Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Bắt cựu chủ tịch Sen Tài Thu: Uy tín xây dựng mấy chục năm, hủy hoại trong một nốt nhạc ?!
29/01/2024
icon-zalo
Bắt cựu chủ tịch Sen Tài Thu: Uy tín xây dựng mấy chục năm, hủy hoại trong một nốt nhạc ?!

Công an xác định cựu chủ tịch Công ty Sen Tài Thu cùng đồng phạm lợi dụng uy tín thương hiệu chăm sóc sức khỏe Sen Tài Thu, nâng khống vốn điều lệ, đưa ra doanh thu không đúng thực tế để huy động vốn trái pháp luật. 

Ngày 29-1, Công an TP Hà Nội cho biết đã bắt khẩn cấp bà Phạm Thị Hòa (cựu chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sen Tài Thu), Nguyễn Thị Thùy Linh (con gái bà Hòa) và Nguyễn Thị Lan Hương để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo công an, từ năm 2018 đến tháng 5-2023, các nghi phạm này nắm rõ việc Công ty cổ phần Sen Tài Thu có dư nợ phát sinh rất lớn, mất khả năng thanh toán.

Lợi dụng uy tín thương hiệu chăm sóc sức khỏe Sen Tài Thu, nhóm nghi phạm đã nâng khống vốn điều lệ, đưa ra doanh thu lợi nhuận của hệ thống không đúng thực tế để huy động vốn trái pháp luật.

Theo điều tra ban đầu, có khoảng 100 hợp đồng huy động vốn của các nhà đầu tư đã được ký kết, tổng giá trị khoảng 1.000 tỉ đồng.

Công an thành phố Hà Nội đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, làm rõ vai trò một số nghi phạm liên quan khác.

Công an làm việc với cựu chủ tịch Công ty cổ phần Sen Tài Thu - Ảnh: VTV

Công an làm việc với cựu chủ tịch Công ty cổ phần Sen Tài Thu - Ảnh: VTV

Theo dõi vụ việc trên, tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: Đưa ra thông tin gian dối về doanh thu, về dự án để huy động vốn rồi mất khả năng thanh toán thì bị xử lý về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không tránh khỏi. 
 
Việc cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với cựu chủ tịch hội đồng quản trị Sen Tài Thu về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thông tin đã được nhiều người dự đoán từ trước, bởi doanh nghiệp này đã mất khả năng thanh toán từ lâu và trước đó có rất nhiều đơn thư tố cáo tố giác tội phạm về hành vi huy động vốn trái phép của doanh nghiệp này.
 
Chắc hẳn rằng nhiều người quan tâm đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, đông y, vật lý trị liệu đã biết thương hiệu về vật lý trị liệu gia truyền Sen Tài Thu. Đây là thương hiệu được xây dựng từ mấy chục năm nay xuất phát từ cái tâm, cái tài của thế hệ đi trước, nhiều người đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, chăm sóc sức khỏe. Chính vì thương hiệu này mà các bị can đã lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng ngàn người bằng hình thức huy động vốn trái phép.
 
Hiểu thế nào cho đúng về nguyên tắc suy đoán vô tội - Ảnh 1.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường. Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp

 
Xây dựng thương hiệu nhiều năm nhưng có thể bị hủy hoại chỉ qua một nốt nhạc
 
Sen Tài Thu, với thương hiệu lâu năm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vật lý trị liệu nên nhiều người sẽ tin rằng doanh nghiệp này làm ăn có lãi. Do hình thức tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, bài bản, chất lượng dịch vụ tốt nên nhiều khách hàng, nhà đầu tư sẵn sàng góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp này. Có lẽ chưa bao giờ việc huy động vốn lại dễ dàng và nhanh chóng đến thế. Trong một thời gian ngắn có thể huy động được đến hàng ngàn tỷ đồng. Ban lãnh đạo của doanh nghiệp này huy động vốn rất nhanh chóng thông qua những người môi giới, phát triển hệ thống thông qua việc quảng cáo rầm rộ trong các cuộc hội thảo và trên các phương tiện thông tin truyền thông. Đặc biệt là đội ngũ tư vấn viên hoạt động máu lửa, với khả năng ăn nói khéo léo, với nhiều chiêu thức câu dụ nhà đầu tư, trả lãi cao, dịch vụ chu đáo, kế hoạch kinh doanh khả thi bằng các "bánh vẽ" từ thương hiệu Sen Tài Thu đã khiến nhiều khách hàng sập bẫy.
 
