Ông Đỗ Hữu Ca bị cáo buộc lừa đảo 35 tỷ đồng: Đơn xin giảm hình phạt của nhiều người có phải là tình tiết giảm nhẹ và là căn cứ để được hưởng án treo ?
12/04/2024
Ông Đỗ Hữu Ca bị cáo buộc lừa đảo 35 tỷ đồng: Đơn xin giảm hình phạt của nhiều người có phải là tình tiết giảm nhẹ và là căn cứ để được hưởng án treo ?
Phiên xử sáng nay 11/4, sau khi đại diện VKS công bố bản luận tội và đề nghị mức án với 13 bị cáo, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh cho phép các luật sư tranh tụng, bào chữa cho các bị cáo.
Trong số 13 bị cáo của vụ án, bị cáo Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, bị đề nghị mức án cao nhất, 10-11 năm tù cho tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Giải thích về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, luật sư bào chữa cho bị cáo Ca cho biết, tội có tính chất chiếm đoạt, do lỗi cố ý của chủ thể và đặc biệt thủ đoạn gian dối của người phạm tội luôn phải có trước việc chuyển giao tài sản.
Trong vụ án này, theo lời khai của Ngọc Anh và Trương Xuân Đước thì việc thực hiện chuyển giao tài sản lại được thực hiện trước. Bị cáo Đỗ Hữu Ca không hề đưa ra thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật nhằm gian dối, lừa đảo để Đước mang tiền đến nhà mình.
Luật sư cho rằng, sau 4 lần nhận số tiền 35 tỷ đồng từ vợ chồng Trương Xuân Đước, ông Ca vẫn nói chưa nắm được thông tin gì từ phía Công an tỉnh Quảng Ninh.
Từ dẫn chứng này, luật sư cho rằng ông Ca không hề đưa ra thông tin gian dối để lừa đảo chiếm đoạt số tiền của vợ chồng Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh.
Theo luật sư, tại phiên tòa, bản thân bị cáo Đước và Ngọc Anh cũng thừa nhận không bao giờ nghĩ Đỗ Hữu Ca lừa đảo chiếm đoạt tiền của mình.
VKS bác bỏ quan điểm của luật sư
Đối đáp với quan điểm bào chữa của luật sư, đại diện VKS cho biết, bị cáo Ca đã thừa nhận có nhận 35 tỷ đồng từ vợ chồng bị cáo Đước. Bị cáo Ca đã giữ số tiền này suốt 5 tháng, không làm bất cứ việc gì để nhờ vả chạy án.
"Ngày 25-28 Tết năm 2023, vợ chồng Đước đã đến nhà gặp. Ngọc Anh nói với ông Ca rằng "chồng em có được về ăn Tết không anh?". Ông Ca nói "cứ về ăn Tết bình thường, tao lo xong hết rồi". Đây chính là lợi dụng uy tín bản thân để tạo niềm tin, thời điểm này vụ án chưa bị phát giác", VKS đối đáp.
VKS nói tiếp ở tình huống trên, không thấy ông Ca đòi thêm tiền nữa thì vợ chồng Đước nghĩ rằng ông Ca đã dùng 35 tỷ đồng để nhờ chạy án.
Sau đó Đước bị bắt, Ngọc Anh đến nhà ông Ca đòi lại tiền nhưng không được.
VKS lập luận, việc ông Ca nói với vợ chồng Đước "cứ về ăn Tết bình thường, đã lo xong rồi" chính là đưa ra thông tin gian dối, từ đó chuyển hóa thành tội phạm.
Về việc luật sư cho rằng bị cáo Ca không phạm tội nhiều lần, VKS đối đáp, quá trình điều tra vụ án cho thấy khi cháu Đước bị bắt, vợ chồng Đước đã đến nhờ Ca chạy án và được Ca nhận lời. Sau đó phát sinh vấn đề nhận tiền, bị cáo gian dối ngay từ đầu.
Theo thông báo từ chủ tọa, một số cơ quan nơi ông Ca từng công tác như Công an TP Hải Phòng, Hội Luật gia TP Hải Phòng… gửi đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo.
