Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

71 giáo viên viết tâm thư xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Chử Xuân Dũng: Có phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ?
26/07/2023
icon-zalo
71 giáo viên viết tâm thư xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Chử Xuân Dũng: Có phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ?
 
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng:  Đơn thư, tâm thư, văn bản xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo trong vụ án hình sự của tổ chức, cá nhân không phải là người bị hại không là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định "cứng" trong Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử vẫn có thể áp dụng, coi là tình tiết giảm nhẹ "mềm" nhưng phải ghi rõ vào bản án hoặc tình tiết này sẽ là căn cứ để đánh giá nhân thân của bị cáo, cũng như là cơ sở để đánh giá tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, làm cơ sở để tòa án quyết định một mức hình phạt phù hợp.
 
Theo quy định của pháp luật thì trường hợp bị cáo phạm tội, đủ căn cứ để kết tội thì tòa án sẽ tuyên bố bị cáo phạm vào một trong các tội danh mà bộ luật hình sự có quy định. Đồng thời với việc kết tội bị cáo thì tòa án sẽ tuyên một loại hình phạt, mức hình phạt phù hợp cho từng bị cáo.
Cựu Phó chủ tịch Hà Nội: ‘Tôi trở thành tội đồ của thành phố’ - Ảnh 1.

Các luật sư tham gia bào chữa tại tòa

TRẦN PHAN

 
Về nguyên tắc là mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên với cùng một hành vi phạm tội nhưng tính chất mức độ hành vi khác nhau thì mức hình phạt cũng khác nhau với từng bị cáo. Nhân thân của từng bị cáo khác nhau, mặc dù hành vi giống nhau nhưng mức hình phạt cũng sẽ khác nhau. Tính chất mức độ hành vi giống nhau, nhân thân giống nhau nhưng tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khác nhau thì hình phạt đối với mỗi bị cáo cũng khác nhau. 
 
Suy cho cùng thì dù là loại hình phạt nào, mức hình phạt đến đâu thì mục  đích hướng đến của hình phạt cũng đều là để cải tạo giáo dục bị cáo trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Cùng một hành vi phạm tội nhưng với nhân thân khác nhau thì bị cáo này phải chấp hành 10 năm tù mới phù hợp, còn bị cáo khác chỉ 05 năm là phù hợp, đủ để cải tạo giáo dục bị cáo trở thành người tốt, không dám tiếp tục phạm tội đồng thời cũng đủ để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội. Bởi vậy, cùng một hành vi phạm tội nhưng hình phạt 05 năm tù hay 10 năm tù sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, công tâm của hội đồng xét xử để sao cho hình phạt đó "phù hợp" đối với từng hoàn cảnh, từng bị cáo, trong từng vụ án. 

Cựu Phó chủ tịch Hà Nội: ‘Tôi trở thành tội đồ của thành phố’ - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên tòa

TRẦN PHAN

Bởi vậy về lý luận thì sẽ không có hình phạt "cao" hay hình phạt "thấp",  không có hình phạt nặng hay hình phạt "nhẹ" mà chỉ có hình phạt phù hợp hay không mà thôi. 
 
Hình phạt "phù hợp" phải là hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của từng bị cáo, phù hợp với nhân thân của từng bị cáo, phù hợp với quy định của pháp luật và phù hợp với các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Hình phạt phù hợp phải đáp ứng được nhu cầu phòng chống tội phạm, kiểm soát được tình hình tội phạm, khiến cho người phạm tội tâm phục khẩu phục, đủ khoan hồng nhưng cũng đủ nghiêm khắc để giáo dục bị cáo trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội.
 
Khi xét xử vụ án hình sự, kết tội bị cáo thì đồng thời hội đồng xét xử cũng sẽ lựa chọn loại hình phạt, mức hình phạt đối với tội trạng của từng bị cáo. Tuy nhiên, việc lựa chọn loại hình phạt, xác định mức hình phạt cũng phải căn cứ vào quy định của pháp luật chứ không được phép tùy tiện, vô nguyên tắc.
 
Điều 50. Bộ luật hình sự năm 2015 quy định căn cứ quyết định hình phạt như sau: Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
 
Khi quyết định áp dụng hình phạt tiền, ngoài căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 50 BLHS, Tòa án căn cứ vào tình hình tài sản, khả năng thi hành của người phạm tội.
 
Cựu Phó chủ tịch Hà Nội: ‘Tôi trở thành tội đồ của thành phố’ - Ảnh 3.

(Các bị cáo trong vụ án, Ảnh: TRẦN PHAN)

Như vậy, hình phạt chỉ đặt ra khi bị cáo được xác định là có tội và việc quyết định hình phạt đầu tiên phải căn cứ vào quy định của bộ luật hình sự. Bộ luật hình sự sẽ quy định với tội danh này thì hình phạt nào. Ví dụ với tội nhận hối lộ thì sẽ có hình phạt là tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình. Điều luật cũng sẽ quy định mức độ phạm tội như thế nào thì sẽ ở khung hình phạt nào, mức độ số tiền nhận hối lộ bao nhiêu thì có khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình. Ví dụ Điều 354 Bộ luật hình sự quy định nhận hối lộ từ 1.000.000.000 đồng trở lên thì hình phạt sẽ là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình. Còn hành vi nhận hối lộ dưới 1.000.000.000 đồng thì sẽ không áp dụng hình phạt là tù chung thân hoặc tử hình, mức hình phạt sẽ dưới 20 năm tù.
 
