Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Phòng chống tham nhũng, góc nhìn luật sư từ vụ "Chuyến bay giải cứu"
02/08/2023
icon-zalo

Phòng chống tham nhũng, góc nhìn luật sư từ vụ "Chuyến bay giải cứu"

Qua vụ án chuyến bay giải cứu cho thấy công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng ở Việt Nam đang rất quyết liệt, quyết tâm, mang lại những hiệu quả tích cực. Sau đây là bài phỏng vấn của phóng viên Đoan Trang, Báo Pháp luật Việt Nam với tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp liên quan đến vụ án này. 

Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy tuyên án sơ thẩm đối với 54 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu". (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)
Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa Vũ Quang Huy tuyên án sơ thẩm đối với 54 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu". (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Pv: Vụ chuyến bay giải cứu có rất nhiều người đại diện của doanh nghiệp tham gia và bị truy tố, xét xử với tội danh "đưa hối lộ”. Ông cảm thấy sao khi sự việc đau lòng đó xảy ra? Theo ông, động cơ nào thúc đẩy họ phạm tội?

 

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Vụ án hình sự liên quan đến các chuyến bay đưa công dân về nước thời điểm dịch bệnh covid-19 (thường gọi là vụ án "chuyến bay giải cứu") là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, có thể gọi là "đại án" về tham nhũng khi xét xử đối với 54 bị cáo. Trong đó đến 21 bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ, 23 bị cáo bị truy tố về tội đưa hối lộ, ngoài ra còn các có các bị cáo bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, tội môi giới hối lộ và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Điều đáng chú ý trong vụ án này là các "kỷ lục" mới trong tố tụng hình sự được thiết lập. Đây là vụ án có số lượng bị cáo bị truy tố về các tội danh về tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay, số tiền nhận hối lộ và số lần nhận hối lộ cũng lớn nhất từ trước đến nay, số tiền, tài sản bị kê biên, phong tỏa và thu giữ cũng lớn nhất từ trước đến nay, thời gian dự kiến xét xử cũng dài nhất, số lượng bị cáo đông nhất, số lượng luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng đến 100 luật sư... 54 bị cáo trong vụ án này chủ yếu chia thành hai nhóm: Một nhóm là người có chức vụ quyền hạn liên quan đến thẩm quyền xét duyệt cấp phép các chuyến bay, cách ly y tế khi đưa công dân về nước; Nhóm thứ là các cá nhân, đại diện doanh nghiệp tham gia vào hoạt động tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước. 

 

Tuyên án vụ Chuyến bay giải cứu: Bốn bị cáo nhận án chung thân ảnh 1

Các bị cáo nghe Hội đồng xét xử tuyên án. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)


Nhóm bị cáo là người có chức vụ quyền hạn bị truy tố, xét xử về tội nhận hối lộ theo Điều 354 BLHS có 21 bị cáo, trong đó có 18 bị cáo bị xét xử ở khung hình phạt cao nhất là tử hình, (viện kiểm sát đề nghị xét xử 01 bị cáo là bị cáo Phạm Trung Kiên với mức hình phạt tử hình. Do bị cáo Phạm Trung Kiên đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả gần 100 % số tiền nhận hối lộ và có nhiều tình tiết giảm giá khác nên tòa án đã tuyên phạt tù chung thân đối với bị cáo này, ngoài ra còn ba bị cáo khác cũng bị tuyên mức hình phạt là tù chung thân).

Theo nội dung cáo trạng và Bản án sơ thẩm quy kết 21 bị cáo nhận hối lộ hơn 500 lần tiền của đại diện các doanh nghiệp, với tổng số tiền là 165.000.000.000 đồng. Bị cáo được xác định nhận hối lộ nhiều nhất là Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ y tế, với 253 lần, tổng số tiền là 42,6 tỷ đồng. Bị cáo Vũ Anh Tuấn, cựu phó phòng Tham mưu Cục quản lý xuất nhập cảnh Bộ công an nhận hối lộ 49 lần với số tiền 27,3 tỷ đồng... Rất nhiều bị cáo được xác định nhận hối lộ hàng chục lần với hàng chục tỷ đồng... thuộc các bộ (05 bộ), ngành, cơ quan trung ương. 

