Ô tô mở cửa khiến 2 người thương vong: Trách nhiệm thuộc về ai?
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, trường hợp mở cửa ô tô không đúng cách gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì người mở cửa xe ô tô có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức hình phạt cao nhất tới 15 năm tù.
Ngày 8/5, lãnh đạo UBND thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết, cơ quan chức năng đang xác minh, điều tra vụ người ngồi trên xe taxi mở cửa gây tai nạn khiến 2 người thương vong.
Theo lãnh đạo UBND thị trấn Đại Nghĩa, khoảng 15h30 ngày 6/5, chiếc taxi 4 chỗ dừng ở phố Tế Tiêu để trả khách. Lúc này, người ngồi trên xe mở cửa bất ngờ khiến xe máy phía sau tông vào cửa ô tô, 2 người đi xe máy ngã ra đường.
Đúng lúc này, một ô tô 4 chỗ khác đi tới, cán lên một phụ nữ khiến nạn nhân tử vong ở bệnh viện, người còn lại bị thương.
"Công an huyện Mỹ Đức đã tạm giữ 2 tài xế liên quan để lấy lời khai, điều tra vụ việc", lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức thông tin thêm.
Sau khi thông tin này được đăng tải, một số bạn đọc gửi câu hỏi về Báo Giao thông thắc mắc, nếu mở cửa xe ô tô không đảm bảo an toàn thì sẽ bị xử lý thế nào?
Trả lời nội dung này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho biết, Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định việc mở cửa xe chưa vậy có đảm bảo quy tắc an toàn hay không để xem xét trách nhiệm pháp lý của người mở cửa xe trong tình huống này.
Trường hợp kết quả xác minh cho thấy người mở cửa xe ô tô trong tình huống này đã không tuân thủ quy tắc an toàn, gây hậu quả vụ tai nạn nghiêm trọng thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can để xử lý người vi phạm về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Điều luật này quy định xử lý vi phạm đối với người điều khiển phương tiện và người ngồi trên phương tiện, gọi chung là người tham gia giao thông chứ không chỉ riêng đối với người điều khiển phương tiện giao thông như bộ luật hình sự 1999 trước đây. Bởi vậy mọi chủ thể khi tham gia giao thông, kể cả không phải là người điều khiển phương tiện nhưng vi phạm quy tắc an toàn, gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý, trong đó có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Mở cửa xe ô tô là một trong những thao tác cơ bản của người điều khiển phương tiện cũng như người tham gia giao thông bằng xe ô tô trên đường bộ. Việc mở cửa không đúng cách, không tuân thủ quy tắc an toàn có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác và người mở cửa không đúng cách phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo quy định tại điểm đ, khoản 3, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ thì người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn. Theo đó, để mở cửa xe an toàn người tham gia giao thông cần chú ý: Khi mở cửa, người ngồi trên xe cần quan sát kỹ phía trước và phía sau bằng mắt thường và qua gương chiếu hậu; Mở cửa một cách từ từ, người ra đến đâu cửa mở ra đến đó chứ không mở hết cửa.
Nếu người nào không tuân thủ quy tắc an toàn theo quy định tại khoản 3, Điều 18 Luật giao thông đường bộ gây ra tai nạn giao thông thì phải chịu trách nhiệm pháp lý, nếu hậu quả chưa nghiêm trọng thì sẽ bị phạt đến 600.000 đồng theo quy định tại khoản 2, Điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Cụ thể điểm g Khoản 2 Điều 5, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP nêu rõ, người điều khiển ôtô mở cửa xe không đảm bảo an toàn sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.
Người vi phạm là người điều khiển phương tiện giao thông trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.
"Trường hợp mở cửa xe ô tô không đúng quy định dẫn đến tai nạn chết người hoặc thương tích cho người khác từ 61 % trở lên hoặc thiệt hại đến tài sản của người khác từ 100.000.000 đồng trở lên thì người mở cửa xe ô tô không đúng cách sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 260 bộ luật hình sự với mức hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Trường hợp gây hậu quả chết 03người trở lên thì hình phạt có thể ở mức cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm tù.”, luật sư Cường nói.
