Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Ông Đỗ Hữu Ca bị truy tố tội lừa đảo với khung hình phạt tới 20 năm tù hoặc tù chung thân, số tiền lừa đảo 35 tỷ đồng sẽ được giải quyết như thế nào ?
22/02/2024
icon-zalo

Ông Đỗ Hữu Ca bị truy tố tội lừa đảo với khung hình phạt tới 20 năm tù hoặc tù chung thân, số tiền lừa đảo 35 tỷ đồng sẽ được giải quyết như thế nào ?

Sau thời gian kiểm sát điều tra và nghiên cứu hồ sơ vụ án thì đến đây Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã hoàn tất cáo trạng để truy tố cựu Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và 12 đối tượng khác với nhiều tội danh, gồm "Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước," "Đưa hối lộ," "Nhận hối lộ," "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Trốn thuế."

Ông Đỗ Hữu Ca 4 lần nhận tổng 35 tỉ đồng tại nhà riêng từ ông trùm để nhờ chạy án - Ảnh 2.

Lực lượng công an khám xét khẩn cấp nơi ở của ông Đỗ Hữu Ca.

Theo nội dung bản cáo trạng số 10/CT-VKSQN-P1 của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, thì trong khoảng thời gian từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2022, các bị can Trương Xuân Đước (1971, trú ở phường Đằng Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng) và Nguyễn Thị Ngọc Anh (1979, vợ của Đước) đã thành lập, quản lý, điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn nhằm thu lợi bất chính, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước. 

Kết quả điều tra xác định số lượng hóa đơn Đước và Ngọc Anh mua bán trái phép là 15.674 hóa đơn, thu lợi bất chính hơn 41,2 tỷ đồng. Trương Xuân Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã đưa hối lộ cho Nguyễn Đình Đương, Chi cục trưởng và Đỗ Thanh Hoài, cán bộ Chi cục Thuế huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng 362 triệu để Đương và Hoài tạo điều kiện cho vợ chồng Đước thành lập các công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.

Khoảng tháng 10/2022, vợ chồng Nguyễn Xuân Đước biết tin Trương Văn Nam (cháu Đước) bị Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh bắt, khám xét liên quan đến hành vi mua bán trái phép hóa đơn, đồng thời điều tra, xác minh về công ty của vợ chồng Đước quản lý, điều hành.

Đước đã bỏ trốn và chỉ đạo vợ đến gặp Đỗ Hữu Ca (1958, đã nghỉ hưu, là người có mối quan hệ thân thiết với Đước, nguyên Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng) để nhờ chạy tội.

Ông Đỗ Hữu Ca 4 lần nhận tổng 35 tỉ đồng tại nhà riêng từ ông trùm để nhờ chạy án - Ảnh 1.

Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca khi còn đương chức

Để che giấu hành vi phạm tội của mình, trốn tránh sự xử lý của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12/2022, vợ chồng Đước và Ngọc Anh đã đưa cho Đỗ Hữu Ca 35 tỷ đồng nhờ ông Ca chạy tội.

Đỗ Hữu Ca mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước và Ngọc Anh thoát khỏi việc bị xử lý tội “Mua bán trái phép hóa đơn” nhưng đã gian dối hứa hẹn giúp được, nhận và chiếm đoạt 35 tỷ đồng của vợ chồng Đước và Ngọc Anh.

Căn cứ vào các hành vi trên, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định truy tố bị can Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh về các tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước” và tội “Đưa hối lộ” quy định tại các điểm b, d, đ, e khoản 2, Điều 203 và khoản 4, Điều 364 Bộ luật Hình sự; bị can Đỗ Hữu Ca về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng truy tố 10 bị can khác về các tội danh “Nhận hối lộ,” "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước,” “Trốn thuế”.

Ông Đỗ Hữu Ca bị đình chỉ sinh hoạt Đảng - Ảnh 1.

Ông Đỗ Hữu Ca khi còn đang đương chức

Bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền đặc biệt lớn, ông Đỗ Hữu Ca sẽ phải đối mặt với hình phạt nào ?

Theo dõi vụ việc trên, tiến sĩ Đặng Văn Cường, giảng viên Luật hình sự, trường Đại học Thuỷ Lợi cho rằng: đây là vụ án phức tạp liên quan đến nhiều bị can là doanh nghiệp và quan chức, đặc biệt là có liên quan đến cựu giám đốc công an thành phố Hải Phòng Đỗ Hữu Ca và số tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản đặc biệt lớn nên cơ quan tiến hành tố tụng đã thận trọng xác minh làm rõ và đến nay đã có cáo trạng truy tố đối với các bị can. Với nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành thì ông ca sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là khoản 4, Điều 174 BLHS với mức hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. 

