Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Vụ án cô giáo Dung: Giảm từ 60 tháng tù, còn 15 tháng tù, có phải là kết quả cuối cùng?
13/06/2023
icon-zalo

Vụ án cô giáo Dung kêu oan, kết quả xét xử phúc thẩm có phải là kết quả cuối cùng ?

Tại phiên tòa phúc thẩm kéo dài trong 2 ngày, bị cáo Lê Thị Dung đã được HĐXX giảm án từ mức án 5 năm tù xuống 15 tháng tù giam tính từ ngày bị bắt tạm giam.

Hơn 19h ngày 13/6, sau 2 ngày xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Nghệ An đã có bản án tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung (nguyên Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Hưng Nguyên, Nghệ An).

Theo đó, sau khi nghị án HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên bản án phúc thẩm bác đơn kháng cáo của bị cáo Lê Thị Dung, bác kháng nghị của Viện kiểm sát đề nghị hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại. HĐXX cho rằng bản án cấp sơ thẩm nghiêm khắc khi áp dụng khoản 2 Điều 356 Bộ luật hình sự, chưa xem xét tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Lê Thị Dung là thành khẩn khai báo và có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác. Nên HĐXX phúc thẩm đã xem xét tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo và tuyên bị cáo Lê Thị Dung với mức án 15 tháng tù giam theo khoản 1, Điều 356 Bộ luật hình sự.

Đánh giá về kết quả giải quyết vụ án này, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho rằng: Đây là vụ án hình sự phức tạp, dư luận quan tâm, quan điểm của cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm, cơ quan tố tụng cấp phúc thẩm, đại diện viện kiểm sát phúc thẩm và quan điểm của bị cáo là khác nhau, thậm chí trái ngược nhau nên việc xem xét giải quyết vụ án này cần phải thận trọng, thấu đáo. Về nguyên tắc là tòa án xét xử 2 cấp là sơ thẩm và phúc thẩm, bản án cấp phúc thẩm sẽ có hiệu lực pháp luật ngay. Tuy nhiên, nếu không đồng ý với bản án phúc thẩm thì đương sự có quyền kiến nghị với người có thẩm quyền xem xét lại bản án này theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, viện kiểm sát cũng có quyền đề nghị người có thẩm quyền xem xét lại bản án này theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Bởi vậy về mặt lý thuyết thì vụ án này chưa chắc đã dừng lại ở đây nếu các bên không đồng ý với kết quả xét xử và có đơn tiếp theo. 

Cô giáo ở Nghệ An được giảm án từ 5 năm xuống hơn 1 năm tù ảnh 1

Phiên tòa phúc thẩm đã tuyên giảm án cho bị cáo Lê Thị Dung với mức án 15 tháng tù giam, giảm 45 tháng tù giam so với cấp sơ thẩm.

 

Luật sư Cường cho rằng "Bản án phúc thẩm tuyên giảm mức hình phạt đối với bà Lê Thị Dung tới 45 tháng tù có thể hài lòng đối với nhiều người, tuy nhiên vụ án có thể sẽ chưa kết thúc ở đây.".

Với những người bị giam giữ thì khát khao tự do đối với họ là rất lớn. Có lẽ khi bị giam giữ thì con người mới hiểu hết giá trị của hai từ "tự do". Bởi vậy, trong những vụ án hình sự mà bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội, đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt ở cấp phúc thẩm mà được tòa án chấp nhận thì đó là niềm vui vô bờ bến đối với bị cáo, với gia đình họ và cả với các luật sư bào chữa. Tuy nhiên, đối với bị cáo kêu oan thì việc tòa án cấp phúc thẩm giảm án đối với họ chưa chắc họ đã hài lòng. Thực tiễn cho thấy, với những vụ án hình sự phúc thẩm mà bị cáo kêu oan thì tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét họ có oan hay không chứ ít khi giảm mức hình phạt. 

