Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố 4 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm: Mạc Đăng Thanh (SN 1992, trú tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang Bắc Giang); Nguyễn Thị Thanh Hiếu (SN 1968); Nguyễn Thị Kim Thúy (SN 1973) và Lê Quý Thanh (SN 1968) đều trú tại TP. Hà Nội.
Riêng đối tượng Mạc Đăng Thanh còn bị khởi tố thêm tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ năm 2020 đến nay, đối tượng Mạc Đăng Thanh đã giả danh cán bộ thuộc một Tổng cục của Bộ Quốc phòng và Thanh tra Bộ Quốc phòng rồi được chuyển sang làm Phó Vụ trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng thời, Thanh cũng giả danh là phó giám đốc một công ty để lừa đảo chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng của một số công ty, cá nhân dưới hình thức “chạy xin việc”, “chạy dự án”, “chạy án”.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang tiến hành khám xét khẩn cấp nơi làm việc của đối tượng Mạc Đăng Thanh. |
Các đối tượng Nguyễn Thị Kim Thúy, Lê Quý Thanh và Nguyễn Thị Thanh Hiếu lừa đảo chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng và 15.000 USD với hình thức đưa ra những thông tin mình là nhân viên Ngân hàng Nhà nước nên có mối quan hệ với cán bộ cấp cao của Bộ Tài chính và một số người đầu ngành, có thể vay vốn với lãi suất cho các doanh nghiệp; có thể chạy chức, xin làm chủ đầu tư thi công, xây dựng các dự án.
Thực hiện khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã phát hiện, thu giữ nhiều tang vật có liên quan đến vụ án, trong đó có một số dấu tròn của các công ty, doanh nghiệp, dấu chức danh các loại, biển xanh xe ô tô, giấy chứng nhận Quân đội nhân dân được xác định là giả.
Tang vật thu giữ tại nơi làm việc của đối tượng Mạc Đăng Thanh |
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang còn thu giữ 1 bộ đèn dành cho xe ưu tiên; 2 xe ô tô nhãn hiệu Fortuner; một số tư trang của lực lượng QĐND, laptop, Ipad, CPU máy tính; 14 điện thoại di động các loại; 20 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều giấy tờ, tài liệu khác có liên quan.
Hiện, vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng.
Thủ đoạn phạm tội là tinh vi và hình phạt có thể tới 20 năm tù hoặc tù chung thân ?
Phân tích về vụ án này, Tiến sĩ Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng: Đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, có nhiều đối tượng cùng tham gia, thực hiện hành vi rất tinh vi, liên quan đến nhiều nạn nhân, cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều đối tượng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên vụ án sẽ tiếp tục mở rộng, làm rõ hành vi vai trò của từng đối tượng để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan điều tra thì, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố 4 đối tượng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, gồm: Mạc Đăng Thanh (SN 1992, trú tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang Bắc Giang); Nguyễn Thị Thanh Hiếu (SN 1968); Nguyễn Thị Kim Thúy (SN 1973) và Lê Quý Thanh (SN 1968) đều trú tại TP. Hà Nội. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy các đối tượng đã đưa ra những thông tin gian dối về vị trí công tác, về các mối quan hệ, thậm chí làm giả tài liệu con dấu để gây dựng lòng tin của các nạn nhân, thực hiện các hoạt động chạy dự án, chạy việc để chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định của pháp luật thì người nào bằng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 174 Bộ luật hình sự. Trường hợp hành vi gian dối để chiếm đoạt số tiền từ 500.000.000 đồng trở lên thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Với số tiền chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng như cáo buộc của cơ quan điều tra thì các đối tượng này sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất có mức hình phạt đến 20 năm tù hoặc tù chung thân. Với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực, hưởng lợi lớn thì sẽ phải chịu mức hình phạt nghiêm khắc hơn các đối tượng với vai trò giúp sức, thứ yếu.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nhân thân, lai lịch của các đối tượng này. Sẽ làm rõ các mối quan hệ và những thông tin mà các đối tượng này đã đưa ra để đánh vào lòng tin của những người bị hại. Làm rõ số tiền, tài sản mà các đối tượng này đã nhận của người bị hại và những lời hứa hẹn, những công việc đã triển khai để xem xét làm rõ hành vi phạm tội, đồng thời làm rõ các tình tiết có liên quan của vụ án.
Với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan điều tra sẽ thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh đã có hành vi gian dối khiến nạn nhân tin tưởng rồi trao tài sản cho các đối tượng này. Hành vi gian dối có trước thời điểm đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Sẽ làm rõ số tiền nhận của người bị hại, các đối tượng này đã sử dụng vào việc gì, hiện đang ở đâu.
Đồng thời sẽ mở rộng điều tra làm rõ ngoài các đối tượng đã bị khởi tố thì còn ai giúp sức, xúi giục các bị can thực hiện hành vi phạm tội, còn người khác phạm tội khác hay không.
Ngoài ra cũng sẽ làm rõ tài sản chiếm đoạt được các đối tượng đã cất giấu ở đâu, sử dụng vào việc gì để tiến hành phong tỏa, kê biên, niêm phong thu giữ để đảm bảo thi hành án. Nếu phát hiện ra hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có, hành vi rửa tiền thì cũng xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến những người bị hại đã nhẹ dạ cả tin để tin theo, làm theo những lời hứa hẹn không có căn cứ, gian dối của các đối tượng này để làm rõ nguyên nhân động cơ sự việc, đồng thời để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm.
Đối tượng đã thực hiện hành vi phạm tội mà thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả. Tích cực phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý tội phạm thì sẽ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Đây là vụ án phức tạp, có liên quan đến nhiều người, nhiều nạn nhân, nhiều cơ quan tổ chức. Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo một cách tinh vi, có sự bàn bạc, phối hợp với nhau nên cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ và có thể sẽ mở rộng điều tra để giải quyết triệt để vụ án này.
Mạo danh cán bộ công quyền để lừa đảo: Vì sao chiêu thức cũ nhưng nhiều người vẫn sập bẫy ?
Có thể thấy rằng đây không phải là vụ án đầu tiên mà các đối tượng giả mạo người có chức vụ quyền hạn, giả mạo những vị trí công tác quan trọng trong cơ quan nhà nước để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời gian gần đây các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng cũng thường xuyên mạo danh cơ quan công quyền để đe dọa, lừa đảo đối với nhiều nạn nhân. Điều này cho thấy trong xã hội còn có những tiêu cực, những góc khuất, những mặt trái khiến cho các đối tượng tội phạm lợi dụng. Nhiều người còn nhẹ dạ, cả tin, dễ dàng tin theo những thông tin gian dối mà các đối tượng lừa đảo đưa ra, dễ trở thành nạn nhân khi mức độ nhận thức, hiểu biết xã hội và pháp luật hạn chế...
Ngoài ra, tâm lý chạy chọt, nhờ vả, xin xỏ của nhiều người còn diễn ra. Nhiều người sẵn sàng sử dụng tiền để giải quyết các công việc trong kinh doanh cũng như trong đời sống là điều kiện để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo.
Bởi vậy, ngoài việc xử lý các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì cơ quan chức năng cũng cần tổng kết kinh nghiệm để tuyên truyền phổ biến, thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, tăng cường công tác quản lý xã hội để loại bỏ những nguyên nhân, điều kiện phạm tội, hạn chế những vụ án hình sự tương tự có thể xảy ra.
_____________________________________
Ts. Ls. Đặng Văn Cường