Cơ quan tố tụng cũng xác định có 23 bị cáo là đại diện các doanh nghiệp trực tiếp liên quan đến công tác tổ chức chuyến bay đã thực hiện hành vi đưa hối lộ hơn 400 lần, với tổng số tiền đưa hối lộ là 226 tỷ đồng. 

Tuyên án vụ Chuyến bay giải cứu: Bốn bị cáo nhận án chung thân ảnh 2

Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Trong số các bị cáo này điển hình nhất là bị cáo Nguyễn Thanh Hằng và bị cáo Lê Hồng Sơn đưa hối lộ với tổng lần với tổng số tiền hơn 100.000.000.000 đồng, khi bị phát hiện thì hai bị cáo này tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là sử dụng tới 2,65 triệu USD (tương đương 61,6 tỷ đồng) để đưa hối lộ cho người tiến hành tố tụng trong vụ án này với mong muốn "chạy án", trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật... Sau đó vụ việc đưa nhận, môi giới hối lộ này bị phát hiện, xử lý cũng gây rúng động dư luận xã hội. Thiếu tướng, cựu Phó giám đốc Công an thành phố Hà Nội - Nguyễn Anh Tuấn bị bắt giữ và xử lý về tội môi giới hối lộ, với mức án của tòa án cấp sơ thẩm là 05 năm tù. Cùng với hành vi tiêu cực trong quá trình giải quyết vụ án thì cán bộ cựu Điều tra viên Hoàng Văn Hưng, nguyên Trưởng phòng 5, cơ quan An ninh điều tra, người trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án này cũng bị bắt giữ, xử lý về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản... với mức hình phạt là tù chung thân. 

 

Có 04 bị cáo kêu oan, tuy nhiên sau 18 ngày xét xử, tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vẫn kết tội đối với các bị cáo này. Kết quả xét xử sơ thẩm 54 bị cáo bị xét xử về 05 tội danh: Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó 04 bị cáo bị xét xử với mức hình phạt là tù chung thân về tội nhận hối lộ, 10 bị cáo bị xét xử mức phạt tù nhưng cho hưởng án treo, các bị cáo còn lại bị xét xử từ 15 tháng cho đến hơn 10 năm tù. 

Tuyên án vụ Chuyến bay giải cứu: Bốn bị cáo nhận án chung thân ảnh 8

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế, nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bản án hình sự sơ thẩm của tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đối với vụ án này cho thấy có sự phân hóa mạnh mẽ giữa các bị cáo có vai trò chính, hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với các bị cáo có vai trò thứ yếu giúp sức, thể hiện hài hòa chính sách: "kết hợp giữa khoan hồng và nghi trị" trong xử lý tội phạm hình sự về tham nhũng và chức vụ.

 

Kết quả điều tra truy tố xét xử cho thấy đây là một vụ án rất đau lòng, thể hiện rõ "văn hóa phong bì" và "cơ chế xin cho" trong mối quan hệ hành chính nhà nước. Bản luận tội của đại diện viện kiểm sát và bản án sơ thẩm cũng xác định vụ án này là để đấu tranh loại bỏ văn hóa phong bì và cơ chế xin cho, làm lành mạnh quan hệ hành chính, giữ gìn trật tự kỷ cương công vụ. Không ít bị cáo là người có chức vụ quyền hạn, thậm chí có chức vụ cao, quyền hạn lớn nhưng đã suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện hành vi phạm tội, phạm tội ở thời điểm dịch bệnh, thậm chí lợi dụng dịch bệnh để phạm tội. Hành vi nhận hối lộ của nhiều người, nhiều lần, với số tiền đặc biệt lớn. Rất nhiều trong số bị cáo là những cán bộ giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có nhiều năm đào tạo rèn luyện, cống hiến nhưng cuối cùng vẫn sa ngã. Có những bị cáo hơn 30 năm công tác, chỉ còn vài tháng nữa về hưu nhưng đã không vượt qua được cám dỗ vật chất, nói những lời chua xót khi nói lời nói sau cùng tại phiên tòa.

