây là hành vi giả mạo trong công tác. Hành vi này sẽ xem xét xử lý đối với những người có chức vụ quyền hạn ở trong phòng khám, các cơ sở y tế. Người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo điều 359 bộ luật hình sự về tội giả mạo trong công tác với mức hình phạt cao nhất tới 20 năm tù (nếu cấp giấy tờ giả từ 11 giấy tờ trở lên).
Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 359. Tội giả mạo trong công tác
1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
b) Làm, cấp giấy tờ giả;
c) Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
c) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả;
b) Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên;
b) Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Tội giả mạo trong công tác là một trong các tội danh thuộc nhóm tội phạm về chức vụ quyền hạn theo quy định của bộ luật hình sự. Người thực hiện hành vi phạm tội là người có chức vụ quyền hạn như các cán bộ nhân viên phòng khám, bệnh viện, những người có chức vụ hoặc có quyền hạn trong việc thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh. Tuy nhiên vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà thực hiện hành vi một trong các hành vi sau đây: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.
Mức hình phạt thấp nhất của tội danh này là 01 năm tù và mức hình phạt cao nhất là 20 năm tù, tùy thuộc vào tính chất của vụ việc và số lượng giấy tờ giả mà người phạm tội đã thực hiện. Trong vụ án này, các cán bộ nhân viên phòng khám, các cơ sở y tế nếu thực hiện các hành vi cấp giấy khám chữa bệnh nhưng không thực hiện hoạt động khám chữa bệnh theo thủ tục, cấp giấy chứng nhận về sức khỏe, hồ sơ bệnh án nhưng bệnh nhân không có thật hoặc cấp các giấy tờ khác thuộc chức năng nhiệm vụ thẩm quyền của cơ sở y tế mà không thực hiện thủ tục theo đúng quy định thì sẽ bị xử lý về tội danh này.
Hoạt động của các phòng khám, bệnh viện đa khoa được thực hiện theo quy định của luật khám chữa bệnh. Đối với việc khám, điều trị, cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho bệnh nhân phải thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật như: Luật khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 ngày 23/11/2009; Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật khám bệnh, chữa bệnh; Nghị định 109/2016/NĐ-CP; Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/5/2013 của Bộ Y tế... Nếu cơ sở ý tế nào mà thực hiện thủ tục khám chữa bệnh không đúng quy định, không có người khám, không có bệnh nhân nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận sức khỏe, cấp hồ sơ bệnh án hoặc các giấy tờ xác nhận khác thuộc thẩm quyền của cơ sở y tế thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, những người có chức vụ quyền hạn tham gia vào quy trình cấp các giấy tờ này sẽ bị xử lý hình sự về tội giả mạo trong công tác theo điều 359 bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất có thể tới 20 năm tù.
Đối với những người không có chức vụ, quyền hạn mà thực hiện hành vi làm giả tài liệu, giả con dấu của cơ quan tổ chức thì sẽ bị xử lý hình sự về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức theo Điều 341 bộ luật hình sự với chế tài cao nhất tới 07 năm tù (nếu làm ra từ 06 tài liệu con dấu trở lên).
Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;
d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm;
đ) Thu lợi bất chính 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;
b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Tội danh này là tội ghép bao gồm hai hành vi là hành vi "làm giả" và hành vi "sử dụng tài liệu, con dấu giả". Tội danh này áp dụng với bất kỳ ai nếu như có hành vi làm giả tài liệu hoặc làm giả con dấu của cơ quan tổ chức hoặc có hành vi biết là giấy tờ tài liệu giả nhưng vẫn sử dụng để thực hiện mục đích trái pháp luật.
Trong vụ án này có lẽ sẽ có rất nhiều đối tượng bị xử lý về tội danh này, trong đó có thể có những đối tượng là người của các doanh nghiệp và các đối tượng là người lao động đã mua giấy tờ tài liệu giả để trục lợi bảo hiểm. Hành vi sử dụng giấy khám sức khỏe, các giấy tờ giả do cơ sở y tế cấp để thực hiện hành vi nhận tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội trái quy định pháp luật thì đây là hành vi sử dụng tài liệu giả, người thực hiện hành vi này có thể đối mặt với hình phạt cao nhất tới 07 năm tù.
