Người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam bị xử lý như thế nào ?
Ngày 5/2, Công an tỉnh Bình Thuận công bố danh tính người đã sát hại ông E Vasilii, 44 tuổi, quốc tịch Nga; đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để khởi tố Nikiforov Roman về tội Giết người.
Tại cơ quan điều tra, Nikiforov khai có mối quan hệ thân thiết với nạn nhân. Khuya 30/1, tại phòng trọ trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn Đình Chiểu thuộc khu phố 1, phường Hàm Tiến, hai bên xảy ra mâu thuẫn về chuyện xin việc và thuê trọ dẫn đến ẩu đả. Nikiforov đã dùng búa tấn công khiến E Vasilii tử vong, sau đó quấn xác người đồng hương vào nylon, nhiều lớp vải rồi dùng xe máy chở ra chỗ vắng phi tang.
Nikiforov Roman bị cảnh sát tạm giữ, ngày 4/2. Ảnh: Công an cung cấp
Theo dõi sự việc trên, Ts. Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng: Với những chứng cứ đã được thu thập thì có đủ căn cứ để khởi tố đối tượng này về tội giết người theo quy định tại Điều 123 bộ luật hình sự.
Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, Công an tỉnh Bình Thuận công bố danh tính người đã sát hại ông E Vasilii, 44 tuổi, quốc tịch Nga; đồng thời tiếp tục củng cố hồ sơ để khởi tố Nikiforov Roman về tội Giết người.
Tại cơ quan điều tra, Nikiforov khai có mối quan hệ thân thiết với nạn nhân. Khuya 30/1, tại phòng trọ trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn Đình Chiểu thuộc khu phố 1, phường Hàm Tiến, hai bên xảy ra mâu thuẫn về chuyện xin việc và thuê trọ dẫn đến ẩu đả. Nikiforov đã dùng búa tấn công khiến E Vasilii tử vong, sau đó quấn xác người đồng hương vào nylon, nhiều lớp vải rồi dùng xe máy chở ra chỗ vắng phi tang.
Pháp luật Việt Nam quy định mọi hành vi tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác trên lãnh thổ Việt Nam thì đều được xác định là hành vi giết người và sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam. Bởi vậy, đối tượng dùng búa đánh vào những vùng trọng yếu của nạn nhân như vùng đầu, vùng cổ dẫn đến nạn nhân tử vong thì đây là hành vi giết người. Trên cơ sở kết quả khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, dữ liệu từ camera an ninh trên tuyến đường đối tượng đi phi tang xác nạn nhân, căn cứ vào các dấu vết để lại trên cơ thể nạn nhân và hung khí gây án mà cơ quan điều tra đã thu giữ được thì có đủ căn cứ để xử lý đối tượng này về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự.
Sau khi có đầy đủ thông tin về nhân thân của đối tượng, làm rõ mặt chủ quan của tội phạm (về lỗi, động cơ mục đích) thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam với đối tượng này để điều tra về tội giết người theo quy định tại Điều 123 bộ luật hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình theo khoản 1, Điều 123 BLHS. Tình tiết định khung hình phạt là hành vi "có tính chất côn đồ".
Điều đáng chú ý là cả nạn nhân và đối tượng gây án đều là người nước ngoài. Tuy nhiên, hành vi phạm tội xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam, tội phạm về an ninh trật tự, xâm phạm trái pháp luật đến tính mạng của người khác nên sẽ áp dụng Bộ luật hình sự Việt Nam để giải quyết và thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan bảo vệ pháp luật ở Việt Nam.
Chiếc búa Nikiforov dùng gây án đã được cảnh sát thu giữ. Ảnh: Công an cung cấp
Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định: Bộ luật Hình sự có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền bình đẳng giữa đồng bào các dân tộc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự pháp luật, chống mọi hành vi phạm tội; giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội;
Điều 5, Bộ luật hình sự cũng quy định: "Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.".
Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.
"Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.".
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì hai đối tượng này không mang thân phận ngoại giao, không phải là người thuộc cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Cộng hòa liên bang Nga nên việc xử lý hình sự về tội giết người sẽ được thực hiện theo quy định chung về tố tụng hình sự ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong trường hợp luật pháp của Cộng hòa liên bang Nga có quy định khác theo hướng hình phạt nhẹ hơn hình phạt mà bộ luật hình sự Việt Nam quy định thì khi lượng hình, tòa án sẽ cân nhắc xem xét để đảm bảo hài hòa về chính sách hình sự, thể hiện sự nhân văn, nhân đạo trong việc áp dụng pháp luật hình sự Việt Nam.
Bộ luật Hình sự còn quy định hình phạt riêng với người nước ngoài là trục xuất. Trục xuất là có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, buộc người phạm tội phải rời khỏi Việt Nam trong một thời hạn nhất định (theo Điều 37 Bộ luật Hình sự 2015). Bởi vậy, trong trường hợp tòa án kết tội đối tượng này về tội giết người và không tuyên phạt hình phạt là tù chung thân hoặc tử hình thì sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất sau khi chấp hành xong hình phạt tù có thời hạn. Trong trường hợp tòa án áp dụng hình phạt chính là tù chung thân hoặc tử hình thì sẽ không áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất.
Ngoài ra, bị can bị cáo không phải là người mang thân phận ngoại giao, không được miễn trừ ngoại giao theo luật pháp quốc tế nhưng trong trường hợp quốc gia có công dân phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam có văn bản yêu cầu dẫn độ người nước ngoài về nước để xử lý thì tùy từng tình huống cụ thể mà cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền tại Việt Nam có thể đồng ý hoặc không đồng ý dẫn độ.
Có thể nói rằng, xu hướng quốc tế hóa, thu hút đầu tư nước ngoài và tự do trên thị trường lao động thì người nước ngoài sinh sống làm việc học tập lao động ở Việt Nam thời gian qua ngày càng tăng nhanh. Theo đó, những người nước ngoài, người không có quốc tịch phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng nhiều. Chỉ những trường hợp người phạm tội mang thân phận ngoại giao thì mới giải quyết theo con đường ngoại giao, bằng luật pháp quốc tế, theo các điều ước mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập.
Còn đối với công dân mang quốc tịch nước ngoài hoặc người không có quốc tịch nhập cảnh vào lãnh thổ Việt Nam để du lịch, lao động hoặc vì lý do khác mà thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì sẽ áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết, do cơ quan tiến hành tố tụng ở Việt Nam thực hiện. Hiện tượng người nước ngoài, người không quốc tịch phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng nhiều cho thấy vấn đề đảm bảo an ninh trật tự với người nước ngoài và cho người nước ngoài, người không quốc tịch ở Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, kịp thời xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật hình sự trên lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo môi trường du lịch, môi trường đầu tư mạnh mạnh.