Nếu tòa án cấp phúc thẩm đánh giá bị cáo bị tòa án cấp sơ thẩm kết án oan thì tòa án cấp phúc thẩm có thể sửa bản án để tuyên bị cáo không phạm tội, hủy bản án hình sự sơ thẩm để đình chỉ giải quyết hoặc hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại, điều tra lại... Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì tòa án cấp phúc thẩm có quyền giữ nguyên bản án sơ thẩm, hủy bản án sơ thẩm hoặc sửa bản án sơ thẩm. Về nguyên tắc xét xử hai cấp thì tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét đối với phần bản án mà tòa án sơ thẩm đã xét xử mà có kháng cáo hoặc kháng nghị.

Trong vụ án này bị cáo Lê Thị Dung kháng cáo kêu oan, còn viện kiểm sát tỉnh Nghệ an thì kháng nghị đề nghị hủy bản án sơ thẩm theo hướng tăng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Các luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thị Dung thì đề nghị tòa án hủy bản án sơ thẩm để đình chỉ giải quyết vụ án, trả tự do cho bị cáo.

Theo thông tin về kết quả xét xử phúc thẩm thì: Sau khi kết thúc phần tranh luận, được nói lời sau cùng, bị cáo Lê Thị Dung cho rằng bản thân bị kết án oan, mong được xem xét cho tại ngoại và minh oan.

Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã có kháng nghị đề nghị tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo trình tự sơ thẩm làm rõ hành vi chiếm đoạt 48 triệu đồng và gây thiệt hại 175 triệu đồng của các bị cáo...

Trong quá trình diễn biến phiên tòa, các luật sư đã nêu ra nhiều vi phạm trong tố tụng, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cho rằng bà Dung đã bị kết án oan và đề nghị tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, đình chỉ vụ án và trả tự do cho bà Lê Thị Dung.

Hội đồng xét xử đánh giá bản án sơ thẩm xử mức án 5 năm tù giam đối với bị cáo Lê Thị Dung là quá nghiêm khắc, áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo đối với bị cáo Lê Thị Dung, tuyên án xử phạt bị cáo Lê Thị Dung 15 tháng tù, thời hạn tù áp dụng kể từ ngày tạm giam. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng bị cáo chỉ phạm tội ở khoản 1, Điều 356 BLHS chứ không cho rằng bị cáo phạm tội nhiều lần để áp dụng khoản 2, Điều 356 BLHS như nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên. Ngoài ra tòa án cấp phúc thẩm cho rằng có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mà tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét áp dụng như: Bị cáo "thành khẩn khai báo", được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s, khoản 1, Điều 51 BLHS; Bị cáo có "thành tích xuất sắc" trong quá trình công tác nên được áp dụng quy định tại điểm v, khoản 1, Điều 51 BLHS, Và một số tình tiết có thể áp dụng để giảm nhẹ một phần hình phạt theo khoản 2, Điều 51 BLHS nên xét xử bị cáo ở mức hình phạt thấp hơn rất nhiều so với mức bả án sơ thẩm đã tuyên (từ 60 tháng tù xuống còn 15 tháng tù) với bị cáo Lê Thị Dung. 

Hội đồng xét xử cũng tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương do có nhiều tình tiết giảm nhẹ đặc biệt. Với mức án này, còn 15 ngày nữa bị cáo Lê Thị Dung mới được trả tự do.

Cô giáo ở Nghệ An được giảm án từ 5 năm xuống hơn 1 năm tù ảnh 2

Phiên tòa phúc thẩm kéo dài trong 2 ngày 12,13/6.