Lòng tin từ thương hiệu gây dựng mấy chục năm đã bị "đánh cắp", bị hủy hoại bởi lòng tham và sự cám dỗ của đồng tiền của những người điều hành doanh nghiệp này những năm gần đây. Những người lãnh đạo điều hành doanh nghiệp này thời gian gần đây đã lợi dụng niềm tin của khách hàng để thực hiện hành vi huy động vốn trái phép, đưa ra thông tin sai sự thật về doanh thu, về dự án của doanh nghiệp khiến nhiều người chuyển tiền vào doanh nghiệp này để các bị can sử dụng sai mục đích, chiếm đoạt.
 
Sau quá trình kiểm tra xác minh thông tin từ các đơn thư tố cáo tố giác tội phạm. Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP. Hà Nội đã bắt khẩn cấp bà Phạm Thị Hòa (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sen Tài Thu), Nguyễn Thị Thùy Linh (con gái bà Hòa) và Nguyễn Thị Lan Hương về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". 
 
Theo cơ quan chức năng, các nghi phạm trên biết việc Công ty Sen Tài Thu có dư nợ phát sinh rất lớn, mất khả năng thanh toán. Tuy vậy, từ năm 2018 đến tháng 5/2023, các đối tượng lợi dụng uy tín thương hiệu chăm sóc sức khỏe Sen Tài Thu, nâng khống vốn điều lệ, đưa ra doanh thu lợi nhuận của hệ thống không đúng thực tế để huy động vốn trái pháp luật.
 
Với kết quả xác minh thông tin như vậy thì việc khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với một số người quản lý của doanh nghiệp này về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật. 
 
Pháp luật Việt Nam không cấm doanh nghiệp huy động vốn, tuy nhiên việc huy động vốn phải công khai, minh bạch, phải sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và chịu trách nhiệm đối với việc sử dụng vốn của mình, đặc biệt và không được phép đưa ra thông tin gian dối để các nhà đầu tư góp vốn. Trường hợp đưa ra thông tin gian dối để các nhà đầu tư góp vốn nhưng lại sử dụng vốn vào mục đích bất hợp pháp hoặc sử dụng sai mục đích dẫn đến mất khả năng trả lại khoản tiền góp vốn, biết trước là không có khả năng trả lại tiền góp vốn cho nhà đầu tư nhưng vẫn nhận tiền thì đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với số tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên thì người thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hình sự theo khoản 4, Điều 174 bộ luật hình sự với chế tài là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
 
Hiện nay thì cơ quan điều tra đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ba bị can là người quản lý điều hành doanh nghiệp này. Tuy nhiên, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện theo hệ thống với nhiều người cùng tham gia. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra để xác định vai trò trách nhiệm đối với từng vị trí quản lý của doanh nghiệp này để xác định những ai cùng ý chí thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với các bị can đã bị bắt giữ để xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm. Có thể tới đây cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố bị can đối với một số người có liên quan về cùng tội danh do có hành vi giúp sức các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 
 
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, làm rõ tính chất của hành vi "có tổ chức" đối với các bị can. Tất cả các cán bộ phải người quản lý của doanh nghiệp này mà biết rõ những thông tin không có thật nhưng vẫn thống nhất, cùng nhau đưa ra để các nhà đầu tư tin tưởng nộp tiền vào thì tất cả những người này đều có thể bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm. Còn đối với những cán bộ nhân viên dưới quyền, không biết là thông tin gian dối đã vô tình giúp sức cho các đối tượng lừa đảo, không được hưởng lợi thì không bị xử lý hình sự. Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ phân hóa, phân loại để xác định vai trò của từng vị trí trong hệ thống này, làm rõ hành vi, nhận thức của từng vị trí quản lý của doanh nghiệp này liên quan đến hoạt động huy động vốn để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Theo quy định của pháp luật thì đồng phạm là có từ hai người trở lên cùng ý chí thực hiện một tội phạm. Người đồng phạm có thể là người chủ mưu, người thực hành, người giúp sức và người xúi giục. Tùy thuộc vào vị trí công việc, nhận thức, hành vi thì mỗi người lại có những vai trò khác nhau trong đồng phạm. Tuy nhiên, tất cả những người trong đồng phạm đều có cùng ý chí thực hiện hành vi phạm tội. Bởi vậy nếu trong trường hợp có căn cứ cho thấy những người hoạt động trong doanh nghiệp này biết hành vi đưa ra thông tin để các nhà đầu tư nộp tiền là gian dối nhưng vẫn giúp sức, vẫn thực hiện hành vi gian dối này để chiếm đoạt tiền của các nạn nhân thì sẽ bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò đồng phạm. 
 
