Bị đơn không đến làm việc, liên tục thay đổi người đại diện, giả ốm, cố tình khai báo lung tung, không cung cấp chứng cứ... để kéo dài vụ kiện làm tòa và nguyên đơn mệt mỏi.
Ngày 19/2, TAND quận Tân Bình (TP HCM) mời hai bên nguyên, bị trong vụ bà Linh kiện hãng hàng không VietJet Air đòi bồi thường vì làm mất hành lý đến làm việc.
Tuy nhiên, đại diện VietJet Air không xuất hiện, cũng không có thông tin phản hồi. Cuối cùng tòa phải thông báo cho phía bà Linh ra về để triệu tập phía bị đơn đến làm việc lần sau.
Theo hồ sơ, tháng 2/2013, bà Linh đi trên chuyến bay của VietJet Air từ Đà Nẵng vào TP HCM. Về đến sân bay Tân Sơn Nhất, bà không nhận được vali của mình nên báo nhân viên phụ trách tìm kiếm hành lý thất lạc. Sau đó bà được thông báo không tìm thấy hành lý. Qua điện thoại, phía VietJet Air nói sẽ bồi thường 50.000 đồng một kg hành lý. Bà Linh không chấp nhận nên khởi kiện VietJet Air ra TAND quận Tân Bình đòi bồi thường khoảng 25 triệu đồng...
Trở lại buổi làm việc tại TAND quận Tân Bình nói trên, sau khi phía VietJet Air không đến, phía bà Linh đã bày tỏ sự không hài lòng với thái độ không chấp hành giấy triệu tập của bên bị kiện.
Trong thực tiễn xét xử, việc bị đơn không đến làm việc theo giấy triệu tập như trên không hiếm, làm tòa gặp khó khăn khi giải quyết án. Trong khi đó, phía nguyên đơn cũng bức xúc, nhiều trường hợp đã khiếu nại tòa chậm giải quyết án.
Chẳng hạn, vụ bà Thu nộp đơn kiện ông Huy tại TAND huyện Bến Cầu (Tây Ninh) từ tháng 8/2010 để tranh chấp việc vay nợ. Sau khi thụ lý, tòa đã triệu tập ông Huy nhiều lần nhưng ông không đến làm việc. Tòa tiến hành xác minh tại địa phương thì ông Huy vắng mặt. Cơ sở sản xuất của ông thường xuyên đóng cửa nên không niêm yết được giấy triệu tập. Do vậy TAND huyện Bến Cầu phải tiến hành các bước để đưa ra xét xử vắng mặt theo quy định của pháp luật nhưng vẫn bị bà Thu khiếu nại.
Liên tục thay đổi người đại diện, dọa tự tử
Năm 2012, anh Lý khởi kiện yêu cầu TAND một quận ở TP HCM buộc bà Kim phải trả 200 triệu đồng nợ gốc và lãi theo giấy vay mượn nợ giữa hai bên.
Vụ kiện này đến nay vẫn chưa thể đưa ra xét xử bởi bà Kim luôn viện lý do sức khỏe yếu, bận rộn để không đến tòa làm việc. Thư ký tòa liên lạc thì bà từ chối gặp. Sau đó bà Kim ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng. Khi tòa gọi thì bà yêu cầu làm việc với người đại diện và liên tục thay đổi đến 5 người đại diện.
Năm 2012, TAND quận Hải Châu (TP Đà Nẵng) thụ lý vụ ông Dũng kiện ông Khoa tranh chấp chia tài sản thừa kế. Quá trình tòa làm việc, ông Khoa luôn có thái độ gay gắt với thẩm phán, thư ký tòa. Ông còn lên gặp lãnh đạo tòa khiếu nại rất nhiều chuyện. Khi việc định giá tài sản lần đầu được tiến hành, ông Khoa đã không cho hội đồng định giá vào làm việc, dọa sẽ tự tử khiến buổi định giá phải hoãn. Đến lần định giá tài sản thứ hai, ông không dọa tự tử nữa nhưng khóa cửa bỏ đi khiến việc định giá không thể tiến hành.
Một thẩm phán chuyên xử án dân sự ở TP HCM cho biết một khi bị đơn muốn đối phó thì có đủ các chiêu, từ không đến tòa theo giấy triệu tập, liên tục đổi người đại diện đến giả ốm, biến mất khỏi nơi cư trú, vờ bị bệnh tâm thần... Nhiều vụ bị đơn đổi chỗ ở liên tục nhằm buộc tòa này phải chuyển hồ sơ sang tòa khác thụ lý lại từ đầu. Không ít vụ bị đơn đến tòa nhưng không xuất trình chứng cứ, hoặc chỉ xuất trình những chứng cứ có lợi cho mình, cố tình khai nhiều tình tiết rối tung rối mù.
Những động thái đối phó của phía bị đơn không chỉ làm các cấp tòa mệt mỏi mà còn xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các bên đương sự khác. Nhiều vụ án đã không được giải quyết đúng thời hạn, bị hủy hay xử đi xử lại nhiều lần do tòa không thể thẩm định, định giá tài sản tranh chấp... vì bị đơn bất hợp tác.
Chương 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005 quy định về việc tòa xử lý vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự. Đó là các hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của tòa, cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, vi phạm nội quy phiên tòa, không thi hành quyết định của tòa về việc cung cấp chứng cứ… Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (cũ) và Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành cũng có quy định chung về thẩm quyền xử lý vi phạm của tòa.
Tuy nhiên, chưa có tòa nào ra quyết định phạt hành chính với bất cứ hành vi nào cản trở hoạt động tố tụng dân sự. Bởi lẽ thủ tục, thẩm quyền xử phạt, mức tiền phạt… đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Trong khi đó, pháp lệnh về vấn đề này hiện vẫn còn đang trong giai đoạn dự thảo. Mặt khác, hiện cũng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành Chương 32 hay hướng dẫn thi hành quy định về thẩm quyền xử phạt của tòa trong pháp luật hành chính.
Ngoài ra theo các thẩm phán, việc nhiều, ai cũng có tâm lý chỉ muốn giải quyết án xong đúng quy định. Nếu cảnh cáo, phạt tiền… đối với bị đơn thì sẽ làm gia tăng tính căng thẳng trong vụ án. Họ sẽ tiếp tục thiếu hợp tác làm việc giải quyết án càng khó khăn hơn.
Theo Pháp luật TP HCM
* Tên các nhân vật đã thay đổi