Người phụ nữ bồng đứa trẻ chừng 5 tháng tuổi, nước mắt lưng tròng xin cán bộ tư pháp được đến gần bị cáo Hòa (43 tuổi, ngụ quận 4, TP HCM) nhưng bị từ chối.
Hòa bị xét xử về tội Giết người. Trong một lần nhậu cùng bạn bè, nóng giận sau trận cãi nhau, Hòa đâm chết người. Sau khi Hòa bị tạm giam, người vợ trẻ của anh ta mới biết đang mang thai. Gia đình khó khăn, lại phải gồng gánh thêm khoản chi phí bồi thường cho gia đình nạn nhân, vợ Hòa đưa đứa con mới sinh chưa tròn tháng về quê gửi nhờ ông bà ngoại chăm sóc, chị ở lại căn phòng trọ tồi tàn đi làm kiếm tiền.
Ngày Hòa ra tòa, đứa trẻ được đưa lên thành phố theo chuyến xe đêm, hy vọng để cha biết mặt con. Phiên tòa lưu động được xử ở giữa sân có che vài tấm bạt, nắng nóng và hơi người khiến đứa trẻ thỉnh thoảng lại khóc thét.
Giờ nghị án, vị nữ luật sư bào chữa đến gặp cán bộ tư pháp trình bày hoàn cảnh của gia đình Hòa. Cánh cửa căn phòng tạm giam can phạm được hé mở trong giây lát, vừa đủ để người cha thực hiện cái hôn chưa tròn lên má con, rồi lạnh lùng khép lại. Đứa trẻ còn quá nhỏ để có thể lưu giữ hình ảnh cha và thời gian quá ngắn để người cha có thể ngắm con thơ. TAND TP HCM tuyên phạt Hòa 21 năm tù về 2 tội Giết người và Cố ý gây thương tích. Ngần ấy thời gian đủ để con của Hòa lớn lên trong thiếu vắng tình thương và sự dạy dỗ của người cha.
Trước đó, tại phiên tòa lưu động do TAND quận 10 tổ chức, một bé gái òa khóc, hết níu tay người cán bộ tư pháp lại chạy về lay tay mẹ mếu máo: “Mẹ ơi, sao con không được ôm cha? Cha hết thương con rồi hả mẹ? Con muốn gặp cha...”.
Cha của bé gái đã đồng ý chở mối cho một cô gái bán dâm và bị TAND quận 10 tuyên phạt 4 năm tù giam về tội Môi giới mại dâm. Ba đứa trẻ vốn sống trong nghèo khó nay lại thiếu vắng cha.
Ám ảnh nỗi đau
Một lần, trước sân TAND TP HCM, bé gái trạc 10 tuổi ngồi trầm tư dõi mắt lên dãy phòng xử án, lâu lâu lại buông tiếng thở dài. Cha em là bị cáo 34 tuổi, ngụ tỉnh Bình Phước, nạn nhân trong vụ án là mẹ em.
Sau khi vụ án xảy ra, em được chú ruột đón về Bình Phước nuôi dưỡng, em trai nương nhờ gia đình bên ngoại tại Vũng Tàu. Khoảng cách địa lý cùng sự rạn nứt quan hệ giữa gia đình hai bên nội - ngoại khiến tình cảm hai chị em ngày càng xa cách.
Khi thấy cha được dẫn ra xe về trại giam, em ngơ ngác bật dậy, chạy theo. Gương mặt người cha không biểu lộ cảm xúc cũng không nói lời nào, chỉ có ánh mắt đau xót đến cùng cực.
Chiếc xe tù khuất bóng, với giọng nói đều đều bình thản đến lạ, em tâm sự: “Mới đầu, con giận cha lắm. Giờ thì hết rồi. Con mong cha về để chăm sóc chị em con. Không được ở cùng em, con nhớ lắm…”.
Cùng chung cảnh cha ở tù vì giết chết mẹ, bé Hường (12 tuổi) nức nở kể: “Con và em chứng kiến cha dùng dao đâm mẹ 22 nhát... Có lúc con ghét cha nhưng có lúc con lại thấy thương cha”. Hường đưa cho xem cuốn sổ tay nhỏ, trong đó trang đầu tiên em viết: “Ngày sinh của mẹ 3/4/1973, ngày chết của mẹ 15/5/2011. Chết vào lúc 0 giờ 0 phút”. Hường cho biết những hình ảnh khi cha giết mẹ luôn ám ảnh khiến em của Hường thường đi lang thang trong xóm vì không dám về nhà một mình.
Một vụ án khác, người vợ trẻ hơn 20 tuổi đâm chết chồng trong một lần cãi vã, đánh nhau, bị tòa án tuyên phạt 7 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Đứa con trai của bị cáo phải về sống bên nội. Lớn lên trong lời bàn ra tán vào của hàng xóm, thỉnh thoảng cậu bé lại nói với bà nội: “Mai mốt lớn lên con làm cảnh sát để bắt bà đã giết ba con…”. Khi được hỏi: “Con thương ai nhất?”. “Nội”. Cậu bé đáp không một chút đắn đo. Suốt buổi trò chuyện, cậu bé không một lần nhắc đến người mẹ...
Luật sư Đỗ Ngọc Oánh (Đoàn Luật sư TP HCM) chia sẻ: Trẻ thơ không có tội. Giá như trước khi phạm tội, những người làm cha mẹ ấy nghĩ đến các con của mình sẽ là người gánh chịu nỗi đau, có lẽ cuộc đời sẽ bớt đi nhiều mảnh đời bất hạnh...”.
Theo Người lao động
* Tên nhân vật đã thay đổi