Logo

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ CHÍNH PHÁP

Nghi án cậu ruột hành hạ cháu bé 13 tuổi tử vong: Tội danh nào có thể được áp dụng ?
10/06/2023
icon-zalo
Nghi ngờ cháu trộm tiền, Nguyễn Xuân Tân (SN 1996, trú phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã trói và không cho ăn uống khiến cháu trai mình tử vong.

Ngày 10/6, Công an TP Hạ Long cho biết đã tạm giữ hình sự Nguyễn Xuân Tân về hành vi giữ người trái pháp luật.

Cậu ruột bạo hành bé 13 tuổi đến tử vong ở Quảng Ninh - 1

Nguyễn Xuân Tân bị tạm giữ. Ảnh: Công an tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó khoảng 20h15 ngày 4/6, Công an TP Hạ Long nhận được thông tin Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận và cấp cứu cháu N.T.A (SN 2010, trú huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) trong tình trạng ngừng tuần hoàn ngoại viện chưa rõ nguyên nhân, hai bàn tay bầm tím. Đến 22h cùng ngày, cháu T.A tử vong.

Đánh giá về vụ việc này, tiến sĩ luật Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: Với những thông tin ban đầu như vậy thì hành vi của người cậu cháu bé có dấu hiệu tội phạm, bởi vậy cơ quan điều tra tiến hành tạm giữ hình sự để xem xét làm rõ xử lý là có căn cứ.

Luật sư Đặng Văn Cường (bên trái) tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại toà
Luật sư Đặng Văn Cường (bên trái) tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (ảnh tư liệu)

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng thì bé trai 13 tuổi là cháu gọi Tân bằng cậu ruột, khi cháu bé đến nhà Tân chơi vào giữa tháng 5, nghi cháu trộm tiền và điện thoại của bạn mình, Tân dùng dây thừng trói hai tay cháu bé vào song sắt cửa sổ phòng trọ. Tân dùng cành cây đánh vào chân và không cho cháu ăn uống. Việc bạo hành này đã khiến bé trai tử vong. 

Với thông tin như vậy thì có thể thấy cháu bé đã bị giữ trái pháp luật và bị xâm phạm đến tính mạng. Với thông tin như vậy thì việc cơ quan điều tra tạm giữ và hành vi giữ người trái pháp luật đối với người đàn ông này là có căn cứ và có thể khởi tố về tội giữ người trái pháp luật và tội giết người hoặc tội vô ý làm chết người theo quy định của bộ luật hình sự tùy thuộc vào hành vi và mức độ nhận thức của đối tượng gây án. 

Cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của người làm chứng và lời khai của nghi phạm để xác định nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của người đàn ông này và đặc biệt là xác định nguyên nhân cháu bé tử vong để làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật. 

Trường hợp có căn cứ cho thấy người này đã sát hại cháu bé, nguyên nhân cháu bé chết là do hành vi đánh đập thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố về tội giết người theo điều 123 bộ luật hình sự. Về mặt lý luận thì Tội giết người có lỗi cố ý (có thể là cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), người thực hiện hành vi dẫn đến nạn nhân tử vong (giết người) nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra hoặc mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Bởi vậy cơ quan điều tra sẽ làm rõ, nguyên nhân cháu bé tử vong có phải do hành vi trực tiếp của người đàn ông này gây ra hay không, nếu hành vi của người đàn ông này dẫn đến hậu quả cháu bé tử vong, giữa hành vi và hậu quả có mối quan hệ nhân quả, đồng thời người đàn ông này nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra thì sẽ xử lý cái này về tội giết người theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự với chế tài là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Còn trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được lỗi cố ý (nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi) nhưng có căn cứ cho thấy hành vi của người đàn ông này gián tiếp dẫn đến cháu bé tử vong. Kết quả xác minh cho thấy người này đã không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến nạn nhân tử vong nên đã cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm cho cháu bé dẫn đến cháu bé tử vong thì người này sẽ bị xử lý hình sự về tội vô ý làm chết người theo quy định tại Điều 128 bộ luật hình sự, với mức hình phạt có thể tới 05 năm tù hoặc tội hành hạ người khác theo khoản 3, Điều 157 BLHS. Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:

"Điều 128. Tội vô ý làm chết người

1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.".

Tội vô ý làm chết người có thể được áp dụng độc lập nếu như hành vi này không được xác định là tình tiết định khung của tội bắt giữ người trái pháp luật theo khoản 3, Điều 157 BLHS.

Trường hợp có hai hành vi vi phạm pháp luật là vô ý làm chết người và giữ người trái pháp luật thì cơ quan chức năng cũng sẽ xử lý đối tượng này cả về hai hành vi vi phạm pháp luật nhưng có thể xử lý trong một tội danh là Tội bắt giữ người trái pháp luật theo khoản 3, điều 157 bộ luật hình sự.