Đây là kết quả xét xử phúc thẩm đã được tòa án nhân dân tỉnh Nghệ an thông tin đến các cơ quan báo chí và đã tuyên bản án công khai tại phiên tòa phúc thẩm. Kết quả xét xử này có thể hài lòng nhiều người khi bà Dung sớm được trở về với đời sống xã hội. Tuy nhiên dưới góc độ pháp lý thì vụ án này có thể sẽ không dừng lại ở đây. Thực tiễn cho thấy có những bị cáo kêu oan, tuy nhiên khi toà án phúc thẩm cho giảm mức hình phạt thì "chấp nhận", không kêu oan nữa nhưng có những bị cáo kêu oan, dù cấp phúc thẩm được giảm án sâu nhưng họ vẫn không đồng ý, tiếp tục kêu oan và đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Theo quy định của pháp luật thì tòa án xét xử hai cấp, bản án phúc thẩm sẽ có hiệu lực ngay. Tuy nhiên, nếu không đồng ý với nội dung bản án phúc thẩm thì bị cáo vẫn có quyền đề nghị ông Chánh án tòa án nhân dân cấp cao, ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án này và bản án sơ thẩm. Nếu không đồng ý với kết quả xét xử phúc thẩm thì Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ an cũng có quyền đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao kháng nghị đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm mà tòa án cấp sơ thẩm phúc thẩm đã tuyên đối với các bị cáo trong vụ án này. 

Có thể nói rằng tại phiên tòa phúc thẩm này thì bị cáo vẫn kêu oan, các luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm để trả tự do cho bị cáo. Trong khi đó, viện kiểm sát thì đề nghị hủy bản án sơ thẩm để xem xét tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận nội dung kháng cáo, quan điểm của luật sư bào chữa cũng như quan điểm của đại diện viện kiểm sát ở phiên tòa phúc thẩm mà giữ nguyên về tội danh và chỉ giảm mức hình phạt. Kết quả xét xử như vậy có thể sẽ không hài lòng đối với bị cáo và viện kiểm sát tỉnh, chính vì vậy về mặt lý thuyết thì bản án này vẫn có thể bị khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tuy nhiên, đây là vụ án được dư luận quan tâm, bị cáo cũng đã được giảm rất sâu mức hình phạt nên việc có khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm hay không, có đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị hay không sẽ được các bên xem xét một cách thấu đáo trước khi quyết định. Còn việc khiếu nại, kiến nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị giám đốc thẩm là "quyền", có thực hiện quyền hay không thì tùy vào mỗi người cần nhắc trên cơ sở quan điểm, nhận thức của mỗi người.

So sánh kết quả xét xử sơ thẩm với kết quả xét xử phúc thẩm thì thấy rằng tòa án hai cấp đều xác định các bị cáo phạm tội, xác định hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS. Điều này đồng nghĩa với việc tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều cho rằng bị cáo là người có chức vụ quyền hạn, tuy nhiên vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10.000.000 đồng... tổng thiệt hại được xác định là 45 triệu đồng trong một thời gian dài.

Tuy nhiên, quan điểm về áp dụng pháp luật của hai cấp tòa án là khác nhau. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng với những tài liệu chứng cứ đã được làm sáng tỏ tại phiên tòa sơ thẩm thì bị cáo "phạm tội 02 lần trở lên" nên áp dụng khoản 2, Điều 356 bộ luật hình sự. Trong khi đó, tòa án cấp phúc thẩm lại không áp dụng tình tiết phạm "tội 02 lần trở lên" nên đã xét xử bị cáo ở khoản 1, Điều 356 BLHS.  Đây là điều hơi khó hiểu bởi nếu đúng là quy chế đó trái pháp luật, bị cáo đã "cố ý" ban hành quy chế trái pháp luật, "làm trái công vụ" để gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước trong thời gian dài, với số tiền tới 45 triệu đồng thì hành vi gây thiệt hại diễn ra "nhiều lần" nên phải áp dụng khoản 2, Điều 356 BLHS mới đúng pháp luật. Ngoài ra nếu trường hợp bị cáo phạm tội, gây thiệt hại 45.000.000 đồng của nhà nước thì số tiền 48.000.000 đồng cũng phải được xem xét xử lý như kiến nghị của Viện kiểm sát, tất cả những khoản tiền chi cho các giáo viên khác theo quy chế này đều được xác định là trái pháp luật và gây thiệt hại tài sản cho nhà nước. Tuy nhiên, nội dung này theo quan điểm của tòa án cấp phúc thẩm là  quan điểm của toà án sơ thẩm và của viện kiểm sát là không có căn cứ ! Quan điểm của bên bào chữa là quy chế không sai, hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nên không đồng ý về tội danh và mức hình phạt, Tòa án cấp phúc thẩm cũng không chấp nhận quan điểm này. Chính vì vậy nội dung này có thể khiến cho bị cáo bên gỡ tội và bên buộc tội đều không hài lòng. Nếu quy chế nội bộ được tòa án xác định là hợp pháp, bị cáo không cố ý ban hành quy chế trái pháp luật để trục lợi hoặc gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước thì hành vi của bị cáo là không phạm tội, đề nghị của bị cáo và các luật sư bào chữa là có căn cứ. 