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ cơ cấu tổ chức hoạt động, mô hình hoạt động, chức năng nhiệm vụ của từng vị trí công tác. Đồng thời sẽ làm rõ việc bàn bạc thỏa thuận thống nhất với nhau về việc huy động vốn trái phép, sẽ làm rõ đường đi của dòng tiền để xác định bản chất của sự việc. Đặc biệt là làm rõ hành vi, xác định hậu quả và đánh giá vai trò của từng bị can làm căn cứ để áp dụng chế tài hình sự. 
 
Một điều cũng đáng chú ý trong vụ việc này là số tiền các bị can chiếm đoạt đặc biệt lớn. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền này đang tồn tại ở dạng vật chất nào, được chuyển hóa thành các tài sản nào để xác định có hành vi rửa tiền hay không, có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không. Đồng thời sẽ tiến hành niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản của doanh nghiệp này, những tài sản có liên quan đến tội phạm để bảo vệ quyền lợi cho người bị hại. 
 
Người bị hại có cơ hội đòi lại tiền hay không ?
 
Về nguyên tắc là khi giải quyết vụ án hình sự liên quan đến tội phạm xâm phạm quyền sở hữu tài sản thì ngoài việc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng gây án, làm rõ phương thức thủ đoạn phạm tội, đánh giá hậu quả của hành vi phạm tội đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội để áp dụng chế tài cho phù hợp thì cơ quan điều tra, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ tài sản mà các bị can đã chiếm đoạt của người bị hại đang ở đâu để tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi tài sản cho các nạn nhân. 
 
Cơ quan điều tra sẽ phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, sẽ kê biên đối với các bất động sản, sẽ ngăn chặn chuyển dịch tài sản đối với các tài sản khác để đảm bảo thi hành án. 
 
Quá trình điều tra vụ án này, nếu các bị can hoặc những người thân thích của bị can tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì cũng là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho các bị can. Việc bồi thường khắc phục hậu quả có thể là một phần hoặc toàn bộ hậu quả tùy thuộc vào khả năng và thái độ nhận thức của bị can. 
 
Trong trường hợp bị can và những người thân thích của bị can không tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn và biện pháp cưỡng chế để thu hồi tài sản phải trả lại cho những người bị hại. 
 
Những người đã góp tiền vào doanh nghiệp này theo hình thức góp vốn, cho vay hoặc các giao dịch khác mà thấy rằng mình đã bị lừa đảo, do những thông tin gian dối mà chuyển tiền thì có thể liên hệ với cơ quan điều tra, viện kiểm sát thành phố Hà Nội để được đề nghị tham gia tố tụng với vai trò là người bị hại, đồng thời được quyền đưa ra các tài liệu đồ vật chứng cứ yêu cầu để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét giải quyết. 
 
Trường hợp kết thúc hoạt động tố tụng mà những người bị hại vẫn chưa nhận được tiền thì trong phiên xét xử vụ án hình sự sau này, người bị hại cũng có quyền đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại, buộc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt và những thiệt hại khác nếu có. Sau này bạn án hình sự có hiệu lực pháp luật mà các bị cáo không tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì người bị hại có quyền căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật để yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành án.
 
Đây không phải là vụ án đầu tiên về hành vi huy động vốn đến hàng ngàn tỷ đồng để chiếm đoạt, gây thiệt hại cho những người bị hại. Trước đây đã có nhiều vụ án liên quan đến bất động sản, đến chồng xong Ngọc Linh rồi các hình thức huy động vốn theo mô hình đa cấp... Điều này cho thấy công tác quản lý nhà nước về hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp thời gian qua chưa tốt, nhiều doanh nghiệp lợi dụng uy tín vị thế trên thị trường phải lợi dụng mối quan hệ và các hoạt động đánh bóng tên tuổi, quảng cáo gian dối để huy động vốn trái phép dẫn đến số tiền huy động vốn đặc biệt lớn hàng ngàn tỷ đồng. 
 
