Ngày 16/3, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an thành phố Hà Nội) đã bắt giữ 4 đối tượng để điều tra về hành vi cướp tài sản.
Các đối tượng gồm Đặng Lưu Gia Vũ, Cao Nguyễn Hồng Thái, Phùng Cẩm Đào và Lê Thanh Tùng (cùng SN 2009 cùng ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).
Trước đó, trên mạng xã hội đăng tải đoạn video ghi lại hình ảnh một người dân đi đường bị nhóm 4 thanh niên điều khiển xe máy chặn lại tại đường Lê Lợi (Hà Đông) đêm 14 rạng sáng 15/3.
Điều đáng nói, các đối tượng mang theo phóng lợn, đe dọa, thậm chí đâm chém về phía nạn nhân...
Theo dõi sự việc trên, tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, giảng viên Luật hình sự Trường Đại học Thuỷ Lợi cho rằng: Những gì thể hiện qua clip cho thấy các đối tượng này rất manh động, ý thức coi thường pháp luật và đe dọa đến tính mạng của nạn nhân. Hành vi dùng vũ lực uy hiếp tinh thần của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi cướp tài sản, đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội bởi vậy việc cơ quan điều tra làm rõ sự việc, đồng thời bắt giữ xử lý các đối tượng này là cần thiết.
Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng thì đến nay cơ quan điều tra công an thành phố Hà Nội đã bắt giữ cả 06 đối tượng này, các đối tượng này ở độ tuổi từ 16 tuổi đến 20 tuổi, đều trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Các đối tượng này đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và hành vi phạm tội là rất rõ ràng nên cơ quan điều tra sẽ hoàn thiện hồ sơ để khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với các đối tượng này về tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 bộ luật hình sự.
Vụ việc ghi lại trong camera an ninh được xác định xảy ra vào lúc 0h47' ngày 14/3 trên phố Lê Lợi, thuộc phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông.
6 đối tượng thiếu niên từ 16-20 tuổi, cùng trú phường Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) đã lần lượt sa lưới. Qua điều tra ban đầu, lực lượng chức năng xác định nhóm này hoạt động hết sức manh động. Chúng sử dụng 2 xe máy, cầm hung khí là 2 tuýp sắt hàn dao phóng lợn đi trên các tuyến phố vắng người, với mục đích cướp tài sản.
Với phương thức này, nhóm đối tượng đã thực hiện 4 vụ cướp tài sản của người đi đường vào ban đêm trên địa bàn Hà Nội, tại các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng và Hà Đông. Hiện, vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Có thể thấy rằng hành vi phạm tội của các đối tượng này là có tổ chức và rất manh động. Đặc biệt là hung khí của các đối tượng có tính sát thương cao, hoạt động theo kiểu bầy đàn, ở độ tuổi dễ bị kích động nên gây mất an ninh trật tự an toàn xã hội. Hành vi được xác định là phạm tội nhiều lần nên các đối tượng này sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.
Dưới góc độ pháp lý thì hành vi cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần của nạn nhân làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi cướp tài sản không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu hợp pháp tài sản của công dân mà còn đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Hành vi cướp tài sản liên một lúc xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ trong đó có tính mạng, sức khỏe của công dân và quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân.
Trong trường hợp hành vi dùng vũ lực để cướp tài sản gây ra thương tích cho nạn nhân hoặc khiến nạn nhân tử vong thì đối tượng phạm tội sẽ bị xử lý ở các khung hình phạt tăng nặng, có mức hình phạt cao hơn.
Nếu trường hợp có hai hành vi độc lập (giết người, cướp tài sản hoặc cố ý gây thương tích, cướp tài sản) đều với lỗi cố ý, hành vi phạm tội là độc lập thì có thể bị xử lý về nhiều tội danh, trong đó có thể xử lý về tội giết người nếu hậu quả khiến nạn nhân tử vong hoặc hành vi có thể dẫn đến hậu quả chết người.