Áp dụng điều luật nào, khoản nào cũng là một trong những căn cứ quyết định đến loại hình phạt và mức hình phạt. Theo quy định tại Điều 356 bộ luật hình sự thì mức hình phạt ở khoản 1 và khoản 2 điều này rất khác nhau. Với khoản 1, Điều 356 BLHS thì hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, tòa án tuyên 15 tháng tù khi áp dụng khoản 1 là vẫn trong khung hình phạt. 

Tuy nhiên mức hình phạt ở khoản 2, Điều 356 BLHS là từ 05 năm đến 10 năm tù. Nếu thực sự bị cáo phạm tội, có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì tuyên mức hình phạt 05 năm tù (vẫn là trong khung hình phạt ) giống như nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên.

Đối với các tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo và có thành tích xuất sắc thì đây là tình tiết giảm nhẹ hoàn toàn có thể áp dụng ở cấp phúc thẩm nếu như bị cáo có tội. Tuy nhiên, việc quyết định hình phạt không chỉ căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ mà còn căn cứ vào quy định của pháp luật, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Về đường lối giải quyết vụ án hình sự là những bị cáo không thành khẩn khai báo, ngoan cố, chống đối, không nhận thức được hành vi của mình mà có tội thì phải nghiêm trị, phải tuyên mức hình phạt nghiêm khắc để bị cáo có thời gian cải tạo tương xứng, có thời gian để giáo dục trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Còn đối với bị cáo nhận thức được hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải thì sẽ được khoan hồng, được tuyên mức hình phạt nhẹ hơn cũng đủ răn đe, phòng ngừa.

Đối với những vụ án mà bị cáo kêu oan thì thường sẽ được đánh giá là "không thành khẩn", không ăn năn, nếu tòa án kết tội  thì mức hình phạt sẽ rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, đối với bản án này mặc dù bị cáo kêu oan, viện kiểm sát đề nghị hủy án để tăng trách nhiệm hình sự nhưng tòa án phúc thẩm lại xét xử theo hướng có tội và giảm nhẹ là những bản án "hiếm gặp" và sẽ không tránh khỏi những quan điểm khác nhau, chưa chắc bị cáo đã chấp nhận kết quả xét xử như vậy.

Việc có đề nghị người có thẩm quyền xem xét giám đốc thẩm hay không đối với bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm này do các bị cáo có quyết định, cũng như viện kiểm sát có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét. Bởi vậy, vụ án này có thể sẽ không dừng lại ở đây nếu như bị cáo có khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc Viện kiểm sát kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Việc kiến nghị đề nghị là quyền còn việc kháng nghị giám đốc thẩm hay không cũng phải căn cứ vào quy định của pháp luật theo trình tự thủ tục luật định.

_________________________

Ts. Ls. Đặng Văn Cường

Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407
Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896