Chính quyền địa phương nơi ông Ca sinh sống như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thủy Nguyên, xã Kênh Giang… cũng có đơn xin giảm nhẹ cho ông Đỗ Hữu Ca.
Đáng chú ý, chủ tọa cho biết trước khi phiên xét xử diễn ra, "có rất đông người dân đi ô tô đến tòa gửi đơn xin giảm nhẹ cho ông Đỗ Hữu Ca".
Theo nội dung đơn của Hội Luật gia TP Hải Phòng gửi đến tòa, ông Đỗ Hữu Ca từng có hơn 2 nhiệm kỳ làm phó chủ tịch hội này. Ông có nhiều đóng góp cho hoạt động và công tác phát triển hội, được nhiều bằng khen của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, bằng khen của UBND TP Hải Phòng.
Đánh giá về vụ án này Ts. Ls. Đặng Văn Cường cho rằng: Đơn xin giảm nhẹ hình phạt của các cơ quan tổ chức không phải là người bị hại thì không phải là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, tuy nhiên cũng là căn cứ để đánh giá yếu tố nhân thân của người phạm tội, là một trong các căn cứ để quyết định hình phạt.
TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Vpls Chính Pháp
Khi giải quyết vụ án hình sự thì có hai vấn đề lớn mà hội đồng xét xử sẽ phải giải quyết đó là vấn đề tội danh và hình phạt. Bị cáo có phạm tội hay không, phạm tội gì, áp dụng khung khoản điều luật nào để giải quyết là vấn đề quan trọng đầu tiên, là yêu cầu nhiệm vụ của hội đồng xét xử trong việc giải quyết vụ án hình sự. Vấn đề tiếp theo là trong trường hợp bị cáo có tội rồi thì áp dụng loại hình phạt nào, mức hình phạt ra sao cho phù hợp vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, vừa thể hiện sự khoan hồng nhân đạo, có tính chất giáo dục đối với bị cáo cũng như để phòng ngừa chung cho xã hội.
Chính sách xét xử hình sự đối với tội phạm về tham nhũng và chức vụ hiện nay thể hiện là kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố khoan hồng và nghiêm trị. Theo đó, sẽ khoan hồng đối với người phạm tội biết ăn năn hối cải, vai trò thứ yếu giúp sức trong đồng phạm, không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi không đáng kể. Sẽ khoan hồng với người phạm tội với lỗi vô ý, phạm tội theo sự chỉ đạo, ép buộc của cấp trên... Đồng thời cũng sẽ nghiêm trị đối với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, ngoan cố chống đối, không nhận thức được sai lầm của mình...
Cụ thể, Điều 3 Bộ luật hình sự quy định:
"Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;".
"Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.".
"Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra;".
"Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, thì có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức hoặc gia đình giám sát, giáo dục;...".
Chính sách xét xử hình sự hiện nay là phải kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố khoan hồng và nghiêm trị để thể hiện tính nhân đạo của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, đồng thời thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Bản chất của hình phạt là hướng đến cải tạo giáo dục người phạm tội để họ nhận thức được sai lầm của mình, có cơ hội sửa chữa sai lầm để trở thành người tốt, sống có ích cho xã hội. Hình phạt cũng phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, là cái giá phải trả cho hành vi nguy hiểm cho xã hội, là biểu hiện của sự răn đe giáo dục đối với người phạm tội và để phòng ngừa chung cho xã hội.
Với số tiền chiếm đoạt của nạn nhân đặc biệt lớn như vậy thì tòa án xét xử bị cáo thấp nhất 12 năm tù, cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân là đúng pháp luật, đúng với khung khoản mà điều luật có quy định. Khoản 4, Điều 174 bộ luật hình sự quy định hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên thì hình phạt ở khung cao nhất là từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Về nguyên tắc thì khi kết tội bị cáo Tòa án phải quyết định hình phạt trong khung hình phạt mà điều luật đã quy định. Tòa án chỉ được xét xử trong khung giao động mà điều luật đã dự liệu, được lựa chọn loại hình phạt và mức hình phạt trong khung đó, không thấp hơn và cũng không cao hơn khung đã giới hạn. Tuy nhiên, bộ luật hình sự cũng quy định có những trường hợp tòa án có thể áp dụng hình phạt dưới khung hình phạt mà điều luật có quy định.