Bộ luật hình sự cũng quy định, trường hợp người phạm tội có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên thì có thể xét xử ở dưới khung hình phạt, nội dung này được quy định tại Điều 54 bộ luật hình sự.
Cựu Phó chủ tịch Hà Nội: ‘Tôi trở thành tội đồ của thành phố’ - Ảnh 4.

Bị cáo Chử Xuân Dũng

TRẦN PHAN

Việc lựa chọn loại hình phạt phải căn cứ vào khung hình phạt, căn cứ vào hình phạt được ghi nhận trong điều luật, với tội danh mà bị cáo phạm phải. Sau khi lựa chọn loại hình phạt thì hội đồng xét xử sẽ biểu quyết về mức hình phạt cho phù hợp đối với từng bị cáo. Mức hình phạt sẽ phụ thuộc vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, phụ thuộc vào nhân thân người phạm tội và phụ thuộc vào các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
 
Như vậy, có thể thấy rằng theo quy định của pháp luật hình sự Việt Nam thì có 05 căn cứ quyết định đến hình phạt đó là: 1. Quy định của bộ luật hình sự về khung hình phạt, loại hình phạt; 2. Tính chất mức độ hành vi phạm tội; 3. Nhân thân người phạm tội; 4. Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và cuối cùng 5 là Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Năm căn cứ quyết định đến hình phạt chia làm 02 nhóm yếu tố là nhóm yếu tố nhân thân và nhóm yếu tố hành vi. 
 
Trong đó các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cũng được coi là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến "loại" hình phạt và "mức" hình phạt mà tòa án có thể áp dụng.
 
Theo quy định tại khoản 1, Điều 51 Bộ luật hình sự thì các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sau đây được quy định là các tình tiết giảm nhẹ "cứng", được áp dụng bắt buộc và là căn cứ giảm nhẹ đáng kể đối với TNHS của người phạm tội: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội; Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra; Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra; Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn; Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức; Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra; Phạm tội do lạc hậu; Người phạm tội là phụ nữ có thai; Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên; Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình; Người phạm tội tự thú; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; Người phạm tội đã lập công chuộc tội; Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác; Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Những cuộc ngã giá bất thành -0
Hội đồng xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”.
Trong vụ án hình sự nếu bị cáo có một trong những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nêu trên thì bắt buộc tòa án phải áp dụng để giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Trong trường hợp bị cáo có từ 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, Điều 51 bộ luật hình sự nêu trên thì hội đồng xét xử có quyền áp dụng điều 54 bộ luật hình sự để xét xử bị cáo ở mức hình phạt dưới khung hình phạt.
 
Ngoài các hình phạt quy định tại khoản 1, Điều 51 BLHS nêu trên thì khoản 2, Điều 51 bộ luật hình sự cũng quy định: "Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.".
 
Quy định này mở rộng sự "tùy nghi" cho hội đồng xét xử trong việc lựa chọn các "tình tiết khác" được xác định là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Tuy nhiên, để lựa chọn tình tiết nào được coi là tình tiết giảm nhẹ thì phải "ghi rõ" vào trong bản án, đây được coi là các tình tiết giảm nhẹ "mềm" do hội đồng xét xử tùy nghi áp dụng theo nguyên tắc của pháp luật.
 
Hiện nay, quy định về tình tiết giảm nhẹ khác tại khoản 2 Điều 51 BLHS 2015 chưa được HĐTP TANDTC hướng dẫn cụ thể.
 
Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, Tòa án có thể tham khảo quy định tại điểm c mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 để xác định tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ.
 
Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
 
Xét xử chuyến bay giải cứu: Cựu Phó Chủ tịch Hà Nội được học trò bào chữa - 1

Luật sư Trịnh Văn Tuyến bào chữa cho cựu Phó Chủ tịch Hà Nội (Ảnh: H.N.).

Theo Công văn 212/TANDTC – PC 2019 Thì các tình tiết có thể được coi là giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 51 BLHS, cụ thể như sau : Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước; Bị cáo là thương binh hoặc người thân thích như vợ, chồng, cha mẹ, con, anh, chị, em ruột là liệt sỹ; Người bị hại cũng có lỗi; Thiệt hại do lỗi của người thứ ba; Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay bị cáo; Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe cho người bị hại, gây thiệt hại về tài sản; Phạm tội do phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu; Bị cáo tự nguyện giao nộp ít nhất ½ số tiền thu lợi bất chính hoặc tiền phạt bổ sung theo bản án, quyết định của Tòa án... hoặc các tình tiết khác do hội đồng xét xử quyết định nhưng phải ghi rõ vào trong bản án.
 