Tội giữ người trái pháp luật theo quy định tại Điều 157 Bộ luật hình sự, cụ thể như sau: 

Điều 157.  Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật 

1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 153 và Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với người đang thi hành công vụ;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
đ) Đối với 02 người trở lên;
e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
g) Làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;
b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục nhân phẩm của người bị bắt, giữ, giam;
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bắt, giữ, giam người trái pháp luật và tội "ghép" bao gồm nhiều hành vi khác nhau đều bị xử lý về cùng một tội danh này đó là hành vi "bắt người trái pháp luật", "giữ người trái pháp luật" và "giam gửi trái pháp luật". Những hành vi này xâm phạm đến quyền tự do thân thể, tự do đi lại, tự do cư trú của công dân được hiến pháp và pháp luật ghi nhận. Với hành vi phạm tội với trẻ em thì người thực hiện hành vi sẽ phải đối mặt với hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù theo khoản 2, Điều 157 BLHS. Còn đối với trường hợp người bị giữ trái pháp luật dẫn đến bị tử vong thì  người vi phạm cũng có thể bị xử lý theo khoản 3, Điều 157 bộ luật hình sự với mức hình phạt tới 12 năm tù, tình tiết "phạm tội với trẻ em" có thể sẽ được áp dụng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Điều 52 BLHS. 

Với thông tin ban đầu như vậy thì hành vi của người đàn ông này có dấu hiệu xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ, trong đó có quyền tự do thân thể, tự do đi lại, tự do cư trú của công dân và xâm phạm đến tính mạng của công dân (là trẻ em), hành vi này là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền trẻ em, dẫn đến trẻ em thiệt mạng nên cơ quan điều tra sẽ làm rõ tính chất nguy hiểm của hành vi, xác định nhận thức của người đàn ông này, đánh giá hậu quả đã gây ra với nạn nhân và xã hội để xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. 

Với thông tin như vậy, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ, rất có thể người đàn ông này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với nhiều tội danh trong đó có tội giữ người trái pháp luật và tội giết người theo quy định của bộ luật hình sự tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm của hành vi và nhận thức của người đàn ông này về hành vi của mình.

Trường hợp không chứng minh được hành vi giết người thì có thể xử lý đối tượng này với tội danh là Tội bắt giữ người trái pháp luật với tình tiết định khung hình phạt là làm nạn nhân tử vong ("làm người bị bắt, giữ chết") theo khoản 3, Điều 157 bộ luật hình sự với mức hình phạt là phạt tù từ 05 năm đến 12 năm tù: 

"3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm người bị bắt, giữ, giam chết hoặc tự sát;".

Trường hợp bị xử lý về tội giết người thì tổng hợp hình phạt sẽ là mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình. Còn trường hợp bị xử lý về tội giữ người trái pháp luật thì hình phạt tới 12 năm tù.  Hành vi vô ý làm chết một người mà áp dụng là tình tiết "định tội" thì hình phạt cao nhất đến 05 năm tù, còn hành vi này mà được áp dụng là tình tiết "định khung" trong tội bắt giữ giam người trái pháp luật thì hình phạt tới 12 năm tù. Bởi vậy, nếu không đủ căn cứ xử lý về tội giết người thì sẽ xử lý về tội giữ người sẽ phạm luật với tình tiết định khung là vô ý làm chết người (làm người bị giữ chết) với mức hình phạt cao nhất tới 12 năm tù. 

Đây là một vụ việc rất đau lòng khi cháu bé 13 tuổi bị hành hạ dẫn đến tử vong. Hành vi này cho thấy, hiện nay còn rất nhiều người vẫn có ý thức coi thường pháp luật, coi thường tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của trẻ em, vi phạm luật trẻ em gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ sớm làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Vụ việc cũng cho thấy trẻ em có nguy cơ bị bạo hành, bị xâm hại, thậm chí bị sát hại bất kỳ lúc nào, với bất kỳ ai. Kể cả những người thân thích như cha mẹ, ông bà, cô dì chú bác cũng có thể trở thành đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của trẻ em. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em là trách nhiệm không chỉ của cha mẹ , của các cơ quan chức năng mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Khi mỗi người nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ trẻ em, trẻ em được giáo dục đầy đủ về Quyền trẻ em, có kĩ năng để thoát khỏi những tình huống bị bạo hành, xâm hại sẽ là giảm bớt được những vụ việc đau lòng như thế này.

_____________________________________

Ts. Ls. Đặng Văn Cường

Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội.
Địa chỉ: 65B phố Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại/Zalo: 0977999896 - 02437327407

  

Ảnh 01
Ảnh 02
Ảnh 03

Gọi trực tiếp gặp Luật sư tư vấn hoặc để lại yêu cầu của Quý khách

Tất cả thông tin Quý khách cung cấp, đều được bảo mật tuyệt đối bởi đội ngũ nhân sự Văn phòng luật sư Chính Pháp

Gọi trực tiếp gặp Luật sư 0977 999 896