Trong vụ việc này, hành vi của các đối tượng là sử dụng vũ lực để uy hiếp tinh thần của nạn nhân, mục đích là để chiếm đoạt tài sản nên hành vi này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của một tội danh là tội cướp tài sản được quy định tại điều 168 bộ luật hình sự. Tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 168. Tội cướp tài sản
1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;
c) Làm chết người;
d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Trong vụ việc này, cơ quan điều tra đã xác định các đối tượng này phạm tội nhiều lần và có thể có được xác định là phạm tội có tổ chức, sử dụng vũ khí, phương tiện, thủ đoạn nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên hình phạt của các đối tượng này ít nhất là từ 07 năm đến 15 năm tù theo khoản 2, Điều 168 BLHS.
Theo quy định của pháp luật thì tội cướp tài sản có cấu thành hình thức, chỉ cần đối tượng thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc với mục đích để chiếm đoạt tài sản là cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào việc đối tượng đã chiếm đoạt được tài sản hay chưa. Theo đó, pháp luật cũng không đòi hỏi hậu quả xảy ra nên dù số tiền rất nhỏ chỉ "vài chục" theo yêu cầu của các đối tượng thì hành vi này vẫn phạm tội.
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và tình tiết định khung hình phạt sẽ phụ thuộc vào các hành vi như phương thức thủ đoạn, hung khí nguy hiểm; phạm tội có tổ chức; phạm tội nhiều lần và đặc biệt là với tổng số tiền đã chiếm đoạt là bao nhiêu sẽ là những yếu tố để xác định khung khoản điều luật áp dụng khi xử lý với các đối tượng này. Mức hình phạt cao nhất của tội danh này là đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Trước đây theo quy định của bộ luật hình sự 1999 thì tội cướp tài sản có mức hình phạt cao nhất là tử hình, tuy nhiên khi sửa đổi bộ luật hình sự 2015 thì Hình phạt tử hình đã được bỏ ra khỏi tội danh này. Trong trường hợp đối tượng vừa cướp tài sản vừa giết người thì có thể áp dụng hình phạt tử hình ở tội giết người.
Trong vụ việc này, một số đối tượng là người dưới 18 tuổi phạm tội nên được áp dụng chính sách về người dưới 18 tuổi phạm tội, theo đó hình phạt sẽ bằng ¾ mức hình phạt đối với những người đã thành niên. Còn những người từ 18 tuổi trở lên thì không hạn chế bởi việc áp dụng pháp luật nên sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc.
Thời gian qua xuất hiện không ít các nhóm đối tượng thanh thiếu niên có sử dụng hung khí nguy hiểm gây rối trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích nơi công cộng, thậm chí giết người. Với độ tuổi bồng bột như vậy, lại tụ tập đông người có không khí thì rất dễ bị kích động, bị lôi kéo và từ những hành vi gây rối trật tự công cộng rất dễ nảy sinh các hành vi tiếp theo là cố ý gây thương tích, giết người, cướp tài sản... Bởi vậy, những đối tượng bỏ học, nêu lổng, đàn đúm với đám bạn xấu thường xuyên tụ tập gây rối đánh nhau thì kết cục là vướng vào vòng lao lý với những tội danh như cướp tài sản, cố ý gây thương tích, giết người, gây rối trật tự công cộng là điều khó tránh.
Thời gian qua xảy ra không ít các vụ việc thanh thiếu niên gây mất an ninh trật tự và gây ra những vụ án xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy việc cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp tuần tra kiểm soát kịp thời phát hiện xử lý các nhóm đối tượng này là cần thiết để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt là địa bàn thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn thì tình trạng này diễn ra khá phổ biến nên đòi hỏi cơ quan chức năng phải tăng cường hơn nữa, quyết liệt hơn nữa đối với đấu tranh với các nhóm tội phạm này. Vụ việc này sẽ làm bài học cho các bậc phụ huynh làm cha làm mẹ trong việc quản lý, giáo dục con cái. Những vụ việc như thế này có một phần lỗi của gia đình, của các bậc phụ huynh khi thiếu quan tâm giáo dục con cái hoặc quá nuông chiều khiến các con dựa vào thế mà sẵn sàng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Điện thoại/Zalo: 0977999896