Tuyên án vụ Chuyến bay giải cứu: Bốn bị cáo nhận án chung thân ảnh 7

Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, nghe tòa tuyên án. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Nhóm bị cáo là đại diện doanh nghiệp cũng vậy, một số bị cáo bị gây khó khăn, phiền hà, bị ép buộc đưa hối lộ dẫn đến thực hiện hành vi phạm tội là đưa hối lộ và bị xử lý trước pháp luật. Tuy nhiên, cũng không ít bị cáo đã lợi dụng các mối quan hệ quen biết để đưa hối lộ nhằm hưởng lợi riêng cho bản thân và doanh nghiệp mình, gây ra bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, chủ động, khéo léo trong hành vi đưa hối lộ khiến hành vi đưa hối lộ diễn ra liên tục trong thời gian dài, đưa cho hàng chục người, hàng chục lần, số tiền đưa hối lộ đến vài chục tỷ đồng, thậm chí đến cả tỷ đồng, hưởng lợi với số tiền đặc biệt lớn từ các chuyến bay đưa công dân về nước, khi bị phát hiện thì tìm mọi cách để trốn tránh, đưa hối lộ tiếp tục đưa hối lộ cho người tiến hành tố tụng để mong thoát tội, gây ra bức xúc trong dư luận xã hội. 

Tuyên án vụ Chuyến bay giải cứu: Bốn bị cáo nhận án chung thân ảnh 9

Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên Cục An ninh điều tra, Bộ Công an, tại phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Rất khó để đánh giá là nhóm bị cáo là người có chức vụ quyền hạn thực hiện hành vi nhận hối lộ có lỗi nhiều hay nhóm bị cáo là chủ doanh nghiệp thực hiện hành vi đưa hối lộ có lỗi nhiều, bên nào khởi xướng, có vai trò chính để gây ra vụ án này. Tuy nhiên, rõ ràng cả hành vi đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ đều là hành vi vi phạm pháp luật. Các bị cáo trong vụ án này không có bị cáo nào thực hiện hành vi phạm tội chỉ có một lần, số tiền đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng đặc biệt lớn. Các bị cáo đều hướng đến mục tiêu là vụ lợi, vì ham lợi ích vật chất mà sẵn sàng làm sai lệch chủ trương chính sách tốt đẹp của đảng và nhà nước nhằm vun vén lợi ích cho cá nhân, cho tổ chức, cho doanh nghiệp mình, gây bất bình đẳng trong hoạt động kinh doanh, rối loạn hoạt động công vụ, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky bị đề nghị tuyên mức án 10-11 năm tù

Pv: Từ thực tế vụ việc trên cũng như các “đại án” tham nhũng xảy ra thời gian qua, ông nhận định như thế nào về thực trạng tham nhũng, tiêu cực hiện nay? Đâu là nguyên nhân chính thúc đẩy loại tội phạm này phát triển?

 

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Qua vụ án "chuyến bay giải cứu" và một số vụ án khác như vụ án Vũ Nhôm, vụ án AVG, vụ án AIC... và một số vụ án đang điều tra xét xử như vụ án Việt Á... cho thấy quyết tâm của đảng và nhà nước ta trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là đúng đắn và rất quyết liệt. Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ sống còn của đảng ta giai đoạn hiện nay, phòng chống tham nhũng đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại, được đa số đại đa số nhân dân ủng hộ, đồng tình.

