Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Nghỉ hè, cha mẹ "giao con" cho điện thoại, internet quản lý sẽ tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro cho trẻ em ?
06/06/2023
icon-zalo
Nghỉ hè, cha mẹ "giao con" cho điện thoại, internet quản lý sẽ tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro cho trẻ em?
 
Hiện nay học sinh cả nước đang bước vào kỳ nghỉ hè kéo dài 2 - 3 tháng, đây là thời gian bổ ích đối với nhiều học sinh, sinh viên. Tuy nhiên đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở thì nguy cơ tai nạn, rủi ro sẽ cao hơn khi việc quản lý học sinh chủ yếu do cha mẹ thực hiện. Nếu cha mẹ nào không có nhiều thời gian, không có chương trình hè cụ thể cho các con, ít quan tâm thì các con cũng dễ gặp nguy hiểm, rủi ro khi cha mẹ bỏ mặc, phó thác con cái trên môi trường mạng cũng như "thả rông" các con trong đời sống xã hội. Không ít những vụ việc tai nạn thương tâm, hoặc những sự cố đau lòng đã xảy ra trong giai đoạn thời gian nghỉ hè đối với học sinh khi thiếu sự quan tâm của cha mẹ cũng như của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trong việc bảo vệ trẻ em. 

Nhiều thông tin độc hại mà trẻ em sử dụng mạng xã hộikhó lường đến hậu quả gây ra

 
Việt Nam hiện có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm khoảng 25% dân số cả nước. Trong đó, 2/3 các em được tiếp cận các thiết bị kết nối Internet.
Ngày nay, cha mẹ trang bị hoặc cho trẻ em sử dụng thiết bị di động từ rất sớm. Khảo sát cho thấy 82% trẻ em 12-13 tuổi sử dụng Internet, con số này ở trẻ 14-15 tuổi là 93%. Tuy nhiên, các em lại không đủ kỹ năng bảo vệ bản thân trên không gian này", ông Trần Đăng Khoa - Phó cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Khảo sát Tiếng nói trẻ em Việt Nam cho thấy các em thường sử dụng Internet để học tập (83%), giải trí (71%), kết bạn (71%), chia sẻ thông tin (23%), mua sắm (30%) và phát trực tiếp (6,3%).

Theo ThS Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững - cho biết trong thế giới mạng, trẻ em có thể gặp phải bất kỳ rủi ro nào. Theo thống kê năm 2020, 40% trẻ em cảm thấy không an toàn khi sử dụng Internet.

Hơn 70% trẻ em từng có trải nghiệm không mong muốn như bị lộ thông tin cá nhân, bị nhắn tin quấy rối, bị bắt nạt trên mạng... Năm 2020, 124 trẻ em (22%) từng trải qua việc bị xâm hại tình dục trực tuyến.

Tuy nhiên, theo khảo sát do Google thực hiện năm 2022, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sử dụng điện thoại di động là 9 tuổi, sớm hơn so với trẻ em thế giới 4 năm (13 tuổi). Trong khi đó, theo như đánh giá, ở tuổi 13, trẻ em Việt mới được tiếp cận hướng dẫn về an toàn trên không gian mạng.

Trẻ em Việt Nam có nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng

 Nếu như khoảng vài chục năm trước đây trước đây, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, hoạt động của con người chưa lệ thuộc nhiều vào công nghệ thì những kỳ nghỉ hè của học sinh là khoảng thời gian vui chơi lành mạnh, các bậc phụ huynh không phải lo ngại nhiều về con em mình. Tuy nhiên ngày nay, thời gian nghỉ hè của học sinh lại là thời gian khiến nhiều bậc phụ huynh phải đau đầu, thậm chí lo lắng bởi rất nhiều nguy cơ mất an toàn tiềm ẩn, trẻ em có nguy cơ tiếp cận với mạng internet nhiều hơn và kèm theo đó là nguy cơ tác động tiêu cực từ môi trường mạng đến trẻ em cũng nhiều hơn. 