Pháp luật quy định một người bình thường phải nhận thức được rằng các giấy tờ về khám chữa bệnh là phải do cơ sở y tế cấp, việc cấp giấy chứng nhận sức khỏe, hồ sơ bệnh án hoặc các giấy tờ khác thì phải thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định pháp luật. Nếu cá nhân nào không thực hiện hoạt động khám bệnh, không được chữa bệnh nhưng lại có giấy tờ của bệnh viện xác nhận tình trạng bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe của mình thì đây là giấy tờ giả (giả về nội dung) hoặc thuê người khác làm giả giấy khám sức khỏe thì đây cũng là giấy tờ giả (giả về hình thức). Người thực hiện hành vi làm giả và sử dụng giấy tờ giả đều phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 bộ luật hình sự.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ ... (nếu có). Những hành vi gian dối để chiếm đoạt tài sản của tổ chức cá nhân có thể bị xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự. Đối với người có chức vụ quyền hạn nhưng vì thiếu trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chức trách nhiệm vụ được giao gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước từ 100.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 360 bộ luật hình sự. Tội danh này sẽ được xem xét xử lý đối với các cán bộ thuộc cơ quan nhà nước, trong đó có thể là các cán bộ của cơ quan bảo hiểm, Lãnh đạo cơ sở y tế có liên quan và các cơ quan có liên quan đến việc giải quyết quyền lợi chế độ bảo hiểm cho người lao động trong trường hợp họ thực hiện hành vi trục lợi...
Cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ số tiền, tài sản mà các đối tượng đã thu lợi bất chính để kê biên, phong tỏa, thu giữ trả lại cho nhà nước và người bị hại. Các bị can bị xử lý hình sự trong vụ án này có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả đối với các hành vi do mình gây ra. Bước đầu cơ quan điều tra xác định thiệt hại trong vụ án này tới hàng trăm tỷ đồng Đây là số tiền rất lớn, mặc dù có nhiều đối tượng hưởng lợi nhưng tổng hợp số tiền mà cơ quan bảo hiểm phải chi trả trái pháp luật sẽ rất lớn và rất nghiêm trọng. Nhiệm vụ thu hồi tài sản do hành vi phạm tội mà có, thực hiện các hoạt động tố tụng để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội xảy ra cũng là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án này. Việc giải quyết vụ án cũng sẽ làm rõ nguyên nhân điều kiện phạm tội để thực hiện các giải pháp phòng ngừa, tăng cường công tác quản lý để tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.
Đây là vụ án hình sự lớn, phức tạp, có liên quan đến nhiều tổ chức cá nhân có liên quan. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ thận trọng xem xét đánh giá hành vi của từng tổ chức cá nhân, thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh tội phạm. Hành vi nào thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội danh nào thì sẽ xử lý về tội danh đó theo nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Vụ án này sẽ là bài học cảnh tỉnh, cảnh báo cho việc cấp các giấy tờ chứng nhận về sức khỏe của các cơ sở ý tế và việc sử dụng giấy khám sức khỏe vào các hoạt động nghề nghiệp, việc làm cũng như để thực hiện các quyền lợi của người lao động. Nhiều người chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật hoặc coi thường pháp luật mà phải trả giá đắt bởi những chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Biết con dâu vi phạm luật giao thông đường bộ, thay vì chấp hành thì người mẹ chồng lại có hành vi chống đối, ngăn cản Tổ công tác của Đội CSGT Công an huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đang làm nhiệm vụ. Dù bị khống chế nhưng người này vẫn văng nhiều từ ngữ dung tục, khó nghe.
Do đòi tiền phí, người giao hàng bị vợ chồng người nhận hàng sử dụng hung khí là tuýp sắt, bình hoa, ghế… đánh gãy hai tay. Chuyên gia pháp lý cho biết, vụ việc này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Chuyên gia pháp lý nhận định, đây là một vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác.
Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội khiến nhiều người tan cửa, nát nhà, gia đình ly tán. Do vậy, việc đấu tranh với các hoạt động mê tín dị đoan đồng bóng, bói toán là cần thiết để xã hội văn minh hơn, phát triển lành mạnh hơn