 

Kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng cho thấy tình hình tội phạm về tham nhũng và chức vụ ở Việt Nam hiện nay diễn biến phức tạp. Số vụ án, số bị cáo bị xử lý về tham nhũng và chức vụ đều gia tăng. Tính chất của vụ án cũng phức tạp, diễn ra trong hầu hết các bộ, ngành, cơ quan, các lĩnh vực. Rất nhiều vụ án cho thấy hành vi phạm tội diễn ra kéo dài nhiều năm, nhiều nơi, phạm tội nhiều lần, với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì mới bị phát hiện, xử lý, điển hình như vụ án hình sự liên quan đến các trung tâm đăng kiểm, liên quan đến hoạt động đấu thầu trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, trong lĩnh vực xây dựng, đất đai, nhà ở, mua sắm tài sản công... 

Bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky bị VKS đề nghị tuyên mức án 11-12 năm tù. Ảnh VOV.

Việc xử lý tội phạm về tham nhũng là đòi hỏi tất yếu của lịch sử, của xã hội. Tuy nhiên qua quá trình xử lý tội phạm về tham nhũng cũng cho thấy hậu quả mà tội phạm này gây ra với xã hội là rất lớn, việc xử lý cũng đã có những tác động tiêu cực đến xã hội, xuất hiện những hiện tượng cán bộ sợ sai, sợ vi phạm nên ngại làm, sợ làm, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm dẫn đến trì trệ trong hoạt động công vụ, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân... 

 

Mặc dù rất nhiều cán bộ bị xử lý về các tội phạm thuộc nhóm tội tham nhũng và chức vụ tuy nhiên số vụ án được phát hiện, khởi tố, truy tố, xét xử, số bị cáo bị xử lý ngày càng gia tăng cho thấy tình hình tội phạm về tham nhũng, chức vụ ở Việt Nam còn diễn biến phức tạp. Hành vi phạm tội diễn ra kéo dài và vẫn đang âm thầm diễn ra trong xã hội... Bởi vậy, đảng và nhà nước ta xác định công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là không ngừng nghỉ, không trùng xuống mà phải tiếp tục hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa và đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm về tham nhũng. 

 

Để phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì cần phải tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm qua quá trình thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tìm ra những nguyên nhân điều kiện phạm tội để loại bỏ nguyên nhân điều kiện, thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa thì công tác đấu tranh phòng và chống tham nhũng mới đạt hiệu quả. Đặc biệt là phải chú trọng hơn phòng so với chống. 

Để công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì hoạt động "Phòng tham nhũng" là phải tích cực, chủ động, kiên trì, liên tục và là nhiệm vụ trọng tâm. Chống tham nhũng là nhiệm vụ song song và là giải pháp cuối cùng nếu như hoạt động phòng tham nhũng không đạt hiệu quả. 

Mục tiêu cũng như phương pháp phòng chống tham nhũng cơ bản là làm cho người có chức vụ quyền hạn "1-không cần tham nhũng", "2-không muốn tham nhũng", "3-không thể tham nhũng" và "4-không dám tham nhũng". 

 Tranh minh họa. Nguồn: Tuyengiao.vn


Trong xã hội không phải ai cũng có thể thực hiện hành vi tham nhũng. Có 12 hành vi được xác định là hành vi tham nhũng theo quy định của luật phòng chống tham nhũng, trong đó có 07 hành vi có mức chế tài là hình sự và được quy định trong bộ luật hình sự thuộc chương các tội phạm về tham nhũng và chức vụ. 

Bởi vậy, đấu tranh phòng chống tham nhũng là đấu tranh với các đối tượng là người có chức vụ, quyền hạn. 