Trong năm học thì phần lớn thời gian học sinh ở trường, dưới sự quản lý giáo dục của các thầy cô giáo, cha mẹ chỉ tiếp xúc với con vào buổi tối, ngoài giờ làm việc. Tuy nhiên khi các con được nghỉ học, đặc biệt là với trẻ em tiểu học và THCS thì cha mẹ phải quản lý bảo vệ, chăm sóc con mình "toàn thời gian". Trong khi đó không phải phụ huynh nào cũng có thời gian để làm việc này, đa phần các phụ huynh vẫn phải đi làm nên câu chuyện trông con, quản con là câu chuyện khá nan giải đối với nhiều người. Nhiều người đã chọn giải pháp là "nhờ" vào công nghệ, giao điện thoại, tivi cho con để xem, chơi game trong thời gian cha mẹ làm việc nhà hoặc đi làm. Chuyện cha mẹ nhờ mạng internet kết nối và các thiết bị thông minh để "trông con" theo kiểu phó mặc như vậy tìm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho trẻ em. Khi trẻ em sử dụng điện thoại có kết nối internet để chơi game hoặc truy cập vào các trang mạng để giải trí thì rất dễ tiếp cận đến những thông tin xấu độc, trong đó không loại trừ những thông tin bạo lực, dâm ô, đồi trụy, lừa đảo, bắt nạt, lạm dụng tình dục trên không gian mạng. Ngoài ra, việc sử dụng điện thoại thời gian liên tục kéo dài cũng có thể ảnh hưởng đến thị lực, đến sức khỏe và tâm lý của trẻ em, nhiều trẻ em có thể mắc chứng tự kỷ khi giao tiếp một chiều với mạng internet một thời gian quá dài. Nhiều trẻ em khi tiếp cận với internet quá sớm và thiếu sự kiểm soát của cha mẹ đã khiến đứa trẻ bị tác động tiêu cực đến tâm lý và nhân cách, tiếp cận với những thông tin và văn hóa độc hại trên không gian mạng gây ảnh hưởng lâu dài đến đời sống tâm lý sức khỏe của trẻ. Nhiều trường hợp trẻ em bị dụ dỗ, bị bắt cóc hoặc nghe theo những đối tượng xấu để thực hiện những hành vi gây hại cho bản thân và cho những người khác. Nhiều bậc phụ huynh sai lầm khi nghĩ rằng cứ quản lý con trong nhà, đưa cho cái điện thoại là an toàn mà không hình dung được là những đứa trẻ ra ngoài, vận động thể chất đôi khi sẽ an toàn hơn là những đứa trẻ đóng cửa phòng để tự do lên mạng internet. 

Dạy trẻ cách sử dụng internet an toàn - Ảnh 1.

Phụ huynh cần hướng dẫn con em cách khai thác thông tin trên mạng hiệu quả. (Trong ảnh: Một nhóm học sinh tiểu học quận Ninh Kiều đang tham gia học môn Toán nâng cao trên mạng internet). Ảnh: Khánh Tường

Bởi vậy, giai đoạn nghỉ hè của học sinh tiểu học và Trung học cơ sở là giai đoạn các bậc phụ huynh phải hết sức quan tâm, có kế hoạch để quản lý, chăm sóc, giáo dục các con sao cho lành mạnh, an toàn, tránh tình trạng cha mẹ "mất con" ngay khi còn đang ở trong nhà khóa cửa. 

 Với sự phát triển của công nghệ thông tin và chuyển đổi số như thời gian hiện nay thì chỉ cần một thiết bị thông minh có kết nối internet là con người có thể giao lưu trên toàn cầu, tiếp cận rất nhiều thông tin, tri thức mới mẻ. Những mặt tích cực của mạng internet mang lại cho đời sống là không thể phủ nhận, góp phần phát triển xã hội loài người lên một tầm cao mới. Tuy nhiên mặt trái của mạng internet, Những thông tin xấu độc trên không gian mạng cũng tràn lan, có thể tác động tiêu cực đến người dùng, đặc biệt đối tượng là trẻ em. 