Tiến sĩ Đặng Văn Cường cho biết, Điều 260 quy định, người tham gia giao thông đường bộ vi phạm quy định về an toàn giao thông làm chết người, gây thương tích 1 người từ 61% trở lên, 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương từ 61% đến 121%, gây thiệt hại về tài sản lớn, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Nếu làm chết hoặc bị thương nghiêm trọng cho nhiều người, gây thiệt hại tài sản từ 1,5 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù cao nhất 15 năm.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo ghi nhận của camera thì tình huống trên có yếu tố lỗi hỗn hợp của nhiều phía.
Việc tài xế taxi bất ngờ mở cửa khi dừng đỗ là hành vi không bảo đảm an toàn về giao thông đường bộ khi dừng, đỗ xe.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho người điều khiển xe máy có thể là do xe ô tô khác chạy phía đối diện cán phải.
"Chính vì thế, ở đây cần xét đến yếu tố lỗi hỗn hợp và trách nhiệm hỗn hợp của cả hai phía. Cần phải xét đến việc có hay không trách nhiệm của tài xế điều khiển chiếc xe trực tiếp tông vào người ngồi trên xe máy. Trường hợp có lỗi hỗn hợp thì cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ mức độ lỗi của mỗi bên, làm rõ lỗi của bên nào là nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.", luật sư Cường nói.
Bàn về trách nhiệm của tài xế xe trực tiếp cán vào người đi xe máy, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng nếu tài xế lái ô tô phía đối diện chạy quá tốc độ quy định hoặc có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức quy định khi tham gia giao thông và công an xác định người đi xe máy tử vong là do ô tô này cán lên người thì phải chịu trách nhiệm hình sự cùng với tài xế đã mở cửa ô tô gây tai nạn. Về nguyên tắc thì người tham gia giao thông có lỗi, đó là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn và hậu quả nghiêm trọng thì người có lỗi phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trường hợp cả hai bên đều có lỗi và đều gây ra hậu quả nghiêm trọng thì còn có thể xử lý hình sự cả hai bên.
Lỗi là thái độ của chủ thể đối với hành vi khách quan phải thể hiện mức độ nhận thức và ý chí khi thực hiện hành vi. Căn cứ để xác định lỗi sẽ được xác định trên cơ sở lời khai của các bên liên quan, hướng di chuyển, tốc độ, khả năng quan sát, điểm va chạm tai nạn, căn cứ vào các kết quả giám định của cơ quan chức năng. Trên cơ sở kết quả điều tra xác minh thì cơ quan chức năng sẽ xác định bên nào có lỗi, mức độ lỗi như thế nào và hậu quả gây ra do lỗi của bên nào để xem xét trách nhiệm pháp lý.
"Trong trường hợp tài xế xe ở hướng đối diện chạy đúng quy định, đúng làn đường và làm chủ được tốc độ, thì việc gây tai nạn được xem là trường hợp bất khả kháng, không may xảy ra", Tiến sĩ Cường nói.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, đây không phải lần đầu tiên sự bất cẩn của người mở cửa xe ô tô dẫn đến vụ tai nạn thương tâm. Nhiều vụ mở cửa ô tô bất cẩn dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng và người mở cửa xe ô tô cũng đã phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên tình trạng mở cửa không đúng quy định gây tai nạn giao thông vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Bởi vậy ngoài việc xử lý đối với người vi phạm thì công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết.
“Người điều khiển ô tô, cũng như người ngồi trên ô tô cần phải nắm được các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, phải quan sát kỹ trước khi mở cửa xe ô tô để tránh những sự việc đáng tiếc như trên”, luật sư Cường nói.
Theo Báo Giao thông