 

Để hạn chế tham nhũng thì việc đầu tiên là phải làm sao cho người có chức vụ quyền hạn "không cần tham nhũng". Để không cần tham nhũng thì phải tinh giản bộ máy nhà nước, ứng dụng khoa học công nghệ, đồng thời cải cách tiền lương, nâng cao hiệu quả làm việc, đảm bảo chế độ quyền lợi về kinh tế của người có chức vụ quyền hạn để họ không còn nhu cầu tham nhũng, tiền lương, tiền công của người có chức vụ quyền hạn "đủ" để họ trang trải cuộc sống và mức lương thể hiện công bằng xã hội so với mức lương của các doanh nghiệp ngoài nhà nước; khi người có chức vụ quyền hạn còn khó khăn về kinh tế, mức lương, thu nhập không đủ sống, cuộc sống khó khăn vất vả, thu nhập thấp hơn so với sức lao động trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước thì nhu cầu tham nhũng vẫn còn, thậm chí là phổ biến, khi đó công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì số lượng người cần tham nhũng rất lớn. Nếu thu nhập của người có chức vụ quyền hạn được cải thiện, họ không gặp khó khăn về tài chính, không phải làm thêm để kiếm tiền, xoay sở để cải thiện cuộc sống thì số người có nhu cầu tham nhũng sẽ giảm đi và công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ đất đỡ vất vả hơn. 

Ảnh minh hoạ Internet


Khi đã làm tốt được mục tiêu đầu tiên là làm cho người có chức vụ quyền hạn không cần tham nhũng thì số cán bộ có nguy cơ thực hiện hành vi tham nhũng sẽ giảm đi đáng kể. Số người có điều kiện kinh tế được cải thiện rồi vẫn có nhu cầu tham nhũng là bởi họ tham và thiếu đạo đức. Khi đó cần thực hiện mục tiêu thứ hai là "làm sao cho người có chức vụ quyền hạn không muốn tham nhũng". Có có thể trong số những người có chức vụ quyền hạn đã được cải thiện đời sống, có người vẫn "cần tham nhũng" vì lòng tham hoặc cuộc sống xô đẩy dẫn đến khó khăn tài chính. Bởi vậy giải pháp tiếp theo là làm sao cho người có chức vụ quyền hạn nếu có tham, có khó khăn về tài chính thì cũng không muốn tham nhũng (vì muốn giữ gìn thanh danh, đạo đức, không vì khó khăn, vì thiếu thốn mà "ăn cắp" của công, "trấn lột" của người dân). Nếu hoạt động công vụ tốt, nghiêm túc, công bằng, người thi hành công vụ có đạo đức thì chẳng người dân nào muốn đưa hối lộ và cũng không thể đưa hối lộ.

 

Để người có chức vụ quyền hạn không muốn tham nhũng thì cần phải tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, giáo dục rèn luyện bản lĩnh chính trị, xây dựng và văn hóa công vụ ở, làm sao cho người có chức vụ quyền hạn được nhân dân tin yêu, quý trọng. Vì không muốn xấu hổ, không muốn phụ niềm tin của người dân, vì giữ gìn danh dự nên họ sẽ tránh xa được cám dỗ, có khó khăn cũng không ăn cắp của công, không nhận hối lộ. Khi đó, tội phạm về tham nhũng và chức vụ sẽ giảm đi đáng kể. Khi người có chức vụ quyền hạn không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng thì hành vi tham nhũng sẽ ít có nguy cơ xảy ra. 

 

Khi làm tốt được hai giải pháp đầu tiên là những người có chức vụ quyền hạn không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng thì vẫn có thể có người có chức vụ quyền hạn vì lòng tham hoặc vì động cơ khác mà vẫn cố tình thực hiện hành vi tham nhũng để làm giàu bất chính từ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt thành quả lao động của người khác hoặc ăn cắp của công. Khi đó giải pháp quan trọng thứ 3 là làm sao cho người có chức vụ quyền hạn "không thể tham nhũng", họ có "muốn", có "cần" cũng không thể tham nhũng được do quản lý xã hội khoa học, quản lý kinh tế chặt chẽ. Khi quản lý kinh tế khoa học, chặt chẽ thì có động cơ tham nhũng cũng không có cơ hội hoặc nếu thực hiện hành vi thì không có chỗ để giấu tài sản, sẽ dễ dàng bị phát hiện phải bị xử lý. Ở các quốc gia phát triển thì họ làm tốt điều này, họ quản lý kinh tế, quản lý xã hội chặt chẽ khiến cho những người có lòng tham, muốn làm giàu bất chính cũng không có cơ hội để ăn cắp của công hoặc nhận hối lộ, chiếm đoạt thành quả lao động của người khác. Khi quản lý kinh tế còn yếu kém, mọi thứ trong xã hội không rõ ràng, đặc biệt là các quy định về xác lập quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sở hữu tài sản, quản lý kinh tế, quản lý tài chính, quản lý doanh nghiệp còn nhiều sơ hở thì cơ hội tham nhũng vẫn có thể diễn ra bất kể khi nào, bất kỳ nơi đâu.