Hiểu thế nào cho đúng về nguyên tắc suy đoán vô tội - Ảnh 1.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp

Về nguyên tắc chung là tòa án sẽ xét xử đối với tội danh mà viện kiểm sát truy tố. Trong một số trường hợp đặc biệt thì tòa án có thể xét xử ở tội danh khác cùng loại nhẹ hơn hoặc xét xử ở khung hình phạt khác với khung hình phạt viện kiểm sát truy tố nhẹ hơn. 

Bởi vậy, trong trường hợp kết tội đối với ông đỗ hữu ca về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4, Điều 174 bộ luật hình sự thì tòa án có quyền quyết định hình phạt ở mức tù có thời hạn từ 12 năm đến 20 năm hoặc áp dụng hình phạt tù chung thân đối với bị can này. Mức hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội, căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (Điều 50 BLHS). Mất hình phạt cụ thể đối với từng bị cáo trong từng vụ án sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yếu tố nhân thân và yêu tố hành vi theo quy định tại điều 50 bộ luật hình sự nêu trên. Như vậy, nếu kết tội về tội danh và khung hình phạt này thì mức thấp nhất là 12 năm tù và mức cao nhất là tù chung thân. 

Với kết quả điều tra truy tố như vậy thì ông Đỗ Hữu Ca cũng sẽ được xem xét áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 51 bộ luật hình sự như: thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả; có thành tích xuất sắc trong quá trình công tác và gia đình có công với cách mạng... Với nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể được áp dụng như vậy thì bị can này cũng có thể được tòa án xem xét áp dụng Điều 54 bộ luật hình sự để chuyển khung hình phạt sang khung liền kề nhẹ hơn, cụ thể điều luật này quy định như sau: 

"Điều 54. Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng

1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.

2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.

3. Trong trường hợp có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều này nhưng điều luật chỉ có một khung hình phạt hoặc khung hình phạt đó là khung hình phạt nhẹ nhất, thì Tòa án có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án."

Như vậy, trong trường hợp tòa án xác định ông Đỗ Hữu Ca có 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điều 51 bộ luật hình sự và áp dụng điều 54 bộ luật hình sự thì có thể chuyển khung hình phạt từ khoản 4, Điều 174 bộ luật hình sự sang xét xử áp dụng hình phạt quy định tại khoản 3 Điều 174 bộ luật hình sự với mức hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm và cũng có thể được áp dụng mức hình phạt thấp nhất là 07 năm tù khi xét giữa công và tội của vị cựu giám đốc công an thành phố này. Hành vi phạm tội của bị can này là rất đáng trách, rất xấu hổ với cương vị và địa vị xã hội như vậy. Tuy nhiên quá trình công tác suốt một thời tuổi trẻ vì cái này cũng đã có nhiều công sức đóng góp cho việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Bởi vậy khi kết tội tòa án sẽ cân nhắc đến yếu tố nhân thân và yêu tố hành vi để có hình phạt phù hợp vừa để răn đe, đồng thời cũng thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật cũng như để đảm bảo răn đe phòng ngừa chung đối với xã hội. 

Đối với các bị can khác trong vụ án này thì có thể áp dụng đều là mức hình phạt tù có thời hạn hoặc phạt tiền. Với bị can bị bị truy tố về tội trốn thuế thì hình phạt có thể là phạt tiền hoặc phạt tù đến 07 năm tù. Đối với bị cáo can bị truy tố về tội mua bán hóa đơn thì hình phạt cũng có thể là phạt tiền hoặc phạt tù đến 05 năm tù. Với bị can đưa hối lộ và nhận hối lộ với số tiền hơn 300.000.000 đồng thì hình phạt cũng là phạt tù có thời hạn có thể tới 15 năm tù. 

Việc quyết định hình phạt đối với từng bị can sẽ phụ thuộc vào tội danh bị truy tố, bị kết tội trên cơ sở yếu tố nhân thân và yêu tố hành vi của từng người phạm tội. Mức hình phạt cụ thể sẽ do tòa án quyết định trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. 

Số tiền 35 tỷ đồng đưa hối lộ "nhầm người" bị lừa có thể sẽ bị tịch thu, xung vào cung quỹ nhà nước ?

