Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Vụ giả thông tin cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi: Làm gì khi lòng tốt và sự tử tế bị lợi dụng ?!
10/12/2023
icon-zalo
Vụ giả thông tin cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi: Làm gì khi lòng tốt và sự tử tế bị lợi dụng ?!

Khoảng 12h40 ngày 2.12, trên đường đi làm qua cổng khu vực xử lý rác thải của xã Hải Hưng (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định), người dân phát hiện một bé gái bị bỏ rơi, được đặt trong túi bằng bạt giữa tiết trời ngày đông lạnh giá.

Thời điểm phát hiện, cháu bé ở trong túi bạt để mở kèm theo một ít tã lót, quần áo, vài đồng tiền cùng một mảnh giấy viết lời nhắn: "Tên con là A.N, đẻ 14 ngày. Do hoàn cảnh mẹ không nuôi được con, mẹ xin lỗi con. Mong ai nhặt được cháu xin cưu mang cháu, nuôi dạy cháu nên người. Tôi xin cảm ơn".

Ngay sau đó, người dân phát hiện cháu bé đã cấp báo chính quyền địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động sau khi người dân phát hiện ra cháu bé trên, một lãnh đạo huyện Hải Hậu cho biết, cháu bé được đưa lên bệnh viện huyện Hải Hậu để thăm khám. Tình trạng sức khỏe cháu bé bình thường và đang tạm giao cho người dân phát hiện ra cháu chăm sóc.

Thế nhưng, những ngày gần đây, có nhiều tài khoản Facebook đăng tải, chia sẻ thông tin liên quan đến sự việc cháu bé bị bỏ rơi tại khu vực cổng bãi rác xã Hải Hưng (huyện Hải Hậu) trưa ngày 2.12 là "không đúng sự thật".

Cháu bé lúc được phát hiện được đặt trong túi bạt vào trưa 2.12 tại cổng khu vực xử lý rác thải của xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu. Ảnh: Chụp màn hình

Phân tích sự việc này, Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng: Người mẹ cháu bé vừa đáng thương, vừa đáng trách. Hành vi đưa thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, còn việc nhận tiền 90 triệu đồng thì cơ quan chức năng sẽ tiếp tục làm rõ nhiều yếu tố để quyết định có xử lý hình sự về hành vi này hay không.
 
Với kết quả xác minh ban đầu của cơ quan chức năng thì có hành vi đưa tin sai sự thật để trục lợi từ thiện. Theo kết quả xác minh ban đầu, mẹ của cháu bé bị bỏ rơi là chị H, đã có gia đình và con cái. Do có mối quan hệ phức tạp bên ngoài nên chị H bị gia đình 2 bên nội ngoại từ mặt. Khi mang thai được khoảng 6 tháng, chị H đã đến chùa Linh Ứng (ở thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) để ở.
 
Theo Chủ tịch UBND huyện Hải Hậu, sau đó, chị M vì thương hại nên đã đưa chị H về nhà để chăm lo.
 
Do hoàn cảnh của chị H khó khăn nên 2 chị M và H đã bàn nhau dựng lên màn kịch đó (bỏ rơi cháu bé sơ sinh vào ngày 2.12 ở khu vực bãi rác xã Hải Hưng, huyện Hải Hậu) để kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng. Tổng số tiền nhận sau khi kêu gọi được đâu đó hơn 90 triệu đồng, chị M đã đưa cho chị H (là mẹ bé sơ sinh bị bỏ rơi).
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Ảnh - NVCC)
Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Ảnh - NVCC)
 
 
Với kết quả xác minh này cho thấy đây là vở kịch cho chị M và chị H dựng lên để đánh vào lòng thương hại của mọi người nhằm trục lợi từ thiện. Hành vi đưa tin sai sự thật là vi phạm pháp luật và nhận tiền cũng là sai trái. Bởi vậy hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
 
Theo quy định của pháp luật thì người nào bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác từ 2 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự theo Điều 174 BLHS. Bởi vậy, trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ việc chuyển tiền được thực hiện như thế nào với tổng số tiền 90 triệu đồng trên, làm rõ ý chí của người chuyển tiền như thế nào ?
 