Thủ tướng: Chấn chỉnh, khắc phục ngay những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực


Giải pháp cuối cùng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng là làm sao cho người có chức vụ quyền hạn "không dám tham nhũng". Đây là giải pháp cuối cùng và ở Việt Nam đang thực hiện khá hiệu quả, giải pháp này là phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh hành vi tham nhũng khiến cho những người có chức vụ quyền hạn vì sợ sự trừng phạt của pháp luật mà không dám tham nhũng. Để người phạm tội tham nhũng không dám tham nhũng thì phải phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh bằng những chế tài nghiêm khắc. Xử lý một vụ mà cảnh tỉnh cảm một ngành, xử lý một người mà răn đe muôn người là chủ trương đúng và đang được thực hiện để có hiệu quả ở Việt Nam. 

Để phòng chống tham nhũng có hiệu quả thì phải thực hiện đồng bộ đầy đủ cả bốn mục tiêu ở trên. Cần phải hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống tham nhũng, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng. Cần làm tốt công tác nhân sự, tuyển chọn, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ công chức. Làm sao phải chặn đứng được tình trạng chạy việc, chạy chức, chạy quyền. Làm sao cho cán bộ phải gương mẫu, phải nâng cao đạo đức và ý thức công vụ, đổi mới, sáng tạo, quản lý khoa học, ứng dụng công nghệ, khoa học vào quản lý nhà nước. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp phấn đấu xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số. Cần phải cải thiện đời sống Của cán bộ hưởng lương để họ chuyên tâm vào công việc và không bị cám dỗ bởi vật chất... Đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ lâu dài, phức tạp, không thể một sớm một chiều. Tham nhũng là phạm trù lịch sử, gắn với nhà nước và pháp luật. Trong xã hội có nhà nước, còn tư hữu là còn hành vi tham nhũng. Về mặt lý luận thì khi nào không còn nhà nước, không còn pháp luật, không còn tội phạm thì khi đó sẽ không còn tham nhũng và xã hội sẽ là xã hội xã hội chủ nghĩa, tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta không thể một sớm một chiều mà loại bỏ hành vi tham nhũng ra khỏi bộ máy nhà nước, khỏi đời sống xã hội mà cần phải kiểm soát đó, hạn chế những tác động tiêu cực của nó. Cùng với sự phát triển văn minh của xã hội, tiến bộ xã hội thì tình hình tham nhũng sẽ được kiểm soát tốt. 

(Hình ảnh minh họa)

 

Pv: Tệ tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp ngày càng có xu hướng phát triển. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, chúng ta phải làm gì? Khung pháp lý liên quan đến lĩnh vực này cần sửa đổi, bổ sung như thế nào để phù hợp và đảm bảo tính răn đe, thưa luật sư?

