Hành vi đánh người trong các vụ việc va chạm giao thông là thiếu văn hóa, đánh phụ nữ lại càng không thể chấp nhận được
Vụ việc người đàn ông đánh người phụ nữ đi xe máy điện khi va chạm với cháu bé khiến dư luận xã hội lên án. Đánh giá về vấn đề này Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng: Hành vi đánh người đi xe máy điện trong tình huống này là rất phản cảm, thể hiện văn hóa đổ lỗi của một số người và còn có thể là hành vi vi phạm pháp luật.
Người có lỗi trong tình huống này là người đi bộ qua đường khi không đảm bảo an toàn ?
Với diễn biến qua clip cho thấy người đàn ông dẫn đứa trẻ băng cắt qua đường nhưng không dắt tay, để cháu bé chạy vụt qua khiến và chạm với xe máy điện đang lưu thông khiến cả người đi xe máy điện và cháu bé bị ngã ra đường. Không dừng lại ở đấy mà một số người còn xông vào đánh người phụ nữ đi xe máy điện khiến dư luận xã hội bức xúc.
Trong tình huống tai nạn giao thông này thì người có lỗi đầu tiên sẽ được xác định là người đàn ông khi không dắt tay đứa trẻ qua đường, không đi vào vạch sơn dành cho người đi bộ, cũng không đảm bảo an toàn khi qua đường dẫn đến vụ tai nạn giao thông.
Còn đối với người đi xe máy điện thì hình ảnh qua clip cho thấy người này đi đúng phần đường và tốc độ cũng không cao, không có dấu hiệu đi quá tốc độ cho phép hoặc thiếu chú ý quan sát. Cháu bé chạy băng qua đường rất nhanh lao vào mũi xe nên sẽ được xác định đây là sự kiện bất ngờ, bởi vậy chưa có căn cứ nào để xác định lỗi của người đi xe máy điện.
Trong trường hợp này, rất may mắn là cháu bé chỉ bị thương tích nhẹ, bởi vậy trách nhiệm hình sự với người đàn ông sẽ không đặt ra, tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn có thể xử phạt vi phạm hành chính người đàn ông này theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP về hành vi sang đường không đảm bảo an toàn.
Điều 9, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:
"1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn;
b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
c) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;
d) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;
đ) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.".
Hành vi của người đàn ông này được xác định là sang đường không đảm bảo an toàn nên sẽ bị xử phạt với mức phạt tới 100.000 đồng theo quy định tại nghị định nêu trên.
Hành vi đánh người khi va chạm giao thông có thể bị xử lý hình sự !
Còn đối với hành vi đánh người nơi công cộng thì đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp nạn nhân có đơn trình báo tố giác tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xem xét xử lý, nếu thương tích dưới 11 % nhưng hành vi được xác định là có tính chất côn đồ thì người đàn ông này sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 bộ luật hình sự.
Trường hợp người đi xe máy điện không tố cáo về hành vi cố ý gây thương tích nhưng hành vi đánh người nơi công cộng là hành vi gây rối trật tự công cộng, hành vi này cũng là hành vi vi phạm pháp luật, tùy thuộc vào việc đánh giá của cơ quan chức năng mà người đàn ông này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.
Nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi chưa đến mức gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì sẽ không xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng nhưng cũng sẽ xử phạt vi phạm hành chính có thể tới 8.000.000 đồng theo quy định tại nghị định 144/2021/NĐ-CP cụ thể theo quy định tại khoản 5, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:...
"5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;...".
Vụ việc này sẽ là bài học cho nhiều người về ứng xử khi tham gia giao thông. Thời gian gần đây không ít những vụ việc chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt khi tham gia giao thông mà người tham gia giao thông đã xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, gây mất an ninh trật tự. Bởi vậy ngoài việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông thì cơ quan chức năng cũng cần phải xem xét xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác, gây mất an ninh trật tự. Cộng đồng xã hội cũng cần có tiếng nói để lên án những hành vi thiếu văn hóa, côn đồ khi sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn trong va chạm giao thông.