Trong trường hợp người chuyển tiền từ 2 triệu đồng trở lên tố cáo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đòi tiền thì cơ quan điều tra sẽ xem xét dấu hiệu tội phạm. 
 
Trường hợp những người chuyển tiền biết hoàn cảnh thật sự của mẹ cháu mé (chị H) và cảm thông, chia sẻ, không đòi lại tiền. Ý chí của những người cho tiền thể hiện nếu biết hoàn cảnh thực như vậy thì vẫn cho tiền, vẫn giúp đỡ thì hành vi của M và H không nguy hiểm cho xã hội, không bị xử lý lừa đảo. 
 
Trong vụ việc này ý chí nhận thức, quan điểm của những người chuyển tiền cho M là rất quan trọng, đôi khi quyết định đến việc có xử lý hình sự người nhận tiền hay không.
 
Về bản chất pháp lý là câu chuyện trục lợi từ thiện, là gian dối để được tặng cho tài sản. Giao dịch tặng cho này có thể là vô hiệu do lừa dối trừ trường hợp người tặng cho vẫn đồng ý tặng cho tiền sau khi biết sự thật.
 
Thực hư người phụ nữ dàn dựng cảnh một bé sơ sinh bị bỏ rơi giữabãirác - Ảnh 1.

Bé sơ sinh trong vụ việc

 
Trong vụ việc này có một phần sự thật là có cháu bé sơ sinh, có chuyện bị bỏ rơi nhưng là gia đình bỏ rơi 2 mẹ con chứ không phải cha mẹ bỏ rơi, số tiền nhận được vẫn được sử dụng đúng mục đích là nuôi dưỡng cháu bé... nhưng thông tin là mẹ bỏ rơi là sai sự thật. Thông tin này đánh vào lòng thương hại của người khác để trục lợi từ thiệt, đây là việc làm sai trái và vi phamh pháp luật. 
 
Nếu cháu bé (bị bỏ rơi) là không có thật hoặc M chiếm đoạt số tiền này hoặc người đã chuyển tiền cho M đòi lại số tiền này (nhưng M và H không trả) và tố cáo thì sự việc là nghiêm trọng, nạn nhân bị lừa gạt và bị chiếm đoạt tài sản cơ quan điều tra sẽ xem xét dấu hiệu tội phạm và có thể xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
 
Thực hư người phụ nữ dàn dựng cảnh một bé sơ sinh bị bỏ rơi giữabãirác - Ảnh 2.

Hình ảnh đăng trên mạng xã hội Facebook cho rằng đây là mẹ cháu bé xách theo chiếc túi có bé bên trong

 
Vụ việc này là phức tạp vì liên quan đến nhiều người và dư luận xã hội quan tâm nên cơ quan điều tra sẽ thận trọng trong việc xác minh tin báo để đánh giá bản chất của sự việc, làm rõ hành vi đưa tin sai sự thật và tác động tiêu cực của nó tới dư luận xã hội như thế nào. Ngoài ra sẽ làm rõ việc chuyển tiền từ thiện có còn tự nguyện nữa hay không ? Có kiện cáo của người đã chuyển tiền cho M hay không ? Số tiền đó được sử dụng như thế nào ( có yếu tố chiếm đoạt hay không)? để xử lý theo quy định pháp luật. 
 
Trường hợp cơ quan điều tra không khởi tố hình sự thì M và H cũng vẫn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 5 triệu đến 10 triệu đồng về hành vi đưa thông tin sai sự thật lên không gian mạng theo điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ- CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện:
 
"Theo khoản 1, khoản 2 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt dành cho hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật lên mạng xã hội được quy định cụ thể như sau:
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;".
 
Mức phạt 10-20 triệu đồng áp dụng với tổ chức, còn cá nhân vi phạm thì áp dụng 1/2 mức trên.
 
Vụ việc này cần phải được làm rõ và xử lý kịp thời để răn đe, giáo dục, ngăn chặn hành vi trục lợi từ thiện xảy ra, tránh niềm tin vào lòng tốt và sự tử tế của con người bị lạm dụng. Những hàng vi trục lợi từ thiện làm suy giảm đạo đức xã hội, làm mất niềm tin của con người vào cuộc sống và trục lợi từ thiện có thể trở thành hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây nhức nhối trong xã hội.
_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407

 

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896