Những cuộc ngã giá bất thành -0
Đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa
 
Như vậy, có thể thấy rằng, người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe cho người bị hại, gây thiệt hại về tài sản là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể được áp dụng theo khoản 2 điều 51 bộ luật hình sự. Tuy nhiên, khoản 2, Điều 51 cũng quy định các tình tiết khác cũng có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự nhưng hội đồng xét xử phải ghi rõ trong bản án. Đây là quy phạm "tùy nghi", giao quyền cho hội đồng xét xử quyết định cho phù hợp đối với từng vụ án, thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật cũng như làm cơ sở để quyết định mức hình phạt phù hợp.
 
Mặc dù bộ luật hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định tâm thư, đơn thư, văn bản, công văn của các tổ chức cá nhân không liên quan đến vụ án có được coi là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự hay không. Tuy nhiên, về nguyên tắc áp dụng pháp luật là những điều pháp luật không cấm thì công dân có quyền thực hiện và Hiến pháp quy định quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội nên mọi tổ chức cá nhân đều có quyền bày tỏ quan điểm thái độ của mình đối với hành vi phạm tội của các bị cáo. Mọi người đều có quyền đưa ra đề nghị với hội đồng xét xử về việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với bị cáo ở mức độ như thế nào, còn việc quyết định hay không, ghi nhận hay không, mức độ đến đâu là do tòa án quyết định. Nếu xét thấy ý kiến, yêu cầu, đề nghị của nhiều tổ chức cá nhân cho thấy mức độ tín nhiệm của bị cáo trong cộng đồng, vai trò và sự đóng góp của bị cáo cũng như sự tin yêu, tin tưởng, giá trị của bị cáo đối với xã hội. Đây có thể được không là yếu tố để hội đồng xét xử cân nhắc áp dụng có áp dụng là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2, điều 51 bộ luật hình sự hay không.
 
Trường hợp tâm thư, đơn thư, văn bản kiến nghị đề nghị khoan hồng, xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự đối với bị cáo không được coi là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2, điều 51 bộ luật hình sự thì những đơn thư văn bản này cũng có thể được coi, được đánh giá, là thông tin có ý nghĩa để hội đồng xét xử làm rõ hình ảnh, nhân thân của bị cáo, cũng như vai trò, giá trị của bị cáo đối với xã hội, trên cơ sở đó hội đồng xét xử sẽ quyết định một hình phạt sao cho "thấu tình", đạt lý, phù hợp với các yếu tố quyết định hình phạt. 
 
Luật sư Trần Nam Long bào chữa cho bị cáo Vũ Hồng Nam. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)
 
Tôi là một trong các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án này (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục lãnh sự, Bộ ngoại giao), quá trình nghiên cứu hồ sơ cũng như qua diễn biến trong suốt quá trình tòa án xét xử vụ án này, mặc dù bản thân tôi không bào chữa trực tiếp cho bị cáo Chử Xuân Dũng nhưng tôi rất có cảm tình đối với bị cáo này. Không chỉ riêng cá nhân tôi mà nhiều luật sư đều đánh giá, nhận thấy thái độ khai báo của bị cáo Dũng rất thành khẩn, thể hiện thái độ ăn năn và nghiêm túc trước những sai lầm của mình. Thái độ hành vi, nhận thức của bị cáo cho thấy khả năng tự cải tạo giáo dục của bị cáo là rất cao, không cần thiết phải cách ly bị cáo với đời sống xã hội, không cần thiết phải có mức hình phạt nghiêm khắc. Bởi vậy, có lẽ vì thế mà nhiều thầy cô giáo cùng viết tâm thư xin giảm hình phạt cho bị cáo Dũng. Một phần cũng bởi ông  Chử Xuân Dũng từng là giáo viên, có nhiều công sức đóng góp cho ngành giáo dục. Thậm chí tại phiên tòa, đồng nghiệp của chúng tôi bào chữa cho ông Dũng cũng là học trò cũ của ông Dũng, vị luật sư đồng nghiệp này cũng rất xúc động và nói những lời tâm can để bào chữa cho thầy của mình. Tôi thấy đây là những tình tiết mà hội đồng xét xử có thể cân nhắc xem xét xác định là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho ông Chử Xuân Dũng, đồng thời cũng là cơ sở để đánh giá nhân thân của ông Dũng, vai trò, giá trị xã hội của ông Dũng để có mức hình phạt phù hợp với bị cáo này, thể hiện sự khoan hồng nhân đạo của pháp luật, tạo cơ hội cho ông Dũng có cơ hội sửa sai và tiếp tục công hiến đóng góp những giá trị của mình đối với xã hội sau khi chấp hành xong hình phạt hoặc có thể cho ông Dũng được hưởng án treo để có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, tiếp tục có điều kiện đóng góp công sức cho xã hội.
 

https://danviet.vn/71-giao-vien-viet-tam-thu-xin-giam-nhe-hinh-phat-cho-cuu-pho-chu-tich-ha-noi-chu-xuan-dung-2023072510381593.htm?

_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407

 

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896