Theo đó, Bộ luật hình sự quy định, trong trường hợp người phạm tội có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên (các tình tiết giảm nhẹ đây là một trong các tình tiết được quy định tại điều 51 BLHS) thì tòa án có thể xét xử dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang khung hình phạt liền kề nhẹ hơn.
Cụ thể, Điều 54 Bộ luật hình sự quy định như sau: "1. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
2. Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể.".
Như vậy, trong trường hợp có đủ căn cứ để kết tội với ông Ca thì tòa án sẽ xét xử thấp nhất là 12 năm tù đối với ông này theo khoản 4, Điều 174 Bộ luật hình sự, cũng có thể áp dụng mức cao là 20 năm tù hoặc tù chung thân tùy thuộc vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và đánh giá của hội đồng xét xử.
Tuy nhiên, tòa án cũng có thể căn cứ vào khoản 1, khoản 2, Điều 54 bộ luật hình sự để xét xử ông Ca dưới khung hình phạt, có thể áp dụng mức hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù theo khoản 3, Điều 174 BLHS. Do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ một mình bị cáo thực hiện nên hình phạt thấp nhất cũng được dưới 07 năm tù. Trong vụ án này viện kiểm sát đề nghị tòa án áp dụng điều 54 BLHS để xét xử bị cáo dưới khung hình phạt (dưới 12 năm tù) và đề nghị mức hình phạt từ 10 năm đến 11 năm tù tôi cho là có căn cứ pháp luật và đã thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Ngoài quy định của Bộ luật hình sự về loại hình phạt, mức hình phạt trong khung, quy định về chuyển khung hình phạt thì Bộ luật hình sự cũng quy định căn cứ quyết định hình phạt còn căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Đối với bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, trước khi phạm tội bị cáo luôn chấp hành tốt pháp luật, có nhiều thành tích trong học tập công tác, gia đình có công với cách mạng thì đây cũng là những tình tiết giảm nhẹ đáng kể khi tòa án xem xét quyết định hình phạt đối với bị cáo. Đối với ông Đỗ Hữu Ca, cơ quan tiến hành tố tụng xác định ông này có nhiều thành tích trong học tập, công tác, được tặng nhiều huân chương, huy chương, lập được nhiều thành tích trong quá trình công tác khi còn trong lực lượng Công an nhân dân, bản thân mang quân hàm thiếu tướng công an, nguyên giám đốc công an thành phố Hải Phòng, gia đình có công với cách mạng nên được áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Đây là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đáng kể khi tòa án lượng hình. Đối với những người từng là "quan chức" phạm tội thì khi xét xử tòa án sẽ làm rõ yếu tố nhân thân và yếu tố hành vi, cân đối giữa công và tội để có mức hình phạt phù hợp.
Căn cứ áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần ?
Một điều đáng chú ý trong vụ án này là có áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần hay không là yếu tố quan trọng để xác định có áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo này hay không. Trong trường hợp bị cáo và người bị hại có thỏa thuận cụ thể về tổng số tiền sẽ đưa cho bị cáo để chạy án thì có thể xác định là phạm tội một lần. Trong trường hợp nếu hai bên không có thoả thuận cụ thể về tổng số tiền, các số tiền liên tục phát sinh trong quá trình thỏa thuận (35 tỷ đồng) thì mỗi lần đưa tiền với những lý do và mục đích khác nhau thì đó là một lần phạm tội, khi đó áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần để tăng mức hình phạt đối với bị cáo là có căn cứ. Việc xác định bị cáo phạm tội một lần hay nhiều lần phụ thuộc vào ý chí của bị cáo, phụ thuộc vào hành vi của từng lần có thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm hay không.
Bị cáo có đủ điều kiện được hưởng án treo hay không ?
Trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng xác định có rất nhiều cơ quan tổ chức cá nhân có đơn xin giảm hình phạt cho bị cáo Đỗ Hữu Ca. Những đơn này không phải của người bị hại thì không phải là tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên những đơn thư này cũng cho thấy sự tin yêu, quý trọng của các đồng nghiệp, nhân dân đối với bị cáo này, là yếu tố để xem xét đánh giá về nhân thân của bị cáo, trong đó nhân thân cũng là một trong các yếu tố quyết định đến hình phạt.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng có thể đề nghị áp dụng án treo đối với bị cáo là không có căn cứ. Theo quy định của pháp luật thì bị cáo này phải bị áp dụng hình phạt thấp nhất là 12 năm tù, cao nhất là tù chung thân. Nếu áp dụng điều 54 bộ luật hình sự để chuyển khung hình phạt thì mất thấp nhất cũng 07 năm tù, không đủ điều kiện để được hưởng án treo.
Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật hình sự và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao ( Nghị quyết số 01/2022/ NQ-HĐTP) thì chỉ toà án cho hưởng án treo nếu bị cáo bị áp dụng hình phạt không quá 03 năm tù và có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, có nhân thân tốt, có nơi cư trú rõ ràng và có khả năng tự cải tạo...
Trong vụ án này không hình phạt áp dụng thấp nhất sau khi đã chuyển khung rồi cũng đến 07 năm tù, số tiền bị cáo chiếm đoạt được xác định là đặc biệt lớn và thái độ khai báo tại phiên tòa chưa thực sự thành thật, bởi vậy không có cơ sở nào có thể xét xử bị cáo dưới 07 năm tù. Mức cao nhất mà tòa án có thể áp dụng (vẫn đúng luật) là 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Trong quá trình tranh luận tại phiên tòa thì đại diện viện kiểm sát, bị cáo và các luật sư bào chữa đều có quyền đưa ra quan điểm lập luận của mình, có quyền đề nghị mức hình phạt để hội đồng xét xử xem xét. Tuy nhiên quyết định cuối cùng về việc bị cáo có phạm tội hay không, phạm tội gì và hình phạt ra sao sẽ do Hội đồng xét xử quyết định theo đa số sau khi nghị án. Các ý kiến quan điểm đưa ra không có căn cứ, không phù hợp với quy định pháp luật thì hội đồng xét xử có thể sẽ không chấp nhận.
Đây là vụ án có tính chất phức tạp, có nhiều tình tiết cần phải được làm sáng tỏ trong phần tranh luận và nghị án. Bởi vậy việc quyết định cuối cùng về việc bị cáo có phạm tội hay không, tội gì và áp dụng khung hình phạt nào để có mức hình phạt phù hợp sẽ do hội đồng xét xử quyết định. Vụ án này sẽ là bài học rất lớn đối với bản thân các bị cáo cũng như đối với những người có chức vụ quyền hạn, những người có nhiều mối quan hệ trong xã hội. Chỉ vì nể nang, vì lòng tham, hoặc có thể là do suy nghĩ chưa tới, ý thức coi thường pháp luật mà có thể đẩy mình vào tỉnh họ uống nguy hiểm, trở thành tội phạm và phải đối mặt với chế tài rất nghiêm khắc của pháp luật. _____________________________________
Biết con dâu vi phạm luật giao thông đường bộ, thay vì chấp hành thì người mẹ chồng lại có hành vi chống đối, ngăn cản Tổ công tác của Đội CSGT Công an huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đang làm nhiệm vụ. Dù bị khống chế nhưng người này vẫn văng nhiều từ ngữ dung tục, khó nghe.
Do đòi tiền phí, người giao hàng bị vợ chồng người nhận hàng sử dụng hung khí là tuýp sắt, bình hoa, ghế… đánh gãy hai tay. Chuyên gia pháp lý cho biết, vụ việc này đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.
Chuyên gia pháp lý nhận định, đây là một vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thể hiện thái độ coi thường pháp luật, xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác.
Hoạt động hành nghề mê tín dị đoan gây ra nhiều hệ lụy, tiêu cực cho xã hội khiến nhiều người tan cửa, nát nhà, gia đình ly tán. Do vậy, việc đấu tranh với các hoạt động mê tín dị đoan đồng bóng, bói toán là cần thiết để xã hội văn minh hơn, phát triển lành mạnh hơn