Với trẻ em thì những thông tin không phù hợp trên mạng internet sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức và quá trình hình thành nhân cách. Ngoài ra, việc sử dụng mạng internet thường xuyên, liên tục cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ em, nhiều trường hợp trầm trọng phải nhập viện, thậm chí có thể ảnh hưởng lâu dài đến đời sống, tương lai của trẻ. 

Trẻ em là nhóm đối tượng chưa đủ nhận thức và kỹ năng bảo vệ bản thân khỏi rủi ro trên không gian mạng. Ảnh: Viooptical.

Theo thống kê của các chuyên gia về sức khỏe, chuyên gia tâm lý cũng như những nhà nghiên cứu về trẻ em cho thấy có rất nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đối với trẻ em khi lạm dụng mạng internet, cha mẹ thiếu kiểm soát khi còn sử dụng mạng internet trong đó có thể kể đến như:

  • Mạng internet gây "nghiện" cho trẻ em: câu chuyện những đứa trẻ nghiện game dẫn đến bỏ học, bỏ nhà, dẫn đến sự nhận thức và nhân cách lịch lạc không còn là chuyện đơn lẻ. Trẻ em sử dụng mạng internet quá nhiều, đặc biệt là các trò chơi trực tuyến khiến trẻ kích thích não bộ, nhiều trẻ nghiện các trò chơi game trên mạng internet dẫn đến ảnh hưởng đến kết quả học tập và thời gian hoạt động thể chất, hiện tượng nghiện game đã khiến những đứa trẻ dành nhiều thời gian hơn trên mạng internet, ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe trong thời gian lâu dài.
  • Sử dụng mạng internet quá nhiều có thể ảnh hưởng đến ý thức, nhận thức: thông tin trên mạng internet rất đa dạng, phong phú, việc tìm kiếm các thông tin trên mạng internet rất dễ dàng chỉ bằng vài cái kích chuột. Chính vì vậy khi tra cứu tìm kiếm thông tin, tiếp cận đối với những thông tin trên mạng internet khiến cho người dùng không cần động não, với trẻ em thì có thể tạo ra thói quen lười suy nghĩ, lệ thuộc vào thông tin trên mạng internet dẫn đến lười học, lười suy nghĩ, thậm chí dẫn đến những hành vi gian lận trong thi cử. Thậm chí hiện nay trên mạng internet có rất nhiều các bài văn mẫu, các bài toán và các môn khoa học khác có nội dung giải bày sẵn, trẻ em có thể sử dụng mạng internet để chép bài dẫn đến kết quả học tập sa sút, ảnh hưởng đến nhận thức và năng lực học tập.
  • Trẻ em có thể bị lừa đảo trên không gian mạng: những thông tin giả mạo trên không gian mạng rất dễ xuất hiện và hiện nay đang tràn lan, nhiều đối tượng đã mạo danh người khác hoặc đưa ra những thông tin gian dối giả mạo để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Không ít những trẻ em cũng trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo trên không gian mạng, trẻ em bị dụ dỗ nên đã chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo, bị dụ dỗ, bị đe dọa dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, tâm lý.
  • Trẻ em thường xuyên bị bắt nạt trên không gian mạng: khi thiếu sự quản lý của cha mẹ, trẻ em tự do tiếp xúc với không gian mạng, rất dễ trở thành nạn nhân của các vụ việc bắt nạt, xúc phạm, đèn tỏa trên không gian mạng. Đặc biệt là khi trẻ em tham gia vào các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, zalo... Thì khả năng kết bạn, kết nối rất nhanh chóng, đi kèm với đó là nguy cơ bị bắt nạt, bị đe dọa và những mâu thuẫn xung đột rất dễ xảy ra. Hiện nay không ít những vụ việc nghiêm trọng ngoài xã hội xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội dẫn đến trẻ em tìm gặp nhau để giải quyết mâu thuẫn hoặc sử dụng mạng internet làm công cụ để tấn công lẫn nhau ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý và sức khỏe của các em;
  • Trẻ em bị quấy rối tình dục, bị lạm dụng tình dục trên mạng internet: đối với những trẻ em ở độ tuổi dậy thì, tò mò về giới tính và bản thân và tham gia vào các nền tảng mạng xã hội, thiếu sự kiểm soát của cha mẹ thì rất dễ tiếp cận những thông tin dâm ô, đồi trụy. Đặc biệt là khi trẻ em tham gia vào các nền tảng mạng xã hội, kết bạn với những đối tượng xấu thì rất dễ có thể bị đánh cắp thông tin, bị dụ dỗ để quay clip nhạy cảm, chụp ảnh khỏa thân rồi bị các đối tượng xấu Sử dụng các hình ảnh, thông tin đó để đăng lên các trang Web đen hoặc sử dụng để đe dọa cưỡng đoạt tài sản, cưỡng dâm đối với nạn nhân, hậu quả là rất nghiêm trọng. 
  • xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng

    5% trẻ em được khảo sát cho biết từng bị comment nhạy cảm. Ảnh: M.H

  • Thông tin bị rò rỉ: khi trẻ em tham gia các hoạt động trên mạng xã hội thì các thông tin về cá nhân rất dễ bị rò rỉ, việc lộ thông tin cá nhân của trẻ em có thể dẫn đến những mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với trẻ em và cha mẹ. Đặc biệt là khi trẻ em truy cập vào các trang website độc hại thì có thể dẫn đến thiết bị nhiễm virút, bị đánh cắp thông tin, phụ huynh có thể bị mất tài sản.
  • Lạm dụng internet sẽ khiến trẻ em bị ảnh hưởng đến sức khỏe: khi trẻ em sử dụng internet thường xuyên liên tục thì có thể ảnh hưởng đến xương sống bởi việc sử dụng internet có thể kéo dài trong một tư thế, dẫn đến những đứa trẻ có thể bị vẹo cuộc sống. Việc sử dụng internet kéo dài liên tục sẽ ảnh hưởng đến thị giác, nhiều trẻ em bị cận thị, loạn thị và các bệnh về mắt chỉ vì sử dụng mạng internet quá nhiều. Sử dụng mạng internet thường xuyên đến mức nghiện có thể ảnh hưởng đến tâm thần, khả năng kiểm soát cảm xúc. Với đặc điểm gây nghiện của các trò chơi game thì trẻ em sử dụng internet sẽ lười vận động thể chất, dễ dẫn đến béo phì, suy giảm sức khỏe và ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần. Kiểm soát trẻ em trên mạng internet không chỉ ở thời điểm học sinh nghỉ hè mà đây là trách nhiệm thường xuyên, liên tục của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên trong giai đoạn học sinh nghỉ hè thì việc kiểm soát trẻ em càng phải được đề cao hơn. 

Thời gian học sinh nghỉ hè luôn là thời gian "đau đầu" với các bậc phụ huynh, không chỉ ở thành thị mà cả ở các vùng nông thôn khi không phải cha mẹ nào cũng có thời gian điều kiện để quản lý chăm sóc con cái trong khoảng thời gian nghỉ hè.

Trẻ cần được hướng dẫn kiến thức, kỹ năng để khai thác thông tin mạng an toàn
(Ảnh minh họa)

Ở các vùng nông thôn thì khi nghỉ hè, nhiều bậc phụ huynh không kiểm soát được con dẫn đến trẻ em bị tai nạn, đuối nước thương tâm, đó là câu chuyện xảy ra khá nhiều, đáng lo ngại trong những năm gần đây. Còn ở thành phố, thì thời gian nghỉ hè cha mẹ thường kiểm soát con bằng cách nhốt con ở nhà và cho sử dụng điện thoại, máy tính kết nối internet nên những nguy cơ tai nạn, những rủi ro đối với trẻ em cũng vẫn xảy ra theo một cách khác hơn.