Về nguyên tắc là khi giải quyết vụ án hình sự thì tòa án sẽ xem xét xử lý vật chứng của vụ án và có thể giải quyết cả vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Ngoài việc giải quyết, quyết định các bị cáo có phạm tội hay không, mức hình phạt thế nào thì tòa án cũng sẽ quyết định đến việc xử lý vật chứng theo các quy định của tố tụng hình sự. Theo đó những vật chứng do phạm tội mà có hoặc là công cụ phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội thì sẽ bị tịch thu sung vào công quĩ nhà nước. Những vật chứng là tài sản hợp pháp của người khác, không liên quan đến tội phạm thì sẽ được trả lại. Nếu vật chứng là tài sản hợp pháp của người bị hại, bị tội phạm xâm phạm đến cần phải được pháp luật bảo vệ thì sẽ trả lại cho bị hại hoặc buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả để trả lại cho người bị hại. 

Cụ thể bộ luật tố tụng hình sự quy định về xử lý vật chứng như sau: 

"Điều 106. Xử lý vật chứng

1. Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

2. Vật chứng được xử lý như sau:

a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy..."

Số tiền 35 tỷ đồng mà ông Đỗ Hữu Ca bị quy kết là chiếm đoạt của người bị hại được xác định là số tiền do phạm tội mà có, ông này đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tiến hành tố tụng để chờ tòa án phán quyết. Nếu chỉ là vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông thường, người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua các quan hệ dân sự kinh tế hợp pháp thì chắc chắn số tiền này sẽ được trả lại cho người bị hại để phục hồi quyền lợi, giảm bớt những thiệt hại của người bị hại do hành vi phạm tội gây ra. 

Tuy nhiên, trong vụ này người bị hại, bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản đồng thời cũng là bị can trong vụ án này, bị truy tố về tội trốn thuế và mua bán hóa đơn, thậm chí còn có hành vi đưa hối lộ, số tiền mà người bị hại bị chiếm đoạt là tiền thực hiện với mục đích phạm tội (đưa hối lộ nhưng bất thành), mục đích đưa hối lộ để chạy tội nên đây là mục đích bất hợp pháp. Chính vậy, trong một số vụ án gần đây tòa án căn cứ vào quy định về xử lý vật chứng, xác định đây là tài sản sử dụng vào mục đích bất hợp pháp nên đã tịch thu và xung vào công quĩ theo quy định tại điều một lẻ sáu bộ luật tố tụng hình sự về xử lý vật chứng.

Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, cũng chưa có án lệ quy định về tình huống này. Tuy nhiên những vụ án gần đây, trong đó có vụ chuyến bay giải cứu, toà án cũng đã xác định số tiền đưa hối lộ "nhầm người" (bị lừa đảo) là tiền sử dụng vào mục đích bất hợp pháp, để thực hiện hành vi phạm tội nên đã tịch thu sung vào công quĩ nhà nước chứ không trả lại cho bị cáo được xác định là bị hại trong vụ án. Quan điểm của hội đồng xét xử căn cứ vào các quy định của pháp luật và kết quả điều tra xác minh phải căn cứ vào diễn biến tại phiên tòa. 

Tới đây cần có hướng dẫn của tòa tối cao để thống nhất giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự đối với những trường hợp đưa hối lộ nhưng được xác định là người bị hại trong vụ án lừa đảo để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật hình sự hoặc cũng có thể thể hiện qua án lệ làm căn cứ thống nhất áp dụng pháp luật. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng số tiền đưa hối lộ nhưng bị lừa đảo mất thì đó là tiền sử dụng vào mục đích bất hợp pháp, không chính đáng nên pháp luật sẽ không bảo vệ, chính vì vậy có thể thống nhất là sẽ tịch thu một phần hoặc toàn bộ số tiền này để nộp vào nhân ngân sách nhà nước chứ không thể bảo vệ hoàn toàn quyền lợi của người bị hại khi bản thân họ đang mong muốn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng bất thành. Nếu trả lại toàn bộ số tiền cho người bị hại do đưa hối lộ bất thành thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả đấu tranh phòng chống tội phạm về tham nhũng và chức vụ, sẽ không triệt tiêu được động cơ thực hiện hành vi đưa hối lộ trong xã hội. 

_____________________________________

Ts. Ls. Đặng Văn Cường

Điện thoại/Zalo: 0977999896 

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896