 

Ts. Ls. Đặng Văn Cường: Để gỡ khó cho doanh nghiệp, người dân không phải phát sinh chi phí thủ tục hành chính ngoài những chi phí mà nhà nước đã quy định, giảm bớt các hành vi tham nhũng trong các mối quan hệ với cơ quan công quyền thì cần thực hiện đồng bộ đầy đủ các giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng đến giải pháp về con người, về công tác nhân sự. Sao cho những người có chức vụ quyền hạn thực sự là "công bộc của nhân dân", là những con người thực sự phục vụ nhân dân, kiến tạo cho sự phát triển kinh tế xã hội. Khi cán bộ có đạo đức tốt, có chuyên môn nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị và một lòng phụng sự nhân dân, phụng sự đất nước thì những hành vi tham nhũng sẽ giảm đi đáng kể. Để có một bộ máy công quyền như vậy, cán bộ có chất lượng như vậy thì từ khâu tuyển dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cần phải được đề cao. Khi cán bộ thoái hóa, biến chất, không đủ năng lực phẩm chất đạo đức, không đủ trình độ chuyên môn nghiệp vụ hoặc có tiêu cực trong việc tuyển dụng bổ nhiệm, phân loại, đánh giá thể tham nhũng xảy ra là tất yếu.

 

Để công tác cán bộ có chất lượng thì không chỉ làm tốt khâu tuyển dụng bổ nhiệm đào tạo bồi dưỡng mà cần phải đảm bảo điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến, đảm bảo đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức để họ yên tâm công tác và không cần tham nhũng, không muốn tham nhũng, nguy cơ tham nhũng sẽ giảm đi đáng kể. 

 

Với hành vi tham nhũng là tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ hoặc một số hành vi tham nhũng khác thì chỉ cần người có chức vụ quyền hạn suy thoái, tha hóa, biến chất là hành vi phạm tội có thể xảy ra. Tuy nhiên, đối với hành vi nhận hối lộ thì chỉ có thể xảy ra khi có người đưa hối lộ. Mà người đưa hối lộ chỉ có thể là do cá nhân, đại diện doanh nghiệp thực hiện. Vì vậy, để đấu tranh phòng chống tham nhũng, để giảm nguy cơ tham nhũng xảy ra thì cần phải xây dựng văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nhân cũng cần được nâng lên. Các doanh nghiệp hoạt động thực sự dựa vào năng lực chứ không chỉ dựa vào các mối quan hệ. Kiên quyết loại bỏ văn hóa phong bì, hoạt động đi đêm trong kinh doanh để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp và giảm bớt nguy cơ nhận hối lộ của quan chức. Khi ít người có hành vi đưa hối lộ, kiên quyết không đưa hối lộ thì hành vi nhận hối lộ cũng sẽ xảy ra ít hơn trong đời sống xã hội. Doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng pháp luật để đấu tranh với các quan chức thoái hóa biến chất, nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp để loại bỏ các quan chức đó ra khỏi bộ máy công quyền. Khi thủ tục hành chính được cải cách, đổi mới, khoa học, công bằng, bình đẳng, đạo đức cán bộ được nâng lên, văn hóa doanh nhân được xây dựng thì hành vi tham nhũng cũng sẽ ít xảy ra hơn, những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có năng lực sẽ có sức sống lâu dài. 

 

Tranh minh họa: Internet

Công tác phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa tội phạm tham nhũng cần phải được đẩy mạnh, được quan tâm chú trọng nhiều hơn nữa để những nguy cơ tội phạm tham nhũng ít có cơ hội xảy ra trong đời sống xã hội. Khi xã hội văn minh, lành mạnh, công bằng, quản lý xã hội tốt thì tình hình tham nhũng sẽ được kiểm soát tốt, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ diễn ra thuận lợi hơn, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, Doanh nghiệp được đối xử bình đẳng, đời sống nhân dân được cải thiện, Việt Nam sẽ vươn cao xứng tầm hơn đối với các mối quan hệ quốc tế và khu vực. 

 

 

Trân trọng!

 

Theo: Đoan Trang/ Báo Pháp luật Việt Nam

 

_____________________________________

Ts. Ls. Đặng Văn Cường

Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.

Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.

Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407

Website: https://luatchinhphap.com/

 

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896