Để kiểm soát tốt con trong thời điểm nghỉ hè thì các bậc phụ huynh cần phải dành thêm thời gian vào công tác quản lý, giáo dục con cái. Cần phải lên kế hoạch hè cho các con sao cho các con có thời gian vui chơi, kết hợp với học tập và các hoạt động thể chất. 

Thời gian nghỉ hè cho các con học võ, học bơi phải học múa hoặc các môn thể thao là rất phù hợp, vừa tránh được việc các con ở nhà xem ti vi, sử dụng điện thoại vừa tăng cường hoạt động thể chất cho các con;

Thời gian nghỉ hè là thời gian giảm tải việc học tập cho các con, tuy nhiên thời gian rảnh rỗi này cũng khiến các con có nhiều thời gian hơn để truy cập internet, chính vì vậy cha mẹ cũng cần tăng cường các biện pháp quản lý, giáo dục để kiểm soát thời gian cũng như nội dung các con sử dụng internet sao cho phù hợp. Khi kiểm soát tốt con gái trên môi trường mạng thì sẽ phát huy các mặt tích cực của mạng internet, hạn chế những tiêu cực về sức khỏe, về trí tuệ, về tinh thần của các con. 

Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm không của riêng ai, đây là trách nhiệm của toàn xã hội mà trước tiên là thuộc về các bậc phụ huynh, các cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể có chức năng nhiệm vụ bảo vệ trẻ em. Bởi vậy, nếu chỉ các bậc phụ huynh tự đề ra các cách thức để quản lý, giáo dục, bảo vệ con mình trong những ngày hè là chưa đủ mà rất cần có sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương. Thời gian qua không ít những địa phương đã có những chương trình, kế hoạch vui chơi dịp hè cho trẻ em, nhiều địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho trẻ em vui chơi giải trí trong dịp hè. Thậm chí có địa phương đã đầu tư cải tạo cả một cái ao rộng để cho trẻ em và nhân dân trong làng tập bơi, vui chơi trong dịp hè... Đó là những hoạt động rất tích cực thiết thực. rất cần có sự vào cuộc chung tay của các cấp chính quyền và của các cơ quan tổ chức chức năng. 

Ước tính có 94.000 trẻ em bị bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng  - Ảnh 4.

Hội thảo công bố Nghiên cứu "Ngăn chặn hành vi gây tổn hại - Bằng chứng về bóc lột và xâm hại tình dục trẻ em trên không gian mạng” . Ảnh: LH

Bảo vệ trẻ em nói chung phải bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng và đặc biệt là vào thời điểm nghỉ hè là trách nhiệm của nhiều cơ quan tổ chức cá nhân và cần có sự chung tay của cả cộng đồng. Bởi vậy trước tiên thì việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về Quyền trẻ em, giáo dục về các kỹ năng sống của trẻ em để trẻ em có thể thoát hiểm khi hỏa hoạn, đuối nước và giáo dục các kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân trên không gian mạng ở giai đoạn nghỉ hè là rất cần thiết. 

Ngoài ra các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương cũng cần phải có những chương trình kế hoạch để tạo ra những sân chơi bổ ích, những hoạt động thiết thực trong dịp hè để thu hút trẻ em tham gia hoạt động thể chất, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao lành mạnh góp phần phát triển thể chất, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của trẻ em, đảm bảo an toàn cho trẻ em trong những dịp nghỉ hè. Chỉ khi nào các bậc phụ huynh dành thời gian, có trách nhiệm trong việc quan tâm, chăm sóc, bảo vệ trẻ em và các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương nâng cao trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ trẻ em thì trẻ em mới được bảo vệ một cách tốt nhất, an toàn nhất, có điều kiện để phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần và các điều kiện học tập. 

_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường
Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407
Chỉ đường: https://maps.app.goo.gl/z74qwrXD3XNhToC98?g_st=ic

 

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896