Ngoài ra thì ảnh hưởng do dịch bệnh, suy thoái kinh tế nên nhiều người không tập trung vào sản xuất kinh doanh, mà lại kinh kinh doanh theo mô hình cho vay, đầu tư tài chính dẫn đến việc bị các đối tượng  lợi dụng để huy động vốn trái phép bằng hình thức trả lãi cao hoặc vẽ ra những dự án màu mè, theo kiểu bánh vẽ để chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng sử dụng đội ngũ nhân viên tư vấn có am hiểu về tài chính, có một lượng khách hàng nhất định và có khả năng thuyết phục các nhà đầu tư. Đặc biệt các đối tượng đánh vào lòng tham và nhẹ dạ cả tin của các nhà đầu tư bằng hình thức trả lãi suất cao, bán cổ phần ảo và cam kết mua lại cổ phần...
 
Phương thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đối tượng thường là đánh vào lãi suất cao, chiết khấu lớn để các nhà đầu tư tin tưởng. Ngoài ra các đối tượng còn xây dựng một đội ngũ nhân viên bán hàng, tư vấn viên có khả năng thao túng tâm lý, bất chấp đạo đức để chốt đơn. 
 
Một điều cũng cần phải kể đến là các đối tượng sử dụng mô hình đa cấp, hệ thống hình chóp để huy động vốn theo kiểu chia sẻ lợi ích biến người bị hại trở thành người tiếp tay để câu dụ những người bị hại khác theo cấp số nhân. Chính vì vậy số tiền góp vốn cũng vì thế mà tăng lên nhanh chóng, số người góp vốn cũng tăng lên theo cấp số nhân. 
 
Ngoài ra các đối tượng còn sử dụng hình ảnh của những người có uy tín, các thương hiệu quốc gia, những giấy tờ khen thưởng, thành tích để đánh bóng thương hiệu. 
 
Khi có được nhiều tiền một cách dễ dàng như vậy thì các đối tượng lại chi tiêu một cách hoàn phí, thiếu kiểm soát dẫn đến thất thoát lớn. Ngoài ra cũng tính đến một lượng lớn số tiền quay trở lại làm "mồi câu", trả lãi cho hệ thống dẫn đến số tiền chiếm đoạt được thất thoát nhanh chóng và dần dần dẫn đến mất khả năng kiểm soát về tài chính, không còn khả năng trả lãi cho các nhà đầu tư. 
 
Điều nguy hiểm hơn là khi mất khả năng kiểm soát, khi hệ thống không còn có thêm những nhà đầu tư mới thì các đối tượng thường sẽ tuyên bố phá sản và mở các hệ thống, các chuỗi khác, doanh nghiệp khác để tiếp tục huy động vốn trái phép.
 
Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ án lừa đảo hàng ngàn người với hàng ngàn tỷ đồng như thế này thì cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có giải pháp về tăng cường công tác quản lý hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp. Công khai minh bạch về các thông tin, đặc biệt là thông tin về doanh nghiệp. Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công dân, đặc biệt là đối với các doanh nhân. Cần phải xây dựng đạo đức doanh nhân và tăng cường các cơ chế giám sát để phân loại chọn lọc những doanh nhân chân chính, kịp thời loại bỏ những đối tượng làm ăn chụp giật, lừa đảo. Đối với hoạt động tài chính như đầu tư tài chính, sự huy động vốn, góp vốn thì cần tăng cường các cơ chế giám sát, các nhà đầu tư cần thận trọng khi bỏ vốn đầu tư vào các dự án, các doanh nghiệp để tránh tiền mất tật mang. Đặc biệt là cần phải siết chặt quản lý của các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hoặc kinh doanh theo mô hình đa cấp trong hoạt động huy động vốn.
 

https://giadinh.suckhoedoisong.vn/bat-chu-tich-cong-ty-sen-tai-thu-172240129120257571.htm

_____________________________________

Ts. Ls. Đặng Văn Cường

Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.

Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.

Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407

Website: https://luatchinhphap.com/

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896