Bàn về văn hóa nhường đường khi tham gia giao thông
Thời gian qua không ít những vụ tai nạn giao thông xảy ra do người tham gia giao thông đi sai phần đường, sai làn đường, đi vào đường cấm, không nhường đường... Trong đó hiện tượng không nhường đường khi tham gia giao thông cũng đã xảy ra nhiều va chạm, xung đột, xô xát giữa những người tham gia giao thông. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, giải pháp ra sao để không còn tình trạng chen lấn, lạng lách đánh võng trên đường ?
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho rằng: Về nguyên tắc chung thì người tham gia giao thông phải tuân thủ các quy định pháp luật để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. Khi tham gia giao thông thì phải đi đúng phần đường, đúng làn đường, đúng tốc độ, có chú ý quan sát, làm chủ tốc độ và phải có giấy phép lái xe phù hợp. Ngoài ra, khi tham gia giao thông thì có những tình huống phải nhường đường cho xe ưu tiên, nhường đường cho hướng ưu tiên, nhường đường theo các nguyên tắc của luật giao thông đường bộ và theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.
Quy định nhường đường khi tham gia giao thông là một trong những quy tắc cơ bản khi tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, Luật giao thông đường bộ có quy định về sẽ ưu tiên và quy định về nhường đường cho xe ưu tiên; Quy định nhường đường ở những nơi giao nhau; Quy định nhường đường cho người đi bộ; Quy định nhường đường theo hiệu lệnh của người chỉ dẫn giao thông; Nhường đường cho xe sau vượt khi đảm bảo an toàn; Nhường đường theo hiệu lệnh đèn tín hiệu ở những nơi giao nhau...
Bởi vậy khi tham gia giao thông đường bộ mà gặp xe ưu tiên có sử dụng còi, đèn tín hiệu đề nghị nhường đường thì tất cả các phương tiện tham gia giao thông phải giảm tốc độ, đánh lái về phía bên phải để nhường đường cho xe ưu tiên vượt lên;
Ở những nơi giao nhau thì phải nhường đường theo nguyên tắc ưu tiên đường chính, nguyên tắc tham gia ở ngã tư đường mà luật giao thông đường bộ đã quy định;
Ở những nơi có biển hiệu có báo hiệu nhường đường cho người đi bộ thì phải tuân thủ biển hiệu này;
Ở những nơi có người điều khiển giao thông mà phát hiện tín hiệu nhận được thì phải tuân thủ việc điều khiển giao thông này;
Với những tình huống xe phía sau xin vượt mà đảm bảo an toàn thì phải giảm tốc độ và đánh xe về phía bên phải để nhường đường cho xe phía sau...
Những quy định về nhường đường khi tham gia giao thông đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tránh những xung đột, tai nạn có thể xảy ra khi các phương tiện tham gia giao thông được bộ. Nhường đường khi tham gia giao thông còn thể hiện nếp sống văn minh, ý thức nhường nhịn và hoạt động tham gia giao thông có văn hóa và trong vòng trật tự.
Theo các số liệu thống kê của bộ công an về tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông, về các trường hợp vi phạm giao thông đường bộ trong thời gian qua cho thấy ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông ở Việt Nam nhiều lúc nhiều nơi chưa tốt. Những trường hợp vi phạm giao thông như không nhường đường cho xe ưu tiên, phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép nhau khi tham gia giao thông, không tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, vượt đèn đỏ diễn ra khá phổ biến ở cả thành thị và nông thôn và khắp mọi miền đất nước.
Điều đáng chú ý là những hành vi nguy hiểm như đi vào đường ngược chiều, đi vào đường cấm, xe mô tô, xe gắn máy, xe thu sơ, người đi bộ đi vào đường cao tốc, hiện tượng vượt đèn đỏ, chèn ép các sai ưu tiên diễn ra còn khá phổ biến, nhiều trường hợp gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Hành vi vi phạm giao thông đường bộ diễn ra phổ biến ở các thành phố lớn, ở các vùng nông thôn và vùng núi trung du cũng thường xuyên xảy ra các hành vi vi phạm giao thông đường bộ trên các tuyến đường tỉnh lộ, đường quốc lộ, ở nội thành, nội thị và cả các vùng nông thôn. Điều này cho thấy ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông ở nhiều nơi không tốt dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông và gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Có những trường hợp người tham gia giao thông không nhường đường cho xe cấp cứu dẫn đến cự cãi, xô xát. Rồi hành vi không nhường đường cho xe phía sau vượt dẫn đến và chạm, xô xát, chèn ép lẫn nhau... Đó là những câu chuyện rất buồn về ý thức tham gia giao thông, về văn hóa giao thông hiện nay.
So với nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả với những quốc gia xung quanh thì ý thức tham gia giao thông của người Việt Nam đến nay luôn được đánh giá là kém hơn so với nhiều quốc gia, gây ra tâm lý không tốt cho khách quốc tế và xảy ra những tình huống nguy hiểm dẫn đến tỷ lệ những vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay là rất cao so với các quốc gia khác trên thế giới. Phần lớn những vụ tai nạn giao thông xảy ra là do ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông có vi phạm, ý thức kém. Đoạn đường nào, tuyến đường nào cũng có thể phát hiện người tham gia giao thông bằng xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm phải đi ngược chiều... những trường hợp phóng nhanh, vượt ẩu, lặng lách, đánh vọng, chèn ép nhau trên đường xảy ra khá phổ biến. Đó là những vấn đề còn tồn tại về ý thức chấp hành luật lệ an toàn giao thông. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến Việt Nam đang phải xây dựng một luật riêng đó là Luật trật tự an toàn giao thông tách ra từ luật giao thông đường bộ. Luật này đang dự thảo và lấy ý kiến của nhân dân để hoàn thiện, đưa vào áp dụng nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới được thực hiện một cách tốt hơn, giảm thiểu những vụ tai nạn giao thông và số người chết vì tai nạn giao thông.
Mặc dù đi bộ qua đường đúng vạch kẻ đường, đúng tín hiệu đèn xanh, nhưng đôi nam nữ vẫn phải nhìn trước, ngó sau, sợ bị các phương tiện đâm trúng (Ảnh chụp tại phố Bà Triệu sáng 28/7) (Ảnh: Văn Yên).
Theo quy định của pháp luật thì tất cả những người tham gia giao thông bằng phương tiện xe cơ giới, xe thô sơ hoặc người đi bộ thì đều phải tuân thủ quy định pháp luật về giao thông đường bộ để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Khi tai nạn giao thông xảy ra thì bên nào có lỗi phải bên đó phải chịu trách nhiệm pháp lý. Nếu lỗi hỗn hợp, cả hai bên đều có lỗi thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo tỷ lệ lỗi. Nếu cả hai bên đều không có lỗi (trường hợp này hiếm khi xảy ra) mà lỗi được xác định là lỗi kĩ thuật hoặc do nhà sản xuất thì đơn vị kiểm định về kĩ thuật, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm. Nếu người đi bộ có lỗi dẫn đến tai nạn giao thông cho xe cơ giới thì người đi bộ phải bồi thường. Nếu trường hợp cả hai bên đều không có lỗi thì người quản lý nguồn nguy hiểm cao độ là xe cơ giới phải bồi thường cho người đi bộ.
Chưa bao giờ pháp luật Việt Nam quy định xe to đền cho xe nhỏ khi tai nạn giao thông. Tuy nhiên không hiểu vì đâu mà nhiều người vẫn có suy nghĩ là "xe to phải bồi thường cho xe nhỏ" nếu tai nạn giao thông, va chạm giao thông xảy ra. Đây là suy nghĩ và yêu cầu vô lý và nếu có tranh chấp thì tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu này. Nguyên tắc chung là bên nào có lỗi gây thiệt hại thì bên đó phải bồi thường, bất kể người có lỗi là ai, xe to hay xe nhỏ.
Trong trường hợp người đi bộ mà đi xuống lòng đường hoặc sang đường thiếu chú ý quan sát, dẫn đến tai nạn giao thông với xe mô tô thì người đi bộ phải chịu trách nhiệm pháp lý, nếu hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra.
Theo quy định của pháp luật thì người đi bộ chỉ được đi trên vỉa hè, nếu đoạn đường không có vỉa hè thì phải đi sát vào phía bên phải của lề đường. Người đi bộ chỉ được sang đường ở những nơi có vạch sơn phải có đèn tín hiệu dành cho người đi bộ. Nơi không có vạch sơn, không cấm người đi bộ sang đường thì chỉ được sang đường khi thực sự đảm bảo an toàn. Bởi vậy chỉ những trường hợp người đi bộ đi trên vỉa hè hoặc đi sang đường ở nơi được phép sang đường mà gặp tai nạn với xe mô tô, người đi xe mô tô thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ thì người đi xe mô tô mới vi phạm và phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Hiện nay, pháp luật có quy định về các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông ở nghị định của chính phủ, (Nghị định 100/2019/NĐ) và Bộ luật hình sự 2015 (nếu hành vi vi phạm giao thông đến mức nguy hiểm cho xã hội). Pháp luật không quy định người yếu thế trong tham gia giao thông. Mọi người tham gia giao thông đều bình đẳng với nhau, chỉ có quy định về xe ưu tiên, hướng ưu tiên, đường ưu tiên mà không phụ thuộc vào người điều khiển đó bộ của nhau, giới tính nào.
Về thực tiễn áp dụng chế tài thì cần phải xử lý nghiêm những trường hợp người đi bộ vi phạm giao thông, người đi xe đạp, xe thô sơ, xe gắn máy đi vào đường cao tốc để loại bỏ cái tư duy lạc hậu là xe to bồi thường xe nhỏ.
Hành vi vi phạm giao thông đường bộ mà gây hậu quả nghiêm trọng như chết người, thương tích cho nạn nhân 61 % trở lên hoặc thiệt hại đến tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì sẽ xử lý bằng chế tài hình sự. Trong thời gian qua không ít trường hợp người đi bộ bị truy cứu trách nhiệm hình sự do đi vào đường cao tốc gây tai nạn giao thông. Những người đi bộ, xe thô sơ đi vào đường cao tốc mà gây tai nạn giao thông không bị thiệt mạng thì cũng phải chịu trách nhiệm hình sự bởi những hành vi này là rất nguy hiểm, hậu quả vụ tai nạn thường sẽ rất thảm khốc.
Hiện nay nghị định về xử phạt vi phạm về giao thông đường bộ được ban hành từ năm 2019 và sửa đổi năm 2020. Bộ luật hình sự cũng được ban hành năm 2015 và có hiệu lực từ năm 2018 đến nay đang được thi hành, chưa có căn cứ để sửa các văn bản này. Cần phải có một thời gian áp dụng, khi điều kiện kinh tế xã hội có những thay đổi, văn bản pháp luật không còn phù hợp nữa thì mới sửa đổi bổ sung.
_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Điện